Nhạc sĩ Trần Tiến: Kẻ du ca chờ từng giấc mơ

Nhạc sĩ Trần Tiến: Kẻ du ca chờ từng giấc mơ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Trần Tiến quan niệm viết nhạc là cho chính mình, viết xong nghĩa là kết thúc. Còn số phận của nó sẽ đi đâu, ông không bận tâm. “Tôi sống ở biển quen rồi, bây giờ có việc phải về Sài Gòn, Hà Nội là khó chịu lắm. Tôi có một mỏm đá giữa biển".

Đặt bút viết về Trần Tiến là một áp lực. Không chỉ vì ông đã là nghệ sĩ nổi tiếng mấy chục năm nay, đã có quá nhiều bài báo hay về ông mà còn bởi con người ông, tính cách của ông thật đặc biệt. Nếu không đủ tầm sẽ khó có thể chạm đến để phản ảnh được nét hồn nhiên mà tinh tế, dí dỏm mà sâu xa trong tâm hồn lãng tử của một kẻ du ca. Làm nhạc sĩ, ca sĩ gần nửa thế kỉ, ông vẫn “buông lơi” câu nói: “Tôi không yêu âm nhạc như người ta tưởng đâu. Tôi yêu khoa học hơn. Nhưng cuộc đời là số mệnh, là những đưa đẩy. Nếu ngày đó đi theo khoa học thì bây giờ có lẽ chẳng ai biết Trần Tiến là ông nào. Số mệnh của tôi là cầm bút viết nhạc nên không thể làm gì khác hơn”.

Xã hội - Nhạc sĩ Trần Tiến: Kẻ du ca chờ từng giấc mơ

Trần Tiến đã sống hẳn ở Sài Gòn gần 30 năm nay. Nhưng với ông, cảm giác về Hà Nội vẫn luôn là cảm giác của đứa con đi xa trở về nhà, thân thuộc và đau đáu bởi những kỉ niệm vui buồn, những tháng ngày “khốn nạn” như ông vẫn thường nói.

Ông già và biển cả

Hết cái thời làm việc để kiếm tiền và chán với những thứ xô bồ, ồn ã, Trần Tiến tìm đến với một nơi hoàn toàn hoang sơ. Ngôi nhà mới của “kẻ du ca” nằm lặng lẽ và bình yên trên bờ biển Vũng Tàu, một thành phố thưa thớt, vắng vẻ nhưng tràn ngập nắng, gió và vị mặn mòi của biển. Trần Tiến tự ví mình như ông già trên biển cả suốt ngày làm bạn với cá, tôm, mực. “Con người cần phải gần gũi với thiên nhiên vạn vật. Gần chúng, nói chuyện với chúng là chúng hiểu đấy. Có lần đang câu cá tôi ngẫu hứng hát lên một ca khúc, thế là thấy cá, mực đến mỗi lúc một nhiều thêm.

Trần Tiến vẫn có kiểu nói chuyện dí dỏm như vậy. Nhưng tuyệt đối ông không nói sai điều gì bao giờ. Câu chuyện của ông luôn mang đến cho người đối diện tiếng cười sảng khoái. Ở biển lâu ngày nên gương mặt ông sạm đi trông thấy. Riêng đôi mắt và nụ cười của ông thì vẫn tinh anh và tươi tắn. Chúng phản ảnh chân thực về một con người hiền hòa, nhân hậu, lạc quan.

