Nguồn lợi từ những nhóm nghệ thuật hàng đêm về tay ai?

Nguồn lợi từ những nhóm nghệ thuật hàng đêm về tay ai?

Thứ 2, 26/12/2016 | 16:18
0
Mặc dù trên các băng rôn, biển quảng cáo có in đầy đủ tên các cơ quan chủ quản của các đoàn nghệ thuật. Tuy nhiên, không một Hội nào trong số đó lên tiếng xác nhận, vậy số tiền từ thiện đi về đâu?

PV tìm hiểu các nhóm nghệ thuật hoạt động trên địa bàn Hà Nội, hầu hết khi được hỏi, họ đều khẳng định “có giấy phép hoạt động đầy đủ và được bảo trợ cẩn thận”. Tuy nhiên, thực tế thì các nhóm này đều không được cho phép thực hiện.

Ông Nguyễn Bá Duyệt – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung ương hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam khẳng định với PV: “Hội không hề bảo trợ cho bất cứ chương trình biểu diễn nghệ thuật nhân đạo đường phố nào và Hội không tổ chức các loại hình biểu diễn đường phố như trên. Trước đây, Hội đã từng rà soát các trung tâm nhỏ trực thuộc Hội ở các tỉnh, thành và chưa phát hiện đơn vị trực thuộc tổ chức các nhóm nghệ thuật nhân đạo đi biểu diễn trên các đường phố nhằm xin tiền từ thiện”.

Bàn luận về các nhóm ca nhạc nhân đạo đường phố, ông Trịnh Công Thanh, Chủ tịch hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội thông tin: “Liên hiệp hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội không hề bảo trợ cho bất kỳ nhóm nghệ thuật nhân đạo từ thiện nào cả. Hiệp hội cũng đã tiến hành rà soát các hội viên và nhận thấy không có tình trạng bảo trợ và bản thân Hiệp hội không có chủ trương tổ chức đi hát để xin tiền như vậy.

Những việc làm như thế đang làm xấu đi hình ảnh người khuyết tật Việt Nam”. Như vậy có thể thấy, hoạt động của các nhóm lấy danh nghĩa các Hội như đã nêu ở trên, thực chất chỉ là sự lợi dụng tên tuổi và các hoàn cảnh khó khăn nhằm lợi dụng lòng hảo tâm của người khác để thu lời.

Xã hội - Nguồn lợi từ những nhóm nghệ thuật hàng đêm về tay ai?

 Những người khuyết tật đang đối mặt với nhiều nguy cơ lợi dụng khác nhau.

Khi tìm hiểu địa bàn nơi diễn ra chương trình nghệ thuật nhân đạo tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, chúng tôi được đại diện phòng Quản lý Văn hóa thông tin quận cho hay: Trước kia, quận cũng đã nhận được sự phản ánh về hoạt động này. 

Còn ông Cao Văn Thành – hội Người mù Việt Nam cho biết: “ Trước hết nói về văn nghệ thì hội Người mù Việt Nam có rất nhiều cây văn nghệ xuất sắc. Cũng có nhiều giọng ca đã tham gia biểu diễn và hoạt động nghệ thuật rất thành công. Nói về các câu lạc bộ nghệ thuật thì hội Người mù Việt Nam cũng có các tổ, đội văn nghệ được tập hợp, luyện tập và dàn dựng các tiết mục nghệ thuật để biểu diễn tại các nhà máy, công ty, phường, thị trấn... Các đoàn diễn văn nghệ của hội Người mù đều được cấp giấy phép đầy đủ.

Điển hình như ở Hải Dương, Vĩnh Phúc, Cao Bằng hoặc ở một số huyện đều có những hội nhóm văn nghệ. Mục đích lập ra các hội nhóm này là nhằm tập hợp những người có khả năng, có sở trường nghệ thuật đi biểu diễn nhằm tuyên truyền các hoạt động của Hội và phục vụ văn nghệ cho bà con nhân dân. Các Hội, nhóm này đều được tư vấn về mặt nghệ thuật, trên cơ sở các hoạt động đó, bà con nhân dân, các đơn vị thể hiện lòng nhân ái với những người thiệt thòi bằng những khoản thù lao tương xứng. Với những hoạt động như vậy, Trung ương hội Người mù Việt Nam hoàn toàn ủng hộ bởi đó là lao động chân chính”.

Ông Thành khẳng định: “Hội không hề có chủ trương thành lập các nhóm nghệ thuật nhân đạo biểu diễn trên các ngã tư đường phố và tỉnh hội cũng không hề có chủ trương cho phép các nhóm đứng ở ngã tư đường hát để xin tiền hàng đêm. Những đoàn nghệ thuật của hội Người mù thành lập đều được sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh ủng hộ và cấp phép biểu diễn tại những nơi đúng quy định”.

Xã hội - Nguồn lợi từ những nhóm nghệ thuật hàng đêm về tay ai? (Hình 2).

 Các hoạt động của hội nghệ thuật nhân đạp luôn có các cơ quan bảo trợ nhằm tránh thiệt thòi cho người khuyết tật.

Cũng trong buổi trao đổi với PV, ông Thành tiết lộ, chủ trương của Hội là vậy. Thế nhưng, bản thân ông cũng đã từng được một số “ông bầu” đến gặp và đặt vấn đề rằng, cho phép hợp tác với một số chi hội người mù, mời những người có khả năng đi hát... Những “ông bầu” này cũng đầu tư loa đài, xe cộ rồi đưa những thành viên của hội đi hát trong đêm.

