'Luật pháp sẽ là vô nghĩa khi không có lòng nhân ái'

'Luật pháp sẽ là vô nghĩa khi không có lòng nhân ái'

Thứ 2, 15/04/2013 | 15:27
0
Gần đây, "ném đá" được xem như một "trào lưu" để nhiều người bày tỏ thái độ, quan điểm không hài lòng với một hiện tượng, một cá nhân trong xã hội. Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này.

Khi những người ác tâm sẵn có tư tưởng định kiến và đố kỵ

Thời gian qua, chắc hẳn ông đã nghe đến câu chuyện của ca sĩ Thái Thùy Linh khi cô được nhận giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu 2012. Ngay sau đó, một số diễn đàn đã chê bai, đánh giá cô ở một khía cạnh không liên quan gì đến giải thưởng. Ông có suy nghĩ như thế nào trước phản ứng của họ với Thái Thùy Linh?

Cả trường hợp của Thái Thùy Linh và Đỗ Nhật Nam đều cho thấy một sự bất ổn trong đời sống xã hội của chúng ta. Về trường hợp của Thái Thuỳ Linh, trước hết ở góc độ luật pháp, cô không có gì sai trái cả. Luật pháp Việt Nam cho phép công nhận những đứa trẻ ngoài giá thú.

Trong xã hội văn minh, người ta ngày càng trân trọng quyền của người phụ nữ. Chính về thế, tôi nghĩ, những người mẹ sống một mình và nuôi đứa con của họ với khát vọng làm mẹ lớn lao và chính đáng thì không có gì sai trái về mặt đạo đức cả. Họ đóng góp cho xã hội, có bổn phận chăm sóc đứa con của họ và không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình người khác. Theo quan điểm của tôi, chúng ta không khuyến khích điều đó nhưng cũng không nên áp đặt và chê bai, ném đá nó.

Tất cả những gì mà Thái Thuỳ Linh đã cống hiến trong một năm qua và giải thưởng mà chị được nhận là hoàn toàn xứng đáng. Lấy lý do Thái Thùy Linh làm mẹ mà không lập gia đình để nói chị không xứng đáng với giải thưởng thì quả thực là quá phũ phàng. Lý do đó đã vô tình đi ngược lại những quy định của luật pháp Việt Nam vốn đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Xã hội - 'Luật pháp sẽ là vô nghĩa khi không có lòng nhân ái'

Hành vi ném đá Đỗ Nhật Nam và Thái Thùy Linh trên một số mạng xã hội khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Giả sử Thái Thuỳ Linh không được nhận giải hay cô không nhận giải, tôi cho rằng điều đó không quan trọng nhưng nó lại là một hồi chuông báo động cho chúng ta thấy, trong xã hội vẫn còn những bộ phận có định kiến vô cùng nặng nề. Họ trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở bước tiến vượt bậc của xã hội.

Dư luận chưa kịp lắng xuống trước câu chuyện của Thái Thùy Linh thì lại thêm trường hợp hàng nghìn người "rủ nhau" chế giễu cậu bé Đỗ Nhật Nam trên các mạng xã hội. Phải chăng "căn bệnh" này ngày một  nặng hơn?

Trường hợp của Đỗ Nhật Nam tôi thấy còn tệ hại hơn rất nhiều. Tôi nghe đoạn băng đó hai lần và thấy không có gì để nói rằng cậu ấy ngạo mạn, vô lối, "ông cụ non" hay đánh mất tuổi thơ cả. Trong quan niệm của rất nhiều người tuổi thơ của một đứa trẻ không được giống như Đỗ Nhật Nam. Những đứa trẻ bình thường phải vâng lời cha mẹ, không được làm khác đi điều gì cả.

Tuy nhiên, ngày nay, trẻ em đã được chăm sóc trong điều kiện vật chất tốt hơn rất nhiều. Chúng được tiếp nhận thông tin nhiều chiều từ khoa học, hội hoạ, kiến trúc, mỹ học... Lượng thông tin tương đối lớn ấy cộng với sự chăm chút của gia đình, định hướng của nhà trường và rất nhiều yếu tố khác đã giúp trẻ có cơ hội phát triển hơn rất nhiều.

