Nhớ một chuyến đi

Nhớ một chuyến đi

Thứ 7, 20/04/2013 | 22:22
0
Chúng tôi xuất phát lúc 23h từ Hà Nội điểm đến sẽ là Tuyên Quang. Đêm nhìn những ánh điện cũ kỹ quen thuộc trên đường phố lướt qua, trước khi những khung cửa xe chỉ còn lại bóng tối. Chúng tôi hát, chơi một vài trò chơi, giới thiệu lẫn nhau, rồi thấm mệt và thiếp đi.

Khi chúng tôi tỉnh dậy, một dòng sông lớn hiện ra ngoài cửa kính. Ai đó trong đoàn thì thầm không đinh ninh lắm, rằng đấy là sông Gâm. Sông rộng như một dòng sông. Không bị đàn áp bởi những khối nhà, không bị phôi pha bởi một thứ màu rác rến, không phải làm vai phụ cho một cái đô thị cong cớn nào, đấy là một dòng sông.

Có lẽ mỗi dòng sông là linh hồn của nơi nó chảy qua, tôi chợt nhớ đến sông Tô Lịch. Sông Gâm xanh ngoài cửa kính, là biển chào chúng tôi đến với một miền đất khác. Linh hồn của nơi này sạch. Tôi đã luôn biết rằng ngay trong cùng một quốc gia, một thành phố, một căn nhà, cũng có những đường biên giới. Chỉ có điều đôi khi bước chân qua biên giới mà không mất phí làm visa, không bị hải quan hỏi mục đích, người ta cảm thấy hơi ngỡ ngàng.

Chúng tôi rời bờ sông, đi thêm mấy chục cây số đường độc đạo qua núi nữa, băng qua những dòng suối đổ thẳng trên vách đá xuống, những vạt nương nằm lọt thỏm giữa thung lũng như trong truyện thần tiên, những tán cây khổng lồ có cả lá cả mây, đến với những đứa trẻ đầu tiên. Chúng đang líu ríu bằng thứ tiếng của bên này biên giới.

Chúng đội những chiếc ghế nhựa trên đầu để che cơn mưa phùn lạnh, chạy túa ra cổng trường đón những người lạ. Chúng đã chờ suốt dưới mưa như thế. Ở dưới xuôi thì đã có hiệu trưởng bị phụ huynh tát hoa mày. Nhưng ở đây, mọi thứ có vẻ hoang dã đến tận cùng. Kể cả suy nghĩ của những người lớn. Trẻ con cũng không hay ốm, nên người ta để chúng tự do.

Xã hội - Nhớ một chuyến đi

Ảnh minh họa

Chủ nhiệm bảo các thầy cô cho học sinh đi về. Chương trình trao tặng quần áo thực hiện trong hội trường cũng được. Tôi theo chân bọn trẻ ra cổng. Một đứa đứng lại, hai tay giữ chặt cái ghế nhựa trên đầu, quay lại nhìn đoàn tình nguyện với ánh mắt đăm chiêu.

Trên cái ghế ghi tên em là Lâm. Lâm đang tự hỏi một điều gì đó, có thể là về ý nghĩa thực sự của những điều đang diễn ra này. Thì chính chúng tôi cũng băn khoăn với nhiều câu hỏi, mà biết rằng sẽ không bao giờ có lời đáp cuối. Chỉ biết cặm cụi làm những gì có thể. Cặm cụi vác đồ. Cặm cụi ghi chép. Cặm cụi khoác những chiếc áo lên người mỗi em. Cặm cụi hát.

Rồi cũng thấy được chút gì thoải mái và vui tươi trong từng nụ cười thơ nhỏ. Góp nhặt vậy thôi, chứ để trả lời cho hết ánh mắt băn khoăn của Lâm, để những đứa trẻ này thôi nhìn hau háu vào bánh kẹo, thôi xa lạ nhìn chúng tôi, còn cần nhiều điều lắm.

