Người phụ nữ một đời cống hiến cho dân ca Thái

Người phụ nữ một đời cống hiến cho dân ca Thái

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Cả một đời sống trong những giai điệu về dân ca Thái, bà được coi là người níu lại những giá trị đẹp của loại hình dân ca này.

Dân ca Thái từ bao đời nay được xem là một nét độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc. Thế nhưng người Thái là một tộc người rất thích ca hát. Những năm gần đây, tài sản quý giá ấy đang dần dần bị mai một. Trước thực tế đó, với niềm đam mê cháy bỏng của mình, bà Lương Thị Phiên (64 tuổi) ở bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã tìm mọi cách lưu giữ và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Xã hội - Người phụ nữ một đời cống hiến cho dân ca Thái

Nghệ nhân Lương Thị Phiên trò chuyện cùng PV

Một đời vấn vít với điệu nhuôm suối

Năm nay đã bước sang tuổi 64 nhưng người phụ nữ Lương Thị Phiên vẫn còn giữ được chất giọng trong trẻo như thủa còn thanh xuân. Được sự dìu dắt, chỉ bảo của ông bà cũng như những nghệ nhân người Thái đi trước, bà luôn say mê trong những làn điệu của quê hương mình.

Với bà Phiên, được hát, được bẻ, đối đáp trong những ngày lao động sản xuất, trong các lễ hội, đám cưới là niềm vui không gì đo đếm được. Tâm sự với chúng tôi, bà cho biết: “Người hát dân ca Thái giỏi, ngoài giọng hát chuẩn thì còn phải biết sáng tác thêm nhiều lời hát thật hay, nhiều câu bẻ thật hiểm hóc”.

Trước đây, bà Phiên theo học trường sư phạm miền núi, sau khi tốt nghiệp, bà về dạy học tại quê hương ở trường Trung học Cơ sở Châu Lý (Quỳ Hợp). Với sự năng nổ, hoạt bát và năng khiếu nghệ thuật không lâu sau cô giáo trẻ Lương Thị Phiên đã chuyển sang làm công tác đoàn ở huyện rồi lên tỉnh làm vào năm 1973. Trong quá trình công tác, bà đã đem dân ca Thái với các điệu ví, dặm truyền thống của xứ Nghệ đi giao lưu.

Tuy không được đào tạo trong các trường nghệ thuật nhưng bà rất am hiểu về âm nhạc. Dân ca Thái rất phong phú trữ tình, chứa đựng nhiều nội dung đa dạng về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ và các mối quan hệ xã hội. Bốn thể loại dân ca Thái được nhiều người biết đến là các làn điệu lăm, nhuôn, xuối, khắp. Nhạc cụ của các lối hát này cũng khá đơn giản với bốn loại là sáo, khèn, chiêng và trống. Tuy nhiên, để hát hay và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ, ngoài năng khiếu còn phải sưu tầm, tìm hiểu kỹ càng thì mới có được những bài hát hay.

Trước đây, khi văn hóa Thái chưa bị pha trộn, vào những đêm trăng sáng trong các cuộc vui những điệu nhuôn được trai gái hát đối đáp nhau cùng hòa chung với sáo pí đệm theo. Những điệu suối lại cất lên trên nương rẫy, khi làm đồng, lúc bẻ củi, hái măng... Nhiều đôi trai gái nhờ đối đáp nhau mà nên vợ nên chồng. Nhưng giờ đây, phong trào hát dân ca Thái của bà con đang mai một và chìm dần vào quên lãng.

Xã hội - Người phụ nữ một đời cống hiến cho dân ca Thái (Hình 2).

Giải thưởng ghi nhận những đóng góp của bà Phiên với dân ca Thái

Lớp dân ca đặc biệt

Niềm say mê vô tận với dân ca Thái luôn luôn cháy bỏng trong lòng bà Lương Thị Phiên. Mấy năm gần đây, giới trẻ thu nhập nhiều luồng văn hóa mới nên dường như người ta đang quên dần đi các điệu nhuôn, suối, lăm của dân tộc. Chính vì thế mà nỗi trăn trở và lo lắng về sự mai một của nét văn hóa quý giá của dân tộc luôn thôi thúc bà Phiên tìm mọi cách để gìn giữ nó.