Những cậu bé như Nguyễn Bình (tác giả nhí xuất bản cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến với Hành tinh Fantom năm 10 tuổi - PV) hay Đỗ Nhật Nam thực sự khiến tôi khâm phục. Đó là một minh chứng cho thấy tâm lý và trí tuệ của trẻ em Việt Nam khác xa rất nhiều so với trước đây.

Chúng ta không có gì phải quá ngạc nhiên khi một đứa trẻ 10-11 tuổi mà có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị, xã hội... một cách tinh tế và sắc sảo như thế. Đó là những thông tin rất mừng cho xã hội chúng ta. Nếu ngày nay chúng ta cứ nhìn nhận những đứa trẻ theo cách nhìn của 20-30 năm trước thì không còn phù hợp nữa.

Tôi không cho rằng thái độ của nhiều người với Đỗ Nhật Nam những ngày qua là thái độ ghen ghét. Việc làm của họ cho thấy sự thiếu hiểu biết xã hội, tính nhân văn, cách đối xử của người lớn với những đứa trẻ đáng báo động vô vàn. Việc lên tiếng chê bai hay lập facebook, videoblog chế nhạo cậu bé... thật sự là nỗi xấu hổ của những người lớn. Giả sử cậu bé có một điều gì là hư hỏng chăng nữa thì chúng ta chỉ nên dùng tình yêu thương, chia sẻ, giảng dạy hướng dẫn cho cậu bé.

Nhiều người cho rằng mình "ném đá" là để giúp cho nạn nhân nhìn nhận ra cái chưa tốt của bản thân mà phát triển. Ông có đồng tình với cách lý giải ấy?

Tôi nghĩ, nếu Đỗ Nhật Nam biết được có hàng nghìn người ồ ạt chê bai, cười nhạo cậu thì chắc hẳn cậu bé sẽ bị tổn thương ghê gớm. Những hành động của người lớn không làm cho nó tốt hơn mà có nguy cơ đẩy đứa trẻ đến mức tệ hại hơn.

Có nhiều người bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách dạy con của mẹ Đỗ Nhật Nam và có những góp ý chân thành. Tuy nhiên, trong cách thức mà chúng ta đang biết đây thì không phải là góp ý mà là sự nhìn nhận sai trái và có sự đố kỵ khác. Họ vin vào cái cớ rằng Nhật Nam nói truyện tranh đục khoét tâm hồn để "ném đá" cháu và gia đình. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng, một bộ phận truyện tranh đang rất đáng báo động và lên án.

Trên thực tế, cũng có những cuốn truyện rất hay và có tác dụng giáo dục rất lớn. Song hiện nay ở nước ta tôi thấy, có một lượng lớn truyện tranh không tốt cho việc xây dựng tâm hồn và nhân cách của trẻ em vẫn được in ấn. Có thể kể ra một loạt những cuốn truyện chứa đựng những hình ảnh bạo lực, hình ảnh yêu đương quá sớm hay những lời lẽ thô lỗ ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ. Tất cả những điều đó không có tác dụng gì đối với việc gợi mở tâm hồn đẹp cho một đứa trẻ mà chỉ hướng chúng đến những điều làm khô cằn tâm hồn chúng.

Bà mẹ của Đỗ Nhật Nam nói về khía cạnh này là hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ, những người ác tâm "ném đá" cậu bé không có căn cứ để nói rằng, gia đình Đỗ Nhật Nam đã dạy con sai phương pháp. Tôi nghĩ rằng tất cả những gì Đỗ Nhật Nam có được hôm nay: Sự tự tin, đam mê; sự hiểu biết và khát vọng của cháu... có tới 90% là do cách giáo dục của gia đình. Những người ném đá không thể nhân danh tôi vì đứa trẻ đó, tôi vì thế hệ trẻ mà thả sức chê bai, chế giễu. Đó chẳng qua là sự ích kỷ, sự kém hiểu biết và lòng ác tâm, vô cảm.

