Người thương binh và hành trình 32 năm tìm đồng đội

Người thương binh và hành trình 32 năm tìm đồng đội

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Đã hơn 32 năm qua, một người thương binh vẫn âm thầm, đều đặn cho cuộc hành trình vượt núi đi tìm hài cốt liệt sĩ, những đồng đội một thời của mình. Hành trang mang theo của ông là những đùm gạo, cuốc chim, lặng lẽ đi tìm những nơi mà đồng đội ngày xưa của ông đã ngã xuống.

Đến nay, ông đã cất bốc và an táng hàng trăm hài cốt liệt sĩ được trở về nơi an nghỉ tại quê hương. ông chính là Mai Xuân Lụa, 64 tuổi, trú tại thôn Phụ ổ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xã hội - Người thương binh và hành trình 32 năm tìm đồng đội

Ông Mai Văn Lụa đang thắp nén hương cho đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hương Chữ

Một thời máu lửa

Gặp ông, khi ông đang cùng vài người bạn trong Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xã Hương Chữ chuẩn bị cho cuộc hành trình vượt rừng tìm đồng đội. Cuối cùng thì ông cũng ráng dành thời gian ít phút để trao đổi với chúng tôi về những công việc mà mình chuẩn bị lên đường. Ông bảo: "Nếu có ai đó nói tôi đi tìm hài cốt liệt sĩ vì tiền thì chắc giờ tôi đã ở nhà lầu rồi!.".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đầu xuân năm 1968, ông Lụa được bầu làm Tiểu đội trưởng Đội dân quân du kích của xã Hưng Thái (nay là xã Hương Chữ, huyện Hương Trà). Công việc chính của ông là đưa đón và dẫn đường cho cán bộ nằm vùng vào hoạt động để các trinh sát tiếp cận được căn cứ của địch. Ngày đó, chiến tranh khốc liệt, cuộc sống gian khổ nhưng không một ai than vãn. Ai cũng biết nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng, ông Lụa tự hào.

Trong câu chuyện của ông về những năm tháng chiến tranh loạn lạc, chúng tôi thực sự khâm phục trước tấm gương anh dũng của ông cùng đồng đội. ông thở dài: "Bây giờ, ai còn, ai mất cũng chưa thể nắm hết được. Thương cho đồng đội của tôi đã nằm xuống".

Ông Lụa kể lại, vào đầu tháng 5/1968, quân ta mở chiến dịch tấn công cứ điểm An Hòa. Vì vậy, ngày 19/5/1968, đơn vị K9 F324 và tiểu đội của ông được phân công đánh vào trụ sở của địch ở Quê Chữ (thuộc xã Hưng Thái bấy giờ). Trong trận đánh này, nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh và được lực lượng dân quân đưa về chôn dưới giao thông hào để tránh sự phát hiện của địch, nhưng sau đó giao thông hào này bị địch đánh sập.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Lụa trở về quê hương và được tín nhiệm giữ chức vụ xã Đội trưởng, rồi trưởng Công an xã, phó chủ tịch UBND xã Hương Chữ. Bây giờ, ông là thương binh hạng 3/4, nhưng vẫn hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương. Từ nhiều năm nay, ông Lụa luôn được tín nhiệm giữ chức bí thư Chi bộ thôn, đội trưởng Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xã Hương Chữ.

Ông bảo mình là người may mắn vì đã nhiều lần thoát chết từ các trận chiến trở về. Bây giờ, khi trời trở gió, những vết thương ở tay và đầu lại đau buốt. Nhưng nỗi đau đó chưa bằng nỗi đau mà rất nhiều anh em, đồng đội của tôi đã hy sinh nằm vĩnh viễn tại chiến trường. Bây giờ mình còn sống thì phải làm cái gì đó có ích cho đồng chí, đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh, ông rưng rưng nước mắt.

Cuộc hành trình đi tìm đồng đội

Âm thầm, lặng lẽ cho những cuộc hành trình đi tìm đồng đội đầy gian nan, công sức đem về là những hài cốt liệt sĩ trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và xã hội. Cứ thế, suốt hơn 32 năm nay, ông đã cùng đồng đội vượt hàng nghìn dãy núi đều đặn đưa hài cốt đồng đội trở về với quê hương. Đến nay, hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được ông đưa về an nghỉ tại nghĩa trang của xã.

Xã hội - Người thương binh và hành trình 32 năm tìm đồng đội (Hình 2).

Chiếc cuốc chim trên vai ông đã trở thành vật dụng cùng ông tìm kiếm đồng đội của mình

Ông bảo, hành trang cho mỗi chuyến đi chỉ là những đùm gạo, ít muối vừng và cái cuốc, cái xẻng và cái tâm của người chiến sĩ! Ông Lụa tâm sự: "Ở nhà, hễ nghe tin báo của nhân dân về mộ liệt sĩ là tui chuẩn bị khăn gói lên đường. Trong suốt quãng đường đi tui cố lục tung trí nhớ của mình để nhớ lại nơi nào đã từng có đồng đội ngã xuống, rồi dừng lại đào đất, xới cỏ để đưa hài cốt về".

