Nhà mạng không thể “né” trách nhiệm

Nhà mạng không thể “né” trách nhiệm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Vấn nạn tin rác phần lớn xuất phát từ các sim rác có tài khoản "khủng" do khuyến mại và một phần từ đầu số cung cấp dịch vụ. Dẫu từ hình thức nào thì nhà mạng cũng không thể chối bỏ phần trách nhiệm của mình. Nhiều khách hàng bức xúc cho rằng các nhà mạng cố tình làm ngơ trước tình trạng tin rác vì lợi nhuận...

Nhà mạng bất lực hay làm ngơ?

“Không loại trừ thông tin cá nhân bị chính nhân viên của nhà mạng rao bán để trục lợi”(?)

"Nhà mạng cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm trước nạn tin rác hiện nay. Là người cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng, họ phải đảm bảo về một dịch vụ hoàn hảo, không có khuyết tật. Không thể để khách hàng bị quấy nhiễu, thậm chí mất an toàn khi bị rò rỉ thông tin cá nhân. Chỉ cần tìm kiếm trên Google người ta dễ dàng tìm được các thông tin rao bán danh sách khách hàng như danh sách 5.000 thuê bao VIP của mạng MobiFone và thuê bao các mạng khác. Điều này cũng không loại trừ thông tin cá nhân bị chính nhân viên của nhà mạng rao bán để trục lợi? Là một khách hàng cũng sử dụng điện thoại, tôi cảm thấy rất lo lắng về vấn đề này".

(Luật sư Trịnh Văn Toàn- Trưởng Văn phòng Luật sư ATK).

Khi được hỏi về việc tại sao đã có những quy định phải đăng ký thông tin cá nhân khi mua sim trả trước mà các nhà mạng vẫn để hàng ngàn số thuê bao được kích hoạt mà không rõ thông tin về khách hàng, một chủ đại lý bán sim thẻ ở Thanh Xuân (Hà Nội) tiết lộ: Quy định thế thôi nhưng trên thực tế các đại lý rất dễ dàng "lách" luật vì sự quản lý lỏng lẻo từ các nhà mạng.

Cùng một số chứng minh thư, cứ đảo qua đảo lại cũng đăng ký được cho hàng trăm thuê bao. "Nhu cầu khách hàng mua sim khuyến mại rất lớn, nếu chúng tôi mà cứ đòi hỏi khắt khe thì làm sao mà bán được hàng. Trung bình một ngày tôi bán đến hàng trăm chiếc sim mà chỉ vài người có số CMND.

Nhà mạng họ biết cả đấy nhưng họ lờ đi vì muốn thu hút khách hàng, tăng số lượng thuê bao", anh này cho biết. Có thể, cũng chính từ việc không phải đăng ký thông tin cá nhân nên chủ của các sim rác này cũng mặc sức xả tin mà không sợ bị phát hiện.

Ngoài sim rác thì hai công ty vừa bị phát hiện, xử lý mới đây là một trong rất nhiều đầu số dịch vụ (được nhà mạng cấp) đã thường xuyên "tấn công" hàng ngàn tin rác vào các số thuê bao của khách hàng. Trong các trường hợp này, nhiều ý kiến cho rằng do các nhà mạng ăn chia lợi nhuận 50-50 hoặc 40-60 với các công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn nên cố tình làm ngơ.

Tin nhắn rác khó mà kiểm soát khi sim khuyến mãi tràn ngập thị trường.

Bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện truyền thông của VinaPhone (VNP) cho biết: “Hiện nay VNP đang hợp tác cung cấp dịch vụ nội dung với hơn 200 đối tác. Tỷ lệ phân chia doanh thu giữa VNP và nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) được tính theo quy định của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam”.

Liên quan đến nội dung tin nhắn bẩn, bà Hồng cho rằng, khi ký hợp đồng hợp tác với CP, đều có các điều khoản quy định chặt chẽ về việc cung cấp nội dung thông tin, đảm bảo thông tin không vi phạm pháp luật. Mặt khác, các CP đó cũng phải cam kết tuân thủ các quy định của VNP về chống tin nhắn Spam, về quảng bá dịch vụ. Đa phần các CP đều chấp hành nghiêm túc.