Chính niềm đam mê với dân ca Thái đã thôi thúc nghệ nhân Lương Thị Phiên tự mình đứng ra vận động thế hệ trẻ trong các thôn bản để thành lập một lớp học dân ca. Lớp học đặc biệt này gồm các chị, các cháu mọi lứa tuổi ở các bản gần xa có sở thích hát dân ca Thái. “Ngày xưa, trong các lễ hội, cưới hỏi, nam thanh nữ tú thường tập trung hát đối đáp dân ca. Giờ đây chúng nó lại đi mở cái thứ nhạc xập xình, nhức hết cả đầu óc”, bà Phiên ngậm ngùi. Cũng chính vì sợ dân ca bị mai một nên bà Phiên càng thêm quyết tâm kêu gọi con em trong vùng tham gia lớp học.

Bà Phiên cho biết: “Những ngày đầu kêu gọi mở lớp, tôi phải đi khắp trên bản dưới mường, tìm mọi cách vận động các cháu tham gia. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp, lớp học lại không có nên gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng các cấp chính quyền sớm vào cuộc để tôi có thể thành lập một câu lạc bộ để có điều kiện hoạt động thường xuyên và có hiệu quả hơn”.

Những ngày đầu khó khăn nhưng với niềm đam mê cháy bỏng của mình, bà Lương Thị Phiên đã thu hút được không ít học viên. Ngoài những buổi học tập trung ở nhà văn hóa của bản, bà còn mở thêm một lớp học tại nhà do các chị em tự biên tự diễn. Vào những đêm trăng sáng, họ tụ họp về ngôi nhà nhỏ của bà Phiên, ngồi chật cả ngoài sân để cùng chung một niềm say mê dân ca dân tộc mình, để được nghe bà hát và học hát. Cùng với việc dạy hát bà còn rất tích cực sưu tầm những làn điệu cổ mà phần lớn bây giờ chỉ có những người già còn nhớ đến như các làn điệu Khắp Phà Dua, Khắp mời trầu, Cưới xin,.v.v...

Bên cạnh đó, bà còn sáng tác được hàng chục làn điệu tả cảnh quê hương đất nước đang trên đà đổi mới, nhiều sáng tác về huyện Quỳ Hợp, xã Châu Cường và bản mường Ham nơi có lễ hội Pẩn Pang - Nang Ny đi vào huyền thoại góp phần làm phong phú thêm các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Lớp học của bà ngày càng đông các chị em, các cháu tham gia, không kể ngày hay đêm cứ tụ họp với nhau là hát, là đối đáp, tiếng khèn, tiếng pí lại vang lên những khúc hát dao duyên đằm thắm.

Anh Phạm Tiến, một người Kinh từ dưới xuôi lên công tác tại Quỳ Hợp đã lâu năm cho biết: “Nhà tôi ở mãi dưới thị trấn nhưng thi thoảng tôi vẫn chạy xe máy lên đây để được nghe bà Phiên hát dân ca Thái. Dù đã lớn tuổi nhưng chất giọng của bà vẫn rất trong trẻo, truyền cảm đến lạ thường. Nghe bà Phiên hát nhiều lần, giờ tôi lại “nghiện” dân ca Thái rồi.

Ông Lê Sành, bí thư chi bộ bản Mường Ham chia sẻ: “Mấy năm nay lớp trẻ chúng sống khác quá, may sao có bà Phiên nhiệt tình với dân ca. Thời gian vừa qua, một mình bà ấy chạy đôn chạy đáo để vận động bọn trẻ đi học hát. Chúng tôi mong các ban ngành sớm vào cuộc để sớm khôi phục lại nét đẹp vốn có của dân ca Thái”.

Hồ Ngọc