Nhân tài ngược lối

Thành công không nhất thiết đến từ sách vở. Nhân tài cũng không hẳn phải xuất thân từ một học sinh có giấy khen để giơ trong lớp học.

Cậu em trai tôi hôm nay đi họp lớp đại học về, nom hơi buồn. Tôi cười trêu: "Gặp lại cô người yêu cũ nên về ngẩn ngơ hả?", nhưng cậu lắc đầu.

- Cái thằng Bình lớp em ấy, chị nhớ không? Nó bây giờ đang là Chủ tịch tập đoàn X cơ đấy, hôm nay nó bao tất cả lớp đi ăn đi chơi và còn hẹn mời ăn ở trong khu resort của nó ở Đà Nẵng.

- Cái thằng hồi xưa em kể 4 năm học đại học có một quyển vở ghi mà không dùng hết ấy à?

“Vâng, nó đấy!”. Rồi cậu kể, gặp lại nhau, nó thẳng thắn bảo, mày bỏ quách cái mác anh giáo nghèo đó đi. Về làm cho tao, nể tình hồi xưa mày hay cho tao chép bài, tao sẽ đặt mày vào vị trí kiếm ra tiền, chứ không nghèo như bây giờ.

Cần thiết phải nói về cậu em tôi, nguyên là một sinh viên Kinh tế giỏi, nhưng đã bị cuộc đời "vả" cho vài "cái tát trời giáng" ở mấy dự án khởi nghiệp. Rắp tâm làm giàu không thành nên cuối cùng cậu đành quay lại trường Kinh tế để... dạy người khác cách làm giàu (!!!)

Và, sau một đêm suy nghĩ, em tôi quyết định bỏ qua tự ái để mò đến đập cửa phòng làm việc của thằng bạn ngỗ nghịch năm nào. Cậu bảo, hóa ra cái thằng học dốt ấy nó giỏi hơn mình.

Năm xưa, trong lúc cậu mải mê ghi chép như uống từng lời giảng viên thì thằng bạn kia chỉ đọc giáo trình và lắng nghe, cố gắng hoài nghi những thứ có trong sách vở. Sau này ra cuộc đời, thói quen hoài nghi những thứ sẵn có đã giúp nó chọn lối đi khác biệt. Và, nó thành công.

Câu chuyện về cậu bạn của em tôi làm tôi liên tưởng đến bức ảnh đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội mấy hôm nay. Trong ảnh là khung cảnh một lớp học cấp 1, trong đó tất cả lớp giơ giấy khen, chỉ riêng một nam học sinh lạc lõng vì không có giấy khen để giơ. Em ngồi vặn vẹo, ánh mắt ngơ ngác như chú cừu lạc đàn tội nghiệp.

Nhìn bức ảnh, ai cũng nhận ra một vấn đề, đó là căn bệnh thâm căn cố đế của ngành Giáo dục bấy lâu nay: "Bệnh" thành tích. Từ bao giờ mà những điểm số 9, 10; những tấm giấy khen đã sơn son thếp vàng cho lòng tự mãn của các bậc phụ huynh, các nhà trường và trở thành cái "vòng kim cô" siết chặt tính phản kháng của con trẻ?

Chúng cứ phải cố sức học để đạt lấy tấm giấy khen làm món quà trang sức cho thầy cô và bố mẹ. Một phần của những tấm giấy khen không phản ánh sức học của học sinh, và chúng không biết điều đó.

Có câu: “Kẻ nào muốn chỉ huy dàn nhạc, kẻ đó phải xoay lưng lại đám đông”, hàm ý nói rằng trong một tập thể, người giỏi nổi bật lên phải thuộc về số ít và phải làm những gì mà số đông không làm. Một học sinh bình thường (kể cả tạm coi là dốt) mà lại lép vế về số lượng so với những học sinh khá, giỏi thì lỗi không thuộc về em học sinh dốt mà thuộc về cái cơ chế tạo ra những em học sinh khá, giỏi ấy.

