Người lặng lẽ tỏa sáng sau những ngôi sao

Người lặng lẽ tỏa sáng sau những ngôi sao

Thứ 4, 20/02/2013 | 17:08
0
Bề ngoài, trông Đức Trịnh không giống cái vẻ nghệ sĩ, bay bổng, lãng mạn như trong những sáng tác của ông. Đức Trịnh nhanh nhẹn, bận rộn với công việc của một nhà quản lý, người đứng đầu một trong những ngôi trường âm nhạc danh giá bậc nhất Việt Nam hiện nay, trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.

Tình duyên truân chuyên

Đức Trịnh sinh ra ở một miền quê nghèo Bắc Giang, cái nôi của những làn điệu dân gian ngọt ngào, sâu lắng. 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngày ấy, hầu hết thanh niên miền Bắc đều được di chuyển vào chiến trường miền Nam. Ông cũng không phải là ngoại lệ. Những năm tháng đạn bom, gian nan mà hào hùng, Đức Trịnh tự ví đó là quãng thời gian sống động nhất cuộc đời ông, giống như "một ngày bằng ba năm vậy". Ngày cầm súng, đêm cầm bút, chàng thanh niên miền Bắc ấy vẫn không quên ghi chép những bài thơ, nốt nhạc trong một cuốn sổ tay bé xíu.

Với tính cách nghệ sĩ, anh xem đó là một cách tự thưởng cho mình những giây phút thảnh thơi, lãng mạn giữa những khói đạn, đau thương. Rồi chiến tranh kết thúc, trong khi số đông bạn bè đều về Bắc thì ông tự nguyện ở lại mảnh đất nắng gió ấy như một thứ duyên nợ. Đức Trịnh kết hôn với một cô gái Nam Bộ, xinh xắn, duyên dáng và nồng nàn như một đóa mai rừng phương Nam. Nhưng cuộc hôn nhân ấy không bền như ông tưởng. Lòng mong mỏi, đợi chờ trở về phương Bắc, về với quê hương đã thôi thúc Đức Trịnh. Anh quyết định ra Hà Nội, bắt đầu bằng việc tham gia học tập tại khoa sáng tác của trường cao đẳng Văn hoá nghệ thuật quân đội (nay là trường ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội). Kết thúc khoá học ấy, ông tiếp tục theo học tại khoa sáng tác của Nhạc viện Hà Nội.

Nhân vật - Người lặng lẽ tỏa sáng sau những ngôi sao

Cùng MC Mỹ Vân trong chương trình Con đường âm nhạc nói về ông.

Sau những đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu, ông dè dặt hơn với các mối quan hệ tình cảm. Cảnh gà trống nuôi con lúc đó càng làm ông cô đơn hơn. Ít ai biết, những năm đó, Đức Trịnh là một trong những thành viên đầu tiên lập nên ban nhạc Hoa sữa nổi tiếng ở Hà Nội. Hòa nhập nhanh chóng với môi trường âm nhạc của miền Bắc, nhạc công Đức Trịnh là cái tên được giới chuyên môn nhắc đến rất nhiều lúc đó. Chính sự yêu mến chân tình của bạn bè đã giúp ông cởi trói được những mặc cảm của ngày cũ.

Ông đến gần hơn với phụ nữ, xóa bỏ khỏi đầu những suy nghĩ phiến diện về tình yêu. Và cuộc hôn nhân thứ hai đã đến như một định mệnh. Nàng là con của một nhạc sĩ nổi tiếng, cũng là bóng hồng có tiếng ở Hà Nội ngày ấy. Lúc tình yêu gõ cửa, chính Đức Trịnh không nghĩ là mình lại có được một giấc mơ đẹp như thế. Những đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu khiến ông cẩn trọng và nâng niu hơn hạnh phúc mới. Nhưng rồi dường như hạnh phúc ngọt ngào cũng chỉ như giấc mơ. Đẹp đẽ là thế nhưng khi thức dậy thì đã tan biến.

 Mọi cố gắng không thể cứu vãn, Đức Trịnh chấp nhận sự tan vỡ, dù để đối diện với nỗi đau ấy, trái tim già dặn của một người lính từng trải cũng phải rỉ máu. Có lẽ vì cá tính nghệ sĩ, chưa bao giờ ông đổ lỗi cho những người phụ nữ đi qua đời mình.

