Cuộc đời của đầu bếp lừng danh mang... 'khứu giác của qủy'

Cuộc đời của đầu bếp lừng danh mang... 'khứu giác của qủy'

Thứ 5, 07/02/2013 | 12:42
0
Từ ngày nhỏ, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sống như một công chúa. Ngoài việc học, bà tuyệt nhiên không biết đến nấu nướng ra sao. Đến tuổi trưởng thành niềm say mê của bà là bảng đen, phấn trắng chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện biến việc nấu ăn thành một nghề. Từ một cô giáo dạy văn lại rẽ qua con đường ẩm thực đầy sắc màu và lôi cuốn, ắt hẳn bên trong đó là một câu chuyện dài.

Cuộc đời thăng trầm

Hiện nay, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã khá ổn định, nhưng mấy ai biết rằng việc chuyển từ một giáo viên dạy văn sang làm một đầu bếp của bà có biết bao thăng trầm. Ngày xưa, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân từng ao ước đến chuyện bảng đen phấn trắng. Vì vậy mà sau khi ra trường, bà trở thành cô giáo dạy văn đầy hoài bão. Lúc này, chuyện nấu ăn với bà khá xa vời. Cẩm Vân có lúc đã suy nghĩ: "Học nấu ăn chi cho mệt, vì ngoài đường người ta nấu đầy đủ cả rồi, muốn ăn món nào cũng có, vừa rẻ lại vừa ngon". Bởi thế mà chuyện bếp núc được gạt sang một bên, nhưng từ ngày lấy chồng, có con, trong bà lại thay đổi suy nghĩ và bắt đầu tập tành nấu những món ăn ngon cho gia đình.

Nhân vật - Cuộc đời của đầu bếp lừng danh mang... 'khứu giác của qủy'

Tuy nhiên, nếu cuộc đời chỉ dừng lại ở đây và không có một biến cố nào đến với bà, thì có lẽ cái tên đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sẽ không được ai biết đến. Trớ trêu thay khi đứa con trai út của bà bị bệnh tim khá nặng, để cứu chữa cho con, bà phải đem con sang nước ngoài chữa trị. Đang là giáo viên dạy văn giỏi của Trường Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), bà phải bỏ 3 năm trời sang xứ người làm lụng để có tiền chữa trị cho con. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân bồi hồi nhớ lại: "Suốt ba năm trời, tôi phải làm việc khá vất vả, đi ra khỏi nhà từ lúc trời còn tờ mờ sáng, về nhà lúc trăng đã lên, mỗi ngày vất vả như vậy kiếm được 6 USD. Nhưng khi trở về quê hương thì tôi mất việc".

Từ một cô gái chân yếu tay mềm, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân buộc mình phải mạnh mẽ để đương đầu với bao thử thách phía trước. Để có thể chăm sóc cho gia đình, bà phải làm thêm rất nhiều nghề khác nhau: Thêu thùa, làm bánh, làm dép… Suốt thời gian cơ cực đó, bà đã trải qua hơn 10 nghề khác nhau. Nhà 5 miệng ăn, tiền chạy ăn hàng ngày và tiền con ốm khiến Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sống trong cảnh ngập ngụa nợ nần. Có những tháng, 30 ngày đi chợ mua chịu đủ 30 ngày, cuộc sống quá nhiều thử thách đặt lên vai người phụ nữ bé nhỏ. Nhưng bà vẫn tin rằng, khi mình cố gắng làm việc hết mình, chấp nhận khó khăn để bước qua, thì chắc chắn sau cơn mưa trời sẽ sáng. Quả thật, trời đã không phụ lòng người.

