Người lính kể chuyện chiến trường bằng thơ và nỗi đau da cam

Người lính kể chuyện chiến trường bằng thơ và nỗi đau da cam

Thứ 2, 22/04/2013 | 08:53
0
Là một trong số ít người may mắn sống sót trong đợt nhập ngũ hơn 600 người tại bến Tích Giang năm nào, ông Nguyễn Văn Chiêu (64 tuổi), xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) trở về với cuộc sống một người nông dân lam lũ.

Tiếng thơ át nỗi đau thời chiến

Sinh hoạt trong hội thơ Làng Quê (xã Tản Lĩnh), ông Nguyễn Văn Chiêu vẫn thường dùng thơ để nói lên tiếng lòng mình. Năm 1968, ông cùng hàng triệu thanh niên đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông nhập ngũ và làm nhiệm vụ tại đơn vị C3- D26 -F7- quân đoàn 4. Đơn vị ông làm nhiệm vụ chính tại chiến trường miền Đông.

Kể về những kỷ niệm thời chiến tranh, ông Chiêu háo hức lắm. Dù đã xuất ngũ về với đời thường mấy mươi năm nhưng trong lòng ông vẫn rạo rực khí thế cách mạng. Ông kể chuyện chiến trường bằng thơ để cùng "ôn cố tri tân" với bạn bè, đồng đội cũ.

Xã hội - Người lính kể chuyện chiến trường bằng thơ và nỗi đau da cam

"Bác sỹ gia đình" của gia đình Tươi

Ông Chiêu vẫn nhớ như in,  tháng 2/1968 ông lên đường nhập ngũ, địa điểm giao quân ở Tích Giang (huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ- PV). Hành quân năm ngày ròng mới đến địa phận Nho Quan (Ninh Bình). Khi ấy, những người lính trẻ đều phải vác trên vai ba lô đầy gạch để rèn luyện sức khoẻ. Ngày 24/4/1968, đơn vị ông Chiêu bắt đầu hành quân vào chiến trường B (miền Nam). Hành quân qua nhiều trạm đến Trường Sơn Đông, vượt qua vùng "đất thép" Quảng Bình và vượt trạm đi thông sang Lào… để làm nhiệm vụ mở đường (trước khi làm báo vụ viên, ông Chiêu làm lính mở đường-PV).

"Những ngày tháng hành quân gian lao, leo núi, trèo đèo; nhìn những dãy núi cao mịt mùng, mùa mưa sấm chớp đùng đùng, có những lúc chúng tôi cảm giác bước đi đếm từng bước chân. Đặc biệt, ở chiến trường Nam Lào làm lính mở đường càng gian khổ khôn lường. Những trận oanh tạc của địch thường xảy ra. Nhưng lúc đó, chúng tôi hừng hực khí thế, tinh thần không hề nao núng. Sau một thời gian mở đường vượt trạm sang Lào, chúng tôi lại được cấp trên điều động ra chiến trường nhận nhiệm vụ", ông Chiêu nhớ lại.

Sau nhiều tháng ròng rã hành quân, khi vào đến miền Nam, ông Chiêu được đơn vị cử đi học tại Lộc Ninh - tỉnh Bình Long (nay là Bình Phước-PV). Vào chiến trường, ông được phân công nhiệm vụ giữ thông tin liên lạc với vai trò là một báo vụ viên. Trong tâm trí của ông, chưa khi nào kí ức thời chiến tranh lại khắc khoải và ăn hằn như lúc này.

Nhớ lại những ngày tháng làm báo vụ viên, ông Chiêu bảo rằng: Đến giờ trong đầu tôi tiếng "tạch, tạch" của những mật mã thông tin vẫn hiển hiện lên".  Theo lời kể của ông Chiêu, công việc của một báo vụ viên đòi hỏi một sự cần mẫn và khả năng ghi nhớ chính xác các thông tin được truyền tải. Lúc đó, trong tâm trí của ông và đồng đội luôn tâm niệm dẫu không có ngày trở về nhưng chí làm trai, xông pha nơi chiến trận thì phải "sống cho ra sống", không thể hổ thẹn với gia đình, bạn bè và ngay cả chính bản thân mình. "Thú thật, những ngày tháng trong quân ngũ, trong đầu chúng tôi chẳng hề nghĩ đến cái gọi là chất độc da cam. Đến khi xuất ngũ, tôi vẫn trộm nghĩ mình là người may mắn rồi. Bao nhiêu đồng đội, đồng hương cùng nhập ngũ với tôi một ngày, những người cùng làm nhiệm vụ ở chiến trường B đã vĩnh viễn không thể quay về với gia đình, làng quê nơi họ chôn rau cắt rốn".

Ông Chiêu nghẹn ngào nói với chúng tôi: "Không thể kể hết mức độ ác liệt của những trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Điều đọng mãi trong tôi là tinh thần dũng cảm vô song của các chiến sĩ ta. Có những đồng chí bị pháo địch bắn dập cả hai chân vẫn chiến đấu, bắn hết viên đạn cuối cùng. Tôi nhớ lắm những đồng đội, có những người mới 18, 20 tuổi, mới tối hôm trước còn cười đùa vô tư như không hề có chiến tranh, vậy mà hôm sau đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Rấët nhiều đồng đội đã không thể cùng tôi đi qua trọn vẹn mùa xuân năm đó. Tôi nhớ như in tên gọi từng người, còn sống, đã chết. Tôi nhớ cả những cơn sốt rét rừng, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh...".

