Nhiều người không dám tố cáo vì sợ bị đối tượng trả thù

Nhiều người không dám tố cáo vì sợ bị đối tượng trả thù

Thứ 3, 14/03/2017 | 13:31
0
"Tất cả người tố cáo đều có tâm lý sợ bị trả thù. Do đó, phải rõ ràng, khi tố cáo được bảo vệ ra sao, làm rõ trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan đơn vị", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.

Sáng 14/3, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 8, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã cho ý kiến vào luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tố cáo.

Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là về hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh (không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo), thời hiệu tố cáo, hình thức tố cáo...

Xã hội - Nhiều người không dám tố cáo vì sợ bị đối tượng trả thù

 Ông Phan Thanh Bình phát biểu tại một phiên họp.

Cho ý kiến về những nội dung này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vấn đề lợi dụng tố cáo hiện nay chưa có xử lý cụ thể, thậm chí có những ý kiến cho rằng có cả loại bệnh tâm thần phân liệt thể khiếu kiện (tức là khiếu kiện một cách triền miên). Như thế là không tốt và cần có quy định cụ thể để xử lý.

Ông Bình cũng đề cập đến việc phục hồi quyền lợi của người bị tố cáo sai chưa được đặt ra. “Đây không chỉ là vấn đề danh dự mà còn nhiều vấn đề khác, đề nghị bổ sung nội dung này”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.

Riêng về hình thức tố cáo qua các phương tiện thông tin hoặc tố cáo nặc danh, vị Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, trong xã hội hiện nay với công nghệ thông tin phát triển, không phải ai cũng muốn nêu tên mình khi tố cáo. “Ngay cả ở một trường học, giáo viên không dám tố cáo hiệu trưởng của mình nói gì đến những việc khác. Thế giới phẳng là công cụ để người dân khẳng định ý kiến của họ. Do vậy, tôi nghĩ nếu bỏ tố cáo nặc danh, e rằng bỏ qua nhiều vụ việc”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng cho rằng, dù là đơn tố cáo nặc danh nhưng có minh chứng, bằng chứng cụ thể cần được xem xét. Còn những thông tin tào lao cần loại bỏ.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình với ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu trước đó cho rằng, tố cáo cần đàng hoàng, tố cáo kiểu chọc gậy bánh xe, ném đá giấu tay phải xử lý nghiêm túc khi phát hiện. Tố cáo sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác. "Có người nói với tôi, cái gì có thể bỏ nhưng tố cáo không bỏ được. Thế là coi tố cáo như một nghề, ảnh hưởng rất nghiêm trọng", ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho rằng, Nhà nước sẵn sàng đón nhận, giải quyết những bức xúc của nhân dân, nhưng không thể tố cáo triền miên, thiếu căn cứ, mất rất nhiều thời gian của cơ quan pháp luật. Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ người tố cáo. “Đây là điều rất tốt nhưng bảo vệ thế nào là điều rất quan trọng”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thống nhất với tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, ông đề nghị rà soát để bao quát toàn diện hơn trong phạm vi điều chỉnh của luật.

“Tôi nghĩ rằng, tố cáo phải bằng văn bản, chức danh, nếu không sẽ rất khó cho công tác thanh tra, kiểm tra. Về tố cáo nặc danh, mạo danh, tôi đồng tình với Chính phủ nhưng phải làm rõ hơn mạo danh, nặc danh. Nếu nặc danh mà có thông tin chính xác thì cần có điều chỉnh để đưa vào kiểm tra sẽ tốt hơn", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.

Ông cũng đề cập đến sự cần thiết của việc bảo vệ người tố cáo. Tất cả người tố cáo đều có tâm lý sợ bị trả thù. Do đó, phải rõ ràng, khi tố cáo được bảo vệ ra sao, làm rõ trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan đơn vị, làm sao để người tố cáo yên tâm.

Nếu còn tình trạng đối tượng bị tố cáo tìm đến răn đe là không có người dám tố cáo. Do đó, cần quy định rõ và nghiên cứu đảm bảo làm rõ cơ chế phối hợp giữa cơ quan đơn vị trong công tác này.

Ông Bùi Nguyên Súy, ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, thực tiễn mới chỉ xem xét, giải quyết người bị tố cáo, còn bảo vệ người tố cáo và tố cáo sai chưa có quy định cụ thể.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề cập đến việc người tố cáo chưa hiểu luật, cần phổ biến tuyên truyền tốt hơn để công dân hiểu.

Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng: Bảo vệ người tố cáo chưa tốt nên nhiều người ngại tố cáo đích danh sợ trả thù. Do đó, cần xem xét và có những quy định bảo vệ cụ thể, hiệu quả.

Đưa ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận ban soạn thảo, ủy ban thẩm tra đã có chuẩn bị kỹ về dự thảo luật sửa đổi. “Có những thông tin tố cáo đọc lên như khủng bố tinh thần người tiếp nhận đơn thư tố cáo. Do đó, cần quy định cụ thể, gửi tin nhắn, tố cáo đúng người, đúng cơ quan. Cần nghiên cứu kỹ Luật, tránh mâu thuẫn với các dự luật hiện hành”.

Dương Thu (ghi)

Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.