Tuy nhiên, chỉ có một số đối tác là "con sâu làm rầu nồi canh" đã cung cấp các dịch vụ mang tính chất tiêu cực như báo chí phản ánh. VNP đã có công văn gửi tới từng đối tác yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng, đồng thời đã xử lý nhiều trường hợp phát tán tin nhắn rác với các hình thức như tạm ngừng cung cấp dịch vụ tối thiểu 15 ngày, giảm trừ doanh thu đối tác được hưởng và thu hồi đầu số dịch vụ.

Còn đại diện truyền thông của Viettel thì khẳng định đã xử lý rất nặng các hình thức nhắn tin rác như nêu trên (trong hợp đồng với các CP đều quy định ràng buộc để làm căn cứ xử lý) như tạm khóa đầu số tối thiểu 10 ngày để điều tra xác minh. Nếu bên A có bằng chứng về tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa đảo hoặc nhận được khiếu nại từ khách hàng thì ngoài việc không thực hiện phân chia doanh thu đối với các bản tin quảng cáo, bản tin lừa đảo, Viettel sẽ thực hiện giảm trừ tiếp 40% trên tổng doanh thu phân chia đối tác được hưởng (trong tháng phát sinh hiện tượng). Trường hợp CP tiếp tục tái phạm, Viettel sẽ ngừng kết nối, đối soát, thanh toán và có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và chuyển hồ sơ sang các cơ quan điều tra xử lý.

Trước nạn tin rác, ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, khẳng định không thể có giải pháp nào triệt để vì đây là dạng tin nhắn chủ động, ví dụ như trường hợp tin nhắn lậu từ nước ngoài gửi về thuê bao trong nước. Ông Sơn cũng cho biết đối với các nhà cung cấp đầu số dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động trong nước, nếu vi phạm việc phát tán tin nhắn rác đến các thuê bao bằng công nghệ nhắn đồng loạt thì phát hiện đến đâu, xử lý đến đó.

Đến thời điểm này, đã có nhiều công ty bị cắt đầu số hoặc hủy hợp đồng với nhà mạng nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Nhà mạng không chịu trách nhiệm về vấn đề này vì việc quản lý là của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp..., ông Sơn biện minh. Đại diện của MobiFone, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc MobiFone cũng cho rằng, cách xử lý hiện tại chỉ là nhận được tin báo thì cắt dịch vụ và không trả doanh thu cho công ty sai phạm.

Cần xử lý hình sự loại tin “rác” có dấu hiệu lừa đảo

Nhiều nội dung tin nhắn rác đã cố tình mập mờ để gây ra hiểu lầm, dẫn dụ người ta chơi trò đỏ đen hay nhắn tin để có kết quả "soi cầu lô đề", "soi" trước kết quả xổ số. Các tin nhắn này thường không tuân theo các quy định về tin nhắn quảng cáo, như không có chữ (QC) ở đầu tin và không có hướng dẫn từ chối quảng cáo ở cuối tin.

Mỗi tin nhắn vào đầu số theo như hướng dẫn, khách hàng sẽ bị móc túi mất 15 ngàn đồng. Theo Luật sư Trịnh Văn Toàn (Trưởng Văn phòng luật sư ATK- Đoàn Luật sư Hà Nội) thì nhà cung cấp dịch vụ nội dung ngoài vi phạm các quy định về kinh doanh, quảng cáo... còn có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự. Một khách hàng mất 15 ngàn đồng nhưng hàng ngàn khách hàng thì số tiền sẽ không phải là nhỏ. Tội danh quy định mức 2 triệu đồng thì đã phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo luật sư này thì sắp tới khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực (từ 1/7), hy vọng người tiêu dùng Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn. Những hành vi như trên sẽ vi phạm Điều 6 của Luật này (Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu).

Đồng thời, Điều 10 (Luật Bảo vệ người tiêu dùng) cũng quy định về những hành vi bị cấm như: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung như: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng".

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho biết: Bản bàn giao dữ liệu cá nhân của khoảng 4,1 triệu thuê bao trả trước cho Bộ Công an vừa được tiến hành. Trong đó, Viettel có 1,57 triệu, MobiFone có 1,25 triệu, còn lại là Vina Phone với khoảng 1,28 triệu... Bộ TT-TT khẳng định, những thuê bao khai báo thông tin sai sẽ bị cắt liên lạc hoặc xóa số. Trên cơ sở thông tin khai báo của khách hàng, Bộ Công an sẽ tiến hành đối chiếu chứng minh thư, họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, nơi cư trú... Dự kiến, công việc đối chiếu dữ liệu cá nhân bắt đầu được thực hiện từ 1/5.

Minh Lý