Nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể về những vết sẹo tình si

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể về những vết sẹo tình si

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Phụ nữ đã cho tôi nhiều thứ: Cuộc đời, âm nhạc, tình yêu và những nỗi đau, Lê Minh Sơn đã nói như thế, thẳng thắn và dịu dàng, về một nửa thế giới mà anh tôn sùng ngưỡng mộ.

Lê Minh Sơn gây ấn tượng rất mạnh với những ai lần đầu tiên tiếp xúc với anh. Người đàn ông có mái tóc dài, chiếc mũi thẳng tắp, khuôn miệng tươi và ánh nhìn tinh nghịch, Sơn dễ khiến người phụ nữ ngồi trước mặt mình trở nên bối rối.

Xã hội - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể về những vết sẹo tình si

Tôi từng hét cát xê ở Cặp đôi hoàn hảo

Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những vấn đề về âm nhạc Việt Nam hiện nay. Thay vì những tiếng thở dài như lần trước, Sơn có vẻ phấn khởi hơn. Anh khoe: “Tôi chuẩn bị làm 4 đêm nhạc tại Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, mệt và bận dã man nhưng vui vì được kiếm tiền bằng cái nghề mình thích. Đã đến lúc âm nhạc, sân khấu cần đến sự chỉn chu, đàng hoàng hơn. Họ nhấc máy gọi tôi là vì lẽ đó.

Tôi quấy quả anh: “Anh đề cao giá trị của sự nghiêm túc làm nghề là thế. Vậy mà cũng có lúc Lê Minh Sơn nhận lời ngồi làm giám khảo của một chương trình như Cặp đôi hoàn hảo sao?. Anh thao thao giải thích, có gì đó rất đỗi thành thật: “À, đó lại là một câu chuyện khác. Khi tôi nhận được lời mời của ông chủ Cát Tiên Sa. Tôi nói ngay, cát xê phải cao gấp 4 lần thì em mới gật đầu được. Tôi hét giá vậy không phải bởi tham tiền mà vì biết trước chắc rằng mình sẽ bị chửi. Khi một người như mình dám chấp nhận phơi cái mặt ra trước bàn dân thiên hạ để chịu trận thay họ thì mình phải được cái gì đó chứ. Nhưng tôi không buồn vì những lời chê bai của khán giả. Họ có quyền bình luận chứ. Tôi buồn là vì Việt Nam chưa có một cuộc chơi nào thực sự mang giá trị nghệ thuật đúng nghĩa. Cặp đôi hoàn hảo hoàn toàn chỉ là để giải trí. Vậy thì việc tôi ngồi làm giám khảo cũng chỉ với mục đích đó mà thôi, là mang lại tiếng cười thư giãn cho khán giả. Nhưng họ không hiểu điều đó. Họ cứ muốn làm cho mọi thứ rối lên, căng như sợi đàn”.

Lê Minh Sơn kể, anh yêu rất sớm. Mối tình ấy có thể gọi là tình si theo đúng nghĩa nhất vì anh gần như tuyệt tình với tất cả những người con gái khác, không mảy may nghĩ đến một ai dù chỉ là trong ý nghĩ. Thế anh mà vẫn không giữ được nàng dù đã bên nhau gần 5 năm. Rồi một ngày đẹp trời, nàng giục anh đi du học. “Tôi đi chưa được nửa tháng thì chị gái gọi điện hỏi “sao người yêu mày lại đi lấy chồng”?. Tôi nghe tin và chết đứng giống như Từ Hải vậy. Cái lạnh dưới 10 độ và 3 tiếng ngâm mình ngoài trời vẫn không thể làm mình bớt cô đơn, đau đớn. Rồi ngày hôm sau tôi xách vali về nước, chả còn thiết học hành gì. Sau đó là những chuỗi ngày khủng khiếp nhất của cuộc đời. Tôi giam mình trong 1 căn phòng vắng. Đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc tự tử. Bàn tay này cũng đã nhiều lần khổ vì tôi”, Lê Minh Sơn nói với tôi rồi xuýt xoa những vết sẹo nơi cổ tay chằng chịt.