Trở về sau chiến tranh, ông Chiêu cũng không nghĩ rằng mình đang mang trong mình di chứng chất độc màu da cam. Nhưng, theo như lời ông Chiêu nói thì còn sống sót trở về sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt có lẽ cũng là thêm một lần ông được tái sinh. Kể về những năm tháng phục vụ chiến trường, ánh mắt ông Chiêu ánh lên những niềm vui khôn tả che giấu đi tuổi tác, sự nhọc nhằn từng hằn in trên khuôn mặt.

Xã hội - Người lính kể chuyện chiến trường bằng thơ và nỗi đau da cam (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Chiêu đang trò chuyện với PV Người Đưa Tin

Phận mọn của những đứa trẻ

Nói về con, ông Chiêu đan xen nhiều cảm xúc. Bởi với ông, những năm thắng chiến đấu ở đơn vị C3- D26 -F7, quân đoàn 4 phục vụ chiến đấu là những ngày tháng nằm gai nếm mật, trải qua những gang tấc sinh tử. Nhưng, nhớ về thời lính oai hùng ông lại ngẫm tủi cho phận con. Những đứa con không lành lặn, đứa còn ở lại, đứa đã rời bỏ vợ chồng ông ra đi. Cô bé Tươi ngày nào cũng cười vui hớn hở như đứa trẻ lại càng khiến ông đau nỗi đau của con.

Mãi đến năm 2001, khi có đoàn cán bộ của huyện Ba Vì tìm đến nhà ông, khi ấy Tươi mới được lập hồ sơ nhiễm chất độc màu da cam. Một năm sau đó, ông Chiêu cũng được hưởng trợ cấp đối tượng nhiễm chất độc hoá học dioxin. Cả hai bố con ông Chiêu được trợ cấp gần ba triệu đồng (ông Chiêu được trợ cấp 1,8 triệu đồng, Tươi được trợ cấp hơn 1,1 triệu đồng-PV). Tất thảy trang trải trong gia đình, cả tiền chu cấp cho cậu con trai học đại học cũng đều "ngóng" vào đồng trợ cấp ít ỏi này. Giờ cuộc sống của Tươi bị trói chặt bởi chiếc xe lăn, cô không thể tự đi bằng đôi chân của chính mình.

Không chỉ bị di chứng chất độc da cam, Tươi còn bị căn bệnh tim hành hạ. Trước đây ít năm, Tươi đã phải trải qua cuộc phẫu thuật do áp-xe gan. Đau mổ sau dính (tên gọi chuyên ngành y- PV), Tươi thường xuyên bị khó thở, co thắt lồng ngực và phải giảm đau bằng thuốc trợ tim. May thay có một người bạn thân của ông Chiến làm thầy thuốc đã tình nguyện trở thành "bác sĩ gia đình" chăm sóc sức khoẻ và chu cấp toàn bộ thuốc trợ tim cho Tươi.

Cuối cuộc trò chuyện, ông Chiêu nói với chúng tôi, cũng may thay ông sinh hạ được một cậu con trai lành lặn ăn ủi phận tủi của vợ chồng ông. Cậu con trai giờ đang theo học đại học ở dưới Hà Nội. Với ông chỉ còn đau đáu một điều, còn một ngày sống trên cõi đời, ông nguyện bù đắp tất cả để con được sống trong hạnh phúc gia đình.

"Đành nước mắt chảy xuôi thôi"

Ông Chiêu ngậm ngùi: "Khổ thân con bé, ham học nhưng vì sức khoẻ không thể theo học được nên sau ba năm đi học đã  biết đủ mặt chữ, gia đình tôi vận động cháu nghỉ ở nhà để đảm bảo sức khoẻ. Càng lớn, sức khoẻ của con bé càng sa sút. Mỗi năm nhập viện điều trị vài lần, hết bệnh viện Sơn Tây đến viện 105 hay bệnh viện Ba Vì. Cực lắm! Những khi trái gió trở trời, con bé lên cơn đau. Có lúc nó đau như điên, như dại. Nhìn con vật lộn với những cơn đau giằng xé mà cũng đành "nước mắt chảy xuôi" thôi nhà báo ạ!".

Lan Thơm

Cuộc sống người mẹ có 8 con nhiễm chất độc da cam

Thứ 7, 13/04/2013 | 14:29
Người mẹ ấy là bà Đào Thị Kiều (62 tuổi), ngụ tại xã Bình Hòa, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Cầu truyền hình kỷ niệm thảm họa da cam Việt Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Chiều 25/7, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Viêt Nam (VAVA), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang, tập đoàn Tài chính SVA đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “50 năm – Nỗi đau còn đó”.

82 hồ sơ da cam bị ngâm tủ lãnh đạo trong 3 năm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Có 82 bộ hồ sơ xét duyệt công nhận đối tượng bị ảnh hưởng chất độc hóa học vẫn nằm im trong... tủ của xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh mà không được chuyển xuống huyện để xem xét như theo quy định liên tục trong 3 năm trời.

Nỗi đau của cựu binh ba lần mất con vì chất độc da cam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Một gia đình cựu chiến binh đã ba lần phải tiễn những đứa con xấu số về cõi vĩnh hằng vì chất độc da cam/điôxin.