Xã hội - 'Luật pháp sẽ là vô nghĩa khi không có lòng nhân ái' (Hình 2).

Vậy phải chăng, tư tưởng lạc hậu, chậm tiến, kém hiểu biết đang khiến một lớp người có cái nhìn lệch lạc với cả những người tốt, việc tốt?

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Đỗ Nhật Nam, Nguyễn Bình lại có thể người lớn như thế. Câu hỏi này rất hài hước nhưng lại phản ánh đúng bản chất của vấn đề rằng, dù mới rất nhỏ tuổi nhưng các em có thể có được những tư duy rất cao, khác xa với những đứa trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, một số người lại không đồng ý điều đó bởi nó không giống với "tầm hiểu biết" và những suy nghĩ cố hữu đã tồn tại trong họ từ xưa tới nay.

Từ những hành vi phê phán, ném đá vào cậu bé và gia đình cậu, tôi nghĩ chúng ta cần xem xét lại suy nghĩ của một số người trong cách đối xử và lòng nhân ái với một đứa trẻ. Điều mà chúng ta lo lắng không phải là những người đang bị "phê phán" như Đỗ Nhật Nam hay Thái Thùy Linh mà chính là một xã hội người lớn với những lệch lạc về quan điểm, sự hiểu biết và tình nhân ái.

Lợi dụng mạng xã hội làm công cụ "giết người"

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều người đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để thực hiện các mục đích cá nhân. Ông thấy sao khi sự tân tiến lại chỉ để phục vụ cho những câu chuyện buồn bã như thế?

Công nghệ thông tin là một bước tiến kỳ diệu của nhân loại. Công nghệ thông tin có bao nhiêu ưu điểm thì nó lại lộ ra bấy nhiêu khuyết điểm của con người. Phương tiện không bao giờ là xấu hay tốt. Chỉ có người sử dụng phương tiện đó hướng đến mục đích xấu hay tốt mà thôi. Một khẩu súng đưa cho một kẻ độc ác, vô lương tâm, nó sẽ trở thành một thứ tồi tệ. Nhưng khẩu súng ấy, nếu trao vào tay người có văn hóa, có nhân cách thì nó có thể trở thành thứ bảo vệ cho sự an toàn của cộng đồng, xã hội.

Ở Việt Nam, khi internet xuất hiện, có một điều kinh hoàng là rất nhiều những thói hư, tật xấu của người Việt đã lộ ra, đặc biệt là lòng ác tâm. Người ta dùng internet để thực hiện sự hằn học, thù hận của mình. Với trào lưu "ném đá" hiện nay thì internet là một công cụ hữu hiệu nhất. Tôi được biết, không chỉ những công dân mạng thông thường, mà cả những người tham gia giới nghệ sĩ, showbiz.. cũng đã dùng cách này để hạ bệ người khác và PR trơ trẽn cho bản thân mình.

Xã hội - 'Luật pháp sẽ là vô nghĩa khi không có lòng nhân ái' (Hình 3).

Đến lúc này, tôi thấy chưa bao giờ mọi chuyện lại tệ hại đến vậy. Tưởng rằng chỉ ở người lớn, với những thói hư, những ích kỷ, tham lam mới có thể sinh ra điều đó. Thế nhưng với Đỗ Nhật Nam, một đứa trẻ đáng lẽ phải được chăm chút, ôm ấp, ủng hộ... thì lại có một cộng đồng mạng xuất hiện và "vùi dập" cậu ấy. Những người lớn với nhau thì còn có cớ mà lý giải, bao biện nhưng là hành vi của người lớn với một đứa trẻ thì thực sự quá tệ hại.

Có ý kiến cho rằng, những câu chuyện mà chúng ta đang không muốn bàn đến ở đây, một phần cũng là do lỗi của truyền thông?

