Nguyên trưởng ban Khoa giáo TƯ: Nên bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng

Nguyên trưởng ban Khoa giáo TƯ: Nên bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng

Thứ 5, 18/04/2013 | 10:06
0
GS.VS Đặng Hữu – nguyên trưởng ban Khoa giáo TƯ nêu lên những điều không hợp lý trong cơ chế tuyển sinh đại học cao đẳng, quản lý chất lượng của Bộ GD.

Vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng năm qua cực kỳ khó khăn đối với các trường ngoài công lập (NCL), các trường thiếu hụt trầm trọng sinh viên một phần do chính sách tuyển sinh thi ba chung hợp lý, nhiều trường đứng trước nguy cơ phải “giải thể”.

Trước thềm kỳ thi tuyển sinh 2013 sắp tới, GS.VS Đặng Hữu – nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH QT Bắc Hà đưa ra kiến nghị nhằm thay đổi tình hình tuyển sinh năm nay.

Xã hội - Nguyên trưởng ban Khoa giáo TƯ: Nên bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng

GS Đặng Hữu - nguyên Trưởng ban Khoa giáo TƯ cho rằng Bộ nên xóa thi "ba chung", bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng.

- Khó khăn đối với các trường ngoài công lập không phải bây giờ mới có, đặc biệt là năm qua, nhiều trường “kêu”, hàng loạt trường bị dừng tuyển sinh và mới đây Trường ĐH Lương Thế Vinh cắt giảm 45 cán bộ, giảng viên trong trường do không tuyển được người học.

GS Đặng Hữu: Khó khăn đối với các trường NCL năm vừa qua bộc lộ rõ ở chỗ thiếu sinh viên trầm trọng. Mặc dù Bộ GD cam đoan đủ số sinh viên nhưng năm học 2012- 2013 Bộ thừa nhận thiếu hụt 95.000 thí sinh. Nhiều trường ngoài công lập chỉ lấy được vài chục phần trăm chỉ tiêu, kế hoạch của nhà trường bị đảo lộn, khó tổ chức quá trình đào tạo, thâm hụt tài chính nghiêm trọng. Vì lý do đó Trường ĐH Lương Thế Vinh  buộc lòng phải cắt giảm cán bộ giảng viên.

Thiếu hụt chỉ tiêu tuyển sinh không những gây ra khó khăn lớn cho trường mà còn để lãng phí cơ sở vật chất, mất việc làm của giáo viên hơn nữa lại tước đi cơ hội học tập của rất nhiều người có khả năng học.

- Theo GS thì nguyên nhân từ đâu lại xảy ra tình trạng đó?

GS Đặng Hữu: Nguyên nhân trực tiếp là do cơ chế tuyển sinh của Bộ GD. Bộ GD quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường nhưng lại không đảm bảo đủ nguồn tuyển cho các trường, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường lớn hơn nhiều so với tổng số thí sinh đủ điều kiện vào ĐH, CĐ.

Đó là do Bộ vẫn tiếp tục thi “3 chung”, với việc quy định điểm sàn một cách chủ quan thiếu cơ sở khoa học. Trong khi đó nhiều trường công lập mở ra các hệ đào tạo ngoài ngân sách, một số trường tuyển vượt chỉ tiêu, càng làm cho các trường ngoài công lập nhất là các trường mới thành lập sau này thiếu hụt nghiêm trọng.

Mặt khác, các trường NCL vẫn chưa thu hút người học bởi quan niệm về trường ngoài công lập chất lượng thấp, lấy điểm sàn thấp đồng nghĩa với đào tạo kém. Tôi nghĩ không hoàn toàn đúng.

Nguyên nhân sâu xa là chính sách phát triển giáo dục đại học chưa phù hợp. Quy hoạch mạng lưới các trường đại học thiếu căn cứ, dự báo đánh giá nhu cầu không sát thực tế, từ đó chủ trương phát triển đại học không nhất quán, lúc thắt chặt lúc thả lỏng cho bung ra.

Mặc dù trước năm 2006 có quy định hạn chế thành lập trường đại học, mỗi tỉnh chỉ có 1 trường nhưng những năm gần đây các trường đại học “mọc lên như nấm”.

Thành lập trường đại học khá dễ dàng, hàng loạt trường CĐ chuyển lên đại học, các trường ĐH, CĐ tư thục nở rộ khắp nơi. Trong khi đó điểm sàn của Bộ lại thu hẹp nguồn tuyển với lý do là để bảo đảm chất lượng.

Cho phép mở trường, cho phép tuyển sinh nhưng lại không để các trường tuyển đủ chỉ tiêu thì làm sao trường làm tốt việc đào tạo bảo đảm chất lượng.

- Vậy ông cho rằng, Bộ nên bỏ “ba chung”, xóa điểm sàn và để các trường đại học tự chủ?

