Người

Người "khắc tinh của phỉ" ở cực Bắc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Bước vào tuổi 81 với 62 năm tuổi Đảng, ngoài mức độ thương tật 3/4, chủ một trang trại có giá đến tiền tỷ, những đứa con thành đạt thì người đàn ông dân tộc Tầy này còn được mọi người Cực Bắc Hà Giang ưu ái gọi bằng cái tên: Người “khắc tinh với phỉ”.

Vùng đất nhiễu nhương!

Trong 6 tỉnh biên giới Cao Bắc Lạng, Thái Tuyên Hà (Gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) của chiến địa Việt Bắc xa xưa có lẽ tỉnh ngút ngàn đá Hà Giang ngày xưa là phức tạp nhất. Phức tạp cả về chính trị, binh đao và nội chiến.

Sau Cách Mạng Tháng 8, cùng với cả nước, Hà Giang cũng đã được giải phóng. Thế nhưng do Cách mạng của ta lúc đó còn non trẻ nên thực tế tại mảnh đất này Chính quyền Cách mạng chỉ có quản lý được một số khu vực trung tâm như Thị xã Hà Giang cùng một số huyện vùng thấp như Bắc Quang, Quang Bình và Vị xuyên. Còn các huyện khác như Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần đều do các thổ ty và một bộ phận có thế lực về kinh tế của các tộc người thiểu số thống lĩnh.

Xã hội - Người 'khắc tinh của phỉ' ở cực Bắc
Người khắc tinh với phỉ - Ông Nguyễn Bình Địch.

Hà Giang những lúc này hết sức phức tạp. Phía Bắc, quân Tưởng đang mở rộng thế lực tăng cường chia rẽ đoàn kết dân tộc, thực dân Pháp cũng đang cấp tập thả biệt kích và thám báo xây đồn bốt nhằm củng cố lại địa vị và tiến tới chiến lược lâu dài là "tính sổ" và tiêu diệt chiến khu Việt Bắc.

Quan điểm của chúng, ai nắm giữ được vùng phên dậu này, sẽ chặt đứt được quan hệ, tiếp viện của ta với các quốc gia khác trên đất liền như Trung Quốc và mở rộng ra là Liên Xô (cũ), Ấn Độ và Mông Cổ.

Được sự hà hơi của các thế lực thù địch và phản động, tình hình ở đây càng thêm căng thẳng khi một bộ phận dân tộc thiểu số do bọn nổi loạn cầm đầu đồng loạt nổi dậy, dựng cờ làm phỉ, uy hiếp mọi người theo chúng. Thẳng tay bắn giết dân lành, những người không đi theo chúng và lùng sục bắt, thủ tiêu cán bộ là một trong những trở ngại cho Cách mạng và việc xây dựng chính quyền của ta tại miền biên viễn này.

Với khẩu hiệu "Giết Kinh lấy muối, giết người Tày lấy ruộng, giết người Nùng lấy vải, giết người Hán lấy bạc", thêm nữa, để tranh "thị phần" quản lý với Cách mạng chúng đã ráo riết lùng bắt và tiêu diệt cán bộ do ta cài cắm hoặc đưa vào. Tình hình thực tế lúc này của Hà Giang đã đưa Cách mạng ta vào những tình thế cam go. Muốn giữ vững tình hình, làm chủ hoàn toàn vùng đất phên giậu này thì việc tiễu trừ giặc phỉ đã được đưa lên hàng đầu.

Người được giặc phỉ treo giải 3 tạ muối

Các toán giặc phỉ nổi lên nhiễu nhương ở Hà Giang thời gian tính phải bắt đầu từ những năm 1945 đến tận những năm 1960 của những thập kỷ XX của thế kỷ trước. Và trong thời gian này, vùng đất phía Tây của tỉnh Hà Giang là Xín Mần, Hoàng Su Phì được coi là miền đất của phỉ. Giặc phỉ với số lượng đông đã chiếm giữ từ Nậm Ty sang đến sát huyện Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai.

Hung hãn nhất của phỉ ở đây phải kể đến là cánh quân do Sùng Seo Tả (Còn gọi là Sùng Lao Tả), Tải Seo Sần, Tải Seo Vần, Sành Khuôn dấy binh. Để tiễu trừ những toán quân phỉ này, ngoài những cán bộ như: Hoàng Quyến, Việt Thái (người dưới xuôi), Mai Anh (Lê Thị Minh Cầm) thì Hoàng Bình Địch cũng được điều vào.

Trong lịch sử Đảng bộ tỉnh, trong lịch sử tiễu phỉ của Hà Giang thì ông Địch là người duy nhất còn sống và hay được nhắc đến. Ông Địch vốn là người Tầy, sinh năm 1930 tại thôn Bế Triều, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang. Là người thiểu số, sinh ra trong buổi nhiễu nhương, gia đình hoàn cảnh nên ông chỉ được bố mẹ cho học đến lớp 2. Vì căm ghét giặc phỉ nên ông đã tự nguyện tham gia du kích.

