Nhận diện loại virut “ăn não” nguy hiểm

Nhận diện loại virut “ăn não” nguy hiểm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Theo các bác sĩ thì loại amip này không bị nhiễm qua đường uống hay hệ tiêu hóa mà chỉ nhiễm lên não khi người súc miệng bị sặc nước.

Anh Phan Văn T. (25 tuổi, quê ở Phú Yên) vào TP. HCM sinh sống được 2 năm nay bằng nghề buôn bán dạo. Giữa tháng 7/2012 anh T. về quê ăn đám cưới một người bạn. Trong lần về quê này anh cùng bạn bè có lặn xuống một cái bàu gần nhà để mò trai. Sau khi trở lại thành phố được ít hôm, anh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như sốt, nhức đầu… Ngay sau đó, anh có mua thuốc ở những tiệm thuốc tây uống nhiều lần nhưng không khỏi.

Xã hội - Nhận diện loại virut “ăn não” nguy hiểm

Tắm ở sông, hồ rất dễ bị amip "ăn não tấn công"

Mất mạng sau 3 ngày phát bệnh

Ngày 30/7/2012, anh T. được bạn bè đưa đến bệnh viện Nhân dân Gia Định khám. Sau nhiều ngày sốt và nhức đầu không khỏi, tình trạng bệnh tình của anh đã có phần nguy kịch hơn và có dấu hiệu rối loạn ý thức. Ở bệnh viện Gia Định, các bác sĩ đã thực hiện nhiều biện pháp xét nghiệm kịp thời như chọc dò tủy sống và lấy dịch tủy não và phát hiện được một loại vi khuẩn amip nhưng không xác định chính xác là loại nào. Được biết, đây là loại hoàn toàn mới đối với các trường hợp nhiễm amip ở Việt Nam. Các bác sĩ ở bệnh viện Nhân dân Gia Định đã hội chẩn với các bác sĩ bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM và thống nhất chuyển anh T. từ bệnh viện Gia Định sang đó để tiếp tục điều trị.

Sang đến bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, triệu chứng của bệnh nhân T. trở nên nghiêm trọng hơn như luôn ở trong trạng thái lơ mơ, rối loạn hô hấp, sốt cao đến 40-41 độ. Các bác sĩ ở đây tiếp tục phương pháp chọc dò tủy sống và lấy dịch tủy não đem đi soi. Các bác sĩ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện một loại amip lạ chưa từng phát hiện ở Việt Nam.

Trao đổi với PV Người đưa tin, bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, phó khoa Nhiễm Việt-Anh (bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM) cho biết kết quả xét nghiệm không cho thấy vi trùng lao hay vi nấm gây viêm màng não mà là một loại amip lạ. Các bác sĩ nghi ngờ đây là loại amip Naegleria fowleri đáng sợ có khả năng làm người bị nhiễm chết một cách nhanh chóng. Nhưng đó vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng mà các bác sĩ bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM xét nghiệm được. Để xác định được danh tính của loại amip này cần phải có đủ thời gian và trang thiết bị cũng như các loại hóa chất để thực hiện phương pháp sinh học phân tử mới cho được kết quả chính xác.

Từ khi chuyển đến bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, trong những lần các bác sĩ điều tích cực điều trị, anh T. đã nhiều lần ngừng thở nhưng nhờ cấp cứu kịp thời, nên vẫn duy trì được tính mạng. Trước tình trạng bệnh vô phương cứu chữa của anh T., người nhà đã xin phép đưa về và anh đã mất ngay sau đó, chỉ sau 3 ngày phát bệnh.

Xã hội - Nhận diện loại virut “ăn não” nguy hiểm (Hình 2).

Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú

Nhận diện loại ký sinh trùng gây chết người

Sau 3 tuần chờ những loại hóa chất được nhập bên nước ngoài về, bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM đã có được kết quả xét nghiệm chính xác, xác định được danh tính của loại amip nguy hiểm này.

Các bác sĩ tại đây cho biết, Amip là một dạng kí sinh trùng đơn bào, khi thâm nhập được vào não người sẽ hủy hoại tế bào não, ăn dần não và sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân. Bệnh amip "ăn" não người được phát hiện đầu tiên ở Úc do hai bác sĩ M. Fowler và R.F. Carter, vào năm 1965. Năm 1966, ông Fowler đặt tên cho loại amip này là Naegleria fowleri. Cho đến nay, khoảng 150 ca bệnh đã được xác định trong nhiều quốc gia và chỉ có một ca được cứu sống vào năm 1978.