Ông Lụa cho biết, trong tất cả các cuộc đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, ông đã gặp biết bao gian khó nhưng theo ông, khó khăn nhất của ông vẫn là cuộc hành trình đi tìm đồng đội ở các hầm công sự đã bị địch đánh sập nằm ở cụm 6, thôn La Chữ Nam, xã Hương Chữ. Vào thời điểm đó (năm 2007), hầm công sự đã bị bao phủ bởi một dãy tre xanh rậm rạp của gia đình bà Nguyễn Thị Tứ, người dân ở địa phương. Theo đó, muốn đào được hài cốt của các anh thì phải chặt phá hết các gốc cây đó, nhưng ngặt nỗi bụi tre này là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình bà Tứ nên khiến ông rất khó xử, không biết phải giải quyết thế nào.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng ông cũng đã đến vận động và thuyết phục được gia đình bà Tứ đồng ý cho ông chặt phá dãy tre để tìm hài cốt đồng đội của mình. Và chính nơi đây, ông phát hiện được các hiện vật như: Dép cao su, đồng hồ, ba lô, súng AK của đồng đội của ông ngày xưa. Qua quá trình khai quật, ông đã phát hiện và tìm ra nơi chôn cất tập thể của 16 liệt sĩ dưới các hầm công sự này, dưới sự chứng kiến ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên phó bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. "Khi phát hiện hài cốt, tui hạnh phúc đến không nói được lời nào. Chỉ cặm cụi đào bới và khóc trong niềm hạnh phúc", ông Lụa nhớ lại. Sau đó, 16 hài cốt tập thể này đã được các ngành chức năng công nhận là hài cốt liệt sĩ và được quy tập về nghĩa trang của xã Hương Chữ.

Ngày 17/7, ông Lụa đã cùng Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ xã Hương Chữ đã phát hiện và tiến hành cất bốc 9 hài cốt tập thể của liệt sĩ hi sinh vào năm 1968. Theo ông Lụa, đây nguyên là một cái hầm chiến đấu nằm ở cụm 6, thôn La Chữ Nam, xã Hương Chữ. Trước đó, tại thôn Quê Chữ và thôn Phụ Ô (xã Hương Chữ), ông Lụa cùng cán bộ xã đã phát hiện thêm 3 bộ hài cốt là chiến sĩ của trung đoàn K8, sư 324 cũng hi sinh trong năm 1968.

Ông Lụa kể lại, ông thực hiện công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bắt đầu từ những năm 1979, khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản là tìm kiếm những hài cốt đồng đội mà ông đã được chứng kiến trong quá trình chôn cất. Nhưng không ngờ, niềm hạnh phúc trong ông quá lớn sau mỗi chuyến đi tìm, vậy là ông đã âm thầm làm công việc cho đến ngày nay. Ông chia sẻ: "Với tui, niềm hạnh phúc lớn nhất vẫn là có thể đưa đồng đội ngày xưa trở về quê hương một cách êm ấm. Đó là cách để tui có thể hoàn thành nhiệm vụ của một người cộng sản, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam".

Ông cũng tự hào khi bên cạnh ông luôn có người vợ tảo tần sớm hôm, chăm lo cho ông trong mọi chuyến đi. Đồng thời, chính người vợ của ông cũng là người luôn tích cực cùng ông tham gia đi cất bốc hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ đưa về an nghĩ tại nghĩa trang của huyện và xã. Như một trường hợp vào năm 2001, đích thân ông cùng vợ đã mang hài cốt liệt sĩ có quê ở tận Nam Định, trao cho thân nhân trước sự cảm động của bà con địa phương.

Được biết, trong số 364 phần mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã thì có đến 1/3 là do chính tay ông Lụa cất bốc và an táng. Chưa kể, một số đã được chuyển về với người thân của họ ở các tỉnh. Mỗi khi tự tay cất bốc hài cốt đồng đội, tim tôi như se lại, cảm giác như đang nghe được tiếng nói, hơi thở của các anh. Và không khi nào tôi cầm được nước mắt, ông Lụa chia sẻ.

Nói về người thương binh già Mai Xuân Lụa, ông Phan Văn Thái - một Cựu chiến binh ở xã Hương Chữ cho biết: "Chúng tôi rất kính trọng anh Lụa ở thái độ nhiệt tình trong công việc, hết lòng vì đồng đội. Gia đình anh không mấy khá giả, đứa con gái bị nhiễm chất độc da cam, mọi công việc trong nhà đều nhờ vào người vợ tảo tần. Thế nhưng, vượt lên tất cả, anh vẫn miệt mài tìm kiếm, mang lại niềm vui cho biết bao gia đình trông ngóng hài cốt người thân".

Vương Hoàng