“Tôi viết nhạc trong hơi men, làm thơ trong nước mắt. Lúc tĩnh tâm một chút thì đi câu cá. Có lần tôi câu được một con cá to bằng bắp đùi. Tôi sợ quá, loại cá này chắc đã hóa tinh rồi. Thế là lại về phòng tự kỷ, lại muốn tự tử, uống ruợu rồi ngập chìm trong nhớ nhung, uất hận. Nỗi đau vẫn bám riết. Cho đến một ngày, cô bạn thân gõ cửa phòng, chỉ thẳng tay vào mặt của cái thằng tôi lúc đó đang trong cơn vật vã: “Tại sao anh cứ phải đi tìm những thứ tình yêu xa xôi ở đâu thế. Tại sao không yêu em đây này, con đàn bà ở ngay bên cạnh anh, yêu anh mà phải bất lực nhìn anh khóc vì người khác. Tôi bừng tỉnh. Rồi tôi cưới cô bạn thân của mình. Tôi cưới nàng vì lòng biết ơn, người đàn bà đã dang tay che chở, yêu thương trong cái lúc tôi cùng quẫn, bí bách nhất”.

“Gần đây, sau 10 năm, tôi có dịp gặp lại người yêu cũ. Nhưng chỉ đến câu thứ 2 là mình đã muốn đứng dậy rồi. Nàng thay đổi và tôi cũng thay đổi. Chỉ còn lại một chút kỉ niệm muốn giữ cho nhau”, Lê Minh Sơn trở nên trầm ngâm. Anh nhún vai thở dài rồi lại nhìn sâu trong mắt người đối diện: “Chạy trốn tình đầu, đẹp mãi tình đầu…”

Sơn đột ngột chuyển sang câu chuyện về con cái. Và tôi thấy, đằng sau một Lê Minh Sơn bông đùa, phong trần, lãng tử là dáng vẻ một ông bố chỉn chu, yêu con hết mực. Làm gì thì làm, 4h vẫn phải đi đón con, về tắm rửa sạch sẽ cho nó rồi mới làm tiếp những việc còn dang dở”. Sơn nói vậy khiến tôi bớt ngạc nhiên hơn khi lần đầu tiên thấy anh cõng con đi chợ dọc phố Pháo Đài Láng, Hà Nội. Mặc cho những ồn ào xe cộ, hai bố con, một to lớn, một bé bỏng cứ thao thao bất tuyệt về đủ thứ trên đời. Chiếc xe phân khối như cũng hí họa theo câu chuyện của họ.

Xã hội - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể về những vết sẹo tình si (Hình 2).

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn trong live show Ôi quê tôi

Không muốn phô “chiếc giường ngủ” của mình

Tôi hỏi anh về Ôi quê tôi, một ca khúc từng ghi đậm dấu ấn của gã nhà quê Lê Minh Sơn. Anh trầm ngâm: “Là trời cho đấy. Hôm đó là đám ma ông nội tôi. Tôi là cháu độc đinh mấy đời của cả họ. Thằng cháu đội khăn tang và cầm di ảnh của ông cùng đoàn người tiễn ông về đất. Hôm đó là một ngày mùa đông, mưa bụi phủ trắng cánh đồng xanh mướt mạ non. Tôi thấy quê mình nghèo mà đẹp, buồn mà thương. Tôi thấy cả dáng mẹ lưng còng một đời vất vả. Rồi bỗng dưng thốt lên Ôi quê tôi. Và âm nhạc, cảm xúc cứ thế tuôn trào. Tôi biết ơn ông nội tôi, người về với đất rồi vẫn còn muốn gửi lại cho con cháu điều gì đó. Tổ tiên mình là vậy, người Việt Nam mình là vậy. Tôi yêu vô cùng”.

Sơn hát cho tôi nghe trọn vẹn ca khúc Ôi quê tôi. Một người đàn ông vạm vỡ, mạnh mẽ như anh cũng có lúc yếu đuối và ủy mị đến vậy. Tôi thấy anh khóc, không hiểu vì buồn, xúc động hay hạnh phúc. Anh uống từng ngụm ruợu. Anh nói, hôm nay có em, anh không phải uống rượu một mình, nghĩa là không phải “thủ dâm” nữa

Xã hội - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn kể về những vết sẹo tình si (Hình 3).

Trong khi Lê Minh Sơn bị dư luận tìm mọi cách để đồn đoán, tưởng tượng về những giai nhân bên cạnh anh thì với người đàn bà thực sự nhất, vợ anh, Sơn lại không hé nửa lời. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan nhất hay chỉ bởi, vợ anh là một người phụ nữ quá đỗi bình thường và ngoại đạo với âm nhạc, nghệ thuật? “Nghe đâu chị là một nhà thiết kế thời trang…”.

