Người sưu tầm “gió cổ” độc nhất vô nhị Hà thành

Người sưu tầm “gió cổ” độc nhất vô nhị Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Ông chủ cửa hàng đã phục chế được hàng trăm chiếc quạt cổ quý có nguồn gốc từ Pháp, Italy, Hà Lan, Nga, Thụy Sỹ... Đến nay bộ sưu tập quạt cổ của ông đã lên đến hàng trăm chiếc.

Thời nay ít người còn mang quạt đi sửa. Thế nhưng, người chữa quạt điện cổ ở số 2 Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội vẫn rất đắt khách. Đây luôn là nơi hấp dẫn đối với khách nước ngoài và dân sưu tầm quạt cổ. Người ta nói về cửa hàng này với một câu rất trìu mến rằng: “Cửa hàng thì thầm của gió cổ”.

Xã hội - Người sưu tầm “gió cổ” độc nhất vô nhị Hà thành

Quạt cổ được ông Thuần phục chế theo nguyên mẫu

Nghề gia truyền

Phố Hàng Điếu tấp nập suốt ngày đêm với những mặt hàng gia dụng của người mua, kẻ bán. Bên cạnh sự sầm uất, đông đúc đó, có một cửa hàng chuyên chữa quạt cổ chẳng giống chủng loại hàng mà người dân ở khu phố cổ vẫn kinh doanh. Nó bình lặng, yên ả đến lạ thường. Cửa hàng này chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông, là nơi sửa chữa, “trưng bày” đồng thời cũng là xưởng chế tác của anh em ông Dương Văn Thuần.

Cửa hàng của anh em ông Thuần hẹp nhưng được bày trí khoa học, gọn gàng và vẫn giữ được kiến trúc từ ngày xưa, rất thích hợp cho thú sưu tầm đồ cổ của người Hà thành. Bà con lối phố mỗi khi đi qua đây vẫn trêu đùa ông Thuần là người sưu tầm “gió”.

Tay lấm lem dầu mỡ, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, ông Thuần mải mê “khám bệnh” cho chiếc Marelli được sản xuất tại Pháp từ những năm 30 của thế kỷ trước do một người khách mới mang đến. Ông kể cho chúng tôi nghe nghề phục chế quạt cổ của gia đình. “Từ thời Pháp thuộc, ông nội của tôi làm trong ngành điện, cụ thân sinh ra tôi cũng theo ngành điện. Hàng ngày, hết giờ làm việc, ông và bố thường nhận sửa chữa thêm đồ điện ở nhà. Cuộc sống ngày xưa khó khăn lắm, cũng làm gì có quạt mà sửa. Ngoài sửa quạt, những đồ điện, bán dẫn mà bà con khu phố mang tới, nếu có thể sửa được, ông và bố tôi đều sửa chữa giúp. Ngày ấy, tôi còn nhỏ, nhà nào tậu được chiếc quạt của Tây thì “oách” phải biết. Chỉ những gia đình giàu có họ mới có tiền sắm quạt Tây. Được chứng kiến tay nghề sửa quạt của ông và bố ngay từ nhỏ nên tôi được thừa hưởng nghề”.

Ông từng đi làm ở Hợp tác xã Điện Lực Hàng Da rồi đi làm điện với ông bác ruột ở Hàng Dầu. Ông nhận quấn mô tơ, sửa chữa các loại máy phát điện... rồi chuyển hẳn sang sửa chữa, phục chế quạt cổ. Bởi niềm đam mê, sự thích thú với những chiếc quạt cổ đã ngấm vào trong ông từ rất lâu rồi. Ông Thuần tâm sự: Hình ảnh những chiếc quạt cổ chắc bền, cứng cáp nhưng quyến rũ được bày trong những phòng khách sang trọng rất ấn tượng với tôi. Những chiếc quạt cổ không chỉ là một vật dụng, một đồ dùng trong gia đình mà trong tâm thức của nhiều người Hà Nội, nó là một hình ảnh gắn liền với những kỷ niệm, những bước thăng trầm của Hà Nội. Nó luôn thôi thúc tôi đi tìm lại vẻ đẹp của những món đồ trang trí đầy ý nghĩa đó”.

Hiện nay, những chiếc quạt do anh em ông Thuần sưu tầm và phục chế chủ yếu là những dòng quạt cổ sản xuất tại Pháp, Italy, Hà Lan, Nga, Thụy Sỹ, có cả quạt cổ Mỹ, Nhật, Hàn... Để phục chế được những chiếc quạt cổ đúng nguyên bản ông Thuần đã phải đọc rất nhiều sách báo. Cũng chính vì say nghề mà ông trở thành nhà sưu tầm quạt cổ, tham gia vào các hội chơi đồng hồ cổ, xe máy cổ...

Xã hội - Người sưu tầm “gió cổ” độc nhất vô nhị Hà thành (Hình 2).

Những chiếc quạt cổ sẽ được phục chế

Lời thì thầm của “gió cổ”

Được biết, công việc hàng ngày của ông Thuần chủ yếu là phục chế quạt cổ. Thực tế, quạt điện bây giờ rất ít người đem đến sửa, hỏng thì người ta thường bỏ... Bởi thế, khách hàng tìm đến cửa hàng của ông Thuần đa phần là khách nước ngoài và một phần là dân sưu tầm hoặc dân chơi quạt sành điệu. Tại cửa hàng của ông Thuần, có nhiều khách quốc tế đến thăm quan. Tuy nhiên ít khách ra khỏi cửa hàng mà đi về tay không, thậm chí có vị còn trở thành khách quen của cửa hàng như ông phó tổng giám đốc công ty bia Carlsberg. Lần nào đến cửa hàng, ông này cũng mua hoặc trao đổi món đồ nào đó liên quan đến quạt cổ. Nếu là dân chơi quạt "xịn" thì họ thường săn những chiếc quạt “độc”, đúng hãng, có từ trăm năm trở về trước như chiếc Marelli được sản xuất từ Italy. Chiếc này “độc” ở chỗ, cánh làm bằng gỗ có vân đẹp, hộp số có tem bằng đồng, bên trong có sợi đốt bằng mai so, móc treo, phễu, màu sơn “xịn”...

