Nguy cơ nhiễm khuẩn từ món

Nguy cơ nhiễm khuẩn từ món "ăn tươi nuốt sống"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Mùa hè nắng nóng luôn là thời điểm báo động về vấn đề an toàn thực phẩm. Nguy cơ ngộ độc hoặc mắc các bệnh về tiêu hóa đối với những món ăn là những đồ tươi sống như tiết canh, gỏi, nem… càng cao hơn gấp nhiều lần.

Nguy cơ ngộ độc, nhiễm khuẩn cao hơn bình thường

Những món ăn mà dân gian vẫn quen gọi là “ăn tươi nuốt sống” như tiết canh, gỏi, nem chua, thịt trâu, thịt rắn… vốn đã rất quen thuộc và trở thành món ăn yêu thích của nhiều người. Đa phần họ đều cho rằng, ăn những món đó vì cảm thấy ngon miệng, ăn vào mát, nhiều chất dinh dưỡng hơn những món ăn đã qua chế biến, xào nấu.

Những món ăn chưa qua đun nấu có nguy cơ nhiễm khuẩn cao

Tuy nhiên, ngày nay do môi trường sống, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng sử dụng nhiều thức ăn tăng trọng cùng với điều kiện chăn nuôi ngày càng ô nhiễm đã khiến món ăn khoái khẩu và “nguyên chất dinh dưỡng” này trở thành những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe con người.

Trao đổi với PV về vấn đề này, TS. Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc, nhiễm khuẩn từ những món ăn đó là rất cao. Người ăn có thể bị các loại sán như sán lợn, sán máng… thâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra còn rất nhiều các vi khuẩn gây ngộ độc tiêu hóa như lị, tả, E.coli… cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Nhiều loại vi khuẩn đun nấu lên chúng còn chưa chết huống chi là ăn sống trực tiếp”.

Nhiều cơ sở giết mổ không hợp vệ sinh

Khâu giết mổ luôn là giai đoạn ẩn chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh nhất. Theo TS Sơn, rất nhiều trung tâm giết mổ không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ sở này thường hoạt động chui lủi để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Điều kiện giết mổ luôn ở trong tình trạng báo động về mức độ ô nhiễm. Nhiều nơi gia súc gia cầm được làm ngay gần khu vực nhà vệ sinh, cống thoát nước, tiết cắt ra lại đựng trong nhưng xô, chậu cáu bẩn. Đó là chưa kể, khi cắt tiết người ta không làm sạch cổ gia súc, gia cầm, nếu cắt qua cuống họng thì lại càng nguy hiểm hơn. Khi giết mổ xong những túi nilon được sản xuất bằng nhựa tái sinh dùng để đựng các thực phẩm đó sẽ là thủ phạm tiếp tay cho những vi khuẩn đến gần hơn với người dùng”.

Ngoài những nguyên nhân trên thì còn hàng loạt những nguyên nhân khác như gia súc, gia cầm thường mắc các loại bệnh như liên cầu lợn, cúm H5N1… Các bệnh này lại dễ dàng lây lan cho con người qua con đường ăn uống tiêu hóa.

Khi được hỏi về những chứng bệnh có thể mắc phải do ăn những món ăn là thực phẩm sống bị nhiễm khuẩn, TS Sơn cho hay: “ Nếu nhẹ, người bệnh sẽ có bị nôn ọe, đau bụng, tiêu chảy, mất nước... Nặng hơn với những người ăn phải thịt bị nhiễm bệnh hoặc có sán thì sẽ bị hoại tử, sán lan vào máu. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị sán làm tổ trong não gây các chứng bệnh co giật, động kinh hoặc phù não”.

Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình

Đứng trước nguy cơ cao bị ngộ độc hoặc nhiễm khuẩn với những món ăn là đồ tươi sống, TS Sơn khuyến cáo: “Tốt nhất người dân không nên ăn. Nếu trong điều kiện trước đây, những món ăn đó có thể tốt nhưng với thực trạng thực phẩm hiện nay tôi khuyên người tiêu dùng nên ngừng, không nên ăn”.

Không nên ăn những món là đồ tươi sống vào mùa hè

Trong mùa hè nóng nực này, ăn chín uống sôi là cách bảo vệ sức khỏe đơn giản mà hữu dụng nhất. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên biết cách lựa chọn thực phẩm, đồ ăn cho gia đình, nên mua ở những cửa hàng uy tín, chất lượng, những nơi có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng. Đặc biệt, không được ăn thịt của những loại gia súc, gia cầm ốm chết”.

Thực trạng về vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta hiện nay tồn tại nhiều vấn đề nan giải và nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Những quy định hiếm hoi và có tính chất răn đe như quy định các cửa hàng kinh doanh ăn uống phải chi trả hoàn toàn viện phí cho bệnh nhân là khách hàng của mình hiện còn rất ít. Trước tình hình đó, tự bảo vệ mình là cách duy nhất người dân có thể tránh được những bệnh tật từ thực phẩm không an toàn.

Phạm Hạnh