Nhan sắc Việt, vắt kiệt mình cho từng vai diễn

Nhan sắc Việt, vắt kiệt mình cho từng vai diễn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Đứng trước một nhan sắc đẹp bất chấp thời gian người ta vẫn thường nói đó là “người đàn bà không tuổi”. Điều này thật đúng đối với nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Châu.

Gặp chị, chúng tôi thật ngạc nhiên bởi một phong cách trẻ trung, tươi mới, sành điệu đến bất ngờ. Và đôi mắt đẹp của chị vẫn có một sức hút mạnh mẽ với chúng tôi.

Vai diễn duyên nợ để đời

Minh Châu kể, Cô gái trên sông là bộ phim đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của chị. Khi vào vai Nguyệt, cô gái bán hoa có cuộc sống lênh đênh trên sông nước ấy, chị vẫn còn rất trẻ. Trước đó, Minh Châu đã có dịp tham gia một số phim nhưng vẫn chưa thực sự gây ấn tượng. Thế nên khi được đạo diễn Đặng Nhật Minh mời đóng vai nữ chính, chị vô cùng hạnh phúc lẫn bất ngờ.

Những ngày làm phim Cô gái trên sông thật đáng nhớ và đầy ắp kỉ niệm. Vai diễn của chị là Nguyệt, một cô gái giang hồ, sống cuộc sống mua hương, bán phấn trên sông Hương. Để đóng vai này, Minh Châu đã trải qua những ngày lặn lội, xâm nhập thực tế cuộc sống ngoài đời thực của những cô gái này.

Ngày đó, năm 1987 (khi bộ phim khởi quay), trên sông Hương vẫn còn đầy rẫy những con thuyền "ma" trôi nổi. Nhiều cô gái có cuộc đời trôi dạt đã xem con sông này như một nơi để neo đậu. Ngày ngày, họ khép mình trong không gian ẩm thấp, tối tăm, nhỏ bé của những con thuyền. Cũng chính ở đó là nơi xảy ra những cuộc hoan lạc của gái bán hoa và khách làng chơi.

Trong phim Nguyệt là cô gái bị phụ tình. Vì người đàn ông, một chiến sĩ Cách mạng mà cô cứu mạng, sau khi sống cùng cô những ngày trên sông đã không trở lại như đã hẹn. Phũ phàng hơn, anh còn chối bỏ cô, chối bỏ tình yêu, kỉ niệm khi cô tìm thấy anh, vì lúc đó anh đã là một cán bộ cao cấp trong quân đội. Câu chuyện về cô gái nọ thực sự ám ảnh và giúp chị có được những trải nghiệm quý giá để hóa thân tốt hơn vào vai diễn.

Bộ phim may mắn được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm nhạc. Và có lẽ, bởi anh cũng là một người con của mảnh đất này, nên âm nhạc trong phim thật mềm mại, sâu lắng, trữ tình, đúng chất Huế. "Còn nhớ, hôm thu nhạc cho phim, anh Sơn bị sốt rất cao nhưng vẫn cố gắng đến phòng thu để theo dõi, sửa chữa những chỗ cần sửa, làm việc với dàn nhạc do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu chỉ huy", NSƯT Minh Châu bồi hồi nhớ lại .

Tỏa sáng sau những lận đận

Khi thực hiện bộ phim này, toàn ê kíp rất hứng khởi bởi không khí làm phim của những ngày đầu đổi mới. ít ai nghĩ bộ phim Cô gái trên sông lại có một số phận đặc biệt. Khi phim ra mắt khán giả chưa được bao lâu thì nghe tin một đồng chí lãnh đạo lên án gay gắt. Nội dung phê phán xoay quanh việc trong phim người cán bộ Cách mạng thì bội bạc còn tên lính ngụy, người yêu cô gái trên sông thì lại... chung thủy.

Phim bị coi là đã bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ Cách mạng. Dù không có một văn bản chính thức nào ra lệnh cấm chiếu nhưng bộ phim vẫn bị gác lại, không ai dám chiếu nó nữa. Cô gái trên sông đã trở thành một đề tài bàn tán xôn xao trong liên hoan phim năm 1987 tại Đà Nẵng. Về sau, khi ban giám khảo xét trao giải phim được giải Bông sen bạc (trong khi phim đủ điểm để đoạt giải vàng) đã gây nên một làn sóng bất bình rất lớn trong dư luận. Phim được công chiếu sớm nhất ở Đà Nẵng vì là nơi diễn ra liên hoan phim. Tại đây, Cô gái trên sông đã gây nên một cơn sốt vé. Cũng năm đó, Minh Châu giành được giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn này.

