Người Việt đang mạo hiểm chính nòi giống của mình

Người Việt đang mạo hiểm chính nòi giống của mình

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Người tiêu dùng tỏ ra nghi ngờ về sự qua loa, chiêu lệ trong quá trình kiểm định chất lượng hàng hóa của cơ quan chức năng hiện nay.

Việc nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc có nhiều hóa chất độc hại được phát hiện trên thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua không còn là chuyện mới. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là trong nhiều năm, những mặt hàng "độc hại" vẫn được bày bán tràn lan từ thành thị đến nông thôn, từ siêu thị đến vỉa hè tạo thành "ma trận" "thuốc độc". Nhiều người tiêu dùng "đề kháng" bằng cách tìm đến mua hàng hóa ở những địa chỉ thương mại có uy tín nhưng cuối cùng vẫn bị "trúng độc". Đơn cử, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện sản phẩm "lồng đèn" Trung Quốc đang được bày bán tại siêu thị Coop - Mart (TP. HCM) nhiễm chất cadimi khiến người tiêu dùng thêm một lần hoảng hốt.

Xã hội - Người Việt đang mạo hiểm chính nòi giống của mình

Đồ chơi Trung Quốc tràn lan mỗi dịp Trung thu về

Ma trận "chết chóc" đồ chơi trẻ em

Thời điểm này, thị trường đồ chơi trẻ vào mùa Trung Thu đã trở nên sôi động. Dọc theo các tuyến phố Hà Nội như Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, các chợ truyền thống… đâu đâu cũng trưng bày tràn lan những mặt hàng đồ chơi bề ngoài trông rất bắt mắt. Theo nhiều chủ cửa hàng, đa số những mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc. Người tiêu dùng tỏ ra lo sợ là các sản phẩm đồ chơi liệu có đảm bảo được sức khỏe. Bởi trong nhiều năm lại đây, nhiều loại hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc có mặt trên thị trường Việt Nam liên tục bị phát hiện chứa nhiều độc tố gây hại sức khỏe cho người sử dụng. Mối lo này của người tiêu dùng là không thừa. Mới đây nhất, hai mẫu đèn lồng Trung Quốc được bày bán tại thị trường TP. HCM đã được đi kiểm định và phát hiện có chứa chất cadimi (Cd). Đây là một trong những kim loại nặng có nguy cơ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe nếu vượt quá mức cho phép.

Được biết, hai mẫu lồng đèn trên xuất xứ của Trung Quốc được lấy một cách ngẫu nhiên. Một mẫu được lấy tại siêu thị và tại một quầy hàng bày bán trên phố. Bề ngoài, cả hai mẫu đồ chơi có đặc điểm là màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng bắt mắt. Mẫu thứ nhất là đèn lồng có hình dạng một chú chuồn chuồn còn mẫu thứ hai hình con chim. Khi bỏ pin vào, nó sẽ chuyển động vỗ cánh trông rất thú vị. Giá thành chỉ khoảng 65 - 75.000đồng/ chiếc. Điều đặc biệt, hai mẫu đèn lồng này lại có xuất xứ rõ ràng và có nhà nhập khẩu hẳn hoi.

Sau khi được kiểm tra tại Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ Hóa học, kết quả cho thấy, Cd đã vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Theo số liệu công bố, mẫu đèn lồng hình con chuồn chuồn hàm lượng Cd trong sơn phủ rất cao: 7.390 microgram/kg (muối cadimi sử dụng làm chất tạo màu trong nhiều loại nhựa). Đem so quy định lượng Cd được phép có trong đồ chơi trẻ em là 60 microgram/ kg mà Việt Nam từng công bố trước đây thì gấp đến 123 lần. Điều này khiến nhiều khách hàng tỏ ra lo sợ, và không biết chọn lựa sản phẩm đồ chơi nào trên thị trường thời điểm lúc này.

Trao đổi với PV, chị Thủy ở Từ Liêm (Hà Nội) tỏ vẻ hốt hoảng khi nhận được thông tin này. Chị Thủy cho biết, bốn ngày trước cũng đi siêu thị Big C mua đồ chơi cho con. Sản phẩm mà chị mua cũng có mẫu mã đẹp, bắt mắt, xuất xứ từ Trung Quốc, giá 55.000 đồng. Nhưng khi chị biết thông tin sản phẩm đồ chơi Trung Quốc bị phát hiện nhiều chất gây ung thư được phát hiện chị đành phải ném nó đi và không cho con chơi nữa.