Sau thời gian tự mày mò, học hỏi rồi trở thành cô giáo dạy nấu ăn ở Trung tâm dạy nghề thành phố, cơ hội đến với Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân khi Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh mở chương trình Khéo tay hay làm và mời bà về cộng tác. Từ ấy, cái tên Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân trở nên quen thuộc với đông đảo khán giả xem truyền hình. Công việc nấu nướng trở thành nỗi đam mê lớn trong bà. Bà luôn tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra nhiều món ăn mới. Và người thầy vĩ đại của bà không ai khác hơn những người phụ nữ buôn bán tảo tần ở chợ. Họ đã dạy cho bà cách mua thức ăn sao cho ngon lại rẻ, kinh nghiệm nấu ăn sao cho vừa miệng lại đậm đà và thu hút mọi người. Những bài học đơn giản như thế từ từ được bà tích lũy.

Nhân vật - Cuộc đời của đầu bếp lừng danh mang... 'khứu giác của qủy' (Hình 2).

Chuyên gia ẩm thực Nguyễn DZoãn Cẩm Vân (ở giữa)

Người đầu bếp đặc biệt

Cuộc đời mỗi người có những bất ngờ và thú vị riêng. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân cũng vậy. Bà là đầu bếp nữ nổi tiếng từng được mời sang Mỹ, Australia, Trung Quốc… để giảng dạy các món ăn Việt Nam. Với phong cách dạy riêng biệt, cẩn thận chỉ dẫn, mạch lạc như cái cách của một người giáo viên đã từng có. Đặc biệt, đầu bếp này còn rất thu hút bởi một đôi mắt phúc hậu và hiền lành được tỏa ra từ bà.

Nếu lấy cột mốc bà dạy mục Khéo tay hay làm trên ti vi là những ngày đầu bà bắt đầu sự nghiệp dạy nấu ăn của mình, thì đến nay, bà đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề. Bấy nhiêu đó thời gian đủ cho người ta tự đặt mình lên một đẳng cấp riêng, nhưng bà thì không, vẫn giản dị như những ngày mới vào nghề. Khi vào bếp, bà không bao giờ nề hà việc lớn hay việc nhỏ, dù là rửa bát hay nhặt rau bà cũng làm. Bà cặm cụi và chăm chỉ như một con ong hút mật.

Nấu ăn ngon, nên nhiều người nghĩ chắc bà sẽ rất cầu kỳ trong ăn uống. Nhưng đối với bà thì ngược lại, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chỉ thích làm một người nhìn người khác ăn ngon thì thấy vui rồi. Chuyện ăn uống đối với bà càng đơn giản lại càng tốt. Nhiều năm nay, bà chỉ chọn đậu hũ cho bữa ăn hằng ngày, cùng với một ít rau thì đã quá trọn vẹn. Bà bảo: "Ăn chay trường lại thấy cuộc đời thanh thản lạ, cuộc sống đâu phải cầu kỳ mới tạo cho mình niềm vui". Do ăn chay trường, nên với những thức ăn mặn bà không bao giờ chạm đũa. Nhiều người thấy vậy rất thắc mắc, vì như thế bà làm sao có thể làm ra những món ăn hài hòa, và đậm đà như những người đầu bếp khác nhưng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân vẫn làm được. Bà có khả năng chỉ cần ngửi mùi thức ăn phả ra trong không khí đã có thể cảm nhận được món ăn đó đậm, nhạt ra sao, đang thiếu muối hay thiếu đường như thế nào. Tinh tế đến vậy, nên bạn bè của bà thường trêu: “Khứu giác của quỷ”.

Có một lần, khi nhân viên của bà đem thức ăn đi ngang qua chỗ bà ngồi, chỉ thoáng nghe mùi thức ăn dậy lên trong gió, bà đã cảm nhận được vị mặn của món thịt kho tàu. Bà bảo làm lại món ăn đi, vì như vậy không thể đem ra phục vụ khách. Nhân viên bèn cãi lại, và bảo rằng chưa nếm thức ăn thì làm sao biết món ăn mặn? Nhưng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân thì chắc chắn, bà còn cam đoan rằng nếu sai bà sẽ đền bù lại hai tháng lương. Quả thật, món ăn đúng như sự cảm nhận của bà. Chẳng những mặn thật mà còn mặn đắng.