Lê Minh Sơn đột ngột ngắt lời: “Tôi không quan tâm thiên hạ nói nhất. Tôi chỉ thấy rằng, sao có những người ngu thế. Đến cả cái giường ngủ cũng phô nốt để thiên hạ nhìn ngó, bàn tán. Tôi không như thế. Tôi giữ gia đình cho riêng tôi. Mình phải có một nơi để trở về sau những lo toan, bận rộn và yêu đương mệt nhoài chứ. Ở đó, mình được sống thật nhất, không vấn vương, muộn phiền. Lúc bức bối là có thể nude hoàn toàn. Người giúp việc có việc lên phòng, tôi đều phải đánh tiếng bằng cách gọi vọng hay hát ông ổng một câu gì đó. Tôi 40 tuổi nhưng về đến nhà vẫn vật nhau với con uỳnh uỳnh. Lúc hai bố con trần truồng, lại phải trả lời nó những câu đại loại như, tại sao của bố có mà của con lại không có. Nó hỏi mình thế đấy, nghĩ vàng mắt ra mới trả lời được. Chết dở với nó nhưng mà thế mới sướng bạn ạ”

Sơn nhắc nhiều đến mẹ, người đàn bà với liêu xiêu lưng còng trong bài hát anh viết. Có lẽ người đàn ông nào cũng thương mẹ mình đến thế. Rồi anh kể: “Tôi là cháu độc đinh mấy đời. Mẹ sinh 6 chị gái trước đó rồi mới đẻ ra được tôi. Nhưng 10 tuổi, tôi đã xa nhà đi học, tự lập hoàn toàn vì những bất đồng trong quan điểm với bố, nhạc sĩ Minh Châu. Mẹ thương con nên thi thoảng lại lên Hà Nội thăm nom Mỗi lần như thế lại lỉnh kỉnh bao nhiêu cá khô, gạo nếp. Bà cụ sợ nhất là tôi bị đói.

Đến bây giờ, khi đã ở tuổi 40 và nếm đủ mọi thức ngon của lạ trên đời, mỗi lần về quê, câu đầu tiên bà hỏi tôi vẫn là Con có đói không?”. Sơn trầm tư hơn khi nói về mẹ. Rồi anh nhớ đến những năm tháng sinh viên, quãng đời nhiều kỉ niệm nhất đối với anh. Cả lũ bạn chung nhau thuê nhà trọ. Đói thì cầm ghi ta đánh cho quên đi. Ngày đó, chúng tôi ở gác trên. Phía dưới là phòng của một anh nhạc sĩ trẻ. Mỗi lần bạn gái anh ấy đến chơi là cả lũ lại im thin thít, vờ ngủ để nhìn trộm. Sau này những cảm giác ấy đã làm nên những ám ảnh khó quên về một thời vụng dại. Bạn tôi ngày ấy bây giờ cũng mỗi đứa một nơi. Có đứa vì miếng cơm manh áo mà không thể theo nghề. Bây giờ chúng giàu lắm. Nhưng thi thoảng gặp lại nhau, thấy bạn cầm vội cây đàn, rồi lúng túng bỏ ra. Tôi hiểu bạn đang cảm thấy gì. Tôi nghèo nhất trong đám ấy nhưng không bao giờ phải nuối tiếc một điều gì.

Lam chẳng bao giờ giận được tôi

Tôi “gạ gẫm” anh về đề tài Thanh Lam, người đàn bà hát, một tuợng đài trong âm nhạc của anh. Sơn lưỡng lự. Dường như với anh, Thanh Lam vẫn là một cõi riêng nào đó mà anh không muốn ai có thể chạm đến. Dẫu vậy, “Lam vẫn là một người mà tôi luôn yêu mến, quý trọng. Hồi còn kết hợp với nhau, tôi khiến Lam buồn nhiều chứ. Nhưng cô ấy nói chẳng bao giờ có thể giận nổi Sơn được. Lam như con ngựa bất kham, mãi mãi ngây thơ và bồng bột. Nhưng Lam cũng luôn là người dũng cảm, luôn muốn thử sức với tất cả mọi thể loại âm nhạc để cháy đến cùng với những cảm xúc. Như thế mới đúng là cô ấy. Nhưng tôi và Lam chưa dừng lại ở đây đâu. Chúng tôi sẽ còn gặp nhau trng âm nhạc nhiều hơn nữa. Khán giả cứ chờ đấy!”.

Đào Bích