Người phụ nữ bán vé số nguyện hiến xác cho y học

Người phụ nữ bán vé số nguyện hiến xác cho y học

Chủ nhật, 24/03/2013 | 12:49
0
Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp (43 tuổi, ngụ ấp 4 La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nói một cách vô tư: "Cứu người là bổn phận, trách nhiệm của bất cứ ai, chứ đâu phải riêng tôi".

Bán vé số, gieo tình thương

Chị được mệnh danh là "vác tù và" của nghề bán vé số dạo chạy bữa. Nhiều người sau khi biết ý nghĩ "ngược đời" thì bảo chị không bình thường. Có người còn nói châm biếm rằng "ốc không lo nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu", chạy ăn từng bữa toát mồ hôi lại còn lo chuyện thế sự.

Chị Điệp chỉ thực hiện tâm nguyện một cách âm thầm, vì chị hiểu rằng, chuyện hiến xác cho y học ở những nước phát triển là rất bình thường. Nhưng với những định kiến và truyền thống của người Việt, đặc biệt ở vùng thôn quê xa xôi như nơi chị ở, thì đó thật sự là những cái gì đó mới mẻ, được cho là... phá rào.

Sau hồi tìm kiếm, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được đến nhà chị Điệp. Nằm lẩn khuất dưới tán lá điều rợp bóng trong xóm nhỏ, hôm nay nhà chị Điệp đông người, vì có việc. Chị nhiệt tình mời chúng tôi vào nhà. Hình ảnh trực quan nhất khi bước vào nhà chị là những tấm bằng khen, kỷ niệm chương, huy hiệu trên tường do những tổ chức, đơn vị, chính quyền trao tặng cho những lần chị tham gia hiến máu. Nhà chị Điệp, ngoài những thứ đó ra, không còn gì giá trị hơn. Chẳng thế mà nhiều hôm đi bán vé số từ sáng tới chiều, nhà cứ mở toang mà chẳng có gì để mất.

Trong gian nhà nhỏ, câu chuyện về người phụ nữ dám phá rào định kiến được chị chia sẻ. Số là khoảng hơn chục năm về trước, chị bị ốm một trận thập tử nhất sinh phải vào bệnh viện chữa trị mới giữ được mạng sống. Lúc đang nằm trên giường bệnh, chị tình cờ đọc bài báo viết về hoàn cảnh một gia đình có con nhỏ chết do thiếu máu. Hoàn cảnh bi đát đó đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của chị. Từ đó, ý định hiến máu cứu người hình thành trong suy nghĩ của chị.

Ngày khỏi bệnh, chị quyết định tìm đến bệnh viện hoặc đến trung tâm y tế huyện để hiến máu. Phải chứng kiến những cái chết đau lòng vì thiếu máu, những chuyến đi lại nối tiếp vì máu, chị thấy những giọt máu của mình hữu ích vô cùng.

Xã hội - Người phụ nữ bán vé số nguyện hiến xác cho y học

Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp làm nghề bán vé số nhưng chị đã làm mọi người thán phục với 66 lần hiến máu nhân đạo và mong muốn hiến xác cho y học

Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, miếng cơm, manh áo vẫn chỉ dựa vào những tấm vé số nhưng chị chưa bao giờ cho phép mình ngưng lại việc hiến máu cứu người. Bởi chị cho rằng, mỗi giọt máu cho đi là một mạng người ở lại. Mỗi lần hiến máu, chị lại phải đi xe đò để về trung tâm y tế huyện Định Quán hoặc xa hơn thì vào TP. Hồ Chí Minh. Những lần như vậy, chị đều phải tự xoay xở, bỏ tiền túi để có kinh phí đi lại. Việc làm nhỏ nhưng chị biết, sau những giọt máu ít ỏi ấy, có thể sẽ cứu được nhiều người trong cơn nguy kịch.

Tính đến nay chị đã 66 lần đi cho máu. Mỗi lần như vậy, chị cho đi ít nhất 450ml máu và nhiều nhất có thể lên đến một lít. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, nhưng chị vẫn nhớ nhất là lần cho máu vào năm 2008. Sau khi hiến máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xong, chị bắt xe ôm ra bến xe để về Đồng Nai. Đang đi thì bắt gặp một vụ tai nạn khiến một phụ nữ nguy kịch. Thấy vậy, chị đã lao vào đưa người phụ nữ đó đi cấp cứu. Lúc đó, bác sỹ bảo cần máu để phẫu thuật, dù mới cho máu xong nhưng trong lúc khẩn cấp như vậy, chị quyết định cho máu tiếp…

Không chỉ hiến máu cứu người, hàng ngày cùng với việc đi bán vé số chị lại gánh thêm trọng trách làm người tuyên truyền, vận động bà con thay đổi suy nghĩ của mình đối với vấn đề hiến máu. Theo chị Điệp, nhiều người tỏ ra sợ hãi mỗi khi nhắc đến chuyện hiến máu. Do vậy, chị phải là người vận động, tuyên truyền để mọi người không còn sợ và có nhận thức đúng đắn về việc hiến máu. Tuy nhiên, việc hiến máu cứu người của chị Điệp luôn bị người đời cho là "khùng".

