Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào

Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Giản dị, mộc mạc nhưng cũng đầy sức cuốn hút, đó là những điều đọng lại trong lòng du khách một khi đã đặt chân đến đất nước Triệu Voi.

1. Con đường xanh rừng

Có đi mới biết tại sao nước Lào lại nghèo. Suốt chặng đường từ cửa khẩu Nậm Cắn - Nghệ An qua Xiang Khoang đến Luang Prabang, quãng đường dài gần nghìn km chủ yếu thấy núi đồi và đèo dốc, hiếm hoi lắm mới có những rẻo đất bằng nho nhỏ, đủ sức chứa độ chục nóc nhà tranh khuất chìm trong bóng núi.

Thấy mà cảm phục những người lái xe, dường như họ đã hòa nhịp với từng khúc cua, từng con đèo trên cả quãng đường dài buồn tẻ này để đưa xe nhịp nhàng lượn theo từng đỉnh rừng, dốc núi hay lưng chừng vực sâu.

2. Con đường trắng mận

Cũng có thể gọi bằng cái tên như thế. Con đường Bắc Lào không chỉ là con đường dốc quanh, rừng xanh ngút ngát mà còn rực lên bởi sắc trắng hoa mận rưng rưng trong nắng rạng ngời.

Đi dọc bắc Lào vào mùa xuân, mùa của mai, của mận, của đào, mùa của những cánh hoa bé nhỏ đang ngời lên xuân sắc để một mai kết trái dâng đời.

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào

Những cây mận nở trắng ven đường

Chưa được lượn trên những cung đường Tây Bắc mùa xuân để tận mắt ngắm nhìn “Ngày xuân mơ nở trắng rừng” nhưng những cánh mận trắng, đào hồng nước bạn vẫn mang lại cảm giác thân thuộc như đi giữa lòng đất Việt quê mình.

Dài theo con đường từ cửa khẩu Nậm Cắn đến Phonsavan, tỉnh lỵ của Xiang Khoang, thoảng đâu đó quanh những nếp nhà tranh vách gỗ đơn sơ là một trời mận trắng thuần khiết. Mận nơi dường như vươn mình hút lấy những tinh túy của sương rừng, gió đèo, nắng núi, mưa cao nguyên để bời bời đơm hoa, ngời ngời khoe sắc. Có lẽ cũng bởi vậy mà mận nơi đây trắng hơn, đào nơi đây hồng hơn, và đều khỏe khoắn hơn, hoa nở chĩu chịt. .

3. Con đường bí ẩn: Cánh đồng Chum

Là một địa danh nổi tiếng của đất nước Triệu Voi, trải qua hàng ngàn năm, Cánh đồng Chum (Plain of Jars) vẫn vững vàng nơi đó như một bí ẩn của thời gian, bí ẩn của con người, bí ẩn của lịch sử.

Cánh đồng Chum là khu vực hiện diện của những chiếc chum đá nằm rải rác trên những quả đồi thấp thuộc cao nguyên Xiang Khoang, cao nguyên rộng lớn nhất của đất nước Lào, dọc phía bắc dãy Trường Sơn, giáp ranh với tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Nơi đây có khoảng gần 2.000 chiếc chum đá khổng lồ có niên đại hàng nghìn năm, với nhiều kích cỡ khác nhau (cái cao nhất hơn 3m), hình dạng khác nhau (cái vuông cái tròn), trọng lượng khác nhau (từ 600 kg đến 1 tấn), tư thế khác nhau (cái thẳng cái nghiêng, cái trồi hẳn lên, cái chìm một phần dưới mặt đất)... Có chiếc chum nằm đơn độc, nhưng lại có những chiếc quây quần với nhau thành một nhóm. Hàng ngàn chiếc chum này đã tạo thành Plain of Jars 1, Plain of Jars 2 và Plain of Jars 3, ba cánh đồng như ba bảo tàng trưng bày những hiện vật của một công trình kỳ công của người xưa.

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 2).

Đường vào Cánh đồng Chum

Cùng với cố đô Luang Prabang, Cánh đồng Chum cũng là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất đất nước Vạn Tượng này. Cánh đồng Chum đã ghi dấu chân của biết bao du khách xa gần. Bao người đã đến đây, hết thảy đều ngỡ ngàng, thán phục khả năng của người xưa, và rồi trong lòng lại dấy lên bao nghi ngờ, thắc mắc.

Ngắm nhìn hàng ngàn chiếc chum trơ gan cùng tuế nguyệt, thách thức với thời gian, ít ai biết rằng chúng đã hiện hữu ở đây khoảng 2.000 - 3.000 năm nơi cao nguyên đầy nắng và gió này. Nhưng chúng ở đây với mục đích gì và ai là người đã làm ra chúng?

Có nhiều giả thiết được đưa ra cho câu hỏi này. Truyền thuyết cho rằng một bộ tộc của những người khổng lồ đã tạo ra những chiếc chum đá. Các nhà khảo cổ học lại cho rằng đây là di sản của tộc người Môn - Khơme cổ. Truyền thuyết cho rằng những chiếc chum được tạo ra để đựng rượu ăn mừng chiến thắng của quân đội vua cổ đại Khun Cheung, các nhà khảo cổ lại cho rằng đây là nơi đựng hài cốt và những đồ tùy táng mang theo về về giới bên kia của người xưa ...

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 3).

Những chiếc chum cao ngang đầu người

4. Con đường di sản: Cố đô Luang Prabang

Có thể nói Luang Prabang là vùng đất tiêu biểu, là linh hồn của đất nước Lào, bởi vậy đã có không ít người cho rằng, chưa đến Luang Prabang coi như chưa đến Lào.

