Sáng tác theo đơn đặt hàng: 'Mảnh đất màu mỡ' của nhạc sĩ

Sáng tác theo đơn đặt hàng: 'Mảnh đất màu mỡ' của nhạc sĩ

Thứ 4, 02/10/2013 | 10:26
0
Viết nhạc thuê cho một sản phẩm quảng cáo, cho một bộ phim, ngợi ca một địa danh hay sáng tác phù hợp để nghệ sỹ biểu diễn đều là "mảnh đất màu mỡ" cho các nhạc sỹ thỏa sức "khai phá" và "nâng tầm" tên tuổi. Song, việc sáng tác theo yêu cầu có trở thành cái cùm khóa lại sự sáng tạo hay đây mới chính là yếu tố thể hiện tính chuyên nghiệp trong sáng tác của nhạc sỹ?

Xu hướng tất yếu

Trước đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã từng có những cuộc tranh luận gay gắt về việc nên hay không nên ủng hộ việc sáng tác ca khúc theo đơn đặt hàng. Một mặt có những nhạc sỹ quyết liệt ly khai cách làm việc công nghiệp này nhưng mặt khác hầu hết các nhạc sỹ trẻ (nhất là những người sống tại TP. HCM) lại coi đó là việc đương nhiên, bởi với nhiều nhạc sỹ, đơn đặt hàng là nguồn thu nhập chính. Những năm 2008 - 2009, một ca khúc viết riêng cho ca sỹ có giá trên dưới 10 triệu đồng, thậm chí, có những bài hát được mua với giá vài chục triệu đồng cũng không phải chuyện hiếm. Những nhạc sỹ trẻ như Quốc Bảo, Tuấn Khanh, Võ Thiện Thanh, Đức Trí... đều được gọi là "đại gia viết theo đơn đặt hàng". Khách hàng của họ thường là những ngôi sao ca nhạc mới nổi. Những giọng ca nổi đình nổi đám này nhiều khi không tiếc tay chi hậu hĩnh cho người sáng tác, miễn là tác phẩm phù hợp và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của họ.

Sự kiện - Sáng tác theo đơn đặt hàng: 'Mảnh đất màu mỡ' của nhạc sĩ

Nguyễn Cường đang là nhạc sỹ đắt giá nhất với ca khúc sáng tác theo đơn đặt hàng.

Nhìn lại thế hệ những nhạc sỹ danh tiếng của nền âm nhạc Việt có thể thấy không ít người trở nên nổi tiếng với những ca khúc được viết theo đơn đặt hàng: Nhạc sỹ Trần Tiến được coi là người viết "tỉnh ca", "ngành ca" hay nhất Việt Nam; Nhiều ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sỹ Nguyễn Cường lại xuất phát từ việc sáng tác theo yêu cầu; Hay trước đây nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý lừng danh với các "tỉnh ca" thì sau này nhạc sỹ Phó Đức Phương lại nổi tiếng với "tình ca".

Theo đó, thù lao mà các nhạc sỹ nhận được không hề nhỏ. Bài nào của nhạc sỹ Trần Tiến cũng có giá cả nghìn đô. Nhạc sỹ Nguyễn Cường có hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất cà phê Trung Nguyên với đơn đặt hàng đắt giá nhất Việt Nam - một ca khúc trị giá vài chục nghìn đô. Có lẽ ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Cường đang là nhạc sỹ đắt giá nhất với ca khúc sáng tác theo đơn đặt hàng.

Công chúng âm nhạc đã thưởng thức rất nhiều ca khúc hay được ra đời nhờ đơn đặt hàng như: Những cô gái quan họ, Về quê, Hồ trên núi; Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi... của nhạc sỹ Phó Đức Phương đều là những tác phẩm viết theo đơn đặt hàng cho các bộ phim hay vở kịch; Hoa sữa của nhạc sỹ Hồng Đăng viết theo đơn đặt hàng của ê-kíp làm phim Hà Nội mùa chim làm tổ; Một thoáng quê hương của nhạc sỹ Thanh Tùng viết theo đơn đặt hàng của cuộc thi Hoa hậu Áo dài; Và một loạt những ca khúc rất nổi tiếng của Nguyễn Cường như: Ơi Mdrak, Ly cafe ban mê, Đôi mắt Pleiku, Đại bàng giọt đắng hay Hơren lên rẫy... đều là các sản phẩm từ đơn đặt hàng của "công ty ca" hay "địa phương ca".