“Tôi sống ở biển quen rồi, bây giờ có việc phải về Sài Gòn, Hà Nội là khó chịu lắm. Tôi có một mỏm đá giữa biển. Ở đó tôi viết Ngũ sắc biển, Sen hồng hư không, và biên thư cho vài người bạn nữa. Chỉ là lấy cái cớ biên thư để mình khơi gợi ngẫu hứng í mà. Không có cớ thì không viết nổi”. Hỏi ông về những cô đơn khi một mình giữa biển, Trần Tiến tếu táo với giọng nói ồm ồm, đặc trưng: “Cô đơn mà vẫn viết được nhạc hay thì mình còn muốn cô đơn dài dài. Giữa bốn bề gió lộng, trải tâm hồn mình ra là có nắng biển xôn xao. Lúc buồn chân thì đạp xe lên núi. Thích cảm giác mạnh thì nhấn ga chạy một vòng quanh thành phố. Ở Hà Nội hay Sài Gòn làm sao vi vu được như thế. Nguyễn Cường, Dương Thụ cũng sắp về đây với tôi. Họ mua đất trong này hết rồi”. Trần Tiến nhắc đến những người bạn chí cốt của ông, những cái tên quen thuộc mà ông không bao giờ quên mỗi khi trò chuyện. Dù đó là chuyện đời, chuyện nghề hay thậm chí chỉ là chuyện phiếm.

Có nhiều câu hỏi về việc, vì sao Trần Tiến chia xa Hà Nội và xa đến lâu thế, gần 30 năm. Ông trầm ngâm hơn trước điều này. “Đó cũng là định mệnh. Tôi gần như bị đuổi khỏi cái thành phố này. Ngày đó, tôi mặc quần ga, để râu, viết Vết chân tròn trên cát, Mùa xuân gọi, Giai điệu tổ quốc, Những đôi mắt hình viên đạn… đều bị cho là phản động. Cơ quan tôi lúc đó là truyền hình, rất nhạy cảm cho nên tôi gần như buộc phải thôi việc. Nhưng may mắn cho tôi, âm nhạc của tôi lại được sự yêu thích của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông viết trên báo Nhân dân rằng: “Tôi yêu những bài hát của Trần Tiến. Yêu những ca khúc yêu nước như thế. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biết được, phím lời “vậy thì mời Trần Tiến vào đây đi”. “ Thế hả, mời được hả?”. “Anh cứ viết một lá thư, tôi sẽ nhờ người gửi đến Tiến”. Thế là thành duyên nợ với đất Sài Gòn.

Xã hội - Nhạc sĩ Trần Tiến: Kẻ du ca chờ từng giấc mơ (Hình 2).

Nhạc sĩ Trần Tiến và cô cháu gái ca sĩ Trần Thu Hà

15 năm cho một giấc mơ

15 năm nay Trần Tiến từ chối mọi lời mời làm live show. Dù đó là những lời mời hấp dẫn từ VTV hay các công ty truyền thông nổi tiếng. Đến cả Con đường âm nhạc, một chương trình danh giá, vẫn chưa có được cái tên Trần Tiến trong seri của mình. Ông nói: “Tôi từ chối nhiều lời mời làm show chỉ vì tôi không muốn kinh doanh chính âm nhạc của mình. Lần kinh doanh âm nhạc duy nhất của tôi là làm chương trình bán vé vì trẻ em mồ côi. Kinh doanh âm nhạc không có gì là xấu, chỉ là mỗi người một tính thôi. Mặc dù tôi là nhạc sĩ có catse khủng về bài hát đặt hàng. Nhưng tôi tự tin tôi là người viết nhạc theo đơn đặt hàng hay nhất thế giới. Tôi viết về tôn mà ra Sen hồng hư không, viết về cọc nhồi mà ra Ngũ sắc biển, ra “Biển xanh, rượu tím, môi hồng”.

Trở lại Hà Nội, với âm nhạc, với một liveshow sau gần 15 năm im lặng, nhưng ở đó Trần Tiến lại đóng vai là một khán giả mà không phải cầm đàn, ngồi hát như hình ảnh quen thuộc vẫn thường thấy ở ông. Điều khác biệt và thú vị với Trần Tiến, đó chính là được mặc veston và ngồi nghe người khác hát về nhạc của mình.