Nếu Huế là kinh đô vương triều cuối cùng của nước Việt thì với Lào, đó chính là Luang Prabang. Vùng đất này đã có lịch sử hơn 1300 năm là kinh đô các vương quốc và các triều đại khác nhau trong lịch sử Lào. Luang Prabang vẫn giữ vai trò thủ đô Hoàng gia, trung tâm của Vương quốc Lào đến tận năm 1975.

Nằm lọt trong một thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, Luang Prabang là kết quả sự hợp long của dòng Nậm Khàn và dòng sông hùng vĩ Mekong. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này được chọn là kinh đô của Vương quốc Lào trong suốt hơn một ngàn năm lịch sử. Đây là thành phố của những ngọn tháp vàng rực rỡ, những mái chùa cong vút rêu phong, những mái nhà ngói đỏ thấp thoáng giữa tán cây xanh. Chắc rằng sẽ chẳng có ai không bị cuốn hút trước vẻ đẹp thơ mộng đầy bí ẩn của một địa danh với nhiều huyền thoại này.

Đến Luang Prabang, vào thăm cung điện Hoàng gia nay là Bảo tàng quốc gia để hiểu thêm về lịch sử và một thời quá vãng của Vương quốc Lào. Bạn có thể ghé thăm những ngôi chùa với đặc trưng mái chồng lớp, rêu phong cổ kính, cong vút những đầu đao, đầu nóc hiện hữu nơi nơi trong thành phố nhỏ xinh.

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 4).

Đường vào Cungđiện Hoàng gia xưa nay là Bảo tàng quốc gia Lào

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 5).

Ngôi chùa thu hút nhiều du khách viếng thăm

Đến Luang Prabang, không thể bỏ qua cơ hội được ngắm nhìn hoàng hôn cố đô từ đỉnh núi Phousi. Thật đẹp và thơ mộng. Trèo lên 329 bậc đá trên con đường nép dưới bóng chăm pa cổ thụ vươn cành gầy khẳng khiu hắt bóng chiều tà. Lên để ngắm trọn thành phố bé nhỏ nằm nép mình trong lòng Mekong xanh đang ánh lên sắc đỏ khi mặt trời trốn dần sau núi. Lên để thu vào mắt mình một cố đô yên bình, thơ mộng trong ráng chiều.

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 6).

Thành phố Luang Prabang buổi chiều nhìn từ đỉnh núi Phousi

Bạn cũng không nên bỏ bỏ qua cơ hội đi bộ trên con phố Sisavangvong lô nhô những ngôi nhà cổ kính. Bao cảm giác đan xem, ngạc nhiên, mừng rỡ và thân thuộc. Ngạc nhiên vì thấy thân quen quá đỗi. Tưởng như đang dạo bước trên phố cổ Hội An nước mình.

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 7).

Những quán nhỏ nơi phố nhỏ

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 8).

Đồ thủ công Lào bán ở chợ đêm

5. Con đường văn hóa

Trên đất Lào, đặc biệt tịnh không thấy bóng một người ăn xin, không thấy cảnh những người bán hàng rong chèo kéo, chèn ép khách. Ở đây bạn cũng sẽ không phải chứng kiến cảnh xe cộ bóp còi ầm ĩ, chen lấn, giành đường, chạy ẩu. Không hẳn là vì dân họ không đông, mật độ giao thông không cao, mà quan trọng là vì ý thức tôn trọng luật lệ giao thông.

Một điều dễ nhận thấy người Lào rất hiền lành, chân chất, những người bán hàng cũng vậy. Khách vào xem xét, lựa chọn, lục tung cả quầy hàng, có mua hay không thì họ vẫn vui vẻ, thoải mái.

Những ai đã từng đặt chân đến đất Lào, chắc hẳn rất ấn tượng với hình ảnh những nhà sư áo vàng chân trần đi khất thực vào buổi sáng. Và chắc hẳn cũng không thể quên được thái độ cung kính của những người cúng đường: bỏ giầy dép ra và quỳ xuống dâng tay cúng tặng, chờ người khất thực đi qua rồi mới đứng dậy. Cả người khất thực và người cúng dường đều cầu chúc những điều tốt đẹp, nhưng không phải cho bản thân mình, mà cho những người xung quanh.

Các nhà sư không dùng những đồ ăn được dâng tặng ấy cho riêng bản thân mình. Một phần để nhường lại cho các bạn đồng tu nếu họ không có hay có ít, một phần để san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống chung với người, và cuối cùng còn lại mới là phần mình dùng.

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 9).

Sắc áo vàng của các nhà sư.

Trong đạo Phật, khất thực là một nghi lễ nhằm khơi dậy lòng trắc ẩn, muốn làm điều thiện của con người và hoạt động này chỉ diễn ra từ sáng sớm đến khi mặt trời đứng bóng. Không ở quốc gia theo đạo Phật nào nghi lễ này phổ biến như ở Lào và dường như nó đã thành nét đẹp truyền thống độc đáo của đất nước Triệu Voi.

Xã hội - Nhật ký đi bụi dọc đường bắc Lào (Hình 10).

Hoa Chăm Pa - Quốc hoa của Lào.

Tuy còn nghèo và chưa phát triển nhưng Lào đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một đất nước xanh tươi và thanh bình với những con người hồn hậu, chất phác. Nhiều người đã đến và cũng đã nhiều lần quay lại, để được sống, để được tìm lại, để được đắm mình trong những giây phút chậm rãi, nhẹ nhàng, thanh thản trong vòng xoay gấp gáp của xã hội hiện đại.

Theo Infonet