Không chỉ nếm được vị mặn, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn rất tinh tường ở những mùi vị khác. Cũng một lần đang ngồi tiếp khách, nhân viên của bà bưng một tô canh chua đi ngang qua. Vừa ngửi thấy mùi canh chua, bà liền kêu nhân viên lại và dặn dò: "Tô canh chua này chưa đạt vị, vì vừa dư độ ngọt lại thiếu độ chua cần thiết". Khi đem vào nấu, quả không sai như lời cô Vân tiên đoán. Nhiều người đều phải thán phục trước khả năng ẩm thực kỳ diệu này của bà.

Không chỉ "tung hoành" trong một góc của ẩm thực. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn miệt mài ghi chép lại biết bao quyển sách dạy nấu ăn. Bà đã viết 38 quyển sách từ hướng dẫn nấu ăn đến sách du lịch các nước. Chắc hẳn, ai đã đọc Ký sự lang thang từ Bắc sang Đông của bà lại thêm phần ấn tượng về người phụ nữ đặc biệt này. Cuộc sống của bà lúc nào cũng bận rộn vì lịch làm việc dày đặc, khi không đụng vào thức ăn thì Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân lại chuyển sang thú điền viên với những con chữ để rồi qua từng trang sách vở mà giữ lại cho đời những món ăn thật ngon.

Có lẽ, từng sống qua những ngày cơ cực nhất của đời, nên bà chọn riêng cho mình cách sống trọn vẹn. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân tâm sự: "Hạnh phúc là khi được sống ngày nào thì sống hết lòng cho mọi người ngày đó. Mình làm được gì cho ai thì làm hết lòng, đừng giữ lại”. Với tâm niệm đó, nên khi dạy nấu ăn cho mọi người, bà luôn truyền hết lại kinh nghiệm và bí quyết của mình. Bà bảo đó là cách sống trọn vẹn nhất. Vì khi ra đi con người cũng chẳng mang theo được gì thì giấu giếm lại làm gì những điều ấy.

Với suy nghĩ ấy, dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn chăm chỉ làm việc, mở các khóa dạy nấu ăn để truyền lại kinh nghiệm nấu nướng cho các thế hệ sau. Và hơn tất cả, bà để lại cho mọi người hình ảnh về một người phụ nữ đảm đang, sâu lắng, biết vượt qua những khó khăn của cuộc sống để làm nên những giá trị tuyệt đẹp.  

 Luôn nghiêm khắc với bản thân

Dù đã rất thành công nhưng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân luôn nghiêm khắc với bản thân. Bà tâm niệm nếu không nghiêm khắc với chính mình thì sẽ đánh mất bản thân. Khi bắt tay vào bếp, bà luôn thổi vào từng món ăn lòng đam mê và một tình yêu sâu sắc. Bà bảo khi có lòng đam mê chỉ cần bước vào nhà bếp thì sẽ thấy đó là cả một thiên đường.      

Hợp Phố

Thăng trầm trong cuộc đời NSND Thanh Hoa

Chủ nhật, 27/01/2013 | 09:10
NSND Thanh Hoa là một trong số ít ca sĩ mà tuổi nghề xấp xỉ tuổi đời. Hơn 50 năm cầm míc cũng là ngần ấy năm bà gắn mình với dòng nhạc cổ truyền của dân tộc. Và nếu có 50 năm nữa, có lẽ khán giả vẫn thấy một Thanh Hoa sâu lắng và đằm thắm trong các điệu lý, câu hò với làn điệu trữ tình mà ca từ dung dị.

Diễn viên Mộng Vân: Thăng trầm của một giai nhân (4)

Thứ 4, 23/01/2013 | 09:35
Từng nổi tiếng một thời với Lý Hùng, Diễm Hương, nhưng kể từ sau "vụ án vũ trường Century" năm 1992, Mộng Vân lui về cuộc sống đời thường, chuyên tâm cho gia đình.