Nhiều độc tố

Nhiều độc tố "tử thần" trong thịt cóc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Theo dân gian, thịt cóc được sử dụng để chữa chứng còi xương cho trẻ hoặc giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục nhưng độc tố có trong cóc rất lớn, đủ để giết chết 45 người khỏe mạnh.

Thịt cóc rất dễ gây ngộ độc

Ở loài cóc, các tuyến trên da bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian còn gọi là "nhựa cóc" - đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng huyết áp. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.

Ở người, hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc. Tuy nhiên, khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng…

Theo một bác sĩ Đông y, việc ăn thịt cóc rất dễ xảy ra ngộ độc. Đây thường là các ca ngộ độc nặng, có thể tử vong ngay tại nhà hoặc y tế cơ sở, kể cả cơ sở y tế có điều kiện hồi sức cấp cứu tốt. Bởi, trong nọc cóc có nhiều độc tố như các độc tố có hoạt tính trên tim bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt hoặc các bộ phận của cơ thể cóc, các đồ ăn, uống, nấu với cóc thường có các biểu hiện: Loạn nhịp tim, tụt huyết áp hoặc đôi khi làm tăng huyết áp, khó thở, thở yếu, ngừng thở, co giật, ảo giác, buồn nôn...

Điều đáng nói ở đây là phần lớn đối tượng sử dụng thịt cóc hay bột cóc là trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng hoặc người bệnh suy nhược, cần bồi bổ sức khỏe. Và chắc chắn là ở những đối tượng này, sức chống chọi với chất độc của cóc sẽ kém hơn nhiều so với người khỏe mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng thừa nhận, thịt cóc đúng là một thực phẩm rất giàu đạm và kẽm, vì vậy có tác dụng bồi bổ sức khỏe.

Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng, chỉ nên sử dụng sản phẩm chế biến sẵn có cấp phép đàng hoàng (Viện Dinh dưỡng cũng có mặt hàng này), không nên tự làm hoặc mua của hàng bán rong vì không có gì đảm bảo là chất độc không bị dính sang thịt.

Chứa nhiều giun sán, ký sinh trùng

Hầu hết người dân đều biết cóc có độc nhưng vẫn có không ít người sử dụng do chủ quan, tin vào sự cẩn thận của mình. Đó chính là lý do các ca ngộ độc cóc vẫn xuất hiện. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khẳng định nọc cóc có nhiều chất độc. Các chất độc này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan cóc.

Thịt cóc không chỉ chứa các chất độc, trên thân con cóc cũng chứa nhiều giun sán, ký sinh trùng do cóc sống trong những hang hốc ẩm ướt, không có lợi cho cơ thể của con người. Đó là chưa kể, cóc là loài vật có ích, ăn côn trùng, sâu bọ, nếu bắt làm thịt đại trà thì sẽ làm mất cân bằng sinh thái.

Vì vậy, nếu đã có điều kiện mua cá, thịt... thì không nên dùng thịt cóc. Việc ăn thịt cóc, trứng cóc mà có người ngộ độc, có người không, có người ăn lần này an toàn, lần khác lại ngã bệnh được.

Bác sĩ Duệ lý giải: "Những lần ăn không bị ngộ độc là do những phần thịt cóc và gan cóc không chứa độc tố. Nhưng nếu quá trình làm thịt cóc bất cẩn, chỉ cần để một giọt nhựa cóc dính vào thì nguy hiểm cho tính mạng con người vì độc tố trong nhựa cóc không bị nhiệt phân hủy trong điều kiện nấu nướng nên sẽ gây ngộ độc".

Ngày nay, khi đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện, những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt cóc hoặc hơn thịt cóc như gà, ếch, tôm cua hay trứng gia cầm là những loại thực phẩm dễ kiếm, dễ mua, giá thành rẻ hơn rất nhiều với các sản phẩm từ cóc mà lại rất an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dùng. Vì thế, người dân nên tránh xa các thực phẩm chế biến từ thịt cóc.

Các chuyên gia sức khỏe khuyên, tốt nhất là loại thịt cóc ra khỏi danh sách thực phẩm của gia đình. Nếu lỡ dính chất nhầy bài tiết của cóc vào tay, mắt, miệng..., nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch.

Trong trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa, sau khi đã kích thích cho nạn nhân nôn mửa, nên đưa đến bệnh viện súc rửa dạ dày, dùng than hoạt tính hấp phụ bớt chất độc còn sót lại. Trong trường hợp ngộ độc nặng, có thể tiêm tĩnh mạch một liều cao thuốc chống suy tim.

Công Thư