Các thầy cô mím môi buộc từng bao tải quần áo và thùng sách vở lên xe máy để chở về điểm trường của mình. Hai thầy nói chuyện với nhau: "Mấy thùng vở đấy?  Hai thùng. Sao không lấy quần áo, lấy vở làm gì?”. Tôi kể lại đoạn đối thoại ấy với đồng đội. Lại ai đó, giải thích không đinh ninh lắm, rằng quần áo thì ấm vào thân, còn vở thì có khi các em lại chỉ xé ra thôi.

Các thầy sẽ đèo đống đồ ngất ngưởng ấy, đi những con đường đất mấy chục cây số, mà có khi mưa to hơn một tý nữa, thì suối sẽ chảy mất cả đường. Tôi gọi điện cho vợ kể chuyện. Vợ học sư phạm, nhưng cũng không làm giáo viên được, đã trót cùng tôi gánh cả một đống nghĩa vụ của xã hội vật chất, nào là nhà trả góp với cước phí K+, trong đầu đã hình thành cái máy đếm tiền. Vợ bảo: "Đấy mới là người thầy anh ạ”.

Chủ nhiệm quyết định hỗ trợ thêm mỗi thầy cô đi quá 40 cây số mấy đồng nữa, gọi là tiền xăng. Vì áy náy quá. Và vì biết rằng sẽ khó lắm, gặp những người thầy như người thầy trong xã hội này.

Ở một nơi khác, tôi gặp một cô giáo khoe, rằng cô mới xin thêm được cho em học sinh cô dắt đến lễ tặng quà của chúng tôi, một cái áo nữa. Em là người Cao Lan, học trường nội trú dân tộc Chiêm Hóa. Bố mất, mẹ đi làm ăn xa, em sống một mình trong trường. Em có một cái áo bò màu xanh rêu, hơi dài tay, với một cái áo bông trắng rất vừa. Em chỉ cười mỉm, cái kiểu cười mà tôi không chịu nổi trong những cuộc hẹn hò với con gái: Nó nói rằng người ấy đã trải qua nhiều chuyện cuộc đời lắm. Em còn bé, đã cười mỉm nhẫn nại như thế rồi.

Ở một nơi khác nữa, tôi hỏi cô giáo từ xã lên, rằng cô có phải báo cáo cho huyện về tỷ lệ số học sinh nghèo, để huyện thông báo cho chúng tôi biết đường mà chia quần áo cho các em không. Không phải báo cáo em ạ, ba trăm tám mươi trên ba trăm tám mươi, nghèo hết. Chắc chắn là cô chẳng nắm được thu nhập cụ thể của ba trăm tám mươi hộ gia đình, để biết rằng ai nấy đều nghèo theo chuẩn của Quyết định 09 đâu. Cô chỉ đoán chắc rằng mình đang sống trong một cái nghèo vĩnh cửu thôi. Chắc chắn luôn là thế rồi, cô nghĩ. Ba trăm tám mươi trên ba trăm tám mươi.

Tôi hỏi ông trông văn phòng ở trường huyện, rằng có nhiều đoàn đi lên tặng quần áo như thế này không. Tôi ở đây 28 năm, chưa trông thấy những cái này bao giờ. Những cái này, có phải là gì to tát đâu. Chỉ là bộ quần áo cũ, với mấy quyển vở thôi.

Thế thì chắc em gái người Cao Lan sẽ còn mặc được đến khi cái áo bò màu xanh rêu vừa tay em.

Lần sau, chắc tôi sẽ nhắc chủ nhiệm, mặc cho các em những chiếc áo hơi dài một chút.                                                                     

Đức Hoàng

Con gái khi biết buông tay

Thứ 7, 13/04/2013 | 10:04
Có một khi nào đó bạn nghĩ về những điều đã cũ, những cuộc tình đã qua mà nhẹ bẫng như hơi thở? Ấy là khi bạn biết lòng mình đã thực sự quên, hay nói đúng hơn là biết buông tay khỏi những thứ không thuộc về mình.

Những cách thể hiện tình yêu độc nhất quả đất

Thứ 7, 06/04/2013 | 08:16
Vì tình yêu, con người ta có thể làm những điều đặc biệt.

Những chuyến đi của tuổi 20

Thứ 6, 05/04/2013 | 09:14
Tuổi 20, người ta chẳng có gì, ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới.