Người làm trống duy nhất trong lòng phố cổ

Người làm trống duy nhất trong lòng phố cổ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Ông luôn ý thức phải gìn giữ cái tinh túy của nghề, không để sản phẩm thô xấu...

Tôi gặp nghệ nhân Phạm Chí Tịnh trong căn phòng nhỏ tại số 11 phố Hàng Nón, Hà Nội khi ông đang say sưa hướng dẫn người con trai làm trống. Thấy có khách đến, ông hồ hởi khoe: “Năm nay tôi 81 tuổi rồi, nhưng nhờ trời, tôi vẫn còn minh mẫn để dạy các con bí quyết để làm trống”.

Sự kiện - Người làm trống duy nhất trong lòng phố cổ

Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh

81 tuổi vẫn mê nghề làm trống

Nhìn căn phòng nhỏ trên tầng 4 để những chiếc trống mới làm, chưa kịp trưng bày ngoài cửa hàng, mới biết sức dẻo dai và niềm đam mê của ông với nghề làm trống. Ông bảo: “Ở tuổi này rồi, đáng ra sẽ phải nghỉ ngơi, nhưng tôi vẫn “túc tắc” làm nghề để cho con cháu noi gương. Ở nơi phố cổ này, rất ít gia đình bày bán các sản phẩm truyền thống, bởi thời buổi kinh tế thị trường, nhiều gia đình đã nhập các loại hàng Trung Quốc về bán”…

Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh được sinh ra và lớn lên ở làng nghề trống Đọi Tam, Duy Tiên, Hà Nam. Nghề làm trống cổ Đọi Tam đã tồn tại được hơn 1000 năm nay. Ông kể cho tôi nghe cội nguồn của làng nghề truyền thống: Vào khoảng năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng Đọi Tam - Duy Tiên - Hà Nam cày ruộng tịch điền khuyến nông. Lúc bấy giờ, trong làng có hai anh em là Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã ngả cây gỗ mít, làm thịt một con trâu lấy da bưng thành một chiếc trống. Họ mang trống ra dự lễ đón vua, tiếng trống gióng lên rền vang như sấm, vua nghe thấy hay liền khen ngợi. Về sau, hai ông được tôn là Trạng Sấm và nghề trống bắt đầu từ đó.

Làng trống Đọi Tam còn truyền tụng nhau một câu chuyện gõ trống mừng vua. Đó là lần vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Tương truyền khi đoàn thuyền rồng rẽ từ sông Đáy vào sông Châu để thông ra sông Cái (Sông Hồng) đến đoạn uốn lượn ở dưới chân núi Đọi thì dân làng Đọi Tam mang trống ra gõ mừng. Vua lấy làm hài lòng bèn cho một số thợ làng Đọi Tam đi theo về kinh đô Thăng Long làm trống. Rất có thể phố Hàng Trống ở kinh thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội được lập từ thời đó.

Ông Tịnh làm trống cùng cha từ năm 13 tuổi, cũng vào thời gian đó đất nước bị giặc Pháp xâm chiếm. Ông chạy loạn cùng cha mình vào Nghệ An - Hà Tĩnh, vừa đi vừa làm trống cổ để mưu sinh. Sau đó, ông cũng đi khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung để làm nghề sinh sống, và đi đến đâu, ông cũng để lại dấu ấn của làng nghề Đọi Tam. Năm 1955, ông cùng vợ con lên Hà Nội sinh sống mang theo sự hiện diện của trống cổ như một vốn quý không thể thiếu của Hà thành. Ông đã từng mở hiệu làm trống trên các con phố cổ như: Hàng Mành, Hàng Trống, Hàng Hòm… để làm nghề và bày bán các sản phẩm trống truyền thống. Và nghề làm trống này đã ngấm vào máu thịt của ông cho đến tận hôm nay.

Sự kiện - Người làm trống duy nhất trong lòng phố cổ (Hình 2).

