Lời tòa soạn: Trên khắp các công trường cao tốc Bắc - Nam, không khí thi đua lao động đang được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Phía sau không khí lao động khẩn trương, quyết tâm đưa dự án về đích đúng hẹn là biết bao tâm tư của những lao động trên khắp mọi miền của Tổ quốc, là những câu chuyện chưa ai kể, chưa ai nghe, chưa ai biết. Dịp này, phóng viên Người Đưa Tin đã trực tiếp có mặt trên công trường để ghi nhận tình hình thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Theo đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án), hiện toàn tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 đã hoàn thành trên 80% khối lượng, riêng phần đường chính chỉ còn khoảng 10km cuối tuyến chưa thể hoàn thành do đoạn này vẫn còn 8 vị trí (dài khoảng 1,9km) chưa thể thi công các lớp móng, mặt đường do chờ xử lý nền đất yếu. Trên công trường cao tốc, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đầu mùa khô, cả 5 gói thầu từ XL10 - XL14 đều huy động tối đa thiết bị, máy móc, nhân lực, thi công liên tục để kịp tiến độ thông xe trước ngày 30/4/2023 và hoàn thành toàn dự án trước 30/6/2023.

Ghi nhận của Người Đưa Tin tại công trường, bình quân các gói thầu đều huy động từ 250 - 300 cán bộ kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động, cùng khoảng 200 đầu máy lu, thảm, xe tải... trải dài toàn tuyến dự án để thi công cuốn chiếu. Khắp công trường, tiếng máy móc rầm rập, các tốp công nhân ai vào việc nấy, hăng say thi công từng hạng mục công trình từ thảm bê tông nhựa nóng, lắp hàng rào hộ lan, dải phân cách cứng, gia cố móng đường, mái ta luy hầm, vệ sinh mặt đường...

Ông Ngô Văn Phúc, Trưởng Ban điều hành gói thầu XL10 (nhà thầu Xuân Trường) cho biết, trên toàn gói thầu đang tổ chức 30 mũi thi công, chia 3 ca, 4 kíp liên tục ngày đêm. "Do biến động giá vật liệu nên gói thầu này chúng tôi lỗ khoảng 200 - 300 tỷ đồng theo hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà thầu không tính đến chuyện lời lỗ nữa mà xác định làm vì danh dự. Tất cả vì mục tiêu dự án về đích", ông Phúc chia sẻ.

Gói thầu XL10 cao tốc Mai Sơn - QL45 gồm các hạng mục chính: 14,56 km đường, 6 cầu chính tuyến với tổng chiều dài 588m, 1 hầm dài 245m, 1 cầu vượt nút giao, 1 cầu thuộc phạm vi đường gom, 2 nút giao liên thông, 14 hầm chui dân sinh. Ngoài hạng mục hầm Tam Điệp và khoảng 1km do nhà thầu Sơn Hải đảm nhiệm, các hạng mục còn lại đều do nhà thầu Xuân Trường tổ chức thi công và đang đảm bảo tiến độ cao.

Cũng theo ông Phúc, các đoạn tuyến của gói thầu XL10 đang được nhà thầu Xuân Trường tổ chức thi công cuốn chiếu, kết hợp đồng thời nhiều mũi thi công, mũi này thi công xong hạng mục này các mũi thi công khác sẽ triển khai ngay thi công các hạng mục còn lại nhằm đẩy nhanh tiến độ để về đích đúng hẹn.

Tương tự tại gói thầu XL12 thi công hầm xuyên núi Thung Thi, ông Hoàng Đình Thịnh - Phó Giám đốc điều hành gói thầu chia sẻ, những ngày này, toàn dự án đang vào giai đoạn "chạy nước rút", các nhà thầu đang tập trung dồn lực thi công hầm, khẩn trương hoàn thiện những hạng mục hoàn thiện cuối cùng để chuẩn bị đưa vào vận hành khai thác theo dự kiến.

