Nhắn tin miễn phí và những ẩn họa rình rập

Nhắn tin miễn phí và những ẩn họa rình rập

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Ứng dụng WhatsApp trên iPhone hay các loại điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android tại nơi có mạng WiFi công cộng đang trở thành mối đe dọa của người dùng điện thoại khi những ứng dụng này đang đánh trúng sở thích của bọn tội phạm.

WhatsApp hay WeChat giúp người dùng có thể gửi, nhận các tin nhắn dạng văn bản hay thậm chí hình ảnh, video clip, vị trí địa lý... miễn phí. Ứng dụng này thu hút đông đảo người dùng tại các quốc gia châu Á bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên, mới đây, thông tin trên một số trang mạng hacker trên thế giới đang gây lo ngại cho nhiều người khi những trang mạng này đang "truyền tai" nhau cách thức hack dữ liệu từ WhatsApp khá dễ dàng chỉ bằng các công cụ và đoạn mã miễn phí.

Công nghệ - Nhắn tin miễn phí và những ẩn họa rình rập

Theo đó, toàn bộ nội dung tin nhắn, hình ảnh, video clip, số điện thoại hay vị trí địa lý của bạn trên bản đồ số thông qua WhatsApp đều có thể bị bất kỳ người nào đang dùng chung mạng WiFi công cộng thu thập.

Nguy hiểm hơn, kẻ gian có thể đánh cắp cả tài khoản WhatsApp của nạn nhân và toàn quyền sử dụng cho các mục đích xấu, như gửi “tin nhắn rác” quảng cáo hay tin nhắn lừa đảo đến các mối quan hệ của nạn nhân, tương tự trò lừa đảo qua Yahoo! Messenger yêu cầu nạp tiền điện thoại khá phổ biến hiện nay.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự việc xuất phát từ việc WhatsApp không mã hóa dữ liệu gửi đi, toàn bộ nội dung tin nhắn đều ở dạng văn bản thô, bao gồm cả số điện thoại chủ nhân mà nạn nhân không hề hay biết và cũng không thể lấy lại được tài khoản WhatsApp vốn được cấp theo số điện thoại duy nhất của mình mà vẫn không biết lý do.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, cho biết các ứng dụng chat trên cộng thêm các lỗ hổng bảo mật mà hacker có thể xâm nhập qua ứng dụng chat cho phép hacker lấy được danh sách số điện thoại, danh sách tin nhắn, danh sách các hình ảnh, thông tin cá nhân, định vị được vị trí của chủ nhân thiết bị di động hoặc can thiệp các giao dịch ngân hàng qua Internet banking để trục lợi...

“Điều đáng ngại nhất là việc người sử dụng di động có thể đang bị kiểm soát từ bên ngoài mà hoàn toàn không hề hay biết” - ông Thắng cảnh báo.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng phải hết sức cẩn thận khi cài đặt các ứng dụng chat hoặc các phần mềm không cần thiết vào thiết bị di động.

Ngoài ra, người dùng nên nhờ các chuyên gia tư vấn về an ninh mạng trước khi cài đặt ứng dụng mà chưa rõ nguồn gốc, hoặc có thể tham gia một khóa học ngắn về bảo mật thiết bị di động để tự trang bị cho mình những kiến thức về bảo mật thông tin trên thiết bị di động.

Khánh Tuân (tổng hợp/Tuổi Trẻ)