GS Đặng Hữu: Theo tôi, cách tuyển sinh của ta không phù hợp. Theo luật giáo dục đại học, trường đại học phải được quyền tự chủ - tự chịu trách nhiệm trong tổ chức quá trình đào tạo, được quyền tự chủ tổ chức tuyển sinh. 

Trong tình hình hiện nay kết quả thi tốt nghiệp phổ thông chưa đáng tin cậy, các trường chưa có điều kiện tổ chức thi tuyển sinh riêng, thì việc Bộ GD tổ chức thi chung là cần thiết để các trường có thêm một tiêu chí để xét tuyển, nhưng không nên qui định điểm sàn, vì nó đã gây ra hậu quả nặng nề như ta đã thấy.

Hậu quả đã xảy ra từ mấy năm trước, Bộ muốn sửa đổi, cải tiến việc xác định điểm sàn nhưng không thể, vì rất nhiều yếu tố không kiểm soát được. Phải cáo chung với điểm sàn thôi.

Điểm thi đại học phản ánh một cách tương đối thôi, chưa đánh giá thực lực chính xác của người học, học tài thi phận. Tại sao không coi kết quả điểm thi đại học chỉ là 1 trong những tiêu chí để xét tuyển thí sinh?

- Đó là những tiêu chí nào thưa ông?

GS Đặng Hữu: Hiện nay, theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD Phạm Vũ Luận tại cuộc họp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, hơn 10 trường đại học ngoài công lập đã trình đề án tự chủ tuyển sinh lên Bộ để cải thiện tình hình tuyển sinh năm nay. 

Theo tôi biết, tinh thần chung của các đề án đó là xét tuyển căn cứ vào  kết quả học tập ở phổ thông, kết quả các kỳ thi (tốt nghiệp và đại học) và kiểm tra khả năng nhận thức và tư duy qua phỏng vấn và một số trắc nghiệm.

Mỗi trường căn cứ vào đặc điểm các ngành học trong trường để qui định mức độ ưu tiên và mức tối thiểu (điều kiện bắt buộc) cho các tiêu chí. Tôi nghĩ đó là cách tuyển sinh thích hợp nhất cho một trường đại học biết tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Có người nói không qui định điểm sàn thì các trường có thể tuyển cả những người học lực rất kém, thậm chí đến “điểm không”!. Không lo đâu, nếu có như thế thì trường ấy không còn là trường đại học nữa. Phải để cho trường tự chịu trách nhiệm; nếu trường không bảo đảm chất lượng đào tạo thì làm sao trường tồn tại và phát triển được.

- Cuối cùng, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐHQT Bắc Hà, GS có kiến nghị gì gửi đến Bộ GD để có thể thay đổi tình hình tuyển sinh năm nay?

GS Đặng Hữu: Bộ nên rút kinh nghiệm mấy kỳ thi tuyển sinh vừa qua nhất là kỳ tuyển sinh 2012, không nên qui định điểm sàn như thế nữa. Điểm sàn chỉ nên qui định cho các trường công lập để hạn chế qui mô, tập trung sức nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó Bộ nên công bố điểm trung bình của các môn thi đại học, coi đó là điểm tối thiểu để có thể học đại học được, với điều kiện là đề thi sát với chương trình. Các trường NCL xin cơ chế tuyển sinh riêng có thể xem xét điểm thi đại học kết hợp với các tiêu chí khác.

Tôi cũng đề nghị năm nay và năm năm tới không thành lập thêm trường đại học công hay tư nào nữa. Mặt khác không để cho các trường công mở các lớp đào tạo ngoài ngân sách.

Trân trọng cảm ơn GS Đặng Hữu!

Theo Trí thức trẻ

Hai mức điểm sàn có 'vớt' được những trường yếu kém?

Thứ 6, 05/04/2013 | 14:38
Bộ GD&ĐT vừa công bố, có thể có phương án điểm sàn hai mức trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. Giải pháp này đưa ra để "cứu" các trường ngoài công lập, nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục, phương án này không khả thi.

Hai mức điểm sàn trường NCL vẫn không được cứu

Thứ 6, 05/04/2013 | 14:33
Theo ông Văn Đình Ưng - trưởng ban Thông tin của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, nhận thiện chí của Bộ GD&ĐT trong việc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các trường NCL là rất tốt, nhưng với việc quy định 2 mức điểm sàn sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các trường này.

Dự kiến tuyển sinh năm 2013 có hai mức điểm sàn

Thứ 4, 03/04/2013 | 09:25
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, có thể sẽ có 2 mức điểm sàn, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các trường ngoài công lập.

Quy định điểm sàn thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng

Thứ 2, 25/03/2013 | 08:32
Điểm sàn là một cơ sở khoa học, nó tôn tại được trong một thời gian dài như vậy chứng tỏ điểm sàn đảm bảo được chất lượng đào tạo. Vì vậy, không nên quy định điểm sàn quá thấp, đó là khẳng định của TS Nguyễn Văn Tuấn – hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.