Hầm Thung Thi là công trình quan trọng, phức tạp nhất của gói thầu XL12 nói riêng, cao tốc Mai Sơn - QL45 nói chung. Theo thiết kế, hầm Thung Thi dài 680m, gồm 2 ống hầm chạy song song, mỗi ống hầm có 3 làn xe cơ giới và 1 làn đi bộ, được bố trí đầy đủ hệ thống chiếu sáng, thông gió. Đến thời điểm này, hầm đã cơ bản được hoàn thiện, nhà thầu đang lắp đặt hệ thống thiết bị chuyên dụng, hệ thống điện, thông gió, phòng cháy chữa cháy...

Đáng chú ý, một trong những tín hiệu tích cực tại dự án này hiện nay là tại gói thầu XL14, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thiện khối lượng đảm nhận thi công cầu Núi Đọ vượt sông Chu, với tổng giá trị xây lắp hơn 685 tỷ đồng, đạt giá trị sản lượng gần 99%. Cầu Núi Đọ dài là cầu lớn và dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông qua Thanh Hoá, gồm 36 nhịp dầm Super T, 3 nhịp đúc hẫng, tổng chiều dài 1.646,9m, thuộc địa phận huyện Thiệu Hóa.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại các gói thầu XL14, khối lượng công việc còn lại khá lớn, đặc biệt là phần đường gom và các đoạn tuyến từ sau nút giao Đông Xuân (Km327+200) đến cuối tuyến (Km337+478) dài 10,28 km, các nhà thầu mới lên đỉnh K95, đang triển khai thi công đắp nền K98 và thảm 1 lớp bêtông nhựa C19 là hoàn thành.

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long rà soát năng lực, yêu cầu các nhà thầu chính chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng đối với phạm vi khối lượng thực hiện đã giao cho nhà thầu phụ. Đại diện Ban QLDA Thăng Long luôn túc trực tại hiện trường để chỉ đạo, đốc thúc các nhà thầu thi công. Đặc biệt, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) còn cắt cử cán bộ trực tiếp ăn ở, làm việc dưới hiện trường để phối hợp với Ban QLDA Thăng Long xử lý ngay các vấn đề phát sinh về kỹ thuật trong quá trình triển khai thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Rời công trường gói thầu XL14 dự án Mai Sơn - QL45, chúng tôi tiếp tục ghi nhận không khí lao động dọc các gói thầu của dự án QL45 – Nghi Sơn.

Cho đến những ngày cuối tháng 11/2022, công trường dự án QL45 - Nghi Sơn vẫn phải hứng những trận mưa kéo dài. “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 100 ngày mưa”, Trung tá Phạm Hữu Từ - Giám đốc điều hành gói thầu xây lắp XL1 (Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) chia sẻ.

Đếm ngược thời gian hoàn thành gói thầu chỉ còn cách khoảng 9 tháng, theo ông Từ, mọi thời điểm thời tiết thuận lợi đều đang được nhà thầu tận dụng tối đa, tập trung nguồn lực bứt tốc các hạng mục cầu, hầm chui, cống hộp.

Bên cạnh đó, ông Từ cũng cho biết thách thức lớn nhất đối với nhà thầu chính là việc phải xử lý nền đất yếu tới quá nửa phạm vi đoạn tuyến đảm nhận với thời gian gia tải trung bình khoảng 320 ngày. “Với sự chủ động về vật liệu, thiết bị, máy móc ngay từ thời gian đầu tiếp cận dự án, tính đến nay, công tác gia tải giai đoạn 1 đã hoàn thành 100% khối lượng. Công tác gia tải giai đoạn 2 sẽ được Binh đoàn 12 hoàn thành, cán đích sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch”, Giám đốc điều hành gói thầu xây lắp XL1 nói.

Ông Từ cũng cho biết thêm, không chỉ rút ngắn thời gian công tác gia tải nền đất yếu, mục tiêu của nhà thầu còn là rút ngắn thời gian hoàn thành từ 1 - 3 tháng so với hợp đồng đối với 1,5 km nền đường thông thường. Đến nay trên đoạn tuyến này, việc thi công lớp K95 đã hoàn thành để bước sang giai đoạn thi công lớp K98.