Theo ông Thuần, ở Hà Nội cũng có nhiều người quấn (sửa chữa) lại quạt Marelli nhưng sửa và phục chế là 2 công đoạn hoàn toàn khác nhau. Nó phải phụ thuộc vào tính thẩm mỹ và độ chuyên nghiệp của từng thợ. Những chiếc quạt này là đồ cổ, tìm phụ kiện để thay thế rất khó, nên người thợ phải vừa làm vừa sáng tạo ra các bộ phận. Bộ phận đó cũng phải tinh xảo như đồ “xịn”, “xịn” từ chi tiết thì mới là đẳng cấp. Nếu sửa chữa, phục chế, thay thế mà dùng kỹ nghệ chế để thì sẽ mất vẻ đẹp nguyên sơ của quạt, không giữ được tính cổ thì không đạt yêu cầu về phục chế.

Bình thường, ông Thuần phục chế một chiếc quạt mất khoảng 2-3 ngày, chiếc nào khó và cầu kỳ thì tốn cả tuần. Công phục chế cho mỗi chiếc quạt có giá trung bình từ vài triệu đến vài chục triệu nhưng khách hàng và dân sưu tầm quạt chuyên nghiệp vẫn chấp nhận bỏ tiền để được sở hữu một món đồ như ý.

Hé lộ bí quyết nghề nghiệp

Theo ông Thuần, nếu quạt còn nguyên vẹn thì thợ phục chế đỡ vất vả. Khó khăn nhất là những chiếc quạt đến tay thợ cái thì hỏng cánh, cháy răng... Đặc biệt, có những chi tiết, không còn mẫu để phục chế, ông Thuần lại phải dò từ những cái máy khác để tìm hình dáng chuẩn của chi tiết. Sau đó, ông Thuần phải bắt tay vào tiện, phay, nắn, uốn từng bộ phận nhỏ, từng chi tiết cho phù hơn. Điều khó nữa quạt cổ thường dùng nguồn điện 110V, nên việc đầu tiên khi bắt tay phục chế thứ hàng cổ này là phải thay đổi nguồn điện. Ông Thuần chỉ vào 2 chiếc quạt cây cổ hiệu Marelli trên 100 năm, cánh quạt làm bằng đồng, thân trục đúc bằng gang đặc giới thiệu: “Tôi phải mất một tuần để đổi nguồn từ điện 1110V lên 220V và hoàn thiện nó trong quá trình phục chế”. Đây là công việc ông đã được làm quen từ nhỏ đặc biệt qua đôi bàn tay khéo léo của ông những chiếc quạt chẳng mấy chốc lại chạy êm ru, mát lạnh như xưa...

Tại cửa hàng của ông Thuần hiện có khoảng 700 chiếc quạt, từ những chiếc ra đời cách nay hơn một thế kỷ, cánh quạt làm bằng gỗ vẫn còn nguyên nước sơn cho đến những chiếc quạt đã được nâng cấp bóng loáng, chạy êm như ru… Trong số những chiếc quạt do ông sưu tầm hoặc do khách đem đến bán, nhiều nhất vẫn là quạt trần, quạt bàn của các hãng nổi tiếng như Marami (Italy), Marelli, Eon, Calor (Pháp), Emi (Hà Lan)... Mỗi chiếc quạt có một thế độc đáo khác nhau, vì thế cửa hàng của ông Thuần có nhiều quạt hình dáng kì quái trông rất lạ mắt. Có những chiếc quạt khách hàng gọi là quạt bom, vì hình dáng rất giống quả bom đang chúi đầu sắp nổ. Rồi quạt hai lồng quay tròn, quạt hai cánh, mũi quạt giống tên lửa, mũi máy bay… đều là những sản phẩm độc đáo có một không hai.

Toàn bộ diện tích của cửa hàng đều được ông tận dụng để trưng bày. Quạt trần cũng có đủ loại từ cánh sắt, nhôm, gỗ đến loại 2 cánh, 4 cánh đều đủ cả. Ông Thuần còn giới thiệu cho chúng tôi chiếc quạt trần 4 cánh đen, đầu vàng ở cuối gian phòng với vẻ đầy tự hào: “Đó là chiếc quạt trần Marami hơn 100 tuổi. Chiếc quạt này của ông nội tôi để lại. Có nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng tôi không bao giờ bán. Vì đó là kỷ vật của gia đình”.

Bán được nhiều quạt cũng không phải là mục đích của ông Thuần, cho dù có những chiếc quạt khách trả giá hàng nghìn đôla, ông vẫn nhất định giữ lại. Ông tâm sự: “Giữ được nghề gia truyền và hình ảnh văn hóa phố cổ là điều tôi luôn tâm nguyện. Hiện nay, điều tôi vui nhất là đã truyền nghề lại cho cậu con trai. Ngoài cửa hàng này, tôi có dự định mở một gian hàng trên Quảng Bá (Tây Hồ) để giới thiệu về một thú chơi sang và nét văn hóa xưa của người Hà thành...”

N.Giang – Q.Ngân