“Mỗi đêm, các em được trả 100.000 – 200.000 đồng gì đó. Và, tôi cũng biết, vẫn có một số em tự đi hát cùng họ. Sau đó, có em về phàn nàn là nhiều “ông bầu” đã hứa với số thù lao đó nhưng đến khi thanh toán lại nhùng nhằng cắt trừ tiền của các em với nhiều lý do khác nhau.

Bên cạnh đó cũng có những trường hợp, thu nhiều hơn nhưng lại trả ít. Cái này, tôi được một số em phản ánh lại. Đây là hiện tượng có thực. Tuy nhiên, với những người mù, họ rất nhạy cảm nên chiêu trò của những ông bầu này không thể qua mặt họ được”, ông Thành bày tỏ. Cũng theo ông Thành, những lúc như vậy, các em chỉ biết phản ứng bằng cách từ chối không tham gia nữa, mỗi đêm phải hát rất nhiều mà bị ăn chặn công sức nên họ bỏ là điều đương nhiên.

Ông Thành cũng nhận định: “Nhiều nhóm nghệ thuật nhân đạo đường phố có dấu hiệu mập mờ trong việc trả thù lao hay hoạt động không được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Đây là hành động rất khó chấp nhận của người lợi dụng sức lao động của những người bị khuyết tật – những người đã không được khỏe mạnh và lành lặn như người bình thường. Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng nên phát hiện và xử lý  những hành vi lợi dụng sức lao động của người mù nói riêng và những người tật nguyền nói chung”.

“Những người thiệt thòi như chúng tôi vẫn có cách sống để cuộc đời tươi đẹp hơn. Thành quả lao động của chúng tôi cũng được thụ hưởng xứng đáng. Chúng tôi lên án những hành động đi xin như vậy, việc này sẽ làm xấu xí hình ảnh của những người mù, người tàn tật ngày ngày đang phải vươn lên xây dựng đời sống mới. Việc mọi người thiện tâm hỗ trợ tiền, vật chất khác với người thiệt thòi số phận là một điều tốt. Tuy nhiên, người dân cần nâng cao cảnh giác, không dễ dãi đối với các đối tượng như trên, đồng thời nếu người dân thấy có bất cứ chương trình nào tương tự thì báo ngay cho chính quyền địa phương để xác minh rõ các đối tượng”,  ông Thành bộc bạch.

Rõ ràng, hoạt động hát rong, xin tiền đang bị chính những người khuyết tật phản đối. Với họ, tuy thiệt thòi về số phận nhưng nghị lực sống và tinh thần vươn lên không thua kém bất kỳ ai, thậm chí còn cao hơn một số người bình thường khác. Họ luôn muốn được sống và cống hiến, đồng thời thụ hưởng thành quả lao động một cách xứng đáng. Sự thiếu quản lý của các đơn vị, cơ quan chức năng trong những năm gần đây đã làm những nhóm nghệ thuật đường phố núp bóng nhân đạo này nở rộ một cách thiếu kiểm soát như hiện nay.

Những chương trình hát rong xin tiền như thế này không chỉ gây phản cảm cho Thủ đô mỗi khi đêm về, mà còn gây ùn tắc đường phố... Nguy hiểm hơn, người khuyết tật đang đứng trước nguy cơ bị lợi dụng và nhiều hệ lụy. Không chỉ bị quỵt tiền, ăn chặn công sức lao động, những người khuyết tật còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác. Theo một số người khuyết tật, với người khuyết tật là nữ, hoạt động này còn khiến họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn như bị lợi dụng, quấy rối tình dục... 

Cuộc sống người khuyết tật còn nhiều khó khăn        

Theo số liệu của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì,  tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm gần 29%. Tuy nhiên, không phải tất cả những người khuyết tật ở Việt Nam đều tiếp cận được với cơ hội có việc làm bền vững và có cuộc sống ổn định.

Các chính sách hỗ trợ người khuyết tật của Nhà nước đã được thực hiện rất tốt, như: Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, tạo việc làm, thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng… Thế nhưng, để bảo đảm người khuyết tật được thụ hưởng đúng nghĩa sự hỗ trợ đó thì còn nhiều hạn chế.

Trần Phương

Cùng tác giả

NSƯT Hoài Linh: Đại gia mặc áo bà ba

Thứ 6, 01/09/2017 | 05:30
Hoài Linh là cái tên bảo chứng cho nhiều chương trình truyền hình, điện ảnh,… Mặc dù là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng anh lại luôn muốn rời xa sự nhốn nháo của showbiz, thích đứng phía sau ánh đèn sân khấu. Và, ít ai biết rằng, anh từng trải qua tận cùng khó khăn trước khi thành công, nổi tiếng như hôm nay.

Vì sao ông Trần Văn Thêm chưa được nhận 6,7 tỷ tiền bồi thường?

Thứ 4, 09/08/2017 | 14:00
Trao đổi với PV, sáng 8/8/2017, Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc công ty luật Hòa Lợi cho biết, công ty đã gửi văn bản số 48/2017/CV – HL về việc kiến nghị trả bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm, người tù oan thế kỷ.