“Hiểu được áp lực về tiến độ, thi công cầm chừng là điều tuyệt đối không xảy ra với phạm vi công việc Binh đoàn 12 đảm nhận. Bất kỳ lúc nào thời tiết ủng hộ, công địa thuận lợi, nhà thầu đều sẵn sàng tăng ca, tăng kíp, “sáng đèn” thi công đến đêm muộn. Việc thi công 2 ca được thực hiện ngay từ thời điểm đầu triển khai.

Xác định thời gian đưa gói thầu cán đích không còn nhiều, thời điểm hiện tại, Binh đoàn 12 cũng đã chủ động lập lại kế hoạch chi tiết từ tháng 12/2022 đến tháng 8/2023, đề ra thời gian về đích cụ thể của từng hạng mục công trình, tuân thủ đúng các điều khoản, cam kết đã ký tại hợp đồng”, ông Phạm Hữu Từ khẳng định.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Quản lý dự án cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn (Ban QLDA 2) cho hay, dự án thành phần quốc lộ 45-Nghi Sơn có chiều dài hơn 43km, qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, tổng mức đầu tư hơn 5.534 tỷ đồng. Lũy kế sản lượng đến cuối tháng 2/2023 là 1.849,788/3.117,31 tỷ đồng (59,34% giá trị hợp đồng); trong đó, gói XL1 đạt 67,04%; gói XL2 đạt 62,21%, gói XL3 đạt 49,68% giá trị hợp đồng. Lũy kế giải ngân xây lắp đạt 1.925,675 tỷ đồng (61,8% giá trị hợp đồng). Vướng mắc lớn nhất của dự án thời gian qua là mỏ vật liệu trữ lượng thấp, không bảo đảm chất lượng công trình.

Vật liệu đất đắp cần cho dự án hơn 5,5 triệu m3, nhu cầu hiện cần khoảng 1,4 triệu m3; trữ lượng đổ thải của dự án khoảng 1,65 triệu m3, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất địa điểm bãi đổ thải, song thực tế một số vị trí gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá, đường găng tiến độ của Dự án này là 13,6 km nền đất yếu, dự kiến đến hết tháng 4/2023 mới bắt đầu dỡ tải nhưng còn phụ thuộc vào kết quả quan trắc lún.

Trước thực tiễn dự án gặp khó khăn khách quan tại hiện trường, Ban Quản lý dự án 2 đã điều động một Phó giám đốc Ban trực tiếp phụ trách công trường, phối hợp cùng địa phương giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh, hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Năm 2022, dự án được bố trí điều chỉnh vốn gần 950 tỷ đồng.

Xác định các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn nặng nề, hàng loạt các nhà thầu đã tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.

Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải), Ban điều hành dự án cùng các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã đăng ký kế hoạch thi công không ngừng nghỉ, duy trì công tác thi công cả trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

“Tất cả các đơn vị đều bố trí cán bộ, công nhân viên tại hiện trường để đảm bảo công tác quản lý, giám sát, thi công triển khai đúng chất lượng, an toàn, hiệu quả”, ông Long nói đồng thời cho biết nếu nhà thầu không có dấu hiệu tích cực trong công tác chuẩn bị phương tiện, thiết bị khiến thời gian thi công có nguy cơ kéo dài, các Ban Quản lý dự án sẽ có hướng xử lý kịp thời, nhắc nhở hoặc tiếp tục điều chuyển khối lượng nếu nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu

Xác định các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn nặng nề, hàng loạt các nhà thầu đã tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.

Ngoài ra, đại diện Ban điều hành dự án thông tin thêm, một số nhà thầu khác cũng mong muốn đăng ký thi công Tết nhưng vì không đảm bảo được nguồn vật liệu do một số mỏ trên địa bàn Thanh Hóa nghỉ Tết, không khai thác nên không thể triển khai thi công xuyên Tết.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 02/03/2023 | 08:00