Tựa đề live show “Như chờ từng giấc mơ” được lấy từ một câu hát trong ca khúc “Mặt trời bé con” của Trần Tiến. Đây cũng sẽ là chủ đề xuyên suốt chương trình cũng là một trong những đề tài chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác của Trần Tiến. Ông nói, live show này là “một cuộc trở về để tìm xem mình từ đâu tới, mình là ai, đã làm được những gì và đã làm đúng với những mơ ước của tuổi trẻ chưa trong khoảng thời gian đằng đẵng ấy... Nhưng là tôi đi tìm tôi thôi, tìm được hay không lại là chuyện khác. Biết đâu lúc tìm ra lại là lúc mình giơ tay tạm biệt cuộc đời”.

Trần Tiến kể: “15 năm nay, tôi mới bắt đầu nghe nhạc, trong đó có nhạc của mình. Tôi viết đủ thể loại, từ Hip hop đến Pop, Rock nhưng không biết trên thế giới đang có những nhạc gì. Có lẽ vì thế mà mình vẫn còn có cảm hứng để sáng tác. Bây giờ nghe lại nhạc xưa sợ lắm, không nghe nổi. Tôi nhận được lời mời của nhạc sĩ Phạm Duy rất nhiều nhưng không thể giúp anh ấy được. Dù trong tâm khảm thì ngưỡng mộ anh ấy vô cùng”.

Ở tuổi 65, Trần Tiến thừa nhận, mình vẫn là một kẻ phá phách, nhưng là sự phá phách của một người lớn tuổi, đã đi qua những trải nghiệm trong đời

Viết nhạc là viết cho chính mình

Trần Tiến không nhắc nhiều đến âm nhạc của mình. Ông cho rằng, không có gì là bất tử, cũng không có những tình khúc vượt thời gian như người ta vẫn nói. Cái gì rồi cũng cũ đi để nhường cho cái mới. Ông hay nhớ về kỉ niệm nhưng bài hát viết xong có khi để đâu lại chẳng nhớ. Hà Trần đã từng giận ông vì “bài hát chú Tiến tặng từng nằm ngủ ở trong sọt rác mấy tháng trời. “Quê nhà” cũng đã từng nằm lặng lẽ trong mớ giấy lộn nơi góc tủ nhà ông một thời gian rất lâu cho đến một ngày Tùng Dương tìm đến và cất cánh cho nó. Nếu không có cơ duyên ấy, mấy ai biết được có một nỗi nhớ Quê nhà da diết, xót xa đến vậy.

Trần Tiến quan niệm viết nhạc là cho chính mình, viết xong nghĩa là kết thúc. “Còn số phận của nó sẽ đi đâu, đến với ai, tôi không quan trọng và bận tâm. Kể cả những Mozart, Beethoven hay Bettle rồi cũng dần trôi vào quên lãng”.

Ấy là ông nói vậy. Cách nói của một tính cách, một tâm hồn không ngừng sáng tạo trong nghệ thuật. Có thể ông sẽ lãng quên những ca khúc của mình. Nhưng trong tâm khảm những người yêu nhạc, sức sống của những Giấc mơ Chapi, Mưa bay tháp cổ, Chị tôi, Ngẫu hứng sông Hồng, Mặt trời bé con, Vết chân tròn trên cát … sẽ mãi còn lung linh, tươi mới, lan tỏa như chính chất du ca phiêu linh, phóng túng của chủ nhân chúng.

Ghét sự hở hang

Yêu sự trẻ trung, tân tiến nhưng lại vô cùng dị ứng với những mông, vú, ngực đầy rẫy trong showbiz Việt hiện nay. Trần Tiến chia sẻ: “Khi nhận được lời mời của ban tổ chức chương trình, tôi đã hỏi thẳng “các bạn định làm âm nhạc của tôi theo kiểu gì. Nếu làm bằng những hở hang của mông, của vú, của những khói xịt mịt mù thì thôi nhé. Nhưng chúng bảo “không” mới hay, thế thì vỗ tay rồi bắt tay thôi. Tôi tin là sự trở lại lần này của tôi, nếu không hay thì ít nhất cũng sẽ mới mẻ”.

Bích Đào