Người tiêu dùng trước tiên phải tự bảo vệ mình

Người tiêu dùng trước tiên phải tự bảo vệ mình

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Ngày 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực, trong khi đó các vấn đề sử dụng các chất phụ gia tạo đục DEHP, phẩm màu hóa học… gây nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng đang rộ lên.

Liệu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thực sự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và bản thân người tiêu dùng có thể tự bảo vệ được mình?

Trách nhiệm tự bảo vệ thấp

Nếu như những phản hồi của cộng đồng người tiêu dùng chính là hình phạt lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi kinh doanh các sản phẩm xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng là điều phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới thì đó hầu như lại là một điểm yếu đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Trong khi người tiêu dùng là người cầm tiền, quyết định chi tiêu nhưng xem ra các doanh nghiệp vẫn nắm được "thóp" của họ bởi vậy sự phản ứng thông thái để bảo vệ mình của cộng đồng người tiêu dùng ở Việt Nam hầu như là không có. Đó là một thiếu sót lớn khi chính sách bảo vệ cộng đồng này của Việt Nam chỉ mới được phê duyệt và có hiệu lực từ 1/7/2011.

Luật sư Phạm Thị Hồng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Mặc dù, Luật Bảo vệ người tiêu dùng mới có hiệu lực từ 1/7/2011 nhưng nếu xét hành vi của các nhà sản xuất ở Việt Nam khi sử dụng các chất nguy hại cho sức khỏe con người như chất tạo đục DEHP, hay phẩm màu vàng E102 trong thực phẩm là hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Điều này đã được quy định rõ từ lâu trong Bộ Luật Dân sự. Tại điều 630 Luật Dân sự 2005 có quy định: Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất kinh doanh không đảm bảo chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã quy định cụ thể trong điều luật của Bộ Luật Dân sự". Luật đã quy định rõ, tuy nhiên, việc người tiêu dùng Việt Nam có ứng dụng luật để tự bảo vệ mình và cộng đồng hay không thì đó mới là điều đáng bàn khi số người người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ mình chiếm một tỷ lệ rất thấp.

Cùng với sự phổ biến của các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, việc tự bảo vệ mình của người tiêu dùng đã bắt đầu được quan tâm hơn khi họ có quyền phát biểu ý kiến và tập hợp nhau lại trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, thậm chí dùng các trang cá nhân để trao đổi ý kiến, thông tin cho nhau và cùng lên tiếng để bảo vệ mình.

Đơn cử như trong mấy ngày gần đây, trên một số mạng xã hội và diễn đàn phổ biến ở Việt Nam, người tiêu dùng xôn xao bàn tán, chia sẻ thông tin về việc có hay không tác hại của phẩm màu vàng E102 trong mì ăn liền. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ chờ đợi những hành động của bên thứ ba để bảo vệ mình chứ không mấy ai sẵn sàng làm đơn tố cáo.

Theo Luật sư Hồng: "Việc này là hoàn toàn có thể bởi mặc dù phẩm màu vàng E102 chưa phải là chất có trong danh mục cấm sử dụng ở Việt Nam nhưng các dẫn cứ từ việc cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, các cảnh báo nguy cơ cũng như các số liệu nghiên cứu khoa học sẽ là minh chứng xác đáng để người tiêu dùng Việt Nam có thể bảo vệ được mình và yêu cầu truy cứu trách nhiệm của nhà sản xuất cũng như đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc".

Bảo vệ người tiêu dùng, trách nhiệm chung của các bên

Theo Luật sư Phạm Thị Hồng: "Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên càng nảy sinh những vấn đề gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng như hàng nhập lậu, kém phẩm chất, hàng giả... tràn ngập. Tuy nhiên sự phát triển càng nhanh và đa dạng của nền kinh tế thị trường đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại WTO đòi hỏi chúng ta phải có những điều chỉnh để thích ứng với môi trường kinh tế hội nhập quốc tế.

Chính từ lý do đó, Quốc hội khóa 12 ngày 17/11/2010 đã thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng số 59, 2010 và đến 1/7/2011 thì Luật này có hiệu lực. Trong luật có nêu nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội, quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải đươc thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật".

Việc thực thi Luật trước hết nhằm mục tiêu tăng tường sự hiểu biết của người tiêu dùng đối với quyền lợi và nghĩa vụ của họ, giúp cho người tiêu dùng có thêm công cụ chắc chắn để tự bảo vệ mình. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng hãy thật sự thông mình khi lựa chọn hàng hóa đôi khi chỉ bằng những việc rất nhỏ như xem kỹ hạn sử dụng, thành phần cũng như các tác dụng phụ của sản phẩm... Điều này thể hiện thái độ trách nhiệm với chính bản thân mình trước. Đó mới là cơ sở để việc thực thi Luật có hiệu quả hơn từ chính sự quan tâm của người tiêu dùng.

Cũng trong cuộc trao đổi, Luật sư Hồng đã chỉ rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan ban ngành trong việc phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền và ứng dụng triển khai. Như vậy, người tiêu dùng cũng nắm rõ được các cơ quan chức năng mà họ cần tìm đến để giải quyết khi cần thiết. Nhưng quan trọng hơn vẫn là trách nhiệm của nhà sản xuất.

"Đôi khi, nhà sản xuất không chỉ kinh doanh dựa trên pháp luật mà còn phải dựa trên đạo đức. Thật là không công bằng khi một số nhà sản xuất tại Việt Nam biết được tác hại của chất E102 bởi vì các sản phẩm xuất khẩu của họ bị cấm sử dụng thành phần này, trong khi họ vẫn ngang nhiên sử dụng trong nước để tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm phân phối ở thị trường nội địa." - Bà Hồng nhấn mạnh.

Sau DEHP, E102... chắc chắn sẽ còn nhiều dấu hiệu sử dụng các chất phụ gia trong thực phẩm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Hy vọng rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng sẽ thực sự được triển khai triệt để để làm tròn trách nhiệm mà các nhà soạn luật đưa ra.

Liên Nguyễn