Người thương binh chống nạng truyền lửa

Người thương binh chống nạng truyền lửa

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
"Mỗi bài học mà tôi giảng là cả một câu chuyện về xương máu mà thế hệ chúng tôi đã đánh đổi để giành lại độc lập cho đất nước, nên các cháu rất hăng say tiếp thu".

Ở tuổi xế chiều, nhưng thương binh hạng 1/4 Nguyễn Xuy (thôn Phổ Lại, xã Quảng Vinh, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) vẫn cần mẫn trên đôi nạng đến các trường học trong huyện giảng dạy về lịch sử quê hương đất nước.

Bị mất một chân nhưng vẫn không làm khó ông tiếp tục công việc truyền lửa cho thanh niên, học sinh

Truyền lửa giữa lòng địch

Ông Xuy kể: "Thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1947, trong trận chống càn của địch ở Cù Hoan (Quảng Trị) tôi bị trúng một mảnh đạn cối làm gãy ba xương sườn, nát thùy phổi trái, thủng ruột và nhiều mảnh đạn ở cổ và trên người".

Ông được đồng đội đưa lên Quân y viện K42 (Bình Trị Thiên). Hơn 6 tháng điều trị, vết thương của ông cũng dần hồi phục và ông được ở lại Quân y viện. "Tôi đã dành đại bộ phận thời gian đi vào các phòng thương binh nặng nằm sâu trong rừng để động viên thăm hỏi và nói chuyện thời sự, chính sách cho các thương binh nghe, tạo được luồng sinh khí mới cho các chiến sĩ đang nằm điều trị".

Năm 1960, ông được Tổng cục Cán bộ điều động vào chiến trường B với cương vị Trưởng ban Cán bộ, Trưởng ban Tuyên huấn, sau đó ông là Chính trị viên tiểu đoàn 30, Phó bí thư - Chính ủy trung đoàn 59. Xuân Mậu Thân 1968, trong trận đánh chiếm sân bay Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) sau nhiều ngày đêm chiến đấu ông bị thương rất nặng. Trong khi cùng 30 thương binh được lệnh rút về căn cứ thì bị địch phát hiện và chặn bắt, địch đã đưa ông về nhà tù Phú Yên để khảo cung.

Sau nhiều ngày với nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến hăm dọa rồi dùng đủ loại cực hình tra tấn nhưng vẫn không khai thác được gì chúng đưa ông về biệt giam tại nhà tù Pleiku. Tại đây chúng đánh vỡ mắt cá chân rồi lần lượt tháo khớp chân trái của ông.

Cứ mỗi lần đau đớn qua đi ông lại tập hợp anh em lại kể chuyện cho họ nghe. Những tháng ngày trong tù cứ hết ngất rồi lại tỉnh, nhưng ông không hề lung lay ý chí, vẫn kiên cường lãnh đạo các cuộc đấu tranh. Lần cuối cùng ông bị địch tra tấn đánh nát đầu gối chân, rồi bị tháo khớp háng do chúng phát hiện ông dạy chữ trên nền đất của nhà tù.

"Những năm ở trong tù mặc dù bị địch tháo hết khớp chân trái, nhưng con người tôi vẫn quyết tâm một lòng với Đảng và tự nhủ rằng thà chết vinh chứ không chịu đầu hàng địch, không khuất phục trước kẻ thù" - ông Xuy nhớ lại. Năm 1969, ông được chuyển đến trại giam Biên Hòa.

Ở đây, ông vẫn tiếp tục dạy chính trị cho anh em trong trại với phương châm "biến nhà tù thành trường học". Bị phát hiện một lần nữa ông lại bị đưa ra nhà tù Phú Quốc tống vào biệt giam. ở đây, ông vẫn kiên cường hoạt động bí mật và được bầu làm Bí thư Đảng ủy Phú Quốc.

Năm 1972, quân địch thất bại nặng nề buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ và buộc phải trao trả tù binh. "Ngày 18/2/1973, tôi cùng 800 thương binh, tù binh được trao trả tại Thạch Hãn (Quảng Trị). Trên chuyến bay thứ hai trao trả tù binh lúc đó, tôi đã gặp người vợ của tôi Nguyễn Thị Thu Hà sau 11 năm xa cách. Đó là cuộc gặp gỡ lịch sử trong cuộc đời hai vợ chồng tôi trước sự chứng kiến của hàng trăm đồng đội lúc bấy giờ" - ông Xuy nhớ lại cuộc gặp gỡ với người vợ sau 11 năm.

"Thương binh tàn nhưng không phế"

Hòa bình lập lại, chỉ còn lại một chân với hàng chục vết thương trên người tưởng đâu đã có thể hưởng thụ những ngày tháng an nhàn, bù đắp lại những hi sinh mất mát. Nhưng lòng ông lại không đành khi một lần nghe trên đài truyền thanh huyện đưa tin về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các cháu gần nhà. Hơn một nửa số thí sinh không quá điểm 5 môn Lịch sử. ông cảm thấy mình còn thiếu một điều gì đó mà cần phải làm.

Ông Nguyễn Xuy cẩn thận lưu giữ lại những kỉ niệm về một thời đã qua

Nghĩ về lời dặn của Bác Hồ ông chống nạng đến trường tiểu học Quảng Vinh tìm gặp thầy hiệu trưởng để bàn bạc. Nhiều đêm liền ông thức trắng để nghiên cứu và biên soạn ra những giáo án về lịch sử địa phương. Từ đó ngày ngày ông chống nạng đi đến các trường tiểu học và trung học ở địa phương để giảng về lịch sử cho các em nghe với quyết tâm không để lớp trẻ quên cội nguồn, gốc tích của mình.

Ông còn liên hệ với nhiều hiệu trưởng các trường trên địa bàn huyện Quảng Điền để đứng lớp dạy Lịch sử cho các em. "Mỗi bài học mà tôi giảng là cả một câu chuyện về xương máu mà thế hệ chúng tôi đã đánh đổi để giành lại độc lập cho đất nước, nên các cháu rất hăng say tiếp thu" - ông Xuy chia sẻ.

Để khuyến khích các cháu thi đua học tập, đặc biệt là hỗ trợ cho các cháu nhà nghèo có nghị lực để phấn đấu. Năm 1994, ông đã sáng kiến thành lập Hội Khuyến học xã. Nhờ vậy, học sinh các trường tại huyện Quảng Điền đỗ vào các trường Đại học trên cả nước ngày một cao.

Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Xuy được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Năm 2008, ông vinh dự được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vào tận nhà thăm hỏi tặng quà nhân chuyến thăm của Tổng bí thư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngọc Thụ - Việt Vĩ

Tag: Pleiku