Người Việt ước mơ chinh phục vũ trụ

Người Việt ước mơ chinh phục vũ trụ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Tướng Phạm Tuân là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ vào ngày 23/7/1980. Đó là mốc lịch sử đánh dấu ước mơ được đặt chân lên vũ trụ của người Việt.

Đam mê chinh phục vũ trụ

Phải hơn 1/4 thế kỷ sau kể từ ngày Phạm Tuân đánh dấu bước đầu tiên trong việc chinh phục vũ trụ, chúng ta mới chập chững những bước đầu tiên trong việc phát triển công nghệ vũ trụ. Để phóng được một vệ tinh nhỏ, thì chúng ta cũng phải có công nghệ và làm chủ được công nghệ.

Tướng Phạm Tuân từng cho biết: "Động cơ ô tô, xe máy chúng ta cũng đã làm được đâu... Có thể phần mềm công nghệ thông tin, phần mềm điều khiển thì ta làm được, nhưng chế tạo phần cứng thì... chưa. Cho nên, nếu muốn chinh phục vũ trụ, ta phải kết hợp với bên ngoài để lắp ráp một phần nào vệ tinh, giống như vệ tinh Vinasat ta đang khai thác. Công nghệ và sản phẩm là của nước ngoài, họ phóng lên, ta bỏ tiền ra mua nó, khai thác nó. Ta lắp các hệ thống thu phát tín hiệu, khai thác vào mục đích của ta. Nói chung, ta phải hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để làm chủ công nghệ, chứ để tự chế tạo thì chưa...".

Xã hội - Người Việt ước mơ chinh phục vũ trụ

Tướng Phạm Tuân.

Cách đây hơn 4 năm, ngày 19/4/2008, vệ tinh Vinasat - 1 của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo, đánh dấu mốc đầu tiên của Việt Nam trong việc khai thác tài nguyên không gian vũ trụ. Dự án phóng vệ tinh Vinasat - 1 và Vinasat - 2 là các dự án được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm bởi nó mở ra những cơ hội để chúng ta ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là phục vụ cho vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao năng lực và vị thế của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Vì thế, việc phóng vệ tinh Vinasat -1 thành công và đưa vào khai thác có hiệu quả đã mở ra cho Việt Nam tương lai trong việc chế tạo những vệ tinh nhân tạo, đánh dấu những bước trưởng thành vượt bậc, đột phá về công nghệ vũ trụ...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng cho biết: Để có sự kiện trọng đại Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat 1-2 là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc hoạt động và khai thác hiệu quả của vệ tinh, tiếp theo đây còn rất nhiều việc phải làm. Việc phóng thành công Vinasat -1 và 2 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thông tin truyền thông quốc gia, đưa thông tin đến tất cả các vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi và hải đảo, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quốc phòng, an ninh, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai...

Thực hiện chế tạo vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên tại Việt Nam

Trên thế giới, việc chế tạo vệ tinh rất phát triển, nhưng với Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực rất mới. Tuy nhiên, trước xu thế chế tạo các vệ tinh nhỏ đang phát triển mạnh trên thế giới kèm theo nhu cầu phóng tăng cao, các nhà khoa học mong muốn tìm kiếm hình thức khác nhiều cơ hội bay lên quỹ đạo hơn.

Hơn 50 năm trước, khi vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 được phóng lần đầu tiên, cả thế giới đã phải kính nể và thán phục, cùng dõi theo một bằng chứng hùng hồn về sự khởi đầu công cuộc chinh phục vũ trụ của Liên bang Xô Viết. Sau 50 năm, một số sự thật về việc phóng vệ tinh này mới được hé lộ.

Thực ra, vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 không phải là kết quả của một chương trình có tính chiến lược lâu dài của Liên Xô nhằm thể hiện ưu thế của mình. Sputnik ban đầu chỉ là một ý tưởng lóe sáng của một nhà khoa học Xô Viết. Ông đã đưa ra ý tưởng dùng một tên lửa có sẵn, lắp thêm một vệ tinh vào, tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo có thể phóng thành công. Và từ đó cuộc đua tranh quyết liệt vào không gian giữa Liên Xô và Mỹ bắt đầu.

Xã hội - Người Việt ước mơ chinh phục vũ trụ (Hình 2).

