Nhà văn trinh thám trả lời trực tuyến về tội phạm

Nhà văn trinh thám trả lời trực tuyến về tội phạm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, là một trong những nữ nhà văn trẻ đương đại của văn học Việt Nam. Không chỉ là một nhà giáo, nhà văn đầy cá tính, chị còn khiến không ít người ngạc nhiên bởi dấu ấn trong dịch thuật.

Di Li sinh năm 1978, có nhan sắc, nhiệt huyết với văn chương và tài năng của một người viết hiện đại, Di Li đã gần như một mình một ngựa theo dòng văn học trinh thám kinh dị và hài hước. Cô đã xuất bản nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận như “Tầng thứ nhất”, “Điệu Valse địa ngục”, “Trại hoa đỏ”, hồi ký “Nhật ký mùa hạ”, “Cocktail thị thành”.

Xã hội - Nhà văn trinh thám trả lời trực tuyến về tội phạm

Nhà văn Di Li

Nắm chắc ngoại ngữ, quan hệ rộng, năng động, Di Li không chỉ viết văn mà còn viết báo, dịch thuật, trong khi nghề chính của cô là một giảng viên đại học.

Tâm sự về việc chị quá chăm chút về hình ảnh của mình khi xuất hiện trước công chúng, Di Li cho biết: “Tôi là người duy mỹ. Tôi thích sự hoàn hảo. Không phải bây giờ mà tôi vốn đã là người cẩn trọng với hành vi, lời nói và cách phục sức. Đối với người khác cũng vậy. Nếu tôi phỏng vấn nhân vật, họ đưa cho tôi một cái ảnh không đẹp lắm, tôi sẽ đề nghị họ phải gửi lại ảnh khác, nếu không tôi sẽ tự đến chụp. Ngay cả ảnh của các nhân vật mà tôi đưa lên website riêng cũng rất cầu kỳ”.

Còn trong công việc, Di Li luôn yêu cầu văn bản không được sai một lỗi chính tả, một dấu chấm, dấu phẩy. Cách trình bày in ấn và thiết kế đều phải đạt thẩm mỹ. Lẵng hoa đặt tại sự kiện cũng phải phù hợp với màu sắc tổng thể.

Di Li cho biết, chị luôn biết cách học hỏi từ những người xung quanh, chị đi đến tri thức và kỹ năng thực hành bằng con đường ngắn nhất là biến chất xám của họ thành chất xám của mình. “Tôi khó có thể nói cụ thể rằng người này tôi học được điều gì, người kia được điều gì. Chỉ biết sự thu nhận này đến từ từ và càng ngày tôi càng nhiều kiến thức thông qua một phần lớn là giao tiếp”, Di Li nói.

Về bút danh Di Li, chị kể rằng cách đây hơn chục năm chị tới trụ sở báo Người Hà Nội gặp thi sĩ Bế Kiến Quốc, bấy giờ là tổng biên tập của tờ báo này. Chị có đưa những tác phẩm của mình cho ông đọc. Những truyện ngắn ấy không phải xuất sắc lắm, song Bế Kiến Quốc vẫn nhận ra sau cái còn mong manh ấy một cây bút nhiều hứa hẹn. Sau buổi nói chuyện, ông đã khuyên Diệu Linh nên bỏ cái tên cúng cơm và lấy bút danh Di Li.

Từ đó, cái tên Di Li là bút hiệu chính thức của cô nhà văn "tây tây" Diệu Linh.

Nhà văn trinh thám Di Li sẽ trả lời trực tuyến, giao lưu với bạn đọc báo Người đưa tin và Kênh thông tin tổng hợp Tin mới vào 9g sáng 21/12 về chủ đề: Ngăn chặn tội phạm man rợ gây hoang mang trong cộng đồng hiện nay.

Độc giả quan tâm đến chủ đề này có thể gửi câu hỏi về hộp thư: toasoan@nguoiduatin.vn/ hoặc gọi vào hotline: 0903 40 5146/ hoặc gửi câu hỏi vào hộp bình luận ô dưới bài.

> Nhà văn Di Li giao lưu trực tuyến cùng nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, tiến sỹ luật Trần Đình Triển

Thiên Bình