Nhật ký thiếu nữ đi vòng quanh thế giới (P2)

Nhật ký thiếu nữ đi vòng quanh thế giới (P2)

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Tôi đi nhờ xe xuyên qua Úc. Cứ chưa đầy 5 phút là có một chiếc ô tô dừng lại, mang tôi đi thêm một quãng đường. Họ thường kéo tôi lên xe vì lo ngại sẽ xảy ra chuyện không hay cho tôi.

Trại nuôi cừu, Úc, ngày 102

Ngón tay cái của tôi giơ lên trong không khí, tôi đứng ở ven đường. Một chiếc Ford Falcon màu đỏ dừng lại. Ngồi sau tay lái là một người đàn ông uống bia. Tóc dài và có bộ râu. Không có răng. Ông ấy dọn 3 vỏ chai bia trên chiếc ghế trước, tôi bước lên xe. Có mùi cừu. Ông ấy rất thân thiện nhưng nói rất khó hiểu. Không biết là tại vì ông ta không có răng hay là vì nói lảm nhảm như người say rượu? Chúng tôi chạy xuyên qua một vùng đất bằng phẳng khô hạn nhiều giờ liền. "Có muốn xem cừu của tôi không?", ông ta hỏi, rồi rẽ phải trước khi tôi trả lời.

Chiếc xe cũ chạy lạch cạch trên con đường rải đá, tôi hơi lo. Nhắc lại 3 lần những gì đang làm mình lo lắng. Một ngôi nhà ở chân trời. Người nuôi cừu kéo thắng tay, bước ra khỏi xe, mở cửa cho tôi. "Có muốn cắt lông cừu không?" Một tấm màn PVC treo trước cửa chuồng, cừu kêu be be ở phía sau, 3 người đàn ông đang lột những bộ lông của chúng. Bác tài của tôi quăng dây thòng lọng, kéo một con cừu ra khỏi đàn, trói chân của nó lại và đặt trước chân tôi. Ông nhấn vào tay tôi cái máy cắt lông cừu, tôi lột nó trần truồng ra.

Trong trại nuôi cừu ở Úc. Ảnh: Amrai Coen

Từ con đường trải nhựa, tôi chỉ cần rẽ phải là không còn đi trên Banana-Pancake-Trail nữa. Bất chợt tôi có cảm giác mình đang "đi du lịch".

Lễ hội hóa trang, Bolivia, ngày 199

Chiến tranh 1 tuần liền. Người dân địa phương biến những xe thùng của họ thành xe phun nước, chất trứng sống và bình xịt kem lên. Bom màu bay từ trên ban công xuống. Từ trên sân khấu tôi chụp ảnh những người phụ nữ trong bộ lông chim sặc sỡ đang nhảy múa theo điệu nhạc.

"Máy ảnh tốt quá. Coi chừng đó, họ hay ăn cắp lắm", người đứng cạnh tôi nói. Tôi cất cái máy ảnh, dấu cái túi bên trong áo khoác. Ông ta đưa cho tôi một chai bằng nhựa, mời tôi uống thử một ngụm. Nó trông giống như nước ép trái cây có vitamin. Không, cảm ơn. Ông ta thất vọng. Thôi được, mọi người khác cũng uống cơ mà. Nước uống có vị rượu và đường.

Xe hỏng ở Bolivia. Ảnh: Amrai Coen

Tức bụng, tôi đi tìm nhà vệ sinh, dòng người đẩy tôi đi trên đường phố. Một cái giật ở phía sau lưng. Tôi lôi cái túi xách ra trước bụng, nó trống rỗng. Áo khoác bị rạch, máy ảnh bị đánh cắp. Khắp nơi đầy những người là người, họ uống rượu, nôn mửa, đứng tiểu từ trên khán đài. Không ai nhìn thấy. Tôi phải nôn.

4 giờ sáng, âm 4 độ, tôi tìm hơi ấm trong nhà thờ. Một gã vô công rồi nghề ngồi kế cạnh tôi. Một gã điên hôn chân mục sư và kêu gào xin tha tội. Câm mồm đi, tôi muốn ngủ. Ảnh của tôi đã bị lấy mất.

7 giờ sáng, phòng chờ nhà ga. Những người khác ăn sáng với thịt nướng và khoai tây chiên, tôi khuấy trà hoa cúc. Chuyến buýt đầu tiên sắp đến, tôi chỉ muốn đi khỏi đây. Tôi căm thù lễ hội hóa trang.

Đường Tử thần, Bolivia, ngày 211

Con đường của thần chết dài 64 km và thường chỉ rộng 3 m. Một dãy bụi nằm trên những sườn núi dốc đứng. "Lonely Planet" viết rằng "nó là con đường nguy hiểm nhất thế giới".

Nó nối liền vùng Amazon ở phía Bắc của Bolivia với thủ đô La Paz , người đi buôn dùng nó. Tròn 200 người tử nạn hàng năm trên đoạn đường này: nông dân, tài xế lái xe tải và dân du lịch ba lô thích mạo hiểm.

Sau khi ăn sáng xong tôi bước lên một chiếc xe buýt nhỏ mang tôi và 19 người thích mạo hiểm khác lên đèo La Cumbre. Trên mui xe là xe đạp của chúng tôi. Chúng tôi mang áo khoác cộc tay có phản xạ, đội mũ đi xe đạp. Hết xe buýt này lại có xe buýt khác đến.

Đường rải đá cuội xóc kinh khủng, một hòn đá nhọn, lốp trước của tôi nổ. Cả nhóm phải chờ, người dẫn đường thay ruột xe. Xe đạp của "Eco Adventure Bolivia" đi ngang qua, để chúng tôi ngồi lại trong một đám mây bụi.

Chúng tôi đi qua sương mù, qua sông, thác nước, đi vào rừng. Độ cao giảm, cây cối nhiều thêm.

Trước phần nguy hiểm của đoạn đường, người hướng dẫn lầm bầm cầu nguyện và làm dấu thánh giá.

Người Bolivia đi ngược hướng bấm còi, hàng đống chuối trên thùng xe. Đường chỉ có 1 làn xe, chỉ toàn là khúc cua. Vực thẳm bên trái sâu hàng km, ở dưới đó là địa ngục. Không có thanh chắn bảo vệ. Xác ô tô nằm trên sườn núi, thánh giá viền quanh đại lộ tử thần. Sau một lúc lâu tôi ngưng không đếm chúng nữa. Tôi cảm thấy mình trông rất buồn cười trong cái áo khoác của tôi.

Ngồi sau mỗi khúc quanh chữ chi là một người chụp ảnh. "Cheeeese!" Sau 7 giờ chúng tôi nhận được giấy chứng nhận, một đĩa CD ảnh và một cái áo thun màu vàng có dòng chữ "I survived the death road".

Phan Ba (dịch)