Người phụ nữ nửa đời người kéo xe mưu sinh

Người phụ nữ nửa đời người kéo xe mưu sinh

Thứ 6, 01/02/2013 | 08:28
0
Năm lên 3, chị Nguyễn Thị Thắm (quê Chương Mỹ, Hà Nội) bị đậu mùa dẫn đến hỏng một bên mắt. Đến tuổi trưởng thành chị cũng lập gia đình và có một con gái đáng yêu kháu khỉnh. Nhưng niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu, chị nhận được tin sét đánh chồng bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Sau thời gian ngắn, đứa con gái duy nhất cũng bỏ chị mà đi.

Nuốt nước mắt vào trong

Dù đã ở tuổi ngũ tuần, khuôn mặt khắc khổ, nước da sạm đen, vẻ mặt đượm buồn nhưng Nguyễn Thị Thắm muốn tôi gọi là chị. Mới đầu chị tỏ vẻ ngại ngùng và lúng túng khi có người lạ tìm hiểu về mình. Tôi cũng hiểu một phần nào sự dè dặt, né tránh kể về cuộc đời thiếu may mắn của người phụ nữ đã rất lâu rồi chưa biết đến bữa cơm gia đình. Mắt rớm lệ, chị bắt đầu kể về cuộc đời kém may mắn của mình.

Chị Nguyễn Thị Thắm sinh năm 1962 trong một gia đình nghèo đông anh chị em. Năm lên 3 chị bị đậu mùa, dẫn đến một bên mắt bị hỏng hẳn. Vì thiệt thòi hơn so với các anh chị em trong gia đình nên chị được bố mẹ dành nhiều tình cảm hơn. Năm tháng trôi đi, được bao bọc trong tình yêu thương của gia đình, chị cũng bớt đi phần nào mặc cảm về sự thiệt thòi so với chúng bạn. Đến tuổi xây dựng gia đình, nhờ sự chịu thương, chịu khó, giúp đỡ người khác nên chị cũng có một vài người con trai trong làng ngoài xã để mắt. Đám cưới của chị và một người con trai ở làng bên diễn ra trong niềm vui, hạnh phúc của hai bên gia đình, họ hàng.

Chị thầm cảm ơn ông trời đã ban cho chị một người chồng tốt. Rồi đứa con gái đầu lòng kháu khỉnh, đáng yêu ra đời, với chị lúc đó không còn gì hạnh phúc hơn. Hai vợ chồng chăm lo làm ăn và nuôi con trưởng thành dù còn nhiều vất vả. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, người chồng bỏ chị và đứa con thơ dại ra đi mãi mãi sau một tai nạn giao thông. Nuốt nước mắt vào trong, nhìn đứa con nhỏ mà chị không thể cầm lòng. Tự an ủi bản thân mình sẽ ở vậy không tái giá và sẽ cố gắng hơn nữa để nuôi dạy con nên người: "Ngày chồng mất, tôi đau đớn lắm, nhìn đứa con mới hơn hai tuổi mà không kìm được nước mắt. Tôi thương con và thương chính số phận hẩm hiu, cay đắng của mình. Dù đau buồn, nhưng nhìn con gái ngày một khôn lớn khiến tôi thêm động lực phải sống và làm việc thật chăm chỉ để nuôi con", chị Thắm bùi ngùi kể.

Tưởng rằng sóng gió đã qua đi đối với gia đình nhỏ của người mẹ còn một mắt sáng và đứa con đang chập chững bước đi. Nhưng một lần nữa ông trời lại nhẫn tâm cướp mất đứa con gái mà chị dành tất cả tình thương yêu và hy vọng. Nói đến con, nước mắt chị lại lăn dài trên gò má đen sạm: "Ngày con gái mất, tôi như người đã chết. Tôi không muốn sống nữa, bởi còn ai bất hạnh hơn tôi. Người ra đi là hết nhưng người ở lại còn khổ gấp trăm ngàn lần. Có lúc tưởng chừng tôi không vượt qua được, tôi buông xuôi tất cả và nhiều lúc đã từng nghĩ đến cái chết nhưng bất thành". Nhờ có gia đình hai bên động viên những lúc suy sụp và bế tắc nhất nên nỗi đau trong chị dần nguôi ngoai. Một thân một mình, chị xin bố mẹ chồng về sống cùng bố mẹ đẻ, phần để quên đi nỗi đau, phần vì không muốn nhìn thấy nơi đau buồn đó nữa.

