Quang Phùng - tay máy 'của hiếm' trong làng nhiếp ảnh

Quang Phùng - tay máy 'của hiếm' trong làng nhiếp ảnh

Thứ 4, 18/09/2013 | 09:49
0
Ít ai biết rằng, ông lão hơn 80 tuổi ấy, hàng ngày vẫn đi bộ từ nhà mình ở xóm Hạ Hồi, Hoàn Kiếm, Hà Nội lang thang khắp các phố phường Thủ đô, để ghi lại những khoảnh khắc đẹp...

Tại lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013, diễn ra ngày 29/8/2013 vừa qua, nhiếp ảnh gia Quang Phùng đã đoạt giải thưởng lớn cho những đóng góp thầm lặng của ông khi ghi lại cuộc sống thường nhật ở Hà Nội nhiều năm nay.

Mỗi bức ảnh,mỗi cuộc đời

Gần 10 năm chụp ảnh và gắn bó với phố phường Hà Nội, mỗi ngày nhiếp ảnh gia Quang Phùng đều thấy Hà Nội đẹp mỗi cách khác nhau. Vì đã từng làm ở bộ Ngoại giao, được đi đến nhiều nước, được nhìn thấy nhiều thắng cảnh đẹp nên ông có sự so sánh và nhận thấy rằng Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có vẻ đẹp tiềm ẩn. Muốn ghi lại những khoảnh khắc đời thường ấy của phố phường, của nhân dân lao động nên từ khi nghỉ hưu, ông đã trở thành một nhiếp ảnh gia.

Nhân vật - Quang Phùng - tay máy 'của hiếm' trong làng nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013.

Hiện nay, nhiếp ảnh gia Quang Phùng đã "sở hữu" trong tay hàng vạn bức ảnh đẹp về Hà Nội, đó là những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên, con người Hà Nội, hay cảnh người dân đang mưu sinh trên các con phố ồn ã, náo nhiệt. Đặc biệt, kho ảnh ấy có cả Hà Nội trong các thời kỳ chiến tranh hay những đề tài hóc búa như tệ nạn xã hội, phá hoại môi trường. Để chụp được những bức ảnh về người nghiện ma túy, ông đã phải vác máy đến những khu dân cư ổ chuột có người nghiện lân la làm quen. Dường như thần thái của ông làm người đối diện tin tưởng hơn nên ông dễ dàng làm quen với những người dính vào tệ nạn xã hội như người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, gái đứng đường... Tuy nhiên, khi chụp ảnh mỗi nhân vật, ông đều quan tâm đến thân phận, đôi khi lặng thầm dõi theo bước chân của họ mà xót xa. Họ không phải là những người vô tình đi qua ống kính của ông mà họ đã dừng lại và trở thành nhân vật trong cuộc đời nhiếp ảnh của Quang Phùng như một cơ duyên với ông.

Với mỗi bức ảnh, nhiếp ảnh gia Quang Phùng đều sáng tạo các góc chụp, bối cảnh chụp theo cách riêng của mình. Ông cho hay, mỗi tấm ảnh của ông không phải vô tri vô giác mà đó là một câu chuyện về cuộc đời nhân vật, những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên. Để có thời gian sáng tác, làm quen với nhân vật, ông đã chọn cách đi bộ thay vì đi xe đạp như trước kia. Mỗi ngày ông rời khỏi nhà từ rất sớm ra Hồ Gươm và những nơi có cảnh đẹp trên các con phố Hà Nội để chụp. Nếu để ý, nhiều người sẽ thấy rằng, có một ông lão hơn 80 tuổi, tóc bạc, vai đeo một cái túi nhỏ đựng chai nước, ngày nào cũng đeo cái máy ảnh đi quanh khu vực Hồ Gươm cả sáng, trưa, chiều để "săn" cảnh đẹp.

