Nhà sạt lở, chết người trong đêm: Tai họa được báo trước

Nhà sạt lở, chết người trong đêm: Tai họa được báo trước

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Ở ngã ba sông gần cầu Rạch Dơi thuộc ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM, hộ dân sống lâu nhất được 4 năm, hộ mới nhất được gần một tháng. Chỉ sau một đêm tất cả nằm xuống dòng sông, 17 người thoát chết, một người thiệt mạng. Chỉ vì thiếu tiền cộng với chút liều mà họ chấp nhận sống ở một nơi nguy hiểm như thế.

Sống chung với Hà Bá

Người đầu tiên đến xóm cũng là nạn nhân không may mắn trong vụ sạt lở kinh hoàng đêm 28/8, ông Võ Văn Tài (55 tuổi). Trước đây ông Tài ở phường 5, quận 4 (TP.HCM). Năm 2007, nhà ông Tài trong diện phải giải tỏa. Số tiền đền bù, ông lo dựng vợ gả chồng cho con cái và mua một căn nhà nhỏ bên cầu Rạch Dơi rồi đưa vợ con về ở. Thế nhưng chưa kịp mừng vì mua được căn nhà với giá rẻ như cho thì đã phải thấp thỏm trước việc ngày ngày nhìn phần đất nhà mình cứ bị sông "ăn" dần.

Xác nạn nhân Võ Văn Tài vừa được lực lượng cứu hộ tìm thấy

Cách đây 2 năm, nơi ông ở có 5 nhà cũng chênh vênh như thế bị sạt lở xuống sông. Thấy vậy ông bà bàn cách chuyển đi nơi khác, nhưng không đi được vì không có tiền. Thế là ngày ngày ông chạy xe ôm, vợ ông buôn bán ở chợ tích cóp tiền bạc. Đêm đêm hai vợ chồng nằm ngủ mà thấp thỏm chẳng biết lúc nào sông "ăn" đến nhà mình.

Ở sát vách với ông Tài là ông Huỳnh Văn Ngan (48 tuổi), vốn có nhà ở phường 8, quận 4. Gia cảnh nghèo khó, nhà lại đông con cháu, ông Ngan quyết định bán ngôi nhà của bố mẹ để mua căn nhà 30m2 ven bờ sông Rạch Dơi này với giá 195 triệu đồng, ở chưa được 2 tháng thì giờ nó đã nằm dưới lòng sông. Nhìn xuống dòng sông đục ngầu, bây giờ ông mới hiểu sao họ lại bán nhà rẻ đến thế.

Anh Trần Thanh Chung quê phường An Lạc, TP.Cần Thơ cho biết: "Từ lúc cưới nhau, hai vợ chồng tôi chưa một lần được làm chủ nhân thật sự của một ngôi nhà, hết thuê phòng trọ này lại đến phòng trọ khác. Sau bao năm làm thuê vất vả tích cóp, hai vợ chồng mới mua được căn nhà đàng hoàng. Niềm vui chưa tày gang thì xảy ra sự cố. Sau đêm 28/8 kinh hoàng ấy, chúng tôi lại phải đi ở trọ và không biết đến ngày nào mới lại có được một ngôi nhà của riêng mình.. Chung hoàn cảnh với anh Chung còn có vợ chồng chị Võ Thị Thức Hoa (36 tuổi) và Nguyễn Văn Hiếu cũng ở quận 4. Sau hai năm về đây sinh sống, giờ vợ chồng chị Hoa đã trắng tay, bất lực nhìn dòng nước "nuốt" nhà mình...

Theo những người dân thì trước khi xẩy ra vụ sạt lở kinh hoàng, ở khu vực này đã xẩy ra hiện tượng nứt và lún thường xuyên. Chị Võ Thị Thức Hoa kinh hoàng nhớ lại: "Lúc đó là khoảng gần 22h, cả nhà tôi đang xem phim thì nghe thấy tiếc răng rắc, rồi từng mảng nhà đổ ùm ùm xuống nước. Chạy ra thì thấy nhà ông Tài bị đổ nghiêng phía mái đằng sau xuống sông.