Tôi bất giác nhớ ra, bầu Đức sau 4 lần thi trượt đại học thì ông ấy vẫn làm ông chủ lớn của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, quản lý hàng nghìn người có bằng đại học. Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tôn Hoa Sen (người từng chi 36 tỷ đồng mời “biểu tượng” Nick Vujicic đến thuyết trình ở Việt Nam), hay bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch tập đoàn Quốc Cường Gia Lai… đều không học đại học.

Trên thế giới, có lẽ không ai là không biết Bill Gates – ông chủ tập đoàn Microsoft lừng danh và Steve Jobs – CEO Apple, cha đẻ của dòng điện thoại Iphone làm khuynh đảo thị trường điện thoại thông minh ngày nay.

Điều thú vị là cả hai tỷ phú trên đều chưa tốt nghiệp đại học. Bill Gates tự ý từ bỏ trường Harvard danh tiếng mà bao người ao ước vào năm thứ 3. Còn Steve Jobs thậm chí bị khai trừ khỏi trường đại học ngay sau kỳ học đầu tiên vì không đảm bảo điểm số.

Không có trường đại học, trên đời vẫn có vĩ nhân.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của giáo dục. Trái lại, tôi luôn cho rằng người có kết quả cao ở trường học sẽ có nhiều lựa chọn hơn người có kết quả thấp.

Ông sếp cũ của tôi trước đây có một nguyên tắc là chỉ nhận những nhân viên có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, không phải chỉ vì điểm số mà còn vì tính kỷ luật. Ông ấy bảo, điểm số ở trường không nói lên tất cả năng lực của mỗi người, nhưng tôi cần những nhân viên có học lực khá bởi vì nó thể hiện tính kỷ luật của anh ta, không có kỷ luật sẽ không có thành công.

Nhưng, chắc chắn một điều rằng bằng cấp không hẳn sẽ giúp chúng ta thành công. Để thành công thì có người sẽ bắt đầu từ lý thuyết nhưng cũng có người tự vật lộn thực tế rồi rút ra lý thuyết cho riêng mình (đó chính là kinh nghiệm), thậm chí có cả những người bắt đầu từ một kỹ năng nào đó không liên quan đến công việc. Giống như câu chuyện tôi sắp kể sau đây.

Một anh bạn tôi chỉ tốt nghiệp cấp 2, học lái xe rồi trầy trật mãi xin được chân tài xế ở công ty nọ. Đi theo nhặt bóng cho ông sếp chơi tennis vài năm, anh ta bỗng phát hiện khả năng đặc biệt của mình trong môn tennis, được sếp rất yêu quý. Rồi khi ông sếp này chuẩn bị về hưu thì mang “tặng” anh ta cho một ông sếp khác. Anh này trở thành lái xe kiêm giáo viên dạy tennis cho lãnh đạo, rồi được tạo điều kiện cho đi học bổ túc văn hóa, học tại chức, sau đó cũng dần dần trở thành một ông sếp nhỏ, rồi sếp nhỡ trong công ty.

Vấn đề rút ra ở đây là: hãy đề cao giáo dục, nhưng đừng tuyệt đối hóa nó. Chính những cái đầu kỳ thị một em học sinh không có giấy khen trong lớp học (cụ thể là người giáo viên chụp bức ảnh nói trên rồi tung lên mạng) mới là cái đầu lệch lạc về nhận thức. Bởi, hôm nay họ chế giễu em nhưng rất có thể một ngày không xa họ sẽ phải đọc những bài báo viết về thành công của em.

Tôi thích cách dạy con của Jack Ma - ông chủ hãng thương mại điện tử Alibaba. Trong cuốn sách “Jack Ma’s Internal Speeches: Trust in Tomorrow” (tạm dịch: “Những phát ngôn nội bộ của Jack Ma: Tin ở ngày mai), vị tỷ phú giàu có nức tiếng Trung Quốc chia sẻ quan niệm về giáo dục: "Con không cần phải nằm trong top 3 của lớp, học sinh trung bình là ổn, miễn là bằng tốt nghiệp của con không quá tệ. Lý do là bởi chỉ bằng việc là một học sinh trung bình, con mới có thời gian rảnh rỗi để học những kỹ năng khác".

