Nguy cơ tử vong từ việc kết hôn cận huyết thống

Nguy cơ tử vong từ việc kết hôn cận huyết thống

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Thời gian qua, việc các thanh niên nam nữ có cùng huyết thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa kết hôn với nhau không chỉ đi ngược với thuần phong, mỹ tục của người Việt mà còn vi phạm pháp luật.

Nguy hại hơn nữa, những hậu quả để lại cho thế hệ tương lai thật khó lường. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đức Phấn, trưởng Bộ môn Y sinh học Di truyền, Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề trên.

Thưa PGS, với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực y sinh học và di truyền, xin PGS cho biết những ảnh hưởng của việc kết hôn cận huyết thống?

PGS.TS Trần Đức Phấn: Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều đến vấn đề hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Tây Nguyên và các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trên thực tế, hiện nay có một số dân tộc chỉ có dân số dưới 1.000 người đang có nguy cơ suy giảm giống nòi do tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Trong khi đó, trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền gien lặn như hồng cầu hình liềm, mù màu, bạch tạng, da vảy cá. Đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia. Trong đó có một số bệnh gây ra nguy cơ tử vong rất cao.

Xã hội - Nguy cơ tử vong từ việc kết hôn cận huyết thống

PGS.TS Trần Đức Phấn

Vậy PGS có thể cho biết rõ hơn về những trường hợp nào có thể xảy ra đột biến gen, đặc biệt là đột biến gien lặn đối với những trường hợp kết hôn cận huyết thống?

PGS.TS Trần Đức Phấn: Đột biến gien thường gặp nhất đó là gien lặn và có hại. Gien lặn gặp chủ yếu với tần số ngẫu nhiên từ 10 mũ -6 đến 10 mũ -4 (tính theo tỷ lệ 1/hàng triệu). Tức là khả năng gặp rất là ít. Trong cơ thể con người có 31.780 gien. Số lượng gen nhiều nên đột biến gien ngẫu nhiên đối với con người hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với đột biến gien ngẫu nhiên xảy ra bao giờ cũng có những lưỡng thể tồn tại thành từng đôi, mà ở những trường hợp này lại tồn tại ở dạng cá thể. Do đó nếu là đột biến di truyền gien lặn thì có hại.

Kết hôn cận huyết thống thì những kiểu gien bên bố và bên mẹ giống nhau thì bố có thể là Aa, mẹ cũng là Aa thì khả năng con bị bệnh sẽ là 1/4 cho nên nếu tỷ lệ ngẫu nhiên 1/100 triệu hoặc 1/1tỷ kết hôn đồng huyết hoặc cận huyết xảy ra bệnh sẽ tăng lên rất nhiều. Bởi việc kết hôn cận huyết nếu người này mang gien trội cả thì không sao nhưng chẳng may mang gien lặn, gien gần giống thì sẽ xuất hiện bệnh chiếm tỷ lệ là 1/4 sẽ dẫn đến con cái chắc chắn bất thường.

Vậy những trường hợp bệnh nào được cho là sự phản ánh rõ nét nhất của việc hôn nhân cận huyết thống, thưa PGS?

PGS.TS Trần Đức Phấn: Theo thống kê, những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp 10 lần so với những trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền) và các bệnh chuyển hóa khác. Khả năng di truyền Thalassemia là bệnh di truyền dạng lặn của nhiễm sắc thể thường, đối với những cặp vợ chồng mang gien bệnh sẽ gây bệnh cho tất cả các con ở thế hệ tiếp theo với những dấu hiệu đặc trưng như da xanh xao (do thiếu máu), mũi tẹt, khuôn mặt bị biến dạng, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm, đúng liệu trình. Đối với bệnh Hemophilia thì người mẹ mang gien bệnh chỉ truyền cho con trai và con gái mang gen lặn với biểu hiện dễ nhận biết nhất là chảy máu nhiều hơn và lâu hơn bình thường. Cả hai bệnh lý về máu này đều đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời để có cuộc sống bình thường. Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết thống còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá... làm suy giảm chất lượng dân số, giống nòi và là gánh nặng cho gia đình, dòng họ và cả xã hội.

Đứng trước những diễn biến nguy hiểm, bất thường của những loại bệnh do kết hôn cận huyết thống gây ra, PGS có lời khuyên nào để có thể phòng tránh các loại bệnh trên?

PGS.TS Trần Đức Phấn: Để ngăn ngừa, hạn chế tốt nhất những bệnh gien lặn do hôn nhân cận huyết thống gây ra, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc các chính sách về dân số cũng như các quy định của Nhà nước về việc không nên kết hôn cận huyết thống, ít nhất là phải cách 3 đời. Ngoài ra cần phải huy động sức mạnh của hệ thống chính trị ở các địa phương đang phổ biến tình trạng này để tuyên truyền cho người dân hiểu biết và tiến tới bỏ hẳn tập tục kết hôn cận huyết thống. Ngoài ra, để hạn chế bệnh tật, chúng ta cần chú trọng trong việc tư vấn di truyền nhằm tránh kết hôn giữa 2 người cùng mang gien bệnh và chẩn đoán trước sinh nhằm loại bỏ những bào thai mang bệnh thể nặng.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.

Anh - Hằng (thực hiện)