Lúc đó cả xóm đã đóng cửa đi ngủ hết. Tôi cùng chồng và anh Chung liền chạy tới phá cửa cứu gia đình ông Tài nhưng khi đưa được mọi người ra ngoài thì lại nghe tiếng răng rắc nứt tường, tiếng chuyển động mái tôn ở phía khu nhà mình. Vợ chồng tôi vội vàng chạy về cứu con. Bế được con ra ngoài thì nhà tôi và 3 căn nhà bên cạnh đổ nghiêng rồi từ từ lún xuống. Nhà ông Tài bị lún chìm ngỉm xuống sông sau cùng, vì cố chạy vào để chuyển đồ ra ngoài nên ông ấy bị kẹt trong đó chịu chung số phận với ngôi nhà.

Bà Trần Thị Mai, vợ ông Tài nghẹn ngào nhớ lại: "Cả nhà tôi đang ngủ thì thấy tiếng chuyển động trên mái tôn, phía trong buồng nhà lún sâu xuống, nước tràn vào nhà lên đến tận ngực. Vợ chồng tôi và con gái vội chạy ra cửa thì được mọi người vào kéo ra. Được một lúc thấy nhà không lún xuống nữa ông ấy đòi vào nhà vớt đồ, tôi ngăn nhưng ông ấy không nghe. Ông ấy bảo "không vào thì lấy gì mà sống?". Tôi cũng vào với ông ấy, lúc nhà lún tiếp tôi chạy ra kịp còn ông ấy bị chiếc tủ đè lên. Mãi 11h trưa người ta mới tìm thấy xác ông ấy".

Đã xác định được nguyên nhân

Ngay sau khi sự việc xảy ra chính quyền địa phương đã kết hợp cùng với Khu quản lý giao thông đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT TP.HCM) có mặt tại hiện trường tổ chức truy tìm nạn nhân đồng thời gia cố và trục vớt những tài sản của người dân bị chìm dưới lòng sông.

Bà Trần Thị Mai, vợ ông Tài khóc ngất trước thi thể chồng

Trước đó theo những số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, trên địa bàn TP. đã xảy ra 5 vụ sạt lở với tổng diện tích khoảng 2.170m2 đất trên địa bàn các quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ làm sạt hoàn toàn 6 căn nhà, sạt một phần 4 căn nhà, làm nứt 9 căn nhà lân cận trong khu vực sạt lở và thiệt hại một số tài sản, vật dụng. Tuy nhiên vụ sạt lở tại xã Nhơn Đức là vụ đầu tiên có thiệt hại về người. Cũng theo những số liệu trên thì tại địa bàn TP.HCM hiện có 50 điểm có nguy cơ sạt lở cao đất ven sông, kênh rạch và ven biển, trong đó huyện Nhà Bè có 13 vị trí, Cần Giờ có 10 vị trí, quận Bình Thạnh có 8 vị trí.

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết nạn nhân là công nhân, buôn bán nhỏ, làm thuê và mới đăng ký tạm trú 2-3 tháng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Những người dân này cũng cho biết dù TP. đã có chỉ thị cấm khai thác cát nhưng lâu nay hoạt động này vẫn diễn ra lén lút tại khu vực trên và phía thượng nguồn các con sông Sài Gòn, Lòng Tàu, Mương Chuối Các cát tặc thường hoạt động rầm rộ vào lúc nửa đêm, rạng sáng. Khi bị phát hiện, cát tặc cho ghe chạy sang bờ bên kia (tỉnh Long An) hoặc lách vào rạch nhỏ để trốn, đợi tình hình yên ắng lại tiếp tục trở ra khai thác. Chính hoạt động khai thác cát trái phép trên đã làm gia tăng tình trạng sạt lở hai bên bờ sông, từng ngày đe dọa đến sự an toàn của những người dân sinh sống ven sông.

Theo ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM thì nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc đau lòng trên là do các hộ dân đã làm nhà kiên cố lấn ra khu vực bờ sông có nền đất yếu cộng với thời tiết mưa lũ, khu vực này lại nằm ngay ngã ba sông, nước chảy xiết nên việc sạt lở là điều có thể dự báo trước.

Cũng theo ông Trí, việc quản lý, cảnh báo, di dời dân khỏi vùng sạt lở, cũng như xử phạt những hộ có hành vi lấn chiếm kênh rạch trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM đã nhiều lần có văn bản gửi địa phương về việc lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch, xây dựng nhà cửa kiên cố tại khu vực có nguy cơ sạt lở.

Bà Võ Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức cho biết, trước mắt, chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình có người chết 2 triệu đồng để lo việc mai táng, còn đối với những hộ dân có nhà bị sập, chính quyền hỗ trợ 1 triệu đồng /hộ.

Phạm khoa - Nguyễn Khoát