Vệ tinh nhân tạo Sputnik

Và cũng hơn nửa thế kỷ sau những thành công của công nghệ vũ trụ thế giới, không dừng lại với những thành công đầu tiên với Vinasat 1, những ngày tháng 7/2012, thế hệ trẻ Việt Nam năng động và sáng tạo đã tạo nên một bước ngoặt thực sự trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ đầu tiên bằng việc chế tạo vệ tinh siêu nhỏ được Việt Nam tự chế tạo đầu tiên mang tên F1 do nhóm Fspace của trường đại học FPT. Có thể nói, việc nghiên cứu và phát triển vệ tinh nhân tạo mang tên F-1 của nhóm Fspace là tiên phong "đặt viên gạch" cho công nghệ vũ trụ của Việt Nam.

Khi đó, F-1 được coi là vệ tinh được người Việt tự thiết kế, chế tạo, thử nghiệm đến vận hành. Thông thường các vệ tinh được đặt trực tiếp lên tên lửa, sau khi được phóng lên, tên lửa sẽ đẩy vệ tinh ra quỹ đạo và vệ tinh bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, trước xu thế chế tạo các vệ tinh nhỏ đang phát triển mạnh trên thế giới kèm theo nhu cầu phóng tăng cao, các nhà khoa học mong muốn tìm kiếm hình thức khác nhiều cơ hội bay lên quỹ đạo hơn.

Fspace đã tìm kiếm ở nhiều nơi khắp thế giới, trao đổi với hơn 40 công ty, tổ chức làm về lĩnh vực tên lửa đẩy để tìm những tên lửa chấp nhận cho vệ tinh nhỏ đi kèm và có quỹ đạo hợp với nhiệm vụ của vệ tinh F-1.

Trong lịch sử, con người từng được chứng kiến có 3 vệ tinh được thả ra từ trạm ISS là Nanosputnik 28/3/2005, SuitSat-1 3/2/2006 và Kedr 4/8/2011 với cách làm thủ công, tức là phi hành gia sẽ phải tiến hành một chuyến đi bộ ra không gian và thả vệ tinh ra ngoài... Và chính việc thực hiện đó rất dễ xảy ra rủi ro và nguy hiểm cho vệ tinh và phi hành gia, nên F- 1 được JAXA đề xuất cách dùng cánh tay robot trên trạm ISS được điều khiển bởi phi hành gia để thả cho các vệ tinh nhỏ vào vũ trụ và F- 1 cũng được áp dụng công nghệ rất mới đó.

Nhận thấy hướng đi phù hợp với người Việt Nam, các kỹ sư trẻ Việt Nam có thể hoàn toàn nắm bắt và làm chủ được nó ngay trong thời điểm hiện tại, nhóm Fspace của trường ĐH FPT gồm 10 thành viên đã chế tạo thành công vệ tinh F -1 để khẳng định một điều rằng: Người Việt có thể tự chủ được công nghệ vũ trụ...

Vào thời điểm ấy, vệ tinh F-1 được mang tính chất thử nghiệm. Tuy nhiên, việc phát triển F-1 như một bước đánh dấu quan trọng của ngành khoa học Việt Nam, làm nền tảng cho các bước phát triển khoa học tiếp theo và là cơ sở để FPT tiếp tục triển khai các dự án tiếp theo, hướng tới ứng dụng vào thực tiễn. Sứ mệnh của F-1 là phát tín hiệu về mặt đất, thử nghiệm chụp ảnh Trái đất, đo từ trường, nhiệt độ...

Điều quan trọng mà Fspace và F-1 đang mang lại và gửi gắm là thực sự không gian vũ trụ sẽ không còn quá xa xôi, và điều đó khẳng định rằng người Việt có thể thực hiện được những điều mà tưởng chừng như không thể. F-1 mang theo một lá quốc kỳ Việt Nam thu nhỏ và một thẻ nhớ SD chứa lời nhắn của hơn 7500 người quan tâm đến dự án F-1... Những lời nhắn chứa đựng hoài bão làm chủ công nghệ Việt...

Theo kỹ sư Vũ Trọng Thư (Trưởng nhóm Fspace- Trường ĐH FPT) cho biết: "Vệ tinh F1 là ý tưởng rất mới. Khác với những vệ tinh truyền thống, phải mất nhiều năm chế tạo, vệ tinh siêu nhỏ có thời gian phát triển ngắn. Tuy nhiên điều đó phần nào giúp các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận và nắm bắt kỹ thuật chế tạo vệ tinh nhanh nhất. Ở Việt Nam những vệ tinh siêu nhỏ đã từng được nghiên cứu và chế tạo song điều được đánh giá cao ở Fspace chính là niềm đam mê khoa học và kiên trì đến đích cuối cùng".

Hoàng Việt

(Còn nữa)