Với dáng người nhỏ thó, bản tính nhanh nhẹn, ông đã liên tiếp ghi được những chiến công. Năm ông 17 tuổi, với những thành tích đạt được ông đã được Huyện đội Bắc Quang đề bạt làm chính trị viên xã đội - một chức danh mà vào thời gian ấy, với tuổi đời như vậy là khá hiếm.

Sau đó vài tháng, với nỗ lực của mình ông đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trước khát vọng của mình mong muốn được chiến đấu để giữ gìn bình an cho vùng đất mới giải phóng, trước sự nhũng nhiễu của giặc phỉ, cùng với cán bộ Trung ương ông đã được điều vào Hoàng Su Phì, vào "cái nôi" bỏng rát nhất của giặc phỉ.

Ông Địch bảo, thời kỳ này Hoàng Su Phì phức tạp hơn bao giờ hết. Giặc phỉ quản lý đến mức một người lạ cũng khó lọt được qua "cổng trời" Nậm Ty để vào với dân. Với chủ trương thuyết phục, tuyên truyền nên không e ngại trước mạng sống của mình, bằng sự nhanh nhẹn của mình ông cũng lọt được vào miền đất dữ.

Với tài thuyết khách của mình, ông Địch đã nhanh chóng cùng đồng đội lôi kéo được nhân dân về với cách mạng. Một thời ông được nhân dân ở đây suy tôn là "người đánh phỉ bằng mồm" là vậy. Với bản lĩnh và việc rảo ngôn nhiều người dân đã không theo phỉ, bỏ súng và về với chính quyền Cách mạng.

Địa bàn hoạt động của phỉ co cụm nên chúng rất căm tức và cái tên Nguyễn Bình Địch đã trở thành cái gai trong mắt chúng. Để lấy lại địa bàn, chúng tổ chức lùng sục ông. Nhưng bằng tài trí lúc nào ông cũng thoát hiểm trước mũi súng của chúng. Không tiêu diệt được ông bằng họng súng của mình, chúng đã "treo giải" với tất cả người dân trong hai huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì là ai bắt hoặc lấy được đầu ông sẽ được trả 3 tạ muối (nên nhớ hàng tạ muối là rất có giá trị).

Xã hội - Người 'khắc tinh của phỉ' ở cực Bắc (Hình 2).
Phiên tòa xét xử tội các của một toán phỉ ở Hà Giang.

Lúc này ở Hà Giang đặc biệt là hai huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì muối đắt hơn cả vàng. Thuốc phiện, bạc trắng lúc ấy mua tại đây rất dễ còn muối thì không phải lúc nào cũng có được. Ông Địch bảo, ông không biết giá muối lúc đó là bao nhiêu nhưng chỉ cần có 2 kg muối trong nhà là người ta có thể sống dư dả trong cả tháng.

Biết "giá" của mình cao vậy, sẽ khối người thèm nhưng nhưng ông tin dân, tin vào khả năng của mình. Không nề hà, ông vẫn đến với dân, vẫn tiếp tục vận động, triển khai công việc. Trong 12 năm loạn lạc giặc phỉ và việc dẹp phỉ yên bình này ông đã để lại mảnh đất dữ này một cánh tay trong lần bắn nhau với phỉ.

Là người sinh ra có nhiều chiến công trong việc dẹp giặc phỉ, nhưng ông không dựa vào đó làm con đường tiến thân cho mình. Từ một người có trình độ lớp 2 trường làng, bằng việc tự học, tự đọc thêm trong những giờ nằm giấu mình trong hang đá ông có trình độ tương đương lớp 7.

Sau đó ông đi học tiếp lớp 10 và được đề bạt làm bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì năm mới 30 tuổi. Đây là một chức danh không mấy dễ có vào lứa tuổi ấy. Lúc nào ông cũng xác định: Mình là người của Đảng, của nhân dân. Đảng và Nhân dân cần gì làm đấy, cốt có lợi cho dân và cho Đảng. Cuộc đời ông đã trải qua các chức danh như: Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ty lâm nghiệp (nay là giám đốc sở) và ông về hưu sau khi đảm nhận giám đốc của một lâm trường.

Cuộc đời không vụ lợi, ông về gia sản duy nhất chỉ là người vợ tần tảo và đàn con đông đến 6 đứa. Sau khi nghỉ hưu, ông về làm trang trại nuôi con cái. Cơ thể chỉ còn 1 cánh tay nhưng ai cũng phải phục tài lao động của ông. Ông đào ao, làm vườn, làm ruộng, đi nương với cường độ lao động mà một người lành lặn cũng khó theo được.

Đức Tuyền