Đến năm 1996, nghĩa là 10 năm sau khi bộ phim hoàn thành, Liên hoan phim Toronto (Canada) giới thiệu một chương trình phim Việt Nam trong đó có Cô gái trên sông. Phim đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng nước ngoài. Quả thật, số phận của bộ phim cũng long đong như số phận cô gái trên sông vậy, nhưng kết thúc của nó lại rất có hậu.

Tháng 4/2000, để kỉ niệm 25 năm ngày giải phóng miền Nam, một kênh truyền hình toàn châu Âu đã chiếu lại phim Cô gái trên sông. Đó cũng là phim truyện Việt Nam duy nhất được chiếu trong dịp này. Sau 13 năm, Cô gái trên sông đã sống lại lần thứ hai một cách thật bất ngờ.

Diễn như lên đồng, đạo diễn cũng phải sợ

Sau vai Nguyệt, Minh Châu tiếp tục thành công với vai Liên trong Người đàn bà nghịch cát. "Không hiểu vì sao tôi hay được giao những vai có nhiều bi kịch trong tình yêu. Có lẽ vì thế mà nó vận vào người chăng", chị mỉm cười, cảm giác những nỗi buồn cũng trở nên dịu dàng hơn. Vai Liên là vai diễn ám ảnh và lấy đi của chị nhiều sức lực.

NSƯT Minh Châu vào vai bà Thường trong phim Bí Thư tỉnh ủy được công chiếu cuối năm 2010

Một người đàn bà, trong một phút yếu đuối đã phản bội chồng. Rồi bị chính người chồng đó trả thù đến điên dại. Lúc đóng vai Liên cũng là lúc gia đình nhỏ của chị lục đục. Mối tình sét đánh, đam mê và đẹp như phim ấy vẫn không thể cứu vãn nổi cuộc hôn nhân. Cũng như, người đàn ông hào hoa, tài giỏi tưởng như có thể ghìm cương, giữ chân chị nhưng cuối cùng vẫn không thể thắng nổi cá tính Người đàn bà nghịch cát.

Với vai Liên, trong nhiều phân cảnh nhân vật bị điên, chị diễn như lên đồng. Quay xong là cả người lạnh toát, chân tay run rẩy. Đến nỗi đạo diễn lúc đó là Đoàn Minh Tuấn, sợ quá bắt chị phải nghỉ ngơi thật lâu và không cho quay thử nữa. "Những ngày ấy, cứ đêm về nằm ngủ là tôi lại mê man mơ về nhân vật, tỉnh dậy nhiều lúc mồ hôi, nước mắt ướt đầm cả gối. Bi kịch gia đình và những tâm sự sâu kín không biết nói cùng ai, khiến tôi khát khao được trút vào phim, khát khao hóa thân để vơi đi sự cô đơn, buồn tủi", chị thổn thức suy tư.

Không lâu sau đó, vợ chồng chị li thân. 10 năm sau anh mất vì bạo bệnh, chị chịu điều tiếng đồn đoán đã gây nên nỗi đau cho anh. Tuy nhiên, hơn ai hết, chị hiểu mình đã dành những gì có thể cho anh, cũng là bố của đứa con gái mà chị xem như lẽ sống của đời mình. NSƯT Minh Châu tự nhận, với chị điện ảnh là một cuộc chơi. Chị làm phim rất thong dong, không tính toán, không vì chuyện cơm áo, gạo tiền. Bởi nếu vì điều đó thì người nghệ sĩ quá thua thiệt, hi sinh.

Cơ duyên cuộc đời đã đưa chị đến với niềm đam mê kiến trúc, chị trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng với tài năng kinh doanh bất động sản. Có lẽ do trước đó mình làm vợ của một kiến trúc sư nên niềm yêu thích đó cứ tự nhiên chảy vào người, Minh Châu hóm hỉnh nhắc về người chồng cũ, bố của con gái Kiều Linh. Anh vốn là một kiến trúc sư, vì yêu chị nên đã đi học và trở thành đạo diễn.

Hiện tại, con gái chị lấy chồng ở Mỹ, chị một mình với ngôi nhà rộng lớn trên con phố Nguyễn Công Hoan nhưng rất ít khi thấy chị thôi tắt đi nụ cười. "Tôi luôn thấy mình bận rộn và không có thời gian cho những nỗi buồn", chị nói. Và quả thật với Minh Châu, chị gần như là “người đàn bà không tuổi”.

Đào Bích