Vậy có nhiều ý kiến cho rằng, việc sáng tác theo đơn đặt hàng sẽ trở thành những cái cùm khóa lại sự sáng tạo của nhạc sỹ hay trói buộc họ đưa những xúc cảm âm nhạc thăng hoa liệu có là mối lo ngại chính đáng?

Sự kiện - Sáng tác theo đơn đặt hàng: 'Mảnh đất màu mỡ' của nhạc sĩ (Hình 2).

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng, những ca khúc "địa phương ca" luôn cần thiết trong đời sống âm nhạc Việt.

Thể hiện tính chuyên nghiệp của nhạc sỹ

Nói về điều này, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha bày tỏ: "Việc sáng tác theo đơn đặt hàng là hoạt động hết sức lành mạnh, nó sử dụng được tài năng và sức sáng tạo của các nhạc sỹ. Có người quan niệm rằng, họ chỉ sáng tác khi xúc cảm đến, nhất là những người viết tình ca nhưng thực tế đời sống cho thấy vẫn cần có những sáng tác thuộc về "tập đoàn ca", "địa phương ca"... để động viên con người sinh sống và làm việc ở đó. Mới đây, tôi có viết một tham luận cho Hội đồng lý luận phê bình về vấn đề: Có còn cần không địa phương ca? trong đó, tôi khẳng định "Cần và mãi mãi cần". Và không chỉ ở Việt Nam, các nước khác cũng cần những nhạc phẩm như thế".

Theo ông Nguyễn Thụy Kha, thời điểm lịch sử trước đây, khi các nhạc sỹ còn hạn chế về tư tưởng với những tác phẩm đặt hàng thì sự phát triển của những ca khúc đặc thù này khó khăn hơn nhưng ở hiện tại khi suy nghĩ đã "thoáng" thì nhiều người không còn có cái nhìn khắt khe với những tác phẩm được viết theo yêu cầu nữa. Hơn thế, những ca khúc này còn rất được hoan nghênh. Như nhạc sỹ Nguyễn Cường từng nói: "Những bài hát chỉ là "tỉnh ca", "huyện ca" hay thậm chí là "công ty ca" như Jamaika, Torna a Surriento hay Hotel California đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ".

Không ít người sáng tác, nhất là những nhạc sỹ chưa từng có một tác phẩm nào sáng tác theo yêu cầu cho rằng việc cố gượng ép mình vào một khuôn khổ sẽ "bóp chết" sự sáng tạo và đó không phải xúc cảm thực của người nghệ sỹ. Nhưng với nhạc sỹ Nguyễn Cường, ông lại quan niệm, chỉ những người sáng tác chuyên nghiệp mới có khả năng biến những nhu cầu của đời sống trở thành tác phẩm: "Vì yêu cầu của đời sống mà người nghệ sỹ xúc cảm thì đó là yêu cầu của chính con tim mình. Tôi có thể nói, có nhiều sáng tác của những nhạc sỹ lừng danh trên thế giới như Beethoven, Chopin hay Mozart và những tác phẩm lớn của Việt Nam là sản phẩm của đơn đặt hàng. Điều quan trọng là người nghệ sỹ có tài, biến nhận thức và cảm xúc trước đời sống thành bài hát được hay không".

Cùng chung nhận định, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng: "Người nhạc sỹ có khả năng hòa đồng với tất cả cộng đồng thì cảm xúc sẽ đến bất kỳ lúc nào. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có những cái không phải là các đơn vị mà chính là dân tộc mình đặt hàng. Những nhạc sỹ như Hoàng Vân, Phạm Tuyên để lại bao nhiêu ca khúc bất hủ cho đời chẳng phải là minh chứng sao? Tất nhiên, số nhạc sỹ sáng tác theo đơn đặt hàng đắt khách như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương thì không nhiều. Bởi không phải ai cũng có khả năng hòa đồng để tạo ra được sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu của đời sống vừa có tính nghệ thuật. Đây cũng chính là điều hạn chế khi có ít người đạt được tiêu chuẩn đó. Ví như trong cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 45 năm Khe Sanh đầu tháng 7 vừa rồi, có hơn 100 tác phẩm nhưng chỉ có 12 ca khúc được giải".