Theo nghiên cứu của GS Michael Beach, chuyên gia của Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Mĩ (CDC) thì loại amip này ưa nhiệt và thường sinh sôi nảy nở mạnh ở ao, hồ, sông, suối khi thời tiết ấm dần lên. Đây chính là thời gian hoạt động mạnh nhất của chúng. Loại kí sinh trùng sau khi thâm nhập vào não người qua con đường nhanh nhất là lên mũi, rồi sinh sôi nảy nở ở não. Chúng sống được là nhờ nguồn dinh dưỡng từ các tế bào não. Sau khi nhiễm amip Naegleria fowleri, bệnh nhân sẽ bị viêm màng não.

Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết, amip "ăn" não xuất hiện và phát triển mạnh ở những vùng nước ấm ao, suối… vào mùa hè, thậm chí ở các hồ bơi không được vệ sinh, khử trùng thường xuyên. Chúng thâm nhập vào não qua những con đường như, tai, mắt, mũi… Trong đó, mũi là con đường nhiễm bệnh nhanh nhất. Amip lên não theo nguồn nước, bám theo những sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não. Một điều nguy hiểm nữa là loại amip này có thể vượt qua mọi khâu lọc hay khử trùng thông thường để nhiễm vào đường nước sinh hoạt của người dân. Nhưng loại amip này không bị nhiễm qua đường uống nước hay hệ tiêu hóa mà chỉ nhiễm lên não khi người súc miệng bị sặc nước.

Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết thêm, ở Việt Nam đây là ca phát hiện đầu tiên không có nghĩa là từ trước đến giờ chưa từng có. Có thể từ trước đến nay, đã có nhiều trường hợp tương tự nhưng do không được làm tới nơi tới chốn nên không phát hiện được chính xác loại amip nào. Vì vậy, khi phát hiện những bệnh nhân có triệu chứng như của anh T., các bác sĩ cần tìm hiểu ngay tiền sử của bệnh nhân có làm nghề bơi lặn hay không để có phương hướng điều trị đúng. Việc soi dịch tủy amip là một việc làm đơn giản mà bất cứ một chuyên viên nào cũng có thể làm được.

Theo bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, sau khi nhiễm amip "ăn" não, thời gian ủ bệnh sẽ trong khoảng 14 ngày. Các triệu chứng ban đầu sẽ là nhức đầu, sốt, buồn nôn, cứng cổ, xuất hiện ảo giác, có thể mất kiểm soát hành vi. Triệu chứng đi kèm có thể là co giật, lú lẫn, thiếu tập trung. Sau thời gian ủ bệnh là thời gian phát bệnh rất nhanh và bệnh nhân sẽ chết sau 2-3 ngày. Và tỉ lệ tử vong khi nhiễm loại amip này cũng rất cao, trên 90% tử vong. Hiện phương pháp để điều trị loại amip này là dùng thuốc kháng sinh nấm để điều trị. Điều đáng lo là khi phát hiện ra bệnh thì bệnh nhân đã ở vào giai đoạn cuối nên rất khó điều trị. Những triệu chứng bệnh ban đầu của người bị nhiễm amip "ăn não" cũng giống như nhiều bệnh khác nên mọi người thường chủ quan, không đề phòng.

Amip xuất hiện tại nhiều tỉnh thành

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Trường Đại học Y Hà Nội, thực hiện nguyên cứu về ký sinh trùng amip tại Việt Nam. Theo đó, kết quả nguyên cứu được công bố, thông tin ký sinh trùng amip xuất hiện trên khắp các tỉnh thành phố tại Việt Nam. Số người mắc bệnh chủ yếu ở nông thôn và tập trung phần lớn ở phụ nữ, trẻ em rất ít khi mắc bệnh. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Viện Sốt rét Ký sinh trùng & Côn trùng Trung Ương từng phát hiện rất hiện nhiều bệnh nhân bị ký sinh trùng amip tấn công não, rất ít trường hợp trong đó tử vong. Ngoài ra, ông cũng ghi nhận mỗi năm có từ 4-5 bệnh nhân bị viêm giác mạc do amip. Phần lớn các bệnh nhân này bị nhiễm amip do tắm trong ao, hồ có bùn có chứa ký sinh trùng amip. Các bệnh nhân này nếu chữa trị ngay sẽ phục hồi được thị lực. nếu điều trị muộn sẽ để lại hậu quả xấu do amip tấn công sâu vào mắt, sinh sôi lên nhiều lần và hủy hoại tế bào mắt gây đau và mù mắt.

Nguyên Việt