Người Việt từ nước ngoài về trốn khai báo y tế, cách ly: Gây hậu quả nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự

Thanh Lam

Việc xuất hiện những trường hợp đi từ vùng biên về nhưng không khai báo y tế là hồi chuông báo động dịch bệnh Covid-19 có thể quay trở lại, bùng phát bất cứ lúc nào. Phải chăng đã đến lúc nên truy tố các cá nhân trốn khai báo y tế để làm gương?

Trường hợp nhập cảnh nào cũng phải khai báo y tế

Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới “chao đảo”, gồng mình để vượt qua những khó khăn, thách thức. Hàng ngày, chúng ta vẫn theo dõi cập nhật thông tin dịch bệnh từ các nước trên thế giới, số ca bệnh và số ca tử vong như ở Mỹ, Pháp… tăng lên chóng mặt. Còn tại Việt Nam gần 40 ngày qua, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng là một tín hiệu vui. Điều này cho thấy sự chỉ đạo đúng đắn, nhất quán của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mặc dù tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã không còn xuất hiện ca mắc trong cộng đồng, thế nhưng các ca mắc sau khi nhập cảnh vẫn còn có xu hướng gia tăng. Bên cạnh việc thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh thì mới đây nhất, thông tin về 3 trường hợp từ Campuchia về không khai báo y tế, 1 người có bệnh mãn tính, không cách ly tập trung theo quy định đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Vấn đề được đặt ra là bài toán kiểm soát dịch bệnh ở các khu vực biên giới hiện nay ra sao? Để tránh những hành động này vẫn tiếp diễn gây nguy hại cho cộng đồng, chúng ta có cần nên truy tố các cá nhân trốn khai báo y tế khi nhập cảnh để làm gương?

Bất cứ trường hợp nào nhập cảnh cũng đều phải khai báo y tế.

Liên quan đến câu chuyện trốn khai báo y tế khi nhập cảnh, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng cục Y tế dự Phòng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (bộ Y tế) khẳng định lại một lần nữa: “Bất kỳ trường hợp nhập cảnh nào vào Việt Nam cũng phải khai báo y tế”.

Bày tỏ quan điểm của mình về việc kiểm soát dịch bệnh ở khu vực biên giới, đặc biệt tại các cửa khẩu đường bộ, ông Phu cho rằng: “Yêu cầu người dân đi về từ các nước phải đi qua cửa khẩu chính thức, không được qua đường mòn, lối mở mà không có lực lượng biên phòng và kiểm dịch y tế”.

Theo ông Phu, người dân đi qua cửa khẩu không chỉ khai báo y tế mà còn phải đo thân nhiệt, cách ly tập trung…

Trong khi đó, là người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại ổ dịch Sơn Lôi (tỉnh Vĩnh Phúc), bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương Trạm phó trạm Y tế xã Sơn Lôi cho rằng việc người dân khai báo y tế là điều rất quan trọng để cơ quan y tế, lực lượng chức năng rà soát, sớm phát hiện được các ca bệnh.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cách ly những người nhập cảnh từ nước ngoài về là để tìm nguồn lây. Người dân khi đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, hoặc đi từ vùng có yếu tố dịch tễ về đều phải khai báo y tế giúp lực lượng kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào. Nếu không khai báo y tế sẽ gây ra những hậu quả khó lường”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.

Khởi tố hình sự để răn đe

Trao đổi thêm với PV, luật sư Hoàng Văn Hướng, (văn phòng luật sư Hoàng Hưng, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, về việc 3 người đi từ Campuchia về nhưng không khai báo y tế cần nhìn nhận từ phía cơ quan chuyên môn: “Một mặt là từ người dân, mặt khác xem cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan kiểm dịch y tế đã thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình chưa. Hay, trong trong thời gian qua đại dịch trong nước đã được khống chế tốt chúng ta có sự nới lỏng. Từ sự nới lỏng đó, người dân mới “bỏ quên” ý thức không khai báo”.

Theo luật sư Hướng, người đi từ nước ngoài về Việt Nam thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Trong trường hợp 3 người trở về từ Campuchia cần phải tìm rõ nguyên nhân do cá nhân người dân cố tình trốn tránh khai báo y tế bằng các hành vi thủ đoạn tinh vi mà cơ quan kiểm soát không phát hiện ra, hay do các cơ quan quản lý buông lỏng.

“Khi đã làm rõ nguyên nhân thì bên nào làm sai bắt buộc phải có hình thức xử lý tuỳ mức độ. Nhẹ có thể nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt hành chính, còn nặng để lại hậu quả lây nhiễm cho cộng đồng và phải thực hiện các biện pháp cấp bách gây tốn kém thì cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự để có tính chất răn đe”, luật sư Hướng nhận định.

Đánh giá thêm về việc kiểm soát dịch bệnh trong nước thời gian gần đây, cá nhân luật sư Hướng cho rằng dường như chúng ta đang có sự chủ quan, buông lỏng.

Luật sư Hướng bày tỏ sự lo ngại rằng nếu chúng ta buông lỏng thì nguy cơ tái nhiễm lại sẽ cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, vị luật sư này đề nghị: “Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát khai báo y tế, kiểm soát các biện pháp như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang… phải làm chặt chẽ, thường xuyên không nới lỏng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng”.

Không khai báo y tế gây nguy cơ xấu

Ngày 24/5, theo ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu), cho biết địa phương này vừa phát hiện 3 người từ Campuchia về không khai báo y tế, không cách ly tập trung theo quy định. Trong đó, có một người bị bệnh mãn tính. Nhận được thông tin, trung tâm Y tế huyện Hoà Bình đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường. Ngoài ra, cán bộ y tế Bạc Liêu đã theo dõi sức khỏe đối với những người tiếp xúc gần trong gia đình của 3 trường hợp nêu trên.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trao đổi thêm với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, để kiểm soát tốt dịch bệnh ở khu vực vùng biên, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, có sự hướng dẫn để người dân đi từ các nước về hiểu được vấn đề, cách ly tập trung theo quy định để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.

T.L