Điều đó cho thấy, để thành công với những ca khúc đặt hàng là điều không hề đơn giản. Nhạc sỹ Nguyễn Cường cho biết trước khi nhận lời sáng tác, bao giờ ông cũng phải xem mình có thể đột nhập được vào đời sống đó và đọc được nỗi khát vọng của những con người nơi đó hay không? Bởi với ông, người làm nghệ thuật có thể không hiểu hết nhưng phải cảm được và đưa cái cảm đó vào nhạc phẩm. Còn với nhạc sỹ Xuân Phương, người rất nổi tiếng với các ca khúc nhạc phim, anh cho biết: "Để ra sản phẩm hoàn thiện thì còn tuỳ nhiều yếu tố, nhất là cảm xúc. Mỗi công đoạn tôi đều làm rất tỉ mỉ, cầu toàn và với tất cả lòng tự trọng nghề nghiệp của bản thân. Mỗi khi nhận một bộ phim, tôi sẽ gặp trước đạo diễn hoặc nhà sản xuất để nghe trực tiếp họ nói về nội dung phim. Sau đó sẽ bàn đến bài hát chủ đề phim và ca sỹ sẽ do tôi đề cử để bên làm phim chọn. Khi thống nhất được ca sỹ thể hiện thì mới bàn đến catse và lúc đó mới sáng tác theo giọng ca sỹ được chọn".

Rõ ràng, nhạc sỹ viết theo đơn đặt hàng thì trước tiên phải làm hài lòng người đặt hàng. Nhưng sáng tác ca khúc đặt hàng để thành công, ngoài chuyện thù lao thì yếu tố quan trọng nhất là phải mong mỏi cái tâm cái tài của người nhạc sỹ. Có như thế, thị trường âm nhạc Việt mới đảm bảo cả về "lượng" và "chất".                       

Có cả "hợp tác xã ca"

Ưu điểm dễ thấy của việc sáng tác theo đơn đặt hàng là phải có sự bảo đảm và tin cậy giữa người sản xuất (nhạc sỹ) và người tiêu dùng (đơn vị đặt hàng). Nếu không phải là nhạc sĩ danh tiếng, quan hệ ngoại giao tương đối tốt thì khó có thể nhận được những “hợp đồng béo bở” từ phía đối tác. Điều đặc biệt là đã đặt hàng thì thù lao cho người sáng tác luôn ở mức tương đối cao. Đơn đặt hàng có thể đến từ phía ca sĩ hay từ một số đơn vị Nhà nước. Hơn chục năm lại đây, rất nhiều nhạc sỹ được mời về các tỉnh để viết theo đơn đặt hàng ở các thể loại "tỉnh ca", "huyện ca", "hợp tác xã ca"...     

Loan Thanh

Nhạc sĩ 'Cô bé có chiếc răng khểnh' qua đời

Thứ 5, 26/09/2013 | 09:37
Nhạc sĩ Trần Thiết Hùng, 'cha đẻ' của những ca khúc nổi tiếng: Cô bé có chiếc răng khểnh, Như giọt mưa buồn, Chút nắng mong manh, Đừng trách Diêu Bông... đã qua đời sáng 25/9.

Nghe lại những sáng tác hay nhất của nhạc sĩ Trần Thiết Hùng

Thứ 6, 27/12/2013 | 21:13
Đừng trách diêu bông, Cô bé có chiếc răng khểnh, Chút nắng mong manh... là những sáng tác bất hủ của nhạc sỹ tài hoa Trần Thiết Hùng.

Nhạc sĩ U60 Đài Loan thổ lộ tình cảm với người tình 17

Thứ 2, 23/09/2013 | 15:39
Lý Khôn Thành cho rằng ông hiểu, tôn trọng Lâm Tĩnh Ân nên có được tình yêu của cô gái trẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Nhạc sến rất cần sự tử tế

Thứ 7, 21/09/2013 | 16:12
"Thế hệ nhạc sĩ trẻ bây giờ có nói gì tôi cũng không quan tâm nhiều, vì mỗi người một quan điểm khác nhau", nhạc sĩ Nguyễn Ánh khẳng định.

Nhạc sĩ Anh Quân làm giám khảo Vietnam Idol

Thứ 4, 18/09/2013 | 09:10
Ông xã Mỹ Linh thay Quốc Trung ngồi 'ghế nóng' đi tìm Thần tượng âm nhạc 2013.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhắn nhủ Đàm Vĩnh Hưng

Thứ 3, 03/09/2013 | 10:39
"Theo tôi, mình là bậc con, cháu thì không nên có thái độ như thế. Người ta góp ý thì mình nên ghi nhận", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

Gặp người nhạc sĩ của những khúc dân ca nổi tiếng

Thứ 7, 22/06/2013 | 21:49
Ông là nhạc sĩ Ngọc Thịnh, được người nghe biết đến qua những ca khúc dân ca nổi tiếng như: Mẹ, Lời quê, Câu đợi câu chờ, Ca dao sông quê, Hà Tĩnh quê mình, Sông thu...