Nguồn nước giếng Bó Lài rất độc hại

Nguồn nước giếng Bó Lài rất độc hại

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Nguoiduatin.vn) "Độc từ xăng dầu có thể gây ra những di chứng như khi con người bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, chất độc dioxin. Nếu người dân tiếp tục sử dụng nước giếng Bó Lài sẽ rất nguy hại".

Không thể có nguyên nhân tự nhiên

Nhiều năm qua, tại thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn vẫn tồn tại một giếng nước mà người dân quen gọi là giếng xăng dầu. Giếng còn có tên gọi Bó Lài, là nơi cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho nhân dân trong vùng 50 năm năm qua.

Nhiều người dân nơi đây cho biết, trước những năm 90 nồng độ xăng dầu trong nước giếng rất cao. Nước giếng không những mảng váng xăng dầu lớn mà có thời điểm nhiều người trong thôn còn đi vớt xăng, dầu về lọc để dùng thắp đèn thay cho dầu hỏa.

Sau khi thông tin về giếng xăng dầu được phản ánh, PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tân Văn – Viện trưởng Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam để hiểu rõ hơn về địa chất của khu vực này và nguồn gốc dân sinh của giếng xăng dầu Bó Lài.

TS Nguyễn Tân Văn cho biết: “Như thông tin báo giới đã đưa, chúng ta đã rất rõ ràng về nguyên do nước giếng tại sao nhiễm xăng dầu. Trong kháng chiếng chống Mỹ, Cốc Nam đã từng là trạm trung chuyển xăng dầu của quân đội. Qua chiến tranh, nhiều téc xăng còn nằm rải rác trong những hầm ở chân đồi. Nước ở giếng Bó Lài bị nhiễm xăng dầu là do nguyên nhân rò rỉ từ những thùng chứa và ống dẫn đó".

Nước giếng nhiễm xăng dầu vẫn được người dân Cốc Nam sử dụng nhiều năm

Để khẳng định thêm về nguồn gốc nhân tạo của giếng Bó Lài, ông Văn cũng trao đổi thêm: “Tôi được biết nhiều người đều suy xét cho rằng Cốc Nam có mỏ xăng dầu nhưng vùng địa chất ở vùng này không cho thấy có khả năng đó. Nếu hiện tượng này xảy ra ở phí Đông Nam Lạng Sơn, nơi tiếp giáp với Bắc Giang thì khả năng về nguồn gốc tự nhiên sẽ nhiều hơn. Nhiều năm trước tôi đã từng đi qua khu vực đó và thấy các biểu hiện của dầu khí như váng dầu trên mặt đất, hay địa hình cảnh vật cho thấy nhiều khả năng ở đây có nhiều tiềm năng về dầu khí. Còn đối với địa hình đá vôi như ở khu vực Đồng Đăng thì việc có xăng dầu trong nước mà lại là sản phẩm đã qua chế biến có thể dùng được luôn thì nguyên nhân do con người là chắc chắn”.

Nguy hại đối với sức khỏe con người

Mặc dù biết nước giếng bị nhiễm xăng dầu nhưng người dân Cốc Nam vẫn sử dụng nguồn nước đó trong sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, giặt giũ, tưới rau. Chưa tận mắt thấy được những tác hại của nước nhiễm xăng dầu với sức khỏe và môi trường nên nhiều người dân tỏ ra rất thờ ơ.

Trao đổi với PV vấn đề này, ông Văn cho biết : “Trong xăng dầu có nhiều nguyên tố như chì, dược chất hữu cơ khác… những chất đó nếu nhiễm vào cơ thể sẽ rất hại. Đã từng có nhiều câu chuyện về xăng dầu lan ra đất, nước ở xung quanh và gây ra nhiều bệnh tật cho con người. Độc từ xăng dầu có thể gây ra những di chứng như khi con người bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, chất độc dioxin. Nếu người dân tiếp tục sử dụng nước giếng Bó Lài sẽ rất nguy hại”.

Các tài liệu khoa học cho thấy trong xăng luôn chứa một dư lượng chì nhất định, và đặc biệt trong thời chiến tranh thì lượng chì trong xăng thường rất cao.

Nói về mức độ độc hại khi sử dụng nước có chứa xăng dầu, TS. Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra khuyến cáo: "Cần đo được lượng chì chứa trong nước nhiễm xăng đó là bao nhiêu để thấy được mức độ tác động của nước vùng này với sức khỏe người dân. Sử dụng nước nhiễm xăng với lượng chì cao có thể dẫn đến ngộ độc chì mãn tính với các biểu hiện như viền đen ở răng, đau bụng chì hoặc nặng hơn là loãng xương do chì. Nếu có điều kiện người dân nên đi kiểm tra sức khỏe để có thể chữa trị nếu mắc bệnh và nên có biện pháp bảo vệ bản thân tốt hơn".

Khi được hỏi về biện pháp xử lý cho vấn đề này, ông Văn đề xuất: “ Nếu để tự nhiên thì phải mất một thời gian rất lâu nữa thì xăng dầu mới mất đi. Trước khi đưa ra được những giải pháp mang tính đồng bộ và toàn diện cho khu vực này, người dân nên ngừng sử dụng nguồn nước này. Các cơ quan chức năng nên tổ chức khảo sát phạm vi lan nhiễm xăng dầu, dọn dẹp các téc xăng, phuy xăng, sau đó sử dụng hóa chất để xử lý đất và nước”.

“Áp dụng những phương pháp tập trung đó cũng sẽ khá tốn kém. Tuy nhiên có một giải pháp tạm thời tôi nghĩ là khá hữu dụng để cứu nguy cho người dân đó là bơm nước để đẩy xăng lên. Vì xăng dầu nhẹ hơn nước nên có thể dễ dàng lượm vớt được”.

Hồng Thanh