Người

Người "yêu" xe lửa đặc biệt giữa Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Chơi mô hình xe lửa là thú chơi vô cùng xa xỉ. Đó là sự xa xỉ tiền bạc, thời gian, là sự sáng tạo không mệt mỏi để xây dựng một cái Sa bàn xe lửa. Nhưng lạ hơn khi một nhạc công có tiếng ở Sài Gòn lại mê tàu lửa hơn... mê người.

Những đêm khuya đi đệm đàn về mệt phờ, ông lặng ngắm đoàn tàu đang xếp hàng trong ga rồi bật công tắc điện lên chỉ để nghe tiếng động cơ râm ran cho bớt nhớ. Ông trở thành người sở hữu mô hình xe lửa nhiều nhất Việt Nam với hơn 200 toa tàu, 150 đầu máy xếp theo niên đại trong tủ kính cùng hàng nghìn mét đường ray xe lửa mini.

Xã hội - Người 'yêu' xe lửa đặc biệt giữa Sài Gòn

Ngoài chơi đàn, Lý Được dành nhiều thời gian cho thú đam mê xe lửa

Tuổi thơ trên những toa tàu

Những chuyến tàu rầm rầm chở tuổi thơ ông đi trong tiếng gió rít qua thanh sắt cửa sổ toa tàu đã hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ của ông trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ông là nghệ sĩ Nguyễn Văn Được hay Lý Được hiện đang là một nhạc công guitar bass có hạng ở Sài Gòn. Nhưng khi trở về nhà, ông đã bỏ ngoài tai sự hấp dẫn của âm nhạc để hòa mình vào những đoàn tàu đồ chơi chạy bằng điện được trưng bày khắp ngôi nhà.

Khác với mấy món đồ chơi bằng nhựa chạy pin của giới trẻ, đây là mô hình xe lửa đồ chơi dành cho người lớn chơi nên nó đẹp, tinh xảo và đắt tiền. Cả một hệ thống đường ray, nhà ga, cầu, hầm, núi non sông nước, hay nói cách khác là hệ thống đường sắt Việt Nam được thu nhỏ mà ở đó, những đoàn tàu chạy bằng điện, tạo ra tiếng máy nổ như thật cho con người có cảm giác sự sống thật. Chủ nhân của các đoàn tàu này đã bước sang tuổi 60 và sắp có cháu ngoại, nhưng niềm đam mê tàu lửa trong ông dường như chưa bao giờ mai một.

Ông Được cho biết, cả tuổi thơ của ông là những ngày theo cha trên những chuyến tàu chạy từ Đà Nẵng ra Huế. Cha ông vốn là lái tàu của ngành vận tải đường sắt Việt Nam. 5 tuổi, Lý Được đã biết đến đoàn tàu, nhà ga. Ông thường được cha cho ngồi ngay trên đầu toa. Con đường hun hút cứ rẽ gió lao về phía trước. Trên tàu, ông có thể nhìn ngắm được toàn bộ rừng vàng, biển bạc của đất nước. Mỗi khi tàu cua, anh ngắm được cả toa cuối cùng ngoằn ngoèo chạy theo đường ray.

Tình yêu ngấm vào tiềm thức, Lý Được mê mải theo những chuyến tàu ra Bắc vào Nam. Mỗi mùa noel, cha thưởng cho Được một món quà tùy ý. Đến gian hàng đồ chơi, Được chỉ tay ngay vào chiếc xe lửa và thích thú ngắm nhìn quên cả thời gian. Thời ấy, không có tàu chạy bằng pin, mỗi lần đi lái tàu về, biết được sở thích của con trai nên cha mua cho Được mô hình tàu làm bằng đất sét. Trên con đường hàng ngày Được đến trường, có một cửa hàng trưng bày toàn đồ chơi xe lửa. Và dù công việc có vội vàng bao nhiêu, Được vẫn nán lại ngắm cho bằng được mới chịu. Rồi đến năm 15 tuổi, Được được cha tặng cho một chiếc tàu nhựa chạy bằng pin.

"Gia sản" đồ sộ của tay guitar bass

Lý Được mê mải với con tàu ấy và cất giữ cẩn thận cho đến tận ngày nay. Không chỉ là những chuyến tàu đơn thuần đưa ông đi các vùng quê của đất nước, gắn bó với những chuyến đi, ông nhận ra sân ga, nơi đến và đi, nơi có nước mắt chia xa và hạnh phúc khi gặp lại. Ông ấn tượng gắn những điều đó vào đời mình, trở thành kỷ niệm và nỗi nhớ trong những đoàn tàu bằng mô hình của ông bây giờ. Một thời gian, ông phải gác lại niềm đam mê với tàu để chạy theo tiếng đàn mưu sinh.

Xã hội - Người 'yêu' xe lửa đặc biệt giữa Sài Gòn (Hình 2).

Sa bàn về mô hình xe lửa thu nhỏ của ông Được

Tuy vậy, ước mơ vẫn cháy âm ỉ và năm 1991, trong một lần đi nước ngoài biểu diễn, Lý Được đã dành tiền mua một bộ đồ chơi xe lửa của Nhật sản xuất. Mỗi lần có dịp nào đó đi đâu, ông lại mày mò tìm mua cho bằng được một mô hình tàu lửa. Mỗi lần một chiếc, hơn 20 năm qua, ông đã sắm cho mình một "gia sản" đồ sộ toàn là đầu máy, toa tàu và đường ray. Tủ trước, tủ sau, nhà trong, nhà ngoài, thậm chí cả dưới bếp, ông cũng chất đầy đồ chơi xe lửa. Những đoàn tàu mang trên mình các nhãn hiệu như Meccano (Pháp), Fleischmann (Đức), Marklin, Piko đã làm ông tiêu tốn khá nhiều công sức và tiền bạc.

