Nhạc sĩ Việt đang quay lưng với những “mầm non”

Nhạc sĩ Việt đang quay lưng với những “mầm non”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Đãi ngộ bèo bọt là một khía cạnh nhưng không phải là tất cả nguyên nhân khiến nhạc sĩ trẻ từ chối sáng tác nhạc cho những mầm non tương lai.

Được đầu tư và xuất hiện ồ ạt trên truyền hình, nhưng những gameshow dành cho thiếu nhi vẫn khiến khán giả lắc đầu vì sự tẻ nhạt. Lẽ đơn giản, bài hát (phần cốt lõi và quan trọng nhất) dành cho các bé, lại đa số đều là đơn đặt hàng của Ban tổ chức và hầu hết trong số đó không mang lại cảm xúc và ấn tượng gì cho người nghe.

Xót xa vì sự thờ ơ

Mang câu hỏi vì sao bài hát viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng, người viết chỉ nhận được những câu nói xót xa của các vị nhạc sĩ già. Họ là thế hệ những người đầu tiên đặt nền móng và làm nên thời kì vang bóng của thể loại âm nhạc này.

Nhạc sĩ Văn Dung cho biết: “Thời chúng tôi, chiến tranh loạn lạc, miếng cơm không đủ để ăn nhưng tinh thần và tâm hồn luôn hướng về trẻ em, những mầm non tương lai cho đất nước. Chúng tôi viết về các em bằng tất cả niềm tự hào cho nên mỗi ca từ cất lên đầu dạt dào những cảm xúc. Vậy mà trong thời bình, khi cơm đã no, áo đã ấm thì âm nhạc cho thế hệ tương lai đất nước lại bị lãng quên.

Tôi cho rằng, các nhạc sĩ trẻ đừng vin vào cái gọi là mưu sinh ấy. Thời nào chẳng mưu sinh. Nếu thực sự quan tâm và nghĩ đến các em, trong hoàn cảnh nào cũng có thể viết nhạc”.

Xã hội - Nhạc sĩ Việt đang quay lưng với những “mầm non”

Cần lắm một Bài hát Việt dành cho thiếu nhi

“Thời chúng tôi, làm gì có đơn đặt hàng hay cát-sê. Thế mà, Phạm Tuyên vẫn viết được 250 bài, Hoàng Long - Hoàng Lân viết được 200 bài hát dành cho thiếu nhi. Nhưng thị hiếu mỗi thời khác. Trẻ em bây giờ có cách nhìn, cách nghĩ khác những thế trước. Cho nên sẽ có nhiều em cho rằng, thời này còn hát nhạc Phạm Tuyên, Hoàng Lân - Hoàng Long hay một nhạc sĩ già nào đó thì bị cho là quê quá. Nhưng không hát nhạc chúng tôi thì hát nhạc của ai?

Ca khúc viết cho thiếu nhi sau năm 1990 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chương trình nào cũng từng ấy bài khiến các em nhàm chán. Vậy thì, các em chỉ còn cách tìm đến nhạc người lớn, hát những bài những yêu đương, sầu muộn.

Trao đổi với Người đưa tin, nhạc sĩ Hoàng Lân cho rằng: “Mỗi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức các liên hoan âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng nhưng thời gian thì mới, còn nội dung vẫn cũ. Vẫn từng đó bài hát, từng đó tiết mục được các đơn vị thay phiên dàn dựng. Đến Ban giám khảo còn thấy nhàm chán thì liệu có thu hút được sự hào hứng của khán giả?

Nhạc sĩ kỳ cựu chia sẻ: “Mấy chục năm nay trẻ con vẫn phải hát từng đó bài. Tôi thấy xót xa quá. Các em đang phải gánh chịu sự thờ ơ của cả một thế hệ nhạc sĩ và xã hội ở lĩnh vực này. Tất nhiên vẫn có bài này, bài nọ nhưng không hay thì làm sao khiến các em yêu và nhớ được?

Chưa kể, một bộ phận trẻ em bây giờ quay sang hát nhạc nước ngoài, bắt chước các thần tượng ăn mặc lố lăng. Điều này sẽ dẫn đến sự lai căng về văn hóa, lệch lạc về thẩm mỹ âm nhạc”.

Bế tắc đủ đường

Tôi đặt câu hỏi với nhạc sĩ Hoàng Lân, có phải ở thời bình, khi cuộc sống đã quá đủ đầy thì khó mang lại những cảm xúc yêu thương. Có phải vì vậy mà các nhạc sĩ trẻ bây giờ rất khó để ngồi viết nhạc cho thiếu nhi?

Tác giả ca khúc Đi học về không ngần ngại chia sẻ một cách thẳng thắn: “Nói cho cùng, viết nhạc cho thiếu nhi ít được ưu đãi về vật chất. Bài hát anh ấp ủ trong bao lâu nhưng khi đưa vào tuyển tập của Nhà nước chỉ nhận được năm mươi nghìn tiền nhuận bút. Đó là thời chúng tôi, khi sự tính toán về vật chất chưa thể lấn át cảm xúc. Nhưng với cuộc sống hiện tại, nếu vẫn giữ mức thù lao đó thì lấy đâu ra sự mặn mà ở các nhạc sĩ trẻ.

Một điều rất đáng báo động nữa, đó chính là công tác phổ biến bài hát. Hằng năm, Hội nhạc sĩ vẫn trao giải cho các bài hát thiếu nhi nhưng lại không phân công trách nhiệm phổ biến. Ca khúc trao giải xong để đó thì làm sao công chúng biết đến? Người trao còn quên thì ai nhớ? Đài phát thanh, truyền hình nơi có chức năng truyền tải thì lại dành quá nhiều thời gian cho các gameshow để kinh doanh, kiếm tiền”.

Trong khi người lớn đang bị bội thực thì trẻ em lại quá thiếu một chương trình giải trí hợp lí dành riêng cho mình. Một nhạc sĩ nổi tiếng, có nhiều năm đau đáu với vấn đề âm nhạc trẻ thơ bày kế về một chương trình dạy sáng tác ca khúc cho trẻ để các em có thể tự sáng tác, tự kể câu chuyện về mình.

Chương trình cũng sẽ được tổ chức dưới hình thức một gameshow, giống như Bài hát Việt của người lớn. Mô hình này sẽ thu hút sự quan tâm của các em trước nhiều chương trình giải trí hấp dẫn cũng như cơn bão nhạc teen pop quốc tế hiện nay đang chi phối sở thích lứa tuổi này.

Nhưng dạng chương trình này, muốn tổ chức cần có một sự chiến lược đầu tư dài hạn, không đặt yếu tố lợi nhuận lên đầu và phải được bảo trợ bởi những kênh truyền hình có độ phủ sóng rộng rãi.

Những yêu cầu ấy, liệu VTV hay các cơ quan quản lý có sẵn lòng chung tay hoặc hy sinh lợi ích tài chính để đáp ứng?

Nhạc sĩ Lưu Hà An được coi là một trong số ít những nhạc sĩ trẻ hiếm hoi hiện nay viết nhạc cho thiếu nhi. Mặc dù vậy, dễ nhận ra, tất cả những ca khúc anh viết chủ yếu đáp ứng đơn đặt hàng. Chúng mang tính dàn dựng, tạo hình chứ không giàu cảm xúc như những ca khúc cũ viết cho thiếu nhi. Nhiều bài hát gần đây của anh trong chương trình Đồ rê mí bị cho là quá khó so với độ tuổi của các em nhỏ.

Đào Bích