Người nguyện đi tới cùng đam mê... mộ táng

Người nguyện đi tới cùng đam mê... mộ táng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Tấm tắc khen di cốt của các bậc tiền nhân cách đây 4000 năm là "đẹp nhất Việt Nam" chắc chỉ có duy nhất “kiểu” của PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Niềm đam mê khoa học của ông gắn liền với những bộ xương cốt, những xác ướp cổ.

“Mộ đẹp nhất Việt Nam”

Lần đầu tiên chúng tôi gặp PGS.TS Nguyễn Lân Cường khi ông đang khai quật mộ táng đất ở khu di chỉ khảo cổ Đình Tràng (Đông Anh - Hà Nội). Trước đó, điện thoại hẹn gặp ông và thăm hiện trường thì nhận được câu trả lời hóm hỉnh: "Để tôi sửa sang cho đẹp rồi nhà báo hãy sang". Đó là một ngày cuối tuần của tháng 7, nắng như trút lửa, nhiệt độ lên tới 40oC. Khu khai quật chỉ che sơ sài mấy mảnh bạt, mục đích bảo vệ di sản nhiều hơn là tránh nắng cho những nhà khoa học và công nhân.

Như không hề biết đến nắng, nóng ông Cường quần xà lỏn, áo may ô, rạp người xuống đất ngắm nghía, tay cầm thanh sắt nhỏ tẩn mẩn nhặt từng hạt cát, tay cầm chổi lông chuốt từng mảnh xương một cách cẩn trọng.

Nhìn những bộ hài cốt, mắt ngời sáng, ông Cường chỉ một ngôi mộ hồ hởi: "Đây là ngôi mộ đẹp. Người chết được chôn theo tư thế nằm ngửa, 2 tay đặt xuôi dọc theo thân, đầu ngoẹo sang phía vai trái. Trên đùi và hông trái có một đồ gốm tùy táng thuộc văn hóa Phùng Nguyên, đã bị vỡ, và rõ ràng có dấu vết người xưa rắc thổ hoàng trên xương chày trái". Ông ngồi xuống, lý giải với tất cả niềm đam mê, những gì gom góp suốt bao năm đi làm khảo cổ... "Cụ này là phụ nữ, khoảng 35 - 40 tuổi, cao 1m55".

Di hài của tiền nhân vẫn còn nguyên từ hộp sọ, xương tay chân, xương sườn... nhưng tôi không có cảm giác sợ như mỗi lần về quê đi cải mộ. Trái lại, tôi cũng ngắm nghía và thấy thú vị bởi những lý giải về văn hóa của các nhà nghiên cứu. Thực chất, sau hàng nghìn năm, di hài của các cụ đã hóa thạch. Tôi có cảm giác mình đang tìm hiểu về một thời kỳ văn hóa xa xưa, những điều chưa biết về tổ tiên đang hiện ra thật gần mà con cháu ngày nay đều muốn khám phá.

Ngắm mãi ngôi mộ này, tôi bất ngờ hỏi ông Cường, liệu cụ này ngày xưa có đẹp không? Ông cười hóm hỉnh, đôi mắt nheo nheo tươi rói đặc trưng của các ông GS - PGS trong đại gia đình Nguyễn Lân: "Cô hỏi tôi cụ này đẹp không thì làm sao tôi biết được"? Chúng tôi nói vui, thời xa xưa mà cao tới 1m55 chắc cũng phải tầm "hoa hậu", ông Cường cười tán thưởng, chắc cũng vậy.

Khen "di hài đẹp, mộ đẹp nhất Việt Nam" có lẽ chỉ có PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Chẳng thế tôi rất ấn tượng khi nhận được danh thiếp của ông. Tôi cứ ngắm nghía mãi. Mê xương như ông Cường thật là hiếm gặp. Bởi vì, trên tấm danh thiếp của ông ngoài các chức danh, nơi làm việc thì góc trang trọng nhất ông dành in chiếc hộp sọ. Lý giải niềm đam mê của mình với những bộ hài cốt, ông nói: "Với mỗi di hài tìm được chúng ta có thể biết được cuộc sống của họ, thậm chí là sự phát triển của xã hội".

Sự kiện - Người nguyện đi tới cùng đam mê... mộ táng

PGS.TS Nguyễn Lân Cường.

