Người truyền lửa văn chương cho các thế hệ học trò

Người truyền lửa văn chương cho các thế hệ học trò

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Dù PGS.TS Đỗ Ngọc Thống không tự nhận mình là người nổi tiếng nhưng tất cả giáo viên dạy văn và học sinh trong cả nước đều biết đến tên ông.

Người bình thường nhưng có "ảnh hưởng"

Gặp ông sau buổi họp với Nhà xuất bản Giáo dục và giữa hai chuyến công tác nước ngoài, điều đầu tiên tôi nhận thấy ở PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đó là con người của công việc. Ông đề cập ngay vào vấn đề: "Nếu bảo tôi là người nổi tiếng thì phải khẳng định ngay là không phải. Nhưng nói công việc tôi đã và đang làm có tác động rất lớn đến xã hội thì đúng.

Tôi là một người bình thường, không giống như những nhà văn hay nhà thơ nổi tiếng, nhưng tôi làm công tác giáo dục, tham gia hoạch định chương trình dạy học văn trong nhà trường, điều đó ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ học sinh, theo cả hai chiều tốt và xấu".

Tuy chỉ tham gia giảng dạy 5 năm tại trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa nhưng hầu như những giáo viên và học sinh khi gặp PGS.TS Ngọc Thống đều gọi ông bằng tiếng "thầy" đầy thân thương. Điều đó thật dễ hiểu, 55 tuổi cuộc đời thì có đến 20 năm thầy Thống chuyên tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa và bây giờ thầy vẫn tiếp tục công việc ấy.

Trong suốt 20 năm biên soạn sách giáo khoa và sách tham khảo môn Ngữ văn, điều tâm đắc nhất trong công việc đối với thầy là đã giúp cho giáo viên và học sinh được những điều có ích trong việc dạy và học môn này. Thầy cho biết, những quyển sách thầy biên soạn, các thầy cô giáo và các em học sinh sử dụng nhiều, bán khá chạy và thấy ít bị… bắt lỗi.

Xã hội - Người truyền lửa văn chương cho các thế hệ học trò

Gần đây dư luận "lùm xùm" về cái kết của truyện Tấm Cám, qua đó cũng dấy lên những băn khoăn về việc cắt cúp các tác phẩm. Theo ông, việc cắt hay không còn tùy quan điểm biên soạn sách của từng thời kỳ Xét về quan điểm cá nhân, ông cho rằng "Tấm Cám không phải là một truyện quá dài, thêm một vài chi tiết kết thúc thì tác phẩm cũng chẳng dài thêm.

Việc cắt cúp phần cuối để tác phẩm có tính nhân văn hơn là điều chấp nhận được, sao lại làm chuyện "ầm ĩ" lên đến thế. Nếu người giáo viên giỏi, khi dạy, nhân các cách kết thúc khác nhau mà làm rõ được tính dị bản của văn học dân gian và cho học sinh tự suy nghĩ, phát biểu về ý nghĩa của các cách kết thúc ấy có phải hay không.

Cách cắt cúp như sách giáo khoa, tôi nghĩ về cơ bản cũng không làm thay đổi ý nghĩa hình tượng của tác phẩm nhưng để nguyên như dân gian đã kể cho học sinh có cái nhìn nhiều chiều thì sẽ hay hơn", thầy Thống chia sẻ quan điểm cá nhân

Xã hội - Người truyền lửa văn chương cho các thế hệ học trò (Hình 2).

PGS Đỗ Ngọc Thống tại một thư viện của Đại học Queensland, Úc

Vẫn trong dòng trao đổi về việc cắt cúp các tác phẩm, PGS.TS Ngọc Thống đề cập đến tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao: "Có những đoạn để học sinh tự đọc thì tốt hơn là đưa vào lớp để giáo viên giảng. Đưa lên giảng đoạn tình cảm mặn nồng của Chí Phèo và Thị Nở à? Đưa vào SGK là giáo viên phải giảng. Cô giáo, thầy giáo Ai dám giảng đoạn văn ấy? Học sinh tự đọc là chuyện khác, nhưng đưa đoạn ấy ra giảng thì lập tức thành trò cười ngay.

Không ít người không phân biệt được chuyện để học sinh tự đọc và việc đưa vào nhà trường để dạy ở trên lớp. Họ cho rằng học sinh lớn rồi, các em biết hết, không việc gì phải giấu, nhưng trong nhà trường như thế thì rất gay, không phải cái gì cũng "nói toẹt" ra được.