Xã hội - Người phụ nữ nửa đời người kéo xe mưu sinh

Chị Nguyễn Thị Thắm đang chuẩn bị chở gạch vào công trình

Ở nhà một thời gian, chị Thắm xin phép gia đình lên Hà Nội kiếm việc làm. Chị kể: "Lúc tôi xin phép bố mẹ lên thành phố tìm việc làm, hai cụ phản đối quyết liệt. Một đứa con gái mới ngoài hai mươi, mắt mũi không tinh tường lên thành phố biết làm gì. Chưa một lần bước chân ra khỏi lũy tre làng mà tôi đòi lên thành phố tìm việc nên bố mẹ nào lại không lo lắng, không phản đối. Mặc dù lúc đó tôi cũng lo lắng không biết có tìm được việc làm tử tế ở thành phố hay không. Nhưng vì quá hụt hẫng và buồn chán, tôi không thể ở nhà được. Hơn nữa, chỉ quanh ra quanh vào với mấy sào ruộng, tôi nản".

Chạy trốn nỗi đau

Thời gian đầu bỡ ngỡ lên thành phố, mọi thứ với chị thật lạ lẫm và mới mẻ khác xa so với nơi quê nhà. Chị phải thuê trọ tại một phòng tồi tàn. Chị sẵn sàng làm bất cứ công việc gì khi được thuê dù chỉ để lo được một bữa cơm qua ngày. Công việc bấp bênh ăn không đủ no, nhận thấy việc chở vật liệu cho các công trình tiền công vừa cao mà lại đều việc nên chị về quê vay mượn thêm tiền mua một chiếc xe cải tiến. Chị tâm sự: "Lúc tôi về quê vay mượn tiền để mua xe nhiều người khuyên công việc đó nặng nhọc và vất vả chỉ phù hợp với nam giới, kiếm công việc gì đó nhẹ nhàng mà làm. Đúng vậy, chỉ có duy nhất mình tôi trong đội kéo xe chở vật liệu xây dựng là nữ. Cũng may, tôi chỉ mất tháng đầu phải thuê nhà trọ, sau này được ở miễn phí tại một công ty lâm sản trên đường Xuân Thủy (Hà Nội).  Có lẽ điều may mắn nhất đối với tôi kể từ khi bước chân ra thành phố là được các bác ở công ty thương tình cho ở nhờ suốt từ đó đến nay".

Một ngày lao động đối với chị Thắm kéo dài trên 12 tiếng đồng hồ, dù mưa hay nắng, đông hay hè, gần 30 năm qua không có gì thay đổi. Chia sẻ về công việc hàng ngày của mình, chị cho biết: "Buổi sáng tôi ngủ dậy đúng 4h30, dọn dẹp vệ sinh, đun nước, lau chùi vệ sinh nhà cửa bàn ghế. Mỗi ngày bình quân chị kéo được khoảng 25-30 xe cát, sỏi, gạch hoặc xi măng. Theo giá bây giờ thì mỗi xe được trả công 6 nghìn đồng bất kể đi xa hay gần. Mỗi ngày việc đều như vậy chị kiếm được hơn 200 nghìn đồng".

Nhắc đến thời gian nghỉ ngơi, giọng chị trùng xuống: "Đối với nhiều người được nghỉ ngơi, được quây quần bên gia đình là một niềm vui sướng và hạnh phúc. Nhưng với tôi càng có nhiều thời gian rảnh lại càng buồn hơn vì lúc đó tôi lại hay nghĩ ngợi. Suốt ngày lủi thủi một mình, nhiều lúc dọn cơm ra chỉ có một mình bưng bát cơm mà chạnh lòng rớt nước mắt. Nhìn nhà người ta có vợ, có chồng, con cái quây quần bên mâm cơm đầm ấm mà thương cảm cho số phận hẩm hiu của mình. Chỉ nghĩ thế thôi mà tôi ứa nước mắt lúc nào không hay, cầm bát cơm mà không thể nào nuốt cho được. Lúc cuối đời tôi sẽ nương tựa vào ai đây? Có lẽ số tôi ông trời đã định phải khổ như vậy nên không thể khác được".