Chị chia sẻ: "Người hiểu thì đồng lòng tán thưởng. Người không hiểu thì cho mình là kẻ điên, khùng. Có người nói rằng mình quá nghèo nên phải vào bệnh viện bán máu lấy tiền nuôi thân". Chị Điệp cười mà rằng, bán gì không bán đi bán mấy giọt máu kiếm miếng bỏ miệng, được bao nhiêu cơ chứ, sao người ta ác khẩu thế không biết.

Đến tâm nguyện hiến xác cho y học

Không những hiến máu cứu người, chị Điệp còn quyết định hiến xác cho y học khi qua đời. Tháng 12/2012, tâm nguyện hiến xác của chị đã được trường đại học Y Dược TP.HCM chấp nhận. Cầm tấm thẻ "Tự nguyện hiến thi hài" sau khi qua đời cho y học, chị tâm sự: "Tôi nghĩ, cái chết của mình phải là cái chết có ích cho xã hội. Nếu xác của mình đem an táng thì mình chẳng giúp ích được gì. Hiến xác cho y học là điều rất nên làm. Xã hội rất cần bác sỹ giỏi để cứu người nên tôi tình nguyện làm vật thí nghiệm cho bác sỹ, sinh viên y khoa”.

Không dừng lại ở việc hiến xác cho y học, chị Điệp vẫn thường gặp gỡ những người bạn để tuyên truyền, đưa họ đến việc làm có ích. Theo chị Điệp, thực tế nhiều người muốn hiến xác cho khoa học nhưng con cháu, người thân của họ không đồng ý. Những lần như vậy, chị là người bị hắt hủi, bị chửi mắng thậm chí hứng đòn, phải bỏ chạy khỏi nhà.

Ghi nhận những đóng góp không vì tư lợi của chị, tháng 6/2011, UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen cho chị vì có thành tích xuất sắc trong hiến máu tình nguyện năm 2011. Tháng 12/2011, Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tặng chị kỷ niệm chương vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo, góp phần xây dựng hội Chữ thập đỏ Việt Nam vững mạnh.

Tháng 6/2012, chị được Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tặng kỷ niệm chương: "Người hiến máu tình nguyện, tiêu biểu Việt Nam năm 2012." Năm 2012, chị Điệp được Bộ trưởng bộ Y tế tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2011.                                          

Hải Đăng

Gia đình ba đời chăm sóc thi hài người hiến xác

Thứ 6, 01/02/2013 | 08:26
Đội tiếp nhận thi hài người hiến xác của trường đại học Y dược TP.HCM làm bạn với mỗi thi hài ngay từ lúc họ có ý định hiến xác, cho đến khi đưa thi hài họ từ gia đình vào phòng bảo quản, rồi tiếp tục ở bên họ 3 - 4 năm, tới lúc hết thời gian hiến xác.

Sinh viên cúi mình trước thi hài hiến xác

Thứ 4, 23/01/2013 | 17:10
Trước mỗi thi hài, từng sinh viên cúi mình kính cẩn. Đó là bài học lớn nhất về sự hy sinh diễn ra trong buổi lễ tri ân những người hiến xác cho y học.

Cặp vợ chồng 80 tuổi với niềm mong ước được... hiến xác

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
"Chết là hết. Thân xác chỉ có giá trị khi con người ta đang sống và cống hiến được gì cho xã hội. Những nấm mồ chỉ là hình hài của đất, một thời gian nhất định rồi cũng tan chảy ra với đất mà thôi".

Bà lão “ký sinh” trên vỉa hè nửa thế kỷ “đòi” hiến xác

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Đã gần 30 năm nay, người dân sinh sống tại khu Bách hóa Thanh Xuân (phường Thanh Xuân Nam, Hà Nội) đã quen thuộc với hình ảnh một người bà già ngồi ngoài vỉa hè mưu sinh cùng chiếc cân trọng lượng". Đó là bà Đinh Thanh Hạnh, 82 tuổi (quê gốc ở Thái Bình).

Nghiệp đời truân chuyên của cụ bà nguyện hiến xác cho y học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Chẳng mấy ai nhớ tên thật của cụ, người ta vẫn gọi cụ bằng cái tên thân mật "bà Cân" bởi 26 năm qua, cụ gắn chặt cuộc đời mình với chiếc cân, lặng lẽ mưu sinh nơi vỉa hè khu vực Thanh Xuân này. Cụ ngồi đây kiếm đồng ra đồng vào để tự nuôi thân với hy vọng khi "nhắm mắt xuôi tay", có thể hiến xác phục vụ y học.