Trống bày bán ở nhà nghệ nhân Tịnh

Người làm chiếc trống to nhất Việt Nam

Ông kể, khâu quan trọng nhất để làm ra một chiếc trống đó là chọn gỗ. Gỗ làm trống phải là gỗ mít vì có đặc tính nhẹ, xoắn thớ, khi đóng đinh không bị nứt. Ngoài ra gỗ mít ít co dãn và đàn hồi nên giữ được hình dáng nguyên vẹn của chiếc trống. Tiếng trống đánh ra âm thanh không bị "vỡ". Đặc biệt, gỗ mít có tuổi đời càng cao thì âm thanh của trống càng đanh, vang và có "hồn". Sau đó là chọn loại da trâu thật tốt mới hoàn thành nên chiếc trống.

Tiếng trống gắn liền với văn hóa dân tộc Việt Nam ăn sâu vào đời sống tâm linh của người Việt biết bao đời nay. Cho dù cuộc sống có thay đổi nhưng những chiếc trống vẫn là nơi kết nối tâm hồn người Việt Nam. Trong đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa qua, Hiệp hội làng nghề thành phố Hà Nội đã đặt ông làm chiếc trống có đường kính 2,35m, cao 3,1m, to nhất từ trước đến nay. Với chiếc trống này, ông phải cho thợ đi tìm khắp các vùng mới mua được hai bộ da trâu ở Thái Bình và Tuyên Quang để làm mặt trống, còn tang trống làm bằng gỗ mít phải đặt ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Để làm trống cho kịp tiến độ, ông phải về quê huy động các thợ lành nghề trong làng làm mất 3, 4 tháng mới xong. Sau khi hoàn thành, trống được rước từ Đọi Tam lên Hà Nội, tái hiện lại cảnh Vua Lý Công Uẩn khi dời đô về Thăng Long khi xưa. Hiện nay, chiếc trống vẫn đang được trưng bày tại Hoàng thành để mọi người được chiêm ngưỡng.

Ông cho biết, trên con phố Hàng Nón, hàng ngày có rất nhiều khách nước ngoài đi qua, và họ rất thích thú với các loại trống mà gia đình ông bày bán ở cửa hàng. Nhiều khách nước ngoài qua du lịch, mang theo ảnh các mẫu trống lạ đến đặt làm, khi nhận sản phẩm hoàn thiện, họ đều hài lòng bởi độ khéo tay và sáng tạo của ông. Có người khách Pháp còn đặt ông các loại trống nhỏ để mang về nước làm quà. Hiện nay ông đã có những đơn đặt hàng làm trống đến từ nhiều nước như Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Điển. Ngoài trống, ông còn làm ra những bình rượu hình trống cho các công ty để xuất khẩu.

Ông bảo, trẻ con bây giờ có nhiều đồ chơi hiện đại và tiện dụng, nên chúng không thích chơi trống như ngày xưa nữa. Thời đó, những trẻ em ngoan thường được bố mẹ thưởng cho cái trống ‘ếch” mỗi khi Trung thu về. Hiện nay, chỉ khi có khách đặt, ông mới làm những chiếc trống “ếch”, và mỗi lần giao hàng, ông lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày đất nước còn khốn khó. Cả 4 người con trai đều hiểu tâm tư của ông nên họ cũng đang tiếp nối truyền thống làm nghề của gia đình để tạo nên những tiếng trống dồn vang cho thủ đô Hà Nội.

Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh cho biết, để có thể giữ được nghề làm trống thì người nghệ nhân phải có cái “tâm thật tĩnh”, để không bị dao động trước những biến động của thời cuộc. Người làm nghề không chỉ am hiểu về trống mà còn phải biết làm thế nào để tiếng trống không bị phai nhạt trong đời sống văn hóa. Cũng vì thế ông luôn tự ý thức, gìn giữ cái tinh túy của nghề, không để sản phẩm thô xấu, chất lượng kém xuất hiện tại thị trường... Và có lẽ cũng vì thế mà nhiều người cho rằng, ông đang giữ một phần “hồn” của Hà Nội…

Lạc Thành