25.000 SV thất nghiệp ở Thanh Hoá: Đào tạo đang chệch hướng?

25.000 SV thất nghiệp ở Thanh Hoá: Đào tạo đang chệch hướng?

Thứ 2, 08/04/2013 | 14:45
0
Theo số liệu vừa công bố của sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013 toàn tỉnh có khoảng 25.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Đây có thực sự là con số khiến cho các nhà giáo dục phải "giật mình" về thực tế đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay?

Các trường vẫn chạy theo chỉ tiêu và lợi nhuận

Thực trạng đào tạo đại học, cao đẳng ở Việt Nam đang "có vấn đề không" phải là chuyện bây giờ mới bị đưa ra mổ xẻ, ngay tại các kì họp Quốc hội, các đại biểu cũng đã đề cập nhiều tới việc đào tạo cần phải theo chất lượng thay vì số lượng như hiện nay.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Trao đổi với phóng viên, GS. Phạm Minh Hạc cho biết: "Dưới cái nhìn của nhà nghiên cứu giáo dục, chúng ta cần phải xem xét vấn đề một cách kĩ hơn. Con số 25.000 là số sinh viên thất nghiệp trong nhiều năm hay là số sinh viên thất nghiệp trong một năm? Nếu là một năm thì tổng số sinh viên ra trường trong một năm đó của tỉnh là bao nhiêu? Chúng ta phải có những số liệu cụ thể hơn để tính tỉ lệ sinh viên thất nghiệp. Nếu tỉ lệ chênh lệch là 30% hoặc 50% thì nguy hiểm quá. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, xã hội và nhất là khâu giải quyết việc làm. Nếu tỉ lệ là 10% thì câu chuyện sẽ theo hướng khác. Các nước trên thế giới cũng có tỷ lệ này chứ đâu riêng gì Việt Nam, thậm chí tỉ lệ thất nghiệp ở châu Âu là 14%. Trong khi đó kinh tế của ta không phát triển bằng họ thì nếu tỉ lệ là 10% không phải con số quá lo ngại". Cũng theo GS.Phạm Minh Hạc, chúng ta còn phải so sánh tỷ lệ giữa số sinh viên thất nghiệp với tổng số dân trong tỉnh đó. Con số tính toán trên thực tế sẽ cho cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay. "Nghĩa là khi đánh giá vấn đề này chúng ta phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Con số 25.000 sinh viên thất nghiệp vốn chưa nói lên điều gì cả", GS.Hạc cho biết.

Xã hội - 25.000 SV thất nghiệp ở Thanh Hoá: Đào tạo đang chệch hướng?

Thất nghiệp đang là nỗi lo chung của rất nhiều sinh viên (Ảnh minh họa).

Thực tế sinh viên ra trường hiện nay rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm nhưng các trường ĐH, CĐ vẫn tiếp tục mở thêm các ngành đạo tạo mới mà không tính đến bài toán đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội), ngay từ năm 2004, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XI, ông đã báo cáo trước Quốc hội: "Về nhu cầu nhân lực, hiện cả nước có khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần từ 5% - 7% cán bộ có trình độ ĐH, 8% cán bộ có trình độ CĐ, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Giả sử mỗi năm có thêm 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ ĐH, CĐ về hưu cần được thay thế chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng mỗi năm khoảng 13.000 đến 15.000 cán bộ là đủ. Trong khi đó, mỗi năm các trường ĐH và CĐ trong cả nước hiện nay đã cho ra trường trên 200.000 người. Tới nay, số sinh viên ra trường mỗi năm đã gấp đôi con số này".  

Cũng theo GS.Thuyết: “Năm 2004, tỉ lệ sinh viên ĐH, CĐ trên số dân toàn cầu chỉ là 100/10.000 người. Tỉ lệ này ở Trung Quốc là 125/10.000; còn ở nước ta đã là 129/10.000. Trong khi đó, ở Trung Quốc, cứ 200 người dân thì có một doanh nghiệp; còn ở nước ta tỷ lệ ấy là 800/1. Có thể tham khảo tỷ lệ này ở một số nước phát triển: Hoa Kỳ - 10/1; Singapore - 4/1. Vì vậy, nước ta chưa thể áp dụng quan điểm "đại học đại chúng" theo hướng tăng số lượng sinh viên, số trường ĐH và CĐ".

