Người mải miết tìm hậu duệ cho cụ Rùa Hồ Gươm

Người mải miết tìm hậu duệ cho cụ Rùa Hồ Gươm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
PGS, TS Hà Đình Đức là nhà giáo ưu tú của khoa Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Nhưng ông lại nổi tiếng là người đầu tiên và gần như duy nhất nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm.

"Giáo sư Rùa" nhiễu sự

Căn nhà của "Giáo sư Rùa" nằm sâu trong một con ngõ nhỏ bên bờ sông Kim Ngưu. Nhà gần phố nhưng khá yên lặng và tĩnh mịch. Trong nhà ông có đến 2 phòng làm việc, một phòng chuyên để chứa sách, phòng còn lại lớn hơn, cũng chứa đầy sách và có thêm một chiếc máy tính. Ông tiếp tôi trong căn phòng thứ hai. Tài liệu và sách vở để chật đầy hai tủ sách lớn và chất thành tầng hai bên.

Cần phải nói rõ thêm, nghiên cứu về rùa không phải là chuyên ngành của ông. Cuộc đời ông rẽ hướng kể từ lần đầu tiên nhìn thấy cụ Rùa nổi trên Hồ Gươm vào năm 1991: "Đúng là tình cờ. Tôi từ Thanh Hóa ra Hà Nội học Đại học từ năm 1959. Mãi đến tháng 3/1991 lần đầu tiên tôi thấy cụ Rùa nổi trên Hồ Gươm và đến tháng 10/1991 Công ty Dịch vụ Khai thác Du lịch thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội mời tôi nghiên cứu Rùa Hồ Gươm nhằm phục vụ khai thác du lịch. Tôi bắt đầu nghiên cứu Rùa Hồ Gươm từ đó và cứ thế cho đến tận hôm nay.

Xã hội - Người mải miết tìm hậu duệ cho cụ Rùa Hồ Gươm

Ngay bản thân tôi cũng không thể lý giải tại sao. Sự gắn bó tôi với cụ Rùa, sau này là Hồ Gươm và văn hóa lịch sử Hồ Gươm như một sợi dây vô hình. Do đó những thay đổi của cụ Rùa và Hồ Gươm tôi đều cảm thấy phải có trách nhiệm lên tiếng. Cho đến hôm nay, mọi người đều nhận thấy công việc tôi làm đều xuất phát từ tấm lòng đối với cụ Rùa, tình yêu Hồ Gươm và Hà Nội, hoàn toàn không vụ lợi".

Chính vì lẽ đó mà người ta hay gọi ông bằng một biệt hiệu thân thương: "Giáo sư Rùa". Nói về biệt danh này, ông chia sẻ: "Người ta gọi tôi với nhiều tên khác nhau. "Giáo sư Rùa", "Đức Rùa" là vì tôi nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm, có người gọi tôi là "người nhiễu sự" vì nhiều việc tôi làm đã gây không ít khó khăn cho các dự án quanh Hồ Gươm.

Năm 1992 -1993, tôi lên tiếng phản đối dự án nạo vét Hồ Gươm. Lúc đó người ta định hút bùn Hồ Gươm bằng cơ giới, đưa máy hút bùn HB 16, cuốc 100.000 m3 bùn ở Hồ Gươm đổ ra sông Hồng rồi bơm nước từ sông Hồng trở lại Hồ Gươm.

Tôi đã gửi Tờ trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nêu rõ: "Công việc này có thể làm xáo trộn môi trường đang sống yên ổn xưa nay của loài rùa quý và có nhiều khả năng đưa chúng tới chỗ diệt vong. Để bảo vệ loài rùa quý này tôi tha thiết đề nghị tạm hoãn công việc nạo vét lòng hồ để tiến hành nghiên cứu về những đặc điểm sinh thái, sinh học của loài rùa cũng như điều kiện sống hiện tại của chúng và có ý kiến chính thức của các chuyên gia động vật học về vấn đề này".

Ông đã lên tiếng và đã thành công, dự án này sau đó đã phải chuyển sang làm thủ công. Và sau này, ông có thêm nhiều lần thành công như thế. Năm 1996 ông ngăn được dự án xây nhà cao tầng ở 16 Lê Thái Tổ và buộc dự án Khách sạn Hà Nội Vàng phải thay đổi thiết kế. Bất kể điều gì làm ảnh hưởng đến hồ Gươm và cụ Rùa đều thấy "Giáo sư Rùa" lên tiếng.

Đó là lý do mà ông còn được gọi "Con trai Thần Rùa" (Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đặt) hay "Đức Rùa". "Tuy các tên gọi khác nhau, nhưng chung quy lại là tôi nghiên cứu về cụ Rùa Hồ Gươm và từ việc nghiên cứu này, tôi quan tâm nhiều đến văn hóa, lịch sử.

Xã hội - Người mải miết tìm hậu duệ cho cụ Rùa Hồ Gươm (Hình 2).

