Người Việt mang 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh

Người Việt mang 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh

Thứ 7, 26/01/2013 | 17:32
0
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay, mỗi năm, nước ta mất 1 tỷ USD do hơn 40.000 bệnh nhân đem ra nước ngoài để khám chữa bệnh. Xu hướng ra nước ngoài khám chữa bệnh đang trở thành trào lưu mới.

Ngoài ra, các bệnh viện ở Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng rất đông bệnh nhân Việt Nam đến khám, điều trị nội trú.

Cứ ung thư là ra nước ngoài

Mỗi năm số lượng người dân Việt Nam đến Singapore để chữa bệnh khoảng 5.000-10.000 lượt người. Tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM và giờ là cả các tỉnh, thành phố khác.

Xã hội - Người Việt mang 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh

Bệnh nhân có tiền lựa chọn bệnh viện ngoại để mong yên tâm hơn

Phần lớn bệnh nhân ra nước ngoài điều trị có liên quan đến các bệnh về ung thư. Được biết, tại Singapore giá chữa một số loại bệnh ở đây cao ngất ngưởng như: Phẫu thuật khối u gan: 10.000 - 13.000USD, ghép gan: từ 150.000 - 180.000USD; ghép thận 60.000 - 70.000USD; thay van tim 15.000 - 17.000USD...

Chi phí cho một ca phẫu thuật trung bình cao hơn từ 50-100 lần tại Việt Nam. Bệnh nhân tên V.H, ở quận 9, TPHCM khi phát hiện bị ung thư đã qua một BV tại Singapore chữa, bảng chi phí đề nghị chuẩn bị lên đến 26.000USD, trong khi đó điều trị tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM chỉ hết khoảng 40 triệu đồng.

Không chỉ ở Singapore, mà Thái Lan cũng trở thành một điểm đến mới của nhiều người bệnh ở VN. Trung bình mỗi tháng, chỉ tính riêng ở BV B...International của Thái Lan cũng đã tiếp nhận từ 80-100 lượt người VN đến khám và điều trị các bệnh như ung thư, thần kinh, tim mạch... Hiện nay, trào lưu sửa sắc đẹp, chỉnh sửa giới tính... tại một số BV Thái Lan cũng đang hút khách từ VN.

Còn ghép tạng thì địa điểm đang được người bệnh VN chọn nhiều nhất là Trung Quốc. Nhiều BS tại VN khẳng định, nguồn tạng tại nước này hiện rất dồi dào, nhất là thận...
Điều đáng nói không chỉ có người dân bình thường có điều kiện kinh tế mới lựa chọn bệnh viện nước ngoài mà ngày cả chính các bác sỹ của Việt Nam cũng có xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh để được hưởng một dịch vụ tốt.

Trong thời gian vừa qua, dưới hình thức đi du lịch hoặc công tác, nhiều bác sỹ Việt Nam đã đưa chồng/vợ, con, bố mẹ sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, … chữa các bệnh mãn tính.

Là người trong ngành, họ hiểu và nắm được đầy đủ các thông tin về trình độ chuyên môn của các bệnh viện này và biết rằng sẽ phải chi trả một khoản lớn. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng đi!

Hiện đại, bệnh viện nội vẫn mất bệnh nhân

Theo PGS. TS, bác sĩ Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) thì hiện nay, phương pháp điều trị ung thư tại Việt Nam đều tuân thủ quy trình chuẩn quốc tế. Với mỗi quy trình, các cơ sở điều trị ung thư trong nước đã áp dụng các phương pháp và máy móc tiên tiến.

Xã hội - Người Việt mang 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh (Hình 2).

Tại sao bệnh viện trong nước không giữ được chân bệnh nhân?

Về điều trị, các cơ sở điều trị ung thư trong nước cũng đã làm chủ các phương pháp mới. Do đó, về trình độ chuyên môn và hiệu quả điều trị thì không có sự khác biệt nhiều giữa bệnh viện Việt Nam với bệnh viện ở các nước lân cận.

Theo Thầy thuốc nhân dân GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, tất cả các loại ung thư đều được chẩn đoán và điều trị tốt tại Việt Nam trong các cơ sở điều trị chuyên khoa đã được xếp ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Máy móc hiện đại, giá thành lại rẻ, bệnh nhân và gia đình không tốn kém chi phí đi lại, ăn ở lại thuận lợi trong giao tiếp và quan trọng là việc theo dõi biến chứng và xử lý cấp cứu được kịp thời, vậy mà bệnh viện nội vẫn không thể giữ được bệnh nhân. Vì tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" hay do bệnh nhân còn không tin bác sĩ nội?

Anh Triệu Văn T., người từng sang bệnh viện M.Elizabeth của Singapore chữa bệnh ung thư gan cho biết: “Vào Bạch Mai và sang bệnh viện này, kết quả chẩn đoán và hướng điều trị không khác nhau nhiều. Nhưng sang bệnh viện ở Singapore, tôi mới thấy mình được là... người”.

Ở nước ngoài bệnh nhân được hưởng một dịch vụ rất tốt từ khâu tiếp đón, thăm hỏi đến phòng ốc, đi lại. "Họ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là động viên người thân, ngoài ra các phần khác đã có bệnh viện lo. Ngoài ra, điểm nổi bật tại các bệnh viện nước ngoài là mọi dịch vụ đều minh bạch", anh T cho biết.

BS Phạm Xuân Dũng - Phó GĐ BV Ung bướu cho rằng, sự quá tải trầm trọng tại các BV của VN, nụ cười của nhân viên y tế, cách tiếp thị thương hiệu cho BV, sự yên tâm cho bệnh nhân, sự tin tưởng tuyệt đối với BS... chính là rào cản lớn khiến nhiều bệnh nhân quay lưng với y tế VN.

Đồng tình với quan điểm trên, GS Nguyễn Chấn Hùng góp ý, sự đầu tư về cơ sở vật chất, mặt bằng BV chưa tương xứng với nhu cầu người bệnh đó chính là nguyên nhân khiến một số người bệnh có nhu cầu đã tìm ra nước ngoài chữa trị.

Ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho biết điều kiện cơ sở vật chất trong các bệnh viện hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Nếu bệnh viện nào cũng được xây dựng đẹp đẽ như khách sạn, được phục vụ tốt, chuyên môn tốt thì bệnh nhân tất yếu sẽ tìm đến.

Theo Đất Việt

'30% số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về'

Thứ 7, 26/01/2013 | 10:59
“Tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Thân nhân mặc áo tang 'náo loạn' Sở Y tế TP.HCM

Thứ 7, 26/01/2013 | 09:28
Ngày 25/1, người nhà của bệnh nhân Đ.V.T (nam, 49 tuổi, ngụ Tôn Đản, Q.4, TP.HCM), tử vong sau khi được điều trị tại Bệnh viện Bình dân TP.HCM tiếp tục mặc áo tang đến Sở Y tế TP.HCM khiếu nại sự việc.

Sinh con gái một bề sẽ được hỗ trợ

Thứ 7, 26/01/2013 | 09:04
Những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ gái (con thứ 2) khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí.