Nhà văn Kim Lân qua lời kể của con trai (kỳ 1)

Nhà văn Kim Lân qua lời kể của con trai (kỳ 1)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nhà văn Kim Lân ở nhà là một người cha hiền lành, giản dị khác hẳn với con người kỹ tính trong văn chương người ta vẫn thấy.

Chân dung nhà văn Kim Lân trong "bức họa ký ức" của người con trai - họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức hiện lên với dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh, ẩn chứa đằng sau la sự hiền lành, cởi mở và dễ gần.

Xã hội - Nhà văn Kim Lân qua lời kể của con trai (kỳ 1)

Không biết cha mình là người nổi tiếng

Nhà văn Kim Lân từ xưa vốn nổi tiếng là người kể chuyện có duyên, hoạt bát và dí dỏm, luôn khiến người nghe như bị thôi miên. Nhưng Nguyễn Mạnh Đức thú nhận rằng, anh đã có thời gian dài không hề biết cha mình là người nổi tiếng, là một cây bút uy danh gần xa trên văn đàn.

Chỉ đến sau này, khi trưởng thành, được đi đây đi đó, đọc nhiều, biết rộng anh mới nhận thức được chút ít tầm ảnh hưởng của cha mình trong đời sống văn chương và xã hội. Bởi đơn giản rằng, trong trái tim một người con như anh thì bố Kim Lân lúc ở nhà chỉ là một người cha hiền lành, giản dị khác hẳn với con người kỹ tính, có những triết lý sâu sắc trong văn chương người ta vẫn thấy. Đó chính là những mảng đối nghịch khác nhau cơ bản để phác họa được vài nét về tác giả "Vợ nhặt" này.

Sinh ra ở vùng quê Kinh Bắc (là khu phố Phù Lưu, phường Đồng Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) hiếu học nhưng vì nhà nghèo nên con đường học thành tài của cậu bé Tài ( tên thật của nhà văn Kim Lân) đã lỡ dở khi bước vào lớp ba.

Cậu bé Tài phải nghỉ học đi phụ việc vẽ sơn cho các thợ đàn anh để kiếm sống giúp gia đình. Ngày đó, nghề sơn mài ở vùng quê này khá phát đạt, được thực dân Pháp ưa chuộng. Sau đó, cậu Tài may mắn gặp được cụ Nguyễn Gia Trí, một trong những danh họa bậc nhất của mỹ thuật hiện đại, nức tiếng "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn".

Sau này, khi Kim Lân thành danh, người ta nói về chuyện ông gặp cụ Nguyễn Gia Trí là cơ duyên của người tài, nổi tiếng nên gặp nhau. Có óc quan sát tỉ mỉ lại chịu khó học hỏi nên từ sớm Tài đã bộc lộ năng khiếu cùng niềm đam mê vẽ tranh. Đó cũng chính là lý do vì sao có tới tận năm trong số bảy người con của ông sau này lựa chọn theo nghiệp vẽ. Có lẽ chính chút máu nghệ sỹ của người cha đáng kính đã truyền lửa cho các con.

Xã hội - Nhà văn Kim Lân qua lời kể của con trai (kỳ 1) (Hình 2).

Cố nhà văn Kim Lân chụp ảnh cùng đại gia đình

Đến duyên văn chương nhờ bạn

Cuộc đời của Kim Lân đã thực sự rẽ sang một hướng khác trong cuộc gặp gỡ "định mệnh" với Nguyên Hồng, người sau này trở thành bạn tri kỷ với Kim Lân. Tình bằng hữu văn chương đã gắn bó các ông suốt một thời gian dài từ trước cách mạng đến kháng chiến và sau này trong cuộc sống đời thường.

Có thể nói không quá rằng, chính Nguyên Hồng là người giúp Kim Lân "chạm ngõ, bén duyên" với văn chương khi "khám phá" ra tài năng của một cây bút hiếm có qua những câu văn của bạn mình. Dần dà, ông thuyết phục bạn tham gia vào "đội ngũ viết lách" với công việc viết văn, làm báo.

Năm 1944 Kim Lân gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và trở thành phóng viên nghiệp dư cho các tờ báo của lực lượng vũ trang cách mạng như Chi Lăng, Dân quân Việt Bắc... Thời gian này ông đã viết truyện ngắn Làng, đánh dấu một bước công phá của cái tên Kim Lân trong làng văn nước nhà lúc bấy giờ. Chính ông đã thổi một làn gió mới cho thế giới văn chương vốn đã ngập tràn tình yêu, chiến tranh, thị thành...

Văn của Kim Lân sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn cố gắng đi tới tận cùng những nỗi niềm, tâm trạng của từng con người, từng số phận riêng. Ông đề cập đến sự đổi mới về mặt tình cảm của người nông dân trong cách mạng và kháng chiến, sự đổi đời của họ trong cải cách ruộng đất. Họ hoạt động phục vụ cách mạng với sự am hiểu sâu sắc, cặn kẽ. Đó là một thứ "văn chương của người nhà quê", Nguyễn Mạnh Đức lí giải.

Chuyện văn chương của Kim Lân nổi tiếng khiến người ta nói nhiều rồi, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chỉ muốn nhớ về ông với tư cách là một người cha mẫu mực, có tài nhưng không kiểu cách. Yêu và lấy người con gái cùng làng tên là Nguyễn Thị Tám, em gái bạn thân của ông là Nguyễn Đăng Bảy, sau mấy chục năm sinh sống, hai đã có với nhau bảy mặt con.

Điều đáng nói là những người con này, ai cũng thành danh rực rỡ trong con đường sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình cả. Kim Lân nổi tiếng là người lãng mạn, đa tình lại ham chơi nhưng chưa lần nào dính đến các nghi án ái tình. Ông yêu vợ, thương con bằng thứ tình yêu "biết ơn". Bởi bà Tám là người tần tảo, đảm đang, xốc vác chuyện gia đình để chồng yên tâm theo nghiệp đèn sách.

"Thầy u cũng thỉnh thoảng bất đồng vì cái tính xòe xoẹt, có phần vô tổ chức của người làm nghệ thuật như cha. Suốt ngày thầy (xưng giữa Kim Lân với các con) chỉ biết viết lách, chuyện gia đình đều do một tay u tôi quán xuyến. Nhưng được cái là thầy rất nghe và yêu thương u hết mực", họa sĩ Đức tự hào nói về cha mình.

Bảo Hằng