Ở đời không ai là toàn vẹn cả. Khi xảy ra bất cứ chuyện gì, chúng ta cần xem xét đó là sự lỡ lầm hay là tính cách của người ta. Chúng ta phải nhìn nhận bản chất của vấn đề để ứng xử. Nếu có những người lợi dụng truyền thông để tung hô, quảng bá mình một cách vô lối thì chúng ta phải phê phán.

Chính vì thế, truyền thông khi làm về những vấn đề đó phải hết sức kỹ lưỡng. Nếu làm báo mà chỉ lợi dụng scandal để thu hút độc giả, bước qua đau khổ của người khác một cách giá lạnh thì tôi nghĩ là không thể chấp nhận được. Tôi thấy, lâu nay truyền thông ít nhiều cũng đóng góp vào những chuyện chúng ta đang không muốn nhắc tới như thế này.

Xin chân thành cảm ơn ông!   

Trước những thực trạng trên, theo ông có nên sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hệ thống pháp luật để tăng cường tính răn đe và bảo vệ cho các nạn nhân?

Tôi nghĩ rằng điều này thật khó. Luật  bao nhiêu cũng không đủ khi trong lòng người ta không có ý thức. Chúng ta có án tử hình dành cho những kẻ giết người nhưng dường như không ngày nào là không xảy ra án mạng. Điều chúng ta cần là xem xét lại vấn đề giáo dục con người, lòng bác ái, tinh thần nhân văn. Luật pháp sẽ trở nên vô nghĩa khi người ta không mang lòng nhân ái. Trong một xã hội đang phát triển với nhiều biến động, cạm bẫy, chuyện xảy ra những lỗi lầm, sai trái... có thể rất dễ hiểu và thông cảm. Quan trọng hơn cả là thái độ của chúng ta với những con người đó. Nền tảng của luật pháp, của tính nhân văn, của sự giáo dục sẽ tạo cho chúng ta thái độ đối xử đúng mực với những thành viên còn lại trong xã hội. Việc coi ai đó là xấu xa, nguyền rủa và đáng bỏ đi... rất dễ dàng và cũng không cần đến một xã hội văn minh. Nhưng chúng ta đang ở một xã hội văn minh, tình yêu thương và nhân ái cần trân trọng và nêu cao hơn bao giờ hết.

Phạm Hạnh

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Thái Thùy Linh phản bác Diễn đàn Nhà báo trẻ

Thứ 6, 29/03/2013 | 15:49
Sau khi giải thưởng “10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2012” được công bố đã gặp phải một số ý kiến trái chiều trong dư luận, không đồng tình với tư cách nhận giải thưởng của Thái Thùy Linh chỉ vì cô lựa chọn là Bà mẹ đơn thân.

Thái Thùy Linh và những hình ảnh gắn với “từ thiện”

Thứ 5, 28/03/2013 | 16:42
Các tình nguyện viên gọi cô ca sĩ Sao Mai điểm hẹn là "Linh chủ nhiệm". Có người là fan của cô từ trước, cũng có người đến với Mặc ấm rồi trở thành fan của cô.

Sẽ sửa luật để bảo vệ những 'Đỗ Nhật Nam'

Thứ 3, 09/04/2013 | 20:30
Luật định “dùng lời nói, hành động có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật” sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Nhưng với trẻ bình thường thì luật đã bỏ quên.

Clip phỏng vấn 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam gây tranh cãi

Thứ 6, 05/04/2013 | 10:40
Clip phỏng vấn cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam đang nhận được nhiều ý kiến bình luận của cư dân mạng trong thời gian qua.

Kỳ 3: Khi lòng nhân ái trở thành "tội đồ"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
“Chính tình yêu thương mẹ và em gái, và niềm đam mê pháp luật đã thôi thúc em phải tìm lại sự công bằng cho mẹ và em...”, nữ sinh Bùi Thị Hương (phường Quyết Thắng, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) nói về hành trình ly kỳ giải cứu mẹ mình.