Lý giải thực tế đào tạo đại học ồ ạt như hiện nay GS.Phạm Minh Hạc cho hay: "Hiện nay các trường vẫn đang chạy theo chỉ tiêu và lợi nhuận kinh tế. Nhiều trường cứ việc dạy, thu tiền còn sinh viên học và ra trường làm gì thì họ chẳng mấy quan tâm. Điều này tạo ra những hậu quả khó thể lường khi mà việc đào tạo không còn theo mục tiêu đào tạo nữa. Khi mà mục tiêu giáo dục không được đảm bảo thì yếu tố nguồn lực cho đất nước tất nhiên sẽ không đảm bảo. Trong khi tại các hội nghị trung ương luôn coi giáo dục là mục tiêu hàng đầu để phát triển đất nước thì hiện nay rõ ràng mục tiêu đào tạo đang đi chệch hướng".

Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.Nguyễn Minh Thuyết cho biết: "Hiện nay giáo dục đại học của ta vẫn tiếp tục chạy theo số lượng. Hiện cả nước có trên 450 trường ĐH, CĐ. Theo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ công bố tháng 4/2011 thì tới năm 2020 Việt Nam sẽ có 573 trường ĐH, CĐ trên cả nước. Nếu theo con số trên thì chỉ trong vòng hơn 8 năm, Việt Nam sẽ phải mở thêm khoảng 123 trường ĐH, CĐ và trung cấp nữa".

Xã hội - 25.000 SV thất nghiệp ở Thanh Hoá: Đào tạo đang chệch hướng? (Hình 2).

Giáo sư Phạm Minh Hạc.

Vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực!

Tình trạng thừa đầu ra hiện nay không phải các cơ quan quản lý giáo dục không biết. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi là tại sao trong tình hình như vậy việc mở thêm trường, thêm ngành vẫn tiếp tục? Trả lời cho câu hỏi này GS.Phạm Minh Hạc cho rằng: "Hiện nay việc mở trường đại học là do Thủ tướng quyết định, mở trường cao đẳng là do Bộ trưởng quyết định và mỗi bộ đều có quyền mở trường cao đẳng của riêng mình. Theo thống kê một năm Việt Nam mở khoảng 25 trường ĐH, trong đó có tới 21 trường được nâng lên từ các trường CĐ. Thậm chí có tỉnh khoảng 2 triệu dân mà lập tới 4 trường đại học... như vậy thì nhiều quá. Các nhà giáo dục, các trí thức trong đó có tôi đã nhiều lần đề cập nhưng tình hình vẫn chưa thấy cải thiện".

GS.Nguyễn Minh Thuyết thì giải thích thêm: "Đào tạo chạy theo số lượng mà không quan tâm đến thực tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân có thể kể thêm là mong muốn cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh, thứ hạng phát triển con người của đất nước. Bởi những chỉ số về giáo dục để xếp hạng năng lực cạnh tranh, phát triển con người chủ yếu dựa trên số lượng chứ không phải chất lượng nên chạy theo số lượng là con đường ngắn nhất để cải thiện thứ hạng. Điều này cũng giống như cách dễ nhất để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP là tăng đầu tư vốn".

Theo GS.Thuyết thì việc tăng số lượng sinh viên và số trường đại học, cao đẳng không thể giải quyết được vấn đề chính yếu của nguồn nhân lực Việt Nam. Thực tế sinh viên ra trường hiện nay rất thiếu năng lực thực tiễn, đến mức có chuyên gia giáo dục đã phải nói thẳng là đại học Việt Nam chỉ cho ra được... những cái bằng. Dĩ nhiên những người tốt nghiệp ĐH như vậy sẽ rất khó tìm được việc làm và điều đáng buồn nhất là số lượng những anh em này chiếm con số không hề nhỏ. Trong khoảng 10 năm qua, số lượng sinh viên đã tăng lên 13 - 14 lần. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo sẽ suy giảm và thực tế đã chứng minh điều này.

