Người khuyết tật từ chối “đặc cách” được miễn thi

Người khuyết tật từ chối “đặc cách” được miễn thi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Năm nay, các thí sinh khuyết tật không phải tham gia kỳ thi ĐH, CĐ như nhiều năm về trước. Nhưng nhiều em vẫn muốn được dự thi một cách nghiêm túc như các bạn thí sinh bình thường!

Bộ miễn, học sinh muốn thi

Năm nay trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy có bổ sung thêm thông tin đáng chú ý. Theo đó, những "thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày: “Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học”.

Cao Thị Hải Yến, một học sinh khuyết thị Trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ: Giữa tuần trước, Yến cầm hồ sơ và tờ đơn xin thi hoặc xét tuyển vào một trường ĐH nhưng cô chỉ nhận được sự từ chối khéo của Ban giám hiệu. Nhà trường yêu cầu cô phải làm đơn trình bày lên Ban giám hiệu và nhiều thủ tục liên quan.

Bố trí tuyển sinh với người khuyết tật là một nỗ lực với nhiều trường Đại Học

Bị từ chối, Yến tìm đến một trường ĐH khác. Đến đây thì cô được chấp nhận cho nộp hồ sơ, hẹn đến 15/4 mang hồ sơ đến nộp. Trường sẽ có những ý kiến tiếp theo. Hiện cô chưa biết sẽ được xét tuyển hay thi.

Yến cũng tỏ ra lo lắng: "Nhà trường không nhận thì tôi cũng không biết làm cách nào. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn muốn được thi vì như thế sẽ thể hiện được khả năng của mình. Khi vào được vào trường ĐH tôi sẽ thấy tự tin hơn".

Sự ưu đãi tùy vào mức độ khuyết tật

Trao đổi với PV về việc xét tuyển các thí sinh khuyết tật, PGS, TS. Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Tất cả các trường ĐH đều phải tuân thủ theo quy định của Bộ và ĐH Quốc gia cũng là một đơn vị luôn quan tâm tạo điều kiện cho những thí sinh khuyết tật.

Năm 2009, một trường hợp học sinh khuyết tật không một trường nào nhận cho thi thì ĐH Quốc gia nhận và tổ chức thi cho học sinh đó ở Vinh. Năm đó kinh phí để mở một phòng thi có 2 máy camera, hai giám thị, hai máy ghi âm và thi đúng theo luật của Nhà nước lên tới 16,5 triệu đồng.

Nhiều thí sinh khuyết tật muốn dự thi một cách nghiêm túc như những thí sinh bình thường

Thí sinh đó thi chữ nổi rồi đọc cho giám thị chép lại. Rất tiếc cậu đó thi xong lại không đỗ”. Ông Nhã cũng thông tin thêm, ĐH Quốc gia gồm nhiều trường thành viên, Ban chỉ đạo tuyển sinh đã giao quyền quyết định cho Chủ tịch hội đồng tuyển sinh (Hiệu trưởng hoặc Hiệu phó - PV) của từng trường toàn quyền quyết định với các thí sinh khuyết tật.

Trường sẽ dựa vào kết quả học tập của học sinh và quyết định xem học sinh đó có thực sự xuất sắc để nhận.Với những ngành đòi hỏi sức khỏe cao như ngành công nghệ Nano, thường xuyên phải ở trong phòng nóng 40 độ C và kêu ù ù suốt thì học sinh khuyết tật không thể chịu đựng được.

Ông Nhã khuyến cáo: "ĐH Quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần trí lực và thể lực nhưng không phải vì thế mà trường không nhận những thí sinh này. Nhưng tôi cũng có lời khuyên: Nếu thí sinh nào có năng lực thực sự thì đăng ký, nếu chỉ là muốn để thử sức thì cũng nên cân nhắc lựa chọn cho mình một cách đi đúng đắn hơn".

Khác với sự cân nhắc cẩn trọng của ĐH Quốc gia, PGS.TS. Hoàng Đình Cúc, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Nhà trường ủng hộ quyết định của Bộ. Tất cả những học sinh khuyết tật muốn tham gia học ở trường, nhà trường đều nhận. Dù có 100 hay 200 học sinh khuyết tật học nhà trường cũng sẽ tiếp nhận".

Trao đổi với PV chiều 30/3/ 2011, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, hiện Bộ đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các mức độ khuyết tật được căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo đó, mỗi mức độ khuyết tật khác nhau sẽ có một sự ưu đãi khác nhau, tạo điều kiện tối đa cho học sinh khuyết tật vào học đại học.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các trường mới chỉ nhận được quy định bổ sung đối tượng người khuyết tật mà chưa có một căn cứ xét tuyển để các trường dựa vào để làm căn cứ xét tuyển vào.

Thành Huế