Ông tin rằng: "Ông trời bắt mình sống nhiều cho nên phải thế, không thể khác được". Sau nụ cười lạc quan ấy, dường như mọi nỗi niềm sâu kín như lặn sâu vào trong, nhức nhối, xót xa. Ông lặng lẽ làm việc, lặng lẽ chăm sóc cho hai cậu con trai, điều quý giá còn lại mà anh có được sau những tan vỡ, khổ đau của hạnh phúc. Bạn bè thương cảm nhìn ông ngược xuôi kiếm sống trong cảnh gà trống nuôi con. Nhiều người còn tìm cách mai mối cô này, cô kia để ông bớt trống vắng. Nhưng Đức Trịnh khước từ tất cả. Ông tự thấy tình yêu là điều không thể mối mai, gượng ép. Ấy vậy mà một thời gian dài, ông đã phải chịu điều tiếng của một kẻ trăng hoa. Ngậm ngùi chịu đựng và mạnh mẽ sống là cách ông lựa chọn thay vì đi phân minh, giải thích như nhiều người đàn ông khác. "Người ta sang vì vợ còn mình giàu vì bạn. Thế là cũng hạnh phúc lắm rồi. Cuộc đời mình quý nhất là có nhiều người bạn tốt".

Nói là vậy nhưng sự lạc quan trong cuộc sống đã mang đến cho ông nhiều thứ. Cuộc đời này, như cách nói của ông, là một chuỗi thử thách buộc ta phải đối diện và chiến đấu. Trái tim hào hoa nghệ sĩ ấy có thể nào không mở ra khi tình yêu gõ cửa. Người đàn bà thứ ba trong cuộc đời ông mang tên của một vầng trăng lấp lánh. Điều thú vị hơn nữa là ông hơn nàng đến 23 cái xuân xanh và chỉ kém cha nàng vài tuổi. Nhưng có hề gì khi hai trái tim đã gặp gỡ và kết duyên cùng nhau. Sau bao giông gió của cuộc đời, ông cũng đã có thể dừng bước bên người vợ trẻ, viên mãn với hạnh phúc hiện tại. Ông cười hiền: "Dù cuộc đời bắt mình phải lận đận nhưng tôi luôn cảm ơn những điều đó. Bởi không có chúng, biết đâu tôi không có được ngày hôm nay".

Nhân vật - Người lặng lẽ tỏa sáng sau những ngôi sao (Hình 2).

Nhạc sĩ Đức Trịnh.

Âm nhạc mãi là miền xa thẳm

Giai điệu da diết, lắng đọng của ca khúc Miền xa thẳm từng lay động biết bao người nghe nhạc. Nhưng ít ai biết đó là sáng tác của ông. Đơn giản vì Đức Trịnh chưa bao giờ muốn mình nổi tiếng hơn những ca khúc. Dù để có nó, ông đã phải đánh đổi thật nhiều cảm xúc, tâm huyết, thời gian và sức lực. Miền xa thẳm vốn là bài hát... mà ông được đặt hàng để viết cho một vở kịch. Nội dung bộ phim xoay quanh câu chuyện của một cô gái đi tìm người yêu trong bom đạn, chiến tranh. Nhưng bước chân suốt dọc Trường Sơn những năm tháng ấy, không chỉ bởi tiếng gọi của tình yêu mà còn là tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Ở hai đầu nỗi nhớ, ở hai đầu trận đánh là hai nửa trái tim đang đau đáu yêu thương.

 Đức Trịnh kể, khi ông chắp bút viết ca khúc là khi những kỷ niệm của tuổi trẻ ùa về. Câu chuyện ấy ông đã được nghe đâu đó trong những cuộc hành quân, khi sự sống và cái chết liền kề vẫn không làm tình yêu nguôi bớt những khát khao mãnh liệt. Một đêm không ngủ với bản thảo trọn vẹn của Miền xa thẳm. Ông gọi điện ngay cho hai cô học trò cưng nhất lúc đó là Hồ Quỳnh Hương và Nguyệt Minh. Giữa đêm khuya thanh vắng ấy, trong tiếng đàn lặng đi vì xúc động, ca khúc đã được hai cô gái thể hiện xuất sắc. Cô học trò Nguyệt Minh ngày ấy nay đã trở thành người vợ yêu quý của ông.