Một nguyên nhân nữa cũng được GS.Phạm Minh Hạc nêu ra là sự đào tạo liên thông một cách bừa bãi đến mức bộ GD&ĐT phải siết chặt việc mở liên thông từ các cấp ĐH xuống dưới cấp CĐ và trung cấp. Chúng ta phải thực hiện chính sách đào tạo liên thông theo đúng nghĩa (tức là liên thông để nâng cao trình độ chứ không phải để lấy tấm bằng ĐH). Việc mở liên kết từ đại học xuống các trường trung cấp nghề như hiện tại có nhiều điều bất hợp lý. Mỗi cấp đào tạo cần phải có nhiệm vụ và vai trò riêng của mình. "Nếu cứ để đào tạo như vậy sẽ dẫn đến việc sinh viên ra trường rơi vào tình cảnh công nhân không ra công nhân, kĩ sư không ra kỹ sư. Như vậy rõ ràng là lợi bất cập hại" - GS.Hạc chia sẻ.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Đáng tiếc là việc đào tạo ĐH chạy theo số lượng vẫn được khẳng định trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế. Đại hội đã nêu rõ Đại hội "thông qua Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020", trong đó có chỉ tiêu "Đến năm 2020, số sinh viên đạt 450 trên một vạn dân". Cho đến nay dư luận vẫn chưa biết nguyên nhân thực sự nào khiến chúng ta theo đuổi chính sách này. Chắc chắn điều này cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm cụ thể".          

Sinh viên thất nghiệp do đào tạo tràn lan

Ông Nguyễn Văn Long, phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (sở GD&ĐT Thanh Hóa) cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến số sinh viên thất nghiệp nhiều như hiện nay là do việc đào tạo bây giờ mở rộng rất lớn. Việc xác định chỉ tiêu lại do các trường tự quyết định trên cơ sở số lượng giáo viên, cơ sở vật chất... dẫn đến tình trạng tuyển sinh tràn lan, ồ ạt. Ngoài ra còn thêm sinh viên vừa học vừa làm khiến số lượng sinh viên vốn đã lớn nay càng nhiều lên trong khi kinh tế khó khăn, nhu cầu việc làm tất yếu giảm xuống”.

Phạm Thiệu

Kinh tế khó khăn, thất nghiệp tăng chóng mặt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm đầy khó khăn. Trong xu thế kém phát triển của nền kinh tế, hàng loạt các công ty, doanh nghiệp đã tự gạch tên mình ra khỏi cuộc chơi, điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ người thất nghiệp tại Việt Nam cũng tăng lên một cách nhanh chóng.

Cả nước có gần 1 triệu người thất nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
– Cho đến thời điểm cuối năm 2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động (trong đó 70% là lao động thuộc khu vực nông thôn) nhưng lại có tới 984.000 người thất nghiệp, chiếm 2,01% và 1.369.000 người thiếu việc làm, chiếm 2,74%.

Các chiêu lừa việc làm nổ rộ “mùa thất nghiệp”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Sau khi đóng tiền đặt cọc, một tuần sau Trung quay lại thấy công ty đã cửa đóng then cài.

Việt Nam còn nặng vấn đề bằng cấp

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Tiếp theo Đà Nẵng, mới đây là tỉnh Nam Định đã gây xôn xao dư luận khi công bố không tuyển công chức là những sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức. Thông tin này ngay lập tức đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Nếu GS Ngô Bảo Châu và Bill Gates đi xin việc ở Việt Nam

Thứ 2, 08/04/2013 | 08:07
Dưới con mắt của nhiều người nước ngoài, công chức Việt Nam là nghề sướng nhất. Sướng là bởi vì, như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân phúc nói, có tới 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về, có cũng được mà không có cũng được...