Nhiều người ngỡ ngàng với thú đam mê không giống ai, còn ông giải thích với một ý nghĩa thật giản dị: "Ngày xưa nhà tôi ở gần ga Sài Gòn, đang ở trong nhà, hễ nghe tiếng còi tàu thì dù có làm gì đi chăng nữa tôi cũng gác lại, đang ăn cơm thì bỏ cả ăn chạy ra ngắm đoàn tàu chuyển bánh chầm chậm vào ga. Những lúc ấy, tôi lại nhớ tuổi thơ được bay bổng trên những chuyến tàu cùng cha tôi. Trong lòng tôi vừa rộn ràng lại vừa có một cái gì đó nao nao. Sau này gia đình chuyển về Bình Dương sinh sống, xa đường ray xe lửa, xa những tiếng còi tàu, làm tôi nhớ vô cùng. Đó là lý do duy nhất khiến tôi tốn công tốn sức sưu tập mô hình xe lửa về nhà".

Thú chơi xe lửa cứ cuốn Lý Được đi khắp nơi tìm tòi, nghiên cứu để không chỉ sưu tầm, ông còn sửa chữa, lắp ghép và tự tạo ra những mô hình tàu hỏa mới lạ, phong phú.

Chuyến tàu không đơn độc

Niềm đam mê tàu lửa trong Lý Được dần dần nhân sang những thành viên trong gia đình ông. Vợ ông lúc đầu cũng cảm thấy khó chịu vì ông thường mang về nhà những thứ đồ chơi chẳng giống ai, chiếm một diện tích không nhỏ trong nhà và mọi đồ dùng bị xáo trộn. Dần dần, vợ ông hiểu được niềm đam mê xe lửa của chồng nên đã thông cảm. Bà quê Nam Định, một vùng quê cũng có tiếng còi tàu. Bà xa gia đình, xa quê vào Sài Gòn mưu sinh, trở thành ca sĩ hát trong các phòng trà. Tại đây, bà gặp nhạc công Lý Được, một tay Guitar bass nổi tiếng. Sau 5 năm quen biết, hò hẹn, họ tiến tới hôn nhân. Sau khi lấy chồng, bà bỏ nghề hát để tập trung thời gian chăm sóc cho gia đình bé nhỏ của mình. Lý Được hằng đêm đi diễn về lại lặng lẽ khởi động công tắc cho đoàn tàu lăn bánh.

Xã hội - Người 'yêu' xe lửa đặc biệt giữa Sài Gòn (Hình 3).

Lý Được bên hai toa tàu có từ năm 1964

Lý Được chia sẻ: "Những gì tuổi thơ của tôi không có hoặc bị thiếu, tôi sẽ lấy lại bây giờ. Tôi gọi đây là con tàu chở tuổi thơ đi mãi. Những lần đi mua sắm đồ chơi hay những linh kiện cho tàu lửa, vợ tôi luôn đi cùng. Tôi chọn, vợ tôi gật đầu là... duyệt. Kinh tế gia đình không khá giả lắm nên mỗi lần đi mua, tôi chỉ chọn một đến hai cái là cùng. Trong nhà tôi dành hẳn một gian phòng cho việc trưng bày mô hình xe lửa. Tôi đã phải bỏ ra 6 tháng cho việc sưu tầm, học hỏi và sáng chế để tạo ra một Sa bàn về tàu hoàn hảo".

Quả vậy, sa bàn xe lửa của ông hoàn hảo đến mức người xem phải thốt lên, sao nó giống thế. Giống với một hệ thống đường sắt Việt Nam thu nhỏ. Trên đó có 3 đoàn tàu, 3 đường ray, có đèo Lăng Cô, đèo Hải Vân, có cầu, có cống và tất cả đã hội tụ một cảnh sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam nơi có đường sắt chạy qua. Dẫn khách vào xem mô hình rồi anh khởi động cho tàu chuyển bánh. Những tiếng động cơ âm ỉ chạy miệt mài vòng vo trên một chiếc Sa bàn nhỏ. Nó khiến bất cứ ai cũng có thể trở về ký ức tuổi thơ nơi chia xa một thời.

Ông chia sẻ với tôi rằng, cho dù thời nay các phương tiện giao thông rất hiện đại. Đã có máy bay, có xe hơi và có tàu ngầm tân tiến nhưng ông vẫn thấy yêu và quý chiếc tàu ngày xưa hơn cả. Ông lấy cho tôi xem hai toa tàu lửa đầu tiên ông được cha mua cho từ năm 1964, trông nó cũ kỹ, sơ sài nhưng vẫn còn khả năng chạy tốt. Lâu lâu, ông lại lấy ra bảo trì và lau chùi một lần để lưu giữ kỷ niệm một thời.

Cuộc đời vụt nhanh như bóng cây qua cửa, thoáng nghe tiếng còi tàu thì chỉ kịp nhìn thấy đọt khói còn sót lại. Cậu bé mê tàu lửa ngày nào giờ vẫn ôm đàn đi diễn nhưng thỏa lòng vì đã mua được những đoàn tàu để cùng chúng chở tuổi thơ của ông quay về.

Hoa Nguyên


Tag: sa bàn