"Nhịp đập" mới cho trái tim nhân tạo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra một bước đột phá mới trong phòng thí nghiệm khi lần đầu tiên tiến hành nuôi cấy tim người. Bước tiến này đã mở ra một trang lịch sử mới trong lịch sử y tế nhân loại và đem tới hy vọng cho những người mắc bệnh tim.

Bước đột phá này đã được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Minnesota (Mỹ) tiến hành. Nếu mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp và theo đúng kế hoạch thì trong vài tuần tới trái tim nhân tạo đầu tiên trên thế giới sẽ đập những “nhịp điệu” đầu tiên.

Rất nhiều khó khăn

Các nhà khoa học trên thế giới từ lâu đã có khái niệm về nuôi cấy các cơ quan nhân tạo nhằm mục đích phục vụ con người. Vào năm 2007, một nhóm các nhà khoa học Anh đã cố gắng chiết xuất từ tủy xương của những bệnh nhân bị tim tế bào gốc để nuôi dưỡng tim nhân tạo, tuy nhiên thí nghiệm này đã không thành công.

Trái tim nhân tạo đầu tiên trên thế giới

Một năm sau đó, lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc trường Đại học Minnesota (Mỹ) đã thành công trong việc tạo ra trái tim nhân tạo cho động vật. Họ đã nuôi cấy thành công tim nhân tạo của chuột và lợn theo đúng phương pháp trên. Tuy nhiên, những quả tim này khi đưa vào hoạt động đã không phát huy tác dụng vì nhịp đâp quá yếu, vì thế chưa thể cấy ghép vào cơ thể động vật. Nhưng đây là cơ sở để các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm nuôi cấy nhân tạo tim người.

Theo Tiến sỹ Doris Taylor- người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Minnesota cho biết: Nhóm nghiên cứu đã tạo ra tim nhân tạo bằng cách loại bỏ các tế bào cơ trên tim của người hiến tặng. Sau đó, họ tiến hành tiêm tế bào tim gốc của người bệnh vào phần tim đã được loại bỏ tế bào cơ để nuôi cấy thành các tế bào cơ tim khỏe mạnh. Cũng theo vị tiến sỹ này thì cách làm này không những chỉ áp dụng với tim mà còn có thể tiến hành trên các bộ phận khác của cơ thế như phổi, thận, gan…

Cũng tham gia vào công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học đến từ trường Đại học New Orleans cho biết thêm: “Quá trình nuôi dưỡng một trái tim nhân tạo vô cùng phức tạp. Số lượng tế bào gốc được đưa trực tiếp vào quả tim nhân tạo này lên tới con số hàng triệu, mà không phải tế bào nào cũng có cách nuôi dưỡng giống nhau. Các tế bào gốc phải ‘nhận ra’ được protein gốc của tim. Nếu làm được như thế chúng mới phân chia và sinh trưởng được. Vì thế, vẫn còn rất nhiều thử thách cần vượt qua để tạo ra một cơ quan có đầy đủ chức năng như một quả tim”.

Tốt hơn cả ghép tim thật

Các nhà khoa học tham gia vào dự án này cũng cho biết thêm, với cách thức nuôi cấy này họ đang rất hy vọng trái tim nhân tạo đầu tiên trên thế giới sẽ được đập trong thời gian sớm nhất. “Chúng tôi rất hy vọng trái tim này sẽ được đập vào vài tuần tới,. Khi đưa vào sử dụng nó còn có chức năng như một cái ‘bơm máu’ cho cơ thể”.

Được biết, tại thời điểm hiện tại các bệnh nhân ghép tim phải dùng thuốc chống đào thải trong suốt cuộc đời. Điều này có thể khiến họ tăng nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, suy thận và đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu phương pháp nuôi cấy tim bằng tế bào gốc thành công, những bệnh nhân ghép tim sẽ không phải sử dụng thuốc chống đào thải nữa.

Hiện tại, một trong những khâu khó nhất chính là kết nối trái tim nhân tạo này với hệ thống mạch máu phức tạp trong cơ thể con người. Không những thế, với chức năng là công cụ mang ô xi đến các bộ phận khác trong cơ thể cũng không phải là nhiệm vụ đơn giản đối với một trái tim nhân tạo. Hiện nay các nhà khoa học cũng đang cố gắng nghĩ cách duy trì tốc độ đập trung bình và ổn định cho trái tim nhân tạo này.

Hải Hiền (Theo Ifeng)