Theo kiến trúc sư Đoàn Đức Thành - thành viên Ban tổ chức giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013: Cách đây chưa lâu, sau trận mưa của cơn bão số 6, Hồ Gươm bị ngập nước,  nhiều nhiếp ảnh gia muốn đi chụp ảnh lại phải quay về vì nước ngập sâu. Nhưng nhiếp ảnh gia Quang Phùng ngày nào cũng ra Hồ Gươm để chụp ảnh. Do không thể di chuyển bằng xe, nên ông đã lần từng bức tường của nhà dân quanh phố để chụp những bức ảnh đáng giá khi Hồ Gươm bị ngập nước. Chia sẻ về điều này, nhiếp ảnh gia Quang Phùng cho hay, ông không quản ngại vất vả để ghi lại những bức ảnh tự nhiên nhất. Ông sẵn sàng ngày nào cũng ra Hồ Gươm để chụp những tấm ảnh đẹp với bối cảnh chân thực nhất.

Nhân vật - Quang Phùng - tay máy 'của hiếm' trong làng nhiếp ảnh (Hình 2).

 Nhiếp ảnh gia Quang Phùng phát biểu tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013.

Có người gọi tôi là lão gàn

Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Quang Phùng không chỉ làm xúc động những khán giả trong nước, mà nhiều người nước ngoài cũng thích. Ảnh của ông đậm chất Hà Nội với những gánh hàng rong, những phố phường tấp nập hay phản ánh những tiêu cực của xã hội như ma túy, mại dâm, môi trường... Những bức ảnh sinh động, chân thực ấy là cuốn nhật ký của xã hội hiện đại,  nhiều người nhìn vào để có sự cố gắng trong cuộc sống và hướng thiện hơn. Kho ảnh của ông chính là những tư liệu sống động về Hà Nội cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng tâm sự rằng, chính họa sĩ Bùi Xuân Phái đã dẫn dắt ông vào nghề nhiếp ảnh. Ông từng theo chân họa sĩ Bùi Xuân Phái đi vẽ ở phố cổ Hà Nội. Chính những lần đi cùng ấy đã dấy lên trong ông tình yêu với Hà Nội, với những con phố rêu phong và những phận người bình dị. Với ông, Hà Nội là nguồn sáng tác vô tận và phong phú. Khi chụp những bức ảnh về Hà Nội, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến đó là con người, là sự đối xử nhân văn và hào hoa cùng những người đang sống trên đất Tràng An.

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng kể về việc nhiều người cứ thấy ông lang thang khắp các con phố Hà Nội, đi chụp cảnh nọ, người kia thì bảo ông là lão gàn dở, cứ đi chụp những bức ảnh không được trả tiền, mà ngày nào cũng rong ruổi trên các phố tìm tòi. Khi nghe những lời ấy, ông không tự ái mà hiểu rằng có người chưa hiểu mình nên mới nói vậy. Bởi với mỗi người nghệ sĩ,  niềm vui và đam mê là được thỏa sức sáng tạo với những điều mình thích mà không cần ai trả công.

Để chụp được một tấm hình đẹp, theo ông, không phải lần nào cũng thành công, có bức ảnh, ông phải chụp 10 ngày, thậm chí 5 tháng mới được như ý muốn. Vì không phải khoảnh khắc nào cũng giống nhau. Mỗi khi đi chụp về, ông đều xem lại ảnh  và nếu ảnh bị cháy, hỏng, ông phải tìm ra nguyên nhân để lần chụp sau tốt hơn. Với 10 năm cầm máy chuyên nghiệp, ông bật mí rằng, Hồ Gươm đẹp nhất là trong cơn mưa, sau cơn mưa và dưới nắng quái chiều hôm. Đó cũng chính là những khoảnh khắc sáng tạo nhất của người nghệ sĩ. Ông đã từng cho một người nước ngoài xem bức ảnh "Mưa Hồ Gươm" và người đàn ông ấy đã nhận xét rằng: "Tôi đã đi bốn biển, năm châu nhưng tôi thấy không đâu bằng Hà Nội bởi ở đây có nét trầm mặc, pha chút hiện đại rất hài hòa mà không thành phố nào trên thế giới có được...".   

