Nhiễm mặn tăng đột biến đe dọa môi trường sống

Nhiễm mặn tăng đột biến đe dọa môi trường sống

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Sự xâm nhập mặn trên hệ thống sông Đồng Nai Sài Gòn đang tăng đột biến, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng triệu người dân TP.HCM và đe dọa sự tuyệt chủng của nhiều loài cá quý hiếm.

Đi đánh cá được rác

Ông Nguyễn Văn Chúc (54 tuổi) là một ngư dân hơn 30 năm chài lưới trên sông Sài Gòn tại một xóm chài ở gần chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh. Ông Chúc cho biết, hơn chục năm trở lại đây, nguồn cá dưới sông Sài Gòn càng ngày càng khan hiếm. Nếu như mười năm trước, ông chỉ cần một chài quăng xuống sông là có thể bắt được hàng trăm con lớn nhỏ thì bây giờ quăng ba, bốn lần chài cũng chỉ thu về lác đác vài ba con loại nhỏ.

Để chứng minh cho những gì mình nói, ông quăng liên tiếp bốn, năm lần lưới, lần nào cũng thấy toàn bao nilon, rác thải các loại. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là lần nào ông Chúc kéo lưới lên cũng thấy cá lau kính (cá lau bể) và rùa tai đỏ, nhiều vô số kể. Ông Chúc cho biết, có người, trong một ngày bắt được cả trăm con đi bán cho tiệm cá kiểng với giá rẻ như bèo…

Ông Chúc dần ngán ngẩm: “Bây giờ đi cả ngày chỉ được mớ cá liêu riêu, may ra được 80 - 90 ngàn đồng!”.

“Giá như có thể quay lại được chục năm nhỉ, lúc đó cá to ở sông này còn nhiều lắm, bắt được cá 30, 40 ký là chuyện thường…”, ông Chúc chặc lưỡi

TS.Nguyễn Tuần - Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản II cho biết, rùa tai đỏ và cá lau kính là sinh vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm, sự tàn phá của chúng cũng chẳng khác nào ốc bươu vàng. Song, không chỉ có cá lau kính, rùa tai đỏ, trên các con sông ở Sài Gòn còn có nhiều “sát thủ” khác… Chính những loài này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh sống của các loài cá dưới lòng sông. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc khan hiếm những loài cá to trên sông này.

Xâm mặn tàn phá môi sinh

Theo ông Nguyễn Minh Giám - phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, số liệu quan trắc mới nhất bắt nguồn từ một số sông Nam Bộ đã cho thấy tình hình xâm nhập mặn ngày càng phức tạp. Tại khu vực sông Nam Bộ (giáp ranh với sông Sài Gòn) bị nhiễm mặn cao gấp nhiều lần cho phép, như sông Nhà Bè là 15 (g/lít), Vàm Cỏ Đông 4,6 (g/lít), Vàm Cỏ Tây 3,3 (g/lít)... Trong khi đó, tiêu chuẩn Việt Nam quy định độ mặn trong nguồn nước cấp sinh hoạt không vượt quá 0,25 g/lít.

Ông Giám cũng cho biết, hiện nước mặn đã lấn sâu những con kênh khu vực nội thành TP.HCM như: Kênh Đôi, kênh Tẻ nhiễm mặn 3-4 (g/lít), kênh An Hạ, kênh Xáng, nhiễm mặn 1-2 (g/lít). Tại cầu Nhị Thiên Đường (quận 8) độ mặn là 3-4 (g/lít). Khu vực Bình Chánh, mức độ nhiễm mặn cũng đạt 9 (g/lít).

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, độ mặn trên sông Sài Gòn các năm tới sẽ tiếp tục tăng. Các vùng ven sông Cần Giuộc, Chợ Đệm bao gồm: Phía Nam huyện Bình Chánh, quận 8, 6, 4 do dao động triều trung bình, nước mặn còn có khả năng vào sâu hơn, kết hợp với nhiễm chua, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Ngoài ra, cách bãi rác Đông Thạnh 4-5 km là đoạn cầu Sập (phường Tân Thới An, quận 12), rác nổi khắp mặt sông, nước sánh đặc. Gần đến bãi, lòng sông càng thu hẹp và nước đen, quánh hơn. Tại đoạn bến phà An Nhơn, giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Theo các chuyên gia, bước đầu chỉ có thể khẳng định nước sông bị đen, có mùi hôi và váng dầu.

Tình trạng nhiễm mặn và ô nhiễm môi trường đáng báo động này là yếu tố chủ chốt khiến các loài “thủy quái” quý hiếm dần biến mất trên sông Sài Gòn.

Đăng Văn