Nhan nhản Bim Bim 'bẩn' công nghệ Trung Quốc

Nhan nhản Bim Bim 'bẩn' công nghệ Trung Quốc

Thứ 5, 23/05/2013 | 15:32
0
Dây chuyền, máy móc, công thức pha nguyên liệu sản xuất Bim Bim “Thịt hổ” đều do những người Trung Quốc hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo vận hành. Đây là xưởng sản xuất Bim Bim “bẩn” theo công nghệ Trung Quốc thứ 3 bị phát hiện tại Hà Nội trong vòng 6 tháng qua.

Mẫu mã bắt mắt, tên gọi gây tò mò

Theo thông tin ngày 20-5, đội 2 phòng cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 7 - chi cục QLTT Hà Nội bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất Bim Bim nằm xen kẽ trong điểm công nghiệp Sông Cùng (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang cho “ra lò” loại Bim Bim nhãn hiệu “Thịt hổ”, sử dụng nhiều loại phụ gia nhãn mác Trung Quốc như: bột dẻo, hương liệu, chất tạo màu... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng.

Đúng như tên gọi “Thịt hổ”, loại Bim Bim này có mùi ngai ngái, hắc, khó ngửi. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà cơ quan quản lý Nhà nước cấp, ghi rõ sản phẩm sản xuất ra là Snack (Bim Bim), tuy nhiên nhãn mác in trên sản phẩm chỉ ghi “Thịt hổ”. “Việc in nhãn “Thịt hổ” là chiêu trò “đánh” vào sự tò mò, thị hiếu của trẻ nhỏ, mục đích kích cầu sản phẩm” - Đại úy Nguyễn Khắc Mạnh, Đội phó Đội 2 nhận định.

Xã hội - Nhan nhản Bim Bim 'bẩn' công nghệ Trung Quốc

“Chuyên gia” người Trung Quốc đang đóng gói bim bim

Ghi nhận của phóng viên tại buổi kiểm tra, ngoài 40 công nhân Việt Nam làm việc, cơ sở này có 3 “chuyên gia” người Trung Quốc sang để chuyển giao công nghệ vận hành máy móc, hướng dẫn công thức pha chế nguyên phụ liệu sản xuất Bim Bim, với mức lương 20 triệu đồng/người/tháng. Không những hướng dẫn về kỹ thuật, 3 chuyên gia này còn mang sang Việt Nam nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng (chủ yếu là các hương liệu), “độn” cùng với các loại nguyên phụ liệu trong nước. Bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1975), trú tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức - chủ cơ sở cho biết: Dây chuyền sản xuất Bim Bim được chế tạo, lắp ráp tại Việt Nam theo thiết kế của các “chuyên gia” Trung Quốc, công suất gần 100kg sản phẩm/ngày.

Thống kê riêng của chúng tôi, đây là xưởng Bim Bim “bẩn” thứ 3 sản xuất theo công nghệ Trung Quốc, vận hành bởi những người Trung Quốc bị phát hiện ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Trước đó, tháng 9-2012, cảnh sát PCTP về môi trường cũng kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH SaSa Hà Nội (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức), thuê 4 “chuyên gia” người Trung Quốc sang hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất Bim Bim.

Giám định chất lượng Bim Bim cơ sở này cho “ra lò”, lực lượng chức năng phát hiện có thành phần đường Cyclamate (loại đường không nằm trong danh mục phụ gia được sử dụng trong thực phẩm). Tiếp sau cơ sở này, tháng 12-2012, cảnh sát PCTP về môi trường cũng kiểm tra xưởng sản xuất Bim Bim của anh Nguyễn Chí Bình (SN 1976), ở xóm Đoàn Kết, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội phát hiện nhiều nguyên phụ liệu sản xuất Bim Bim có xuất xứ từ Trung Quốc, không được kiểm định chất lượng. Chủ cơ sở khi đó thừa nhận, đang thuê 4 người Trung Quốc đến chuyển giao công nghệ, công thức chế biến Bim Bim, vận hành máy móc.