Trong câu chuyện miên man về những di hài đoàn khảo cổ phát hiện được, ông Cường còn cho biết: "Tôi đã từng phát hiện bộ xương mà xương tay gãy ngoặt xuống. Điều đó chứng tỏ, người này khi sống đã từng bị gãy tay. Bản chất của xương là tự liền. Do không nẹp cố định thẳng được nên nó đã bị dị tật". Mỗi bộ xương, còn lại với thời gian đều tự nói về chủ nhân của nó khi còn sống qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu. Chẳng thế mà, bao năm nay, ông Cường cứ mê mải với xương cốt của người xưa. Bởi ở đó, ông tìm hiểu được nhiều điều thú vị đã diễn ra cách chúng ta cả ngàn năm và có thể còn lâu hơn nữa.

Đam mê mà vẫn... sợ

PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhớ lại thời trai trẻ, khi mới tham gia khảo cổ học: "Ngày ấy, tôi nghịch lắm, chẳng biết sợ là gì. Một lần đoàn chúng tôi khai quật một mộ xác ướp. Quan, quách được mở ra. Trời ạ, một người đàn bà thuộc dòng quyền quý hiện ra trước mắt. Mọi đồ tùy táng còn nguyên vẹn. Tôi thì quá ấn tượng với bộ ngực của người xưa... bóp".

Đến giờ, ánh mắt ông vẫn tinh nghịch như thuở nào, vừa kể ông vừa đưa tay ra phía trước theo thế... "ếch vồ hoa mướp". Chúng tôi được trận cười, chưa hết ông kể tiếp: "Thầy giáo tôi nhìn thấy động tác của tôi giật giọng hỏi: "Cậu vừa làm gì thế, làm lại xem nào". Tôi hơi sợ, nhưng cũng đưa tay... bóp lại. Đợi tôi thực hiện lại động tác xong, thầy giáo giảng giải: "Cậu thấy chưa. Một xác ướp 300 năm mà độ đàn hồi vẫn tốt. Điều này chứng tỏ chất ướp xác tốt và đáng lưu ý trong công tác nghiên cứu".

Cho đến bây giờ, ông Cường nhẩm tính: "Tôi cũng khai quật đến 800 ngôi mộ cổ có xương cốt. Xác ướp cũng làm nhiều lắm rồi". Công việc của ông gắn liền với chuyện khai quật mộ cổ và chôn cất lại. Ông nói nhỏ chỉ đủ cho người đối diện: "Đến tầm tuổi này tôi cũng thấy sợ lắm rồi. Nhưng muốn thôi cũng không được bởi đâu thấy mộ táng người ta cũng gọi tới tôi".

Là nhà khoa học nhưng khi đi sâu vào nghiên cứu nhân chủng học qua các di hài của người xưa, ông Cường cũng tâm linh lắm. Không tâm linh sao được, khi tiền nhân đang yên nghỉ giấc ngàn thu lại bị hậu thế khai quật lên để làm hiện vật trưng bày hay chỉ đơn giản là nghiên cứu rồi lại chôn cất lại. Ông nói: "Ai hỏi tôi có duy tâm không? tôi khẳng định ngay: “Có”! Ông cho biết, bao giờ trước khi khai quật mộ các cụ ông cũng sửa lễ gồm một mâm đầy đủ rượu, xôi, gà, hoa quả và khấn cẩn thận. Tùy từng trường hợp cụ thể mà ông khấn với tâm nguyện thật của mình.

Theo ông khai quật mộ cổ ở khu Vườn đào để xây dựng khu đô thị Ciputra (Hà Nội), tôi được nghe ông khấn: "Thưa các cụ, nay mai người ta sẽ xây dựng nơi đây thành khu đô thị. Chỗ các cụ yên nghỉ họ xây dựng tòa nhà chèn lên các cụ, cũng có thể họ xây bể - phốt không còn hợp với sự tôn nghiêm nữa. Chính vì thế, con xin phép được chuyển các cụ đến nơi ở mới sạch sẽ hơn, thoáng mát hơn".

Ẩn ý sau câu cửa miệng "sợ lắm" của “nhà... mộ học”

Quan điểm của PGS.TS Nguyễn Lân Cường làm việc đúng với cái tâm của mình. Chỉ như thế ngoài công việc ông mới thấy được sự thư thái. ông vẫn cứ nói luôn miệng là "sợ lắm" nhưng trước khi tôi về ông còn hẹn: "Thời gian tới, nếu xong thủ tục với gia đình tôi sẽ khai quật mộ chồng thứ hai của bà Đoàn Thị Điểm đấy. Lúc đấy, tôi lại "sợ lắm" vì có rất đông người xem. Nếu nhà báo có "hứng thú" tôi alô nhé". Hóa ra, "sợ" với PGS.TS Nguyễn Lân Cường chỉ là một ảo giác hay "sợ" tổn thương đến các cụ. Còn với công việc khảo cổ, nghiên cứu những di hài của tiền nhân với ông vẫn là niềm đam mê lớn.

Khánh Hà - Hương Lan