Có kiểm định vẫn như không

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, có độ pH hay hàm lượng độc tố không vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Theo luật sư Nguyễn Trinh Đức, giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ và Tư vấn đầu tư IPIC Gruop, việc có tem chứng nhận kiểm định trên các sản phẩm chưa thể khẳng định được chất lượng sản phẩm của hàng hóa. Luật sư Đức đưa ra quan điểm, việc đăng ký sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm hàng đồ chơi trẻ em nói riêng được tiến hành kiểm định theo mẫu mà nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trình lên. Để chứng minh sản phẩm hàng hóa của mình đạt tiêu chuẩn là một điều rất dễ dàng. Bởi vì, việc bỏ ra ít tiền đầu tư hàng mẫu đạt tiêu chuẩn mang đi kiểm định là điều rất đơn giản.

Thông thường, những sản phẩm có thương hiệu, vòng đời sản phẩm tồn tại lâu thì chất lượng luôn được nhà sản xuất và nhà nhập khẩu đảm bảo đúng như kiểm định. Trong khi đó, những sản phẩm mang tính mùa vụ, vòng đời ngắn, sản xuất theo đơn đặt hàng thường rơi vào tình trạng đăng ký một đường bán một nẻo. "Các sản phẩm đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện trên thị trường Việt Nam đều thuộc trường hợp này", luật sư Đức cho biết.

Về vụ việc liên quan đến hai sản phẩm đồ chơi được bày bán trên thị trường vừa mới phát hiện có sai phạm, ông Đức cho rằng, hiện nay vẫn chưa khẳng định được tem giả hay thật. Tuy nhiên, xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường. Ông Đức cho biết, có nhiều sản phẩm hàng hóa trên thị trường không cần thông qua đăng ký kiểm định chất lượng nhưng nhà sản xuất và phân phối vẫn đảm bảo đúng chất lượng được công bố trên bao bì sản phẩm.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, PGS. TS Nguyễn Trường Luyện (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Cadimi là một kim loại hiếm. Cd tồn tại dưới dạng các ion khi thâm nhập vào cơ thể có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vì là kim loại nặng nên khi Cd thâm nhập vào cơ thể sẽ rất khó đào thải hết. Nó sẽ tích lũy trong tế bào và đến một lúc nào đó sẽ gây ung thư, dị tật. Nếu Cd trong đồ chơi cao hơn 123 lần cho phép là quá nguy hại".

Theo PGS.TS Luyện, Cd là kim loại hoạt động, nếu lượng ion vào trong cơ thể ở dạng ion dương thì sẽ làm cho các tế bào mất điện tử, thay đổi cấu trúc tế bào và gây hại cho cơ thể. Đưa ra những phân tích khoa học về chất trên, PGS Luyện nêu rõ, Cd được ứng dụng nhiều trong sản xuất tuy nhiên luôn bị kiểm soát trong một giới hạn nào đó. Chẳng hạn khi đúc thép, nếu cho một lượng cadimi nhất định có thể làm biến tính và giúp thép cứng hơn.

Đưa kiến nghị để hạn chế tình trạng đồ chơi nhiễm độc tràn lan trên thị trường vị PGS này cho biết: "Có thể vận dụng các phương pháp như quang phổ, nhiễm xạ tia-X, hóa học… để phát hiện Cd. Ngoài ra, trước khi cho lưu hành sản phẩm nào trên thị trường, các cơ quan chức năng cần lấy mẫu ngẫu nhiên đưa về các cơ sở đo lường chất lượng để kiểm tra. Sau khi có kết luận trong mức cho phép thì mới cho nhập về và lưu thông trên thị trường".

Của rẻ "đẻ" ra... bệnh

Liên quan đến tình trạng Cd tồn tại với hàm lượng cao trong đồ chơi Trung Quốc, PGS. TS Nguyễn Trường Luyện đưa ra nhận định: "Việc Cd có hàm lượng cao trong các đồ chơi có thể do công nghệ sản xuất yếu kém khiến hệ thống máy móc không thanh lọc, loại bỏ được chất này trong các nguyên liệu. Hàng đồ chơi Trung Quốc vì có giá rất rẻ nên có thể chi phí để sản xuất không cao, sử dụng nguyên liệu là các tạp chất, chất phế thải. Hơn nữa, công nghệ thanh lọc kém nên Cd mới tồn tại ở mức cao như vậy.

Như Hải - Phạm Hạnh