Việc các em lớn rồi, chuyện này không xa lạ với các em lại cũng là chuyện khác. Trong giờ dạy tác phẩm văn chương cần phải tạo được "không khí thẩm mỹ", một "bối cảnh thẩm mỹ", bởi đó là nơi rất kiêng kị với những gì quá thô tục, phản thẩm mỹ".

Nên khuyến khích học sinh có cách hiểu của riêng mình

Câu chuyện giữa chúng tôi từ chuyện học văn, dạy văn đến văn hóa đọc. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, ở Việt Nam, nhiều người không phân biệt được mù chữ với mù văn. Việc tiếp nhận tác phẩm văn học bao giờ cũng cần chú ý hai giá trị, một giá trị mang tính chất ổn định (bất biến) và một giá trị có thể thay đổi (khả biến).

Khi đọc một tác phẩm văn học, tất cả người đọc đều gặp nhau ở một điểm chung, đó là giá trị ổn định. Bên cạnh đó cũng có một "phần mềm giá trị" tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng cá nhân người đọc. Sáng tạo văn học có nguyên tắc thì tiếp nhận văn học cũng phải tuân thủ nguyên tắc chung.

Trong văn học trung đại, xuất hiện hình ảnh chiếc lá vàng rơi thì ai cũng hiểu đó là tín hiệu của mùa thu chứ không thể nói văn học có thể hiểu nhiều cách mà khẳng định "đó là tín hiệu mùa xuân" được. Những giá trị ổn định này bị chi phối bởi quy luật sáng tạo, đặc trưng thi pháp và đặc điểm của chất liệu ngôn ngữ...

Phần ổn định đó được cả xã hội công nhận. Nhưng bên cạnh các giá trị ổn định tác phẩm văn học lớn cũng hàm chứa trong đó nhiều ý nghĩa mà người đọc có thể nhìn thấy từ những góc nhìn khác nhau...

Xã hội - Người truyền lửa văn chương cho các thế hệ học trò (Hình 3).

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trong một lần làm việc với chuyên gia Úc

Theo PGS.TS Ngọc Thống, một trong những hạn chế của việc giảng dạy Ngữ văn hiện nay là nhiều giáo viên chỉ chăm chú giảng dạy giá trị ổn định và yêu cầu học sinh trả bài trong cái khuôn đó. Giúp học sinh nhận ra những giá trị phổ quát trong mỗi tác phẩm văn học mà ai cũng nhận thấy là cần, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì thiếu.

Người thầy còn phải biết khơi gợi để mỗi học sinh trở thành một bạn đọc sáng tạo, tự nhận thấy tác phẩm đó còn có những ý nghĩa khác nữa. Nghĩa là một mặt cần giúp học sinh nhận ra và hiểu giá trị ổn định, cái mẫu số chung của giá trị tác phẩm; mặt khác phải khuyến khích học sinh có những cách hiểu của riêng mình. Tuy nhiên, phần riêng này cũng phải có lý, nghĩa là học sinh phải lập luận, phân tích có sức thuyết phục, chứ không phải thích hiểu thế nào thì hiểu.

Chẳng lẽ lại có thể tán thành với cách hiểu câu thơ "Sông dài trời rộng bến cô liêu" trong bài Tràng Giang (Huy Cận) là ngày xưa có một cô Liêu chuyên chèo đò trên con sông này, nên khi mất bến có tên là bến cô Liêu, như có một học sinh đã từng diễn giải. Ai cũng hiểu, đó là sự suy diễn nhảm nhí. Văn chương là nghệ thuật, nhưng cũng có tính khoa học của nó".

Cần giúp học sinh "thoát nạn mù văn"

Tốt nghiệp đại học năm 1979, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống tham gia nghĩa vụ quân sự rồi quay về trường cũ dạy văn tại trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa từ năm 1984 đến 1989. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ (1994), ông về Viện Khoa học Giáo dục, tham gia vào công tác biên soạn sách Ngữ văn từ năm 2002 đến nay. Bằng tâm huyết và quan niệm riêng của mình, ông cho rằng: "Không ít người nghĩ rằng thoát được nạn mù chữ là đọc được văn, nhưng thực ra có rất nhiều người mù văn, bởi đọc mà không hiểu gì cả. Người ta rất dễ công nhận là mình mù hội họa hiện đại hoặc là mù nhạc giao hưởng nhưng rất ít ai tự nhận mù văn. Vì chất liệu của văn là ngôn ngữ nên nhiều người nghĩ rằng đọc được chữ là có thể hiểu được văn, nhưng thực chất nó rất khác nhau. Vì thế, nhà trường có sứ mệnh rất quan trọng ở môn văn là giúp cho học sinh thoát nạn mù văn, nghĩa là dạy học sinh biết cách hiểu văn cho đúng".

Thanh Xuân