Ở ta có tình trạng học sinh bị nhồi nhét học như những chú gà nòi để đi thi lấy thành tích, nhưng có khi ra trường trượt ở vòng phỏng vấn vì kỹ năng sống và hiểu biết xã hội quá kém. Nên nhớ, rủi ro bị đuối nước là như nhau đối với những người không biết bơi, dù là đuối nước với một cái đầu đầy kiến thức sách vở hay là không.

Cuối cùng, xin kể câu chuyện vui như sau: Một vị giáo sư già nọ nhận được rất nhiều hoa và quà tặng từ học sinh trong ngày sinh nhật của mình. Đến cuối ngày, có người đàn ông trẻ tuổi phong độ tìm đến tặng ông một món quà đắt tiền và cảm ơn ông đã dạy dỗ anh ta. Vị giáo sư nhận ngay ra đây là một đại gia giàu có nhưng không nhớ mình từng dạy anh ta năm nào. Phải đến khi anh ta nói ra những kỷ niệm ngỗ nghịch thời đi học khiến thầy phạt kỷ luật bao nhiêu lần thì thầy mới nhớ.

Lúc này, vị giáo sư rất tò mò muốn biết làm thế nào mà một học trò dốt đặc cán mai lại còn ngỗ nghịch lại có thể thành công, bèn hỏi: “Thật sự thì những kiến thức tôi từng dạy anh có đóng góp chút nào trong thành công của anh ngày hôm nay không?”.

“Có chứ ạ”, vị đại gia nói, “trong một lần đi qua sông cùng ông chủ tịch một tập đoàn lớn, ông ấy làm rơi chiếc mũ đắt tiền và rất quý giá, nghĩ đến bài giảng môn Toán học của thầy, em bèn nhanh trí bẻ gẫy cái ô, lấy cái nan sắt uốn thành hình tích phân rồi móc lên cho ông ấy chiếc mũ. Bây giờ thì, thầy ạ, ông ấy đang là bố vợ em (!!)

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cách tính giá điện “lạ thế” của EVN

Thứ 4, 24/06/2020 | 20:00
Mới nghe ngành Điện học có phân loại theo hiệu điện thế thành các loại điện “hạ thế”, “trung thế”, “cao thế”. Nhưng vài năm gần đây nếu phân loại theo hóa đơn bán lẻ thì ngành này hay ưu tiên bán loại điện “lạ thế” thì phải? Bởi cứ đến mùa hè là người dân lại đồng loạt la ó: “Sao giá điện lại lạ thế này?”.

Hiệu trưởng không đạt Chiến sĩ thi đua “diễn kịch” nhận danh hiệu: Căn bệnh thành tích đã “di căn”!

Thứ 5, 12/09/2019 | 06:30
Vừa qua, cộng đồng mạng được phen xôn xao, bức xúc trước thông tin một Hiệu trưởng trường Tiểu học không đạt Chiến sĩ thi đua vẫn lên sân khấu nhận danh hiệu và giấy chứng nhận “giả” trong lễ khai giảng. Căn bệnh thành tích trong giáo dục đã quá nặng nề ngay từ khi tiếng trống khai trường mở màn năm học mới.

42/43 học sinh giỏi: Bệnh thành tích trong giáo dục đang ở mức báo động

Thứ 4, 22/05/2019 | 09:00
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao vì câu chuyện 42/43 học sinh trong một lớp học tại trường THCS đạt loại giỏi. Nhiều ý kiến lo ngại chất lượng “ảo” và là câu chuyện của bệnh thành tích.

Bệnh thành tích nhìn từ "nóc" bộ GD&ĐT

Thứ 3, 07/08/2018 | 14:47
Có những thành tích được khoe ra nhưng chỉ mấy ngày sau đó sự thật lại diễn biến ngược hoàn toàn. Đứng trước những kết quả đó, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các lãnh đạo Sở đều trở thành những người "nói trước bước không qua".

Xin phụ huynh giải thoát con khỏi bệnh thành tích

Chủ nhật, 05/08/2018 | 09:23
Đã có rất nhiều những đứa trẻ trở nên trầm cảm, stress vì những tiêu chuẩn, thành tích học tập mà cha mẹ chúng đặt ra. Cũng có những đứa trẻ đã ra đi mãi mãi vì kỳ vọng quá đà của người lớn…