Kỷ niệm khó quên

Có những hôm nhiếp ảnh gia Quang Phùng đi theo những người bán hàng rong. Rồi ông đến tận nơi họ sốngå, xem họ ăn ở và chữa bệnh ra sao, nên ông đã phần nào hiểu được tâm tư của họ. Có lần ông hỏi một bà cụ bán hàng 84 tuổi ở phố cổ: "Cụ ơi, quê cụ ở đâu mà cụ lại mưu sinh thế này". Bà cụ đã trả lời: "Ở đâu mưu sinh được, bán hàng được là quê hương ông ạ. Với tôi, đất nào nuôi tôi, vỗ về tôi thì đấy là quê hương...". Câu trả lời của bà cụ bán hàng đã ám ảnh nhiếp ảnh gia Quang Phùng, từ đấy, ông thường xuyên quan tâm đến những người lao động hơn bởi họ là những người rất đáng quý, biết dùng sức lao động của mình để kiếm những đồng tiền chân chính, lương thiện...

Lập tủ ảnh vì giải thưởng Bùi Xuân Phái

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng cho biết, sau khi nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2013, ông sẽ lập một tủ ảnh gồm những bức ảnh về Hà Nội, về con người Hà Nội với những hình ảnh chân thực, tự nhiên nhất có sức lay động đến người xem, những gì đẹp đẽ, văn minh của Hà Nội sẽ được nhân lên, để Hà Nội đẹp hơn trong mắt mọi người. Với những sáng tạo nhiếp ảnh ở tuổi 84, nhiếp ảnh gia Quang Phùng đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, ở tuổi nào cũng vậy, cứ có niềm đam mê và sức khỏe thì người nghệ sĩ sẽ vẫn cống hiến được những trái ngọt cho đời.        

Lạc Thành

Nhiếp ảnh gia Việt Nam đoạt giải ảnh lớn nhất thế giới

Thứ 5, 12/09/2013 | 14:17
HIPA - một trong những giải ảnh lớn nhất thế giới với tổng giá trị giải thưởng lên tới 248.000 bảng Anh/năm (tương đương 8,3 tỉ VND) vừa công bố danh sách những người thắng giải, trong đó có một nhiếp ảnh gia đến từ Việt Nam.

10 cuộc tình 'siêu mẫu - nhiếp ảnh gia' nổi tiếng

Thứ 4, 07/08/2013 | 08:38
Trong giới thời trang, có những cặp nhiếp ảnh gia - siêu mẫu gắn bó với nhau và cùng trở thành huyền thoại. Họ vừa là nguồn cảm hứng vừa là tình nhân của nhau.

‘Ngôi sao triển vọng’ của các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế

Thứ 2, 03/06/2013 | 07:45
Đến với nhiếp ảnh như một cuộc dạo chơi để thoả mãn niềm đam mê nên Nguyễn Hoàng Hiệp khiến nhiều người bất ngờ khi mới ở tuổi 21, anh đã vinh dự đoạt giải Nhất cuộc thi Sony World Photography Awards 2013 (SWPA).

'Gai người' với những khoảng khắc sáng tối trong nhiếp ảnh

Thứ 4, 27/03/2013 | 10:39
Trong bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh, ảnh đen trắng, chụp bằng máy cơ xác lập một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt mà không phải ai cũng có khả năng theo đuổi. Chuyện mất cả chục năm trời đi lại trên cùng một địa điểm chỉ để có một bức ảnh ưng ý là điều không hiếm.

Nhiếp ảnh gia kể về bộ ảnh nude cuối cùng của Marilyn Monroe

Thứ 7, 23/03/2013 | 10:04
Đó là tiết lộ của nhiếp ảnh gia danh tiếng Bert Stern, người đã thực hiện bộ ảnh mát mẻ cho nữ minh tinh Marilyn Monroe chỉ 6 tuần trước khi cô qua đời.

Người nghệ sỹ nhiếp ảnh nửa đời gắn bó cùng Sếu đầu đỏ

Thứ 5, 07/02/2013 | 11:43
Đến với nhiếp ảnh trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng lòng đam mê đã giúp nghệ sĩ (NS) Vũ Hân vượt qua mọi trở ngại và đạt được nhiều thành công trên lĩnh vực này.