Một góc "kho tư liệu" của PGS.TS Hà Đình Đức

"Rùa hồ Gươm là loài mới cho khoa học thế giới"

Hơn 20 năm nghiên cứu Rùa Hồ Gươm, văn hóa Hồ Gươm, ông có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng với ông, kỷ niệm sâu sắc nhất là đợt cứu chữa thành công cụ Rùa năm 2011. Công luận lúc ấy lên tiếng rất nhiều và người ta không tin vào công việc cứu chữa. Ông giữ vững niềm tin của mình và minh chứng bằng một kết quả rõ ràng, cụ Rùa khỏe mạnh và trở lại Hồ Gươm sau 100 ngày điều trị. Công tác chữa bệnh cho cụ Rùa đã được bình chọn là sự kiện môi trường nổi bật nhất năm 2011 của nước ta.

Tuy nhiên, trong ông vẫn còn hai điều trăn trở chưa thực hiện được cho cụ Rùa. Thứ nhất, chưa có một văn bản luật pháp nào bảo vệ loài rùa Hồ Gươm. Rùa Hồ Gươm không có tên trong Danh sách các loài động vật quý hiếm theo Nghị định về Quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và theo Quyết định về Danh sách các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Theo PGS, TS Hà Đình Đức, ngay cả Sách Đỏ Việt Nam 3 lần xuất bản cũng không có mục Rùa Hồ Gươm. Sách Đỏ Việt Nam xuất bản năm 1992 mục Con Giải (Pelochelys bibronii) có câu: "Về mùa đông con giải ở Hồ Gươm (Hà Nội) đôi khi mò lên mô đất Tháp Rùa để phơi nắng". Sách Đỏ Việt Nam xuất bản năm 2000 cũng chép y nguyên câu trên. Sách Đỏ Việt Nam (2007) lại xếp Rùa Hồ Gươm vào mục Giải Thượng Hải (Rafetus swinhoei). "Giáo sư Rùa" cho biết, rùa Hồ Gươm là loài rùa mới của khoa học với tên gọi do ông đề xuất là Rafetus leloii (rùa Lê Lợi) và loài rùa này cần phải đưa vào danh sách được bảo vệ.

Ông tự hào chia sẻ: "Rùa Hồ Gươm là loài mới cho khoa học thế giới. Rùa Hồ Gươm về mặt hình thái hoàn toàn khác với loài Giải Thượng Hải và loài Rùa Đồng Mô. Tôi đã công bố trên tạp chí Khảo cổ học số 4/2000 đặt tên khoa học là Rafetus leloii. Một lần nữa tôi công bố trong Hội thảo "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Anh hùng - Vì hòa bình" trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".

PGS, TS Hà Đình Đức luôn hết mình vì khoa học và văn hóa dân tộc. Vì thế mà một người trong giới học thuật đã nhận xét về ông: "Ở ông sáng rõ lòng nhiệt huyết say mê của một nhà khoa học, một người thầy, một nhà khoa học lặng lẽ. Kế hoạch cuộc đời ông, sự nghiệp nghiên cứu của ông, thiết nghĩ chỉ gắn với danh xưng dân dã "nhà rùa học", cũng đủ vẻ vang và ghi dấu thành công". Ông tâm sự: "Lớp trẻ bây giờ họ có bản lĩnh, táo bạo và có thời gian, họ hoàn toàn có thể phác thảo cho mình những dự định để đi tới tương lai bằng bước chân tự tin và đầy bứt phá. Đó là cơ sở để đi đến hạnh phúc, khi được làm điều mình thích, được sống với niềm say mê và bản lĩnh của mình".

Ở độ tuổi 72, "Giáo sư Rùa" vẫn hàng ngày đóng góp công sức bảo vệ Hà Nội xanh, dồn tâm sức gìn giữ nét văn hóa riêng có của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ông thể hiện tình yêu Hà Nội một cách cụ thể, thiết thực và đầy trách nhiệm. Công việc của ông vẫn còn tiếp tục, vì ông vẫn còn trăn trở dự án đi tìm hậu duệ cho cụ Rùa Hồ Gươm.

Đầu tháng 10 vừa qua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Hà Nội đã vinh danh PGS, TS Hà Đình Đức là "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2012. Ông được ghi nhận bởi tham gia nhiều lĩnh vực khoa học như là thành viên hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, hội các ngành Sinh học Hà Nội, là nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hà Nội... Đặc biệt ông là người dành thời gian theo dõi, nghiên cứu sớm nhất về rùa Hồ Gươm (có 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm, viết 200 bài về rùa Hồ Gươm). Ông cũng là người nêu ý tưởng xây cột mốc "km 0" tại Hồ Hoàn Kiếm, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất như tôn tạo khu tưởng niệm vua Lê; đề nghị đặt tên Đào Cam Mộc (người có công đầu tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua) cho một đường phố ở Thủ đô.

Thanh Xuân