Tràn ngập nhưng khó “dập”

Khảo sát của chúng tôi tại “làng nghề” La Phù (xã Hoài Đức, Hà Nội), khá nhiều cửa hàng kinh doanh bánh kẹo tại đây bày bán các sản phẩm Bim Bim sản xuất theo “công nghệ” Trung Quốc. Trong ngày 20-5, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra một cửa hàng bán bánh kẹo ở đây, phát hiện, thu giữ 170 thùng Bim Bim “bẩn”.

Nhìn bằng mắt thường, Bim Bim sản xuất theo “công nghệ” Trung Quốc dễ nhận biết, với bao bì in nhòe, màu sắc sặc sỡ, đóng gói thủ công. Sản phẩm bóc ra ban đầu khá khó ngửi, nhiều mỡ, ớt, Bim Bim thường có “lớp áo” màu vàng hoặc da cam. Nhìn “dại” hơn sản phẩm của các doanh nghiệp khác, song Bim Bim công nghệ Trung Quốc tiêu thụ khá mạnh tại thị trường khu vực ngoại thành Hà Nội, vùng nông thôn các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam - chỉ huy Đội 2 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khẳng định.

Bim Bim sản xuất theo “công nghệ” Trung Quốc sử dụng phụ gia tạo mùi, màu, các nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc bán tràn lan ngoài thị trường có gây hại cho sức khỏe người sử dụng không? - là câu hỏi người dân chờ đợi cơ quan quản lý Nhà nước về ATVSTP giải đáp, tuy nhiêu nhiều khả năng không có một cảnh báo cụ thể nào được đưa ra, giống như cách những cơ quan này đang “im lặng” trước những vụ bắt nội tạng “bẩn”, cá “bẩn”, bánh kẹo “bẩn”...

Có một điểm chung ở 3 cơ sở sản xuất Bim Bim theo “công nghệ” Trung Quốc kể trên - đó là công bố chất lượng sản phẩm với Chi Cục ATVSTP - Sở Y tế một đằng, nhưng sản xuất lại một nẻo. Họ mặc nhiên phớt lờ các quy định về ATVSTP, “độn” nhiều phụ gia không rõ nguồn gốc vào sản phẩm. Việc sử dụng nguyên phụ liệu không qua kiểm định chất lượng, khiến giá thành Bim Bim theo “công nghệ” Trung Quốc thấp hơn sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác. Giá thấp song lợi nhuận mà chủ các nhà xưởng này thu về không hề nhỏ, bằng chứng là họ sẵn sàng tái phạm, chấp nhận nộp phạt để được phép hoạt động.

Theo An ninh Thủ đô

Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường

Thứ 3, 21/05/2013 | 09:06
Với việc tăng dân số cơ học ở mức cao, huyện Nhơn Trạch hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải, chất thải sinh hoạt và sản xuất.

Nhập lậu gia cầm: Coi nhẹ mạng sống bản thân

Thứ 2, 15/04/2013 | 09:15
Trước nguy cơ xâm nhập của virus H7N9 vào nước ta, điều cần thiết lúc này là ngoài việc kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì những người vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc cũng cần cảnh tỉnh để không làm hại bản thân mình và đồng loại do có thể bị nhiễm virus này từ gia cầm.

Phát hoảng với mèo, chim nhập lậu

Thứ 5, 16/05/2013 | 15:58
Chỉ trong khoảng vài tháng, hết gia cầm nhập lậu lại tới cá, ếch được các cơ quan chức năng phát hiện nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Hà thành ô nhiễm nhỏ +... ?

Chủ nhật, 05/05/2013 | 10:31
Không khó để nhận ra ở khắp các tỉnh, thành phố đều có những hộ gia đình kinh doanh bằng hình thức nhỏ lẻ như nghề thủ công, bán thủ công, dịch vụ... nhưng đem lại lợi nhuận đáng kể cho bản thân và góp phần phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, với sự nở rộ ồ ạt mà chưa chú trọng đến nguy cơ gây ô nhiễm, người ta đã vô tình hoặc cố ý quên hiệu ứng của sự "nhỏ +".