Ngoài Miền xa thẳm, Đức Trịnh còn là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng vẫn được nhiều nghệ sĩ yêu thích thể hiện. Ngược dòng Hương Giang là một trong số đó. Ông viết nó trong một lần đến Huế. Câu chuyện về những cô gái giang hồ trên sông Hương đã ám ảnh tâm trí ông. Trở về căn phòng vắng, một mình đối diện với sự cô đơn, ông đã tìm đến âm nhạc và gửi cảm xúc vào đó. Đức Trịnh khe khẽ hát theo đĩa nhạc ông đang mở. "Ngược dòng Hương Giang sóng dập dìu mênh mang/ Con thuyền nhỏ trăng càng tỏ mái chèo khua/ Mây lững lờ trôi Phu Văn Lâu nhớ người xưa/ Giữa dòng nước chảy thuyền em/ Giữa đời xuôi ngược người ơi/ Mình em cô đơn".

Giờ đây, với vai trò là một nhà quản lý lớn, Đức Trịnh không có nhiều thời gian cho công việc sáng tác. Nhưng không vì thế mà ông rời xa với âm nhạc. Thói quen thức đêm, dù xấu nhưng ông vẫn duy trì như một khoảnh khắc ông tự thưởng cho mình sau một ngày bận rộn. Với ông, âm nhạc mãi mãi là địa hạt thiêng liêng của tâm hồn mà người nghệ sĩ phải giữ gìn cẩn trọng. Nó như một miền xa thẳm, bí hiểm nhưng đầy hứa hẹn. Sự lôi cuốn ấy luôn thôi thúc những người nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm, chiêm nghiệm.               

Ông nói: "Sự cô đơn nào cũng giống nhau cả thôi. Nó đưa đẩy những sự đồng điệu. Vì thế mà người nghệ sĩ càng dễ phiêu linh theo những nỗi lòng". Tôi tin là thế. Với một người đã từng sống nhiều như anh, cả trong đau khổ lẫn trong hạnh phúc thì chân lý về sự cô đơn, về trái tim, về những sự đồng điệu ấy luôn là những gì được chắt chiu nhất từ sâu thẳm tâm can.

Câu chuyện về âm nhạc với nhạc sĩ, thiếu tướng Đức Trịnh có lẽ sẽ chẳng bao giờ vơi cạn. Bởi ngoài mảng ca khúc, ông còn để lại dấu ấn sâu sắc với mảng khí nhạc như Giao hưởng Tượng đài vô danh, Tứ tấu đàn dây, Sonate cho Piano… Dễ thấy một điều trong âm nhạc của ông, đó là sự gọt giũa, trau chuốt về ca từ, giản dị, mộc mạc về giai điệu và gần gũi, thân thuộc về ý tứ.  

> Đọc thêm: Ảnh Thu Minh thuở thiếu thời khiến dân mạng thích thú

Đào Bích

Nhạc sĩ Trần Tiến: 'Tôi vẫn sẽ lấy vợ nếu trời bảo thế'

Thứ 6, 15/02/2013 | 17:01
Gặp gỡ Trần Tiến để có một bài phỏng vấn không dễ. Ở tuổi này ông ngại ngùng với những thứ mang tính rườm rà, trong đó, như cách ông nói là "có các nhà báo". Người viết có lẽ là một ngoại lệ chăng? Bởi chỉ một cú phone thôi đã được ông gật đầu “hẹn hò” một chầu cà phê nơi góc phố Hà Nội.

Những 'bóng hồng' trong cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy

Thứ 5, 31/01/2013 | 10:20
Nhạc sỹ Phạm Duy thừa nhận là mình yêu nhiều, và luôn yêu say đắm, nồng nàn. Trong mỗi sáng tác của ông thường có những "bóng hồng" cụ thể chứ không mơ hồ, ảo ảnh. Đặc biệt, trong cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Duy, ngoài người vợ thì có một người phụ nữ đặc biệt.

Thăng trầm trong cuộc đời NSND Thanh Hoa

Chủ nhật, 27/01/2013 | 09:10
NSND Thanh Hoa là một trong số ít ca sĩ mà tuổi nghề xấp xỉ tuổi đời. Hơn 50 năm cầm míc cũng là ngần ấy năm bà gắn mình với dòng nhạc cổ truyền của dân tộc. Và nếu có 50 năm nữa, có lẽ khán giả vẫn thấy một Thanh Hoa sâu lắng và đằm thắm trong các điệu lý, câu hò với làn điệu trữ tình mà ca từ dung dị.