Tôi băn khoăn hỏi sao chị không đi bước nữa hay tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn khi tuổi chị lúc đó mới ngoài đôi mươi. Chị bùi ngùi: "Hồi đầu ra đây, cũng có một số người thương yêu và có ý muốn xây dựng gia đình với mình. Lúc đầu cũng vui mừng lắm, rồi mơ về một gia đình hạnh phúc có chồng, có con. Nhưng cứ nghĩ đến số phận "trời định" của mình, tôi sợ bản thân mang buồn đau đến cho người khác. Bởi vậy, tôi tự nhủ sẽ ở vậy và làm việc đến khi nào không còn sức nữa thì thôi".

Nhắc đến công việc đã gắn bó gần nửa đời người với người phụ nữ bất hạnh này, ánh mắt chị dường như vui hơn: "Gần 30 năm tôi gắn bó với việc nặng nhọc này đã quen rồi, làm việc nhẹ nhàng không chịu được, chân tay như thừa thãi. Cũng may ông trời thương hại cho tôi sức khỏe để làm việc".

Chia tay người phụ nữ đã ở tuổi ngũ tuần, không chồng, không con, sống lủi thủi một mình trong một căn gác xép tại một con ngõ nhỏ chốn Hà thành hoa lệ mà tôi không khỏi xót xa cho một số phận kém may mắn. Chị sẽ ra sao khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày một yếu dần? Ám ảnh tâm trí tôi là hình ảnh người phụ nữ bé nhỏ gồng mình, lã chã mồ hôi kéo xe chở vật liệu xây dựng băng qua giữa phố đông người...

"Nhiều khi tôi cũng định nhận con nuôi để mong sau này có người hương hỏa, đỡ đần lúc tuổi già, nhưng công việc bận rộn cả ngày, đi suốt từ sáng đến đêm mới về nên không thể có thời gian chăm sóc. Nhận con nuôi đã lớn thì không biết tdhế nào, chứng kiến và nghe nhiều trường hợp nhận con nuôi mà ái ngại. Nhận con nuôi còn bé thì sợ mình không chăm sóc được. Còn khỏe ngày nào tôi còn làm việc, tích cóp một chút để hưởng tuổi già, nhờ con cháu nhà các anh các chị chăm sóc", chị Thắm nói.

Thiên Vũ

Những "bóng hồng" sau vô lăng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Lái taxi vốn là một công việc vất vả và thông thường người ta nghĩ thuộc về đàn ông. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn nghề này. Họ đến với nghề một phần là vì cuộc

Góc khuất chưa biết về những bóng hồng "lơ xe" bus

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Mỗi ngày, họ phải thức dậy từ lúc 5h sáng đến nhận xe vào ca sáng, 11h 12h đêm mới từ bến trở về nhà. Điều đó đã trở thành thông lệ với những người phụ nữ làm nghề phụ xe trên xe bus

Nhọc nhằn quang gánh mưu sinh chốn Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Họ là những bà mẹ, người vợ từ khắp các vùng quê của miền Trung nắng cháy tha hương vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng trộn. Trong đêm, những bàn chân thoăn thoắt trên vai kĩu kịt một đôi quang gánh mà bên trong là đủ các loại thức ăn vặt.

Thắt lòng cảnh "công nhân trẻ con" mưu sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
"Công nhân" Bảo mới 12 tuổi, mặt mày nhem nhuốc, ngước đôi mắt đen láy nói hớn hở với tôi: "Tách mỗi kí hạt điều được 3700 đồng, mỗi ngày con làm hơn 4 kí cũng đủ tiền phụ gia đình mua gạo".

Những đứa trẻ dắt khách mưu sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Khi tôi cầm chiếc vé mới mua được trên tay chạy ra bãi đỗ tìm chiếc xe khách biển kiểm soát 53K80... Đang loay hoay dưới trời mưa thì có một cô bé với chiếc ô trên tay chạy đến vừa che ô cho tôi vừa hỏi: "Chị đi xe nào?". Cô bé cầm ô che